“TRỜI SÁNG RỒI, TA NGỦ ĐI THÔI” – BẢN TÌNH CA RẤT ĐỜI VÀ RẤT ĐỖI MỘNG MƠ CỦA TUỔI TRẺ


            “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” – ngay tên phim không gợi cho mình nhiều sự hào hứng hay liên tưởng đặc biệt bởi nó như một câu nói buột ra của cuộc tâm tình, trò chuyện, hay một lời nhắn nhủ, giục giã đầy trìu mến, yêu thương. Đó cũng là lời hát cuối cùng của phim khi Tâm gặp lại Thanh ở Đà Lạt, họ hát cho nhau nghe trước khi Tâm ra nước ngoài. Xem phim xong ta thấy cái tựa đề rất hợp nội dung vì phim chân thực, giản dị như chính đời sống, tâm tình, những khát vọng của tuổi trẻ, người trẻ đương đại sống ở các đô thị lớn. Một cái gì đó rất gần, rất thật nhưng cũng rất lãng mạn, mộng mơ, pha chút cả phiêu diêu, tài tử.
                 


          Câu chuyện trong phim khá giản dị, đời thường gồm hai mảnh ghép ứng với hai khoảng thời gian và những thay đổi trong cuộc đời của hai nhân vật chính Tâm và Thanh. Mảnh thứ nhất gắn với không gian phố phường Sải Gòn trong thời gian một ngày khi tâm rơi vào tình cảnh thất bại, bế tắc trong sự nghiệp âm nhạc thì gặp Thanh – một cô gái người Đà Lạt sau 4 năm lăn lộn ở Sài Gòn cùng nhiều nếm trải – đã chán ngán thành phố cùng công việc chạy grab bike, chuẩn bị về lại Đà Lạt. Họ gặp nhau trong một buổi sáng đẹp trời khi tâm muốn tự kết thúc cuộc đời sau khoảng thời gian tự chịu đựng, còn Thanh còn một ngày cuối cùng ở Sài Gòn. Một ngày đó, họ cùng nhau rong ruổi qua nhiều con đường, không gian Sài Gòn, giãi bày thành thật những cảm xúc, tâm tư, những nếm trải trong đời bằng âm nhạc. Một ngày đủ để họ đồng điệu và rung động, để sau này thay đổi tất cả. Mảnh ghép thứ hai là thời gian sau một năm cuộc gặp gỡ kia, Tâm tới Đà Lạt, tìm Thanh chỉ với bức tranh vẽ mẹ cô chụp ở bảo tàng Mỹ thuật thành phố trước khi anh lên đường ra nước ngoài. Sự hạnh ngộ của họ là duyên phận như Thanh nói, để họ có những khoảnh khắc trọn vẹn nhất dành cho nhau, cho những khao khát và mơ mộng, bằng âm nhạc.
          Phim nhẹ nhàng, êm ái không cao trào, không kịch tính nhưng lẩn khuất trong đó là rất nhiều vấn đề thời sự, có khi nhức nhối của người trẻ hiện đại: công việc, cuộc sống, đam mê, khát vọng, tình yêu, gia đình… Tất cả là những mâu thuẫn lớn, khó có thể giải quyết trọn vẹn, thậm chí là thất bại ê chề, là vấp ngã và cả những chấn thương nặng nề khó chữa lành trong một sớm một chiều. Những gì tuổi trẻ phải đổi mặt, nhất là công cuộc mưu sinh, là gia đình, bạn bè, đặc biệt với bản thân từ những nếm trải thất bại không hề dễ dàng. Niềm tin và những điểm tựa có khi chông chênh, có khi ngại ngùng đặt cuộc đời, sự hiện hữu của họ trong trạng thái chới với, chông chênh. Một ngày, chỉ vài tình tiết gợi song cũng đủ cho người xem thấy một quãng đời tuổi trẻ và hoàn cảnh, nỗi niềm, số phận của cả một thế hệ người trẻ đang tìm kiếm một sự nghiệp, để khẳng định mình, hiện thực hóa ước mơ và sống hết mình cùng đam mê, cảm xúc.


          Ấn tượng mạnh nhất và với mình, hay nhất của phim này là âm nhạc. Thực tế tính chất của phim như một phim ca nhạc mà diễn biến câu chuyện được dẫn dắt trên nền nhạc indie khá hấp dẫn, thấm thía. Mỗi  bản nhạc trong phim được cất lên tự nhiên, đầy ngẫu hứng, gắn với các sự kiện, tình tiết tự nhiên như chính hơi thở của cuộc sống, của cảm xúc con người. Ca từ thành lời giãi bày, thành những tiểu tự sự độc đáo, một loại diễn ngôn của cá nhân và của thế hệ, nói lên được cả những vấn đề lớn lao của xã hội lẫn những tâm tình riêng tư, sâu kín. Sự kiện ngẫu nhiên, tình cơ đưa hai bạn trẻ khắp Sài Gòn cũng là hành trình tự bộc lộ, đối thoại, đồng cảm của hai tâm hồn đang mang nhiều thương tích, một chút hoang mang, trống trải, để sống thật nhất với lòng mình. Với dụng ý đó, tác giả đã xây dựng Tâm là người theo Công giáo còn Thanh thì sống bằng sự tự lập và độc lập của bản thân. Sự va chạm của hai ý thức hệ, những suy nghĩ và tư tưởng đã khiến Tâm sống thành thực với mình, thay đổi hoàn toàn sau khi Thanh rời về Đà Lạt, biến mất đúng một năm trước khi anh tìm lại gặp cô. Với Tâm, một ngày ở Sài Gòn, lang thang khắp ngõ ngách cùng Thanh là những cuộc xưng tội, đưa ra quyết định cuối cùng là không thể quyết định vận mạng thay cho Chúa. Ba cuộc “xưng tội” của anh chàng nhạc sĩ với Thanh, với Cha sứ và với mẹ đã cho người xem cái nhìn trọn vẹn về nhân vật, một người trẻ sống hết mình với đam mê, luôn tự chịu đựng mọi hệ lụy, các vấn đề trong cuộc sống, từ quyết định của mình. Thanh đã làm thay đổi nhiều suy nghĩ tiêu cực trong Tâm, nhất là sau khi tới chùa, biết người bạn mới qua đời của cô đã dành phần tro cốt của mình cho sự sống của một cây xanh nhỏ nhoi, bình thường.
          Cùng với những ca khúc, lời thoại trong phim khá hay, đơn giản, mộc mạc, mang đậm nét trẻ trung, bông lơn, thân mật của người trẻ mà không kệch cỡm, sáo rỗng, nhạt nhẽo hay thô bỉ. Nhiều lời thoại vốn là lời nói hàng ngày của teen được sử dụng khéo léo, tinh tế, mang chiều sâu tư tưởng, triết lý. Nó thể hiện được đúng bản chất của cuộc sống, số phận mỗi con người. Góc nhìn, cách lựa chọn, thái độ ứng xử của ta sẽ quyết định đời sống, số phận của ta ra sao, chứ không phải một thế lực siêu nhiên, kỳ bí nào. Con người đến với nhau, để lắng nghe, tâm tình, thấu hiểu chứ không phải để áp đặt, không thể hy vọng thay đổi kẻ khác theo mình. Đó là lý do những lúc một mình Tâm tìm đến nhạc vì nhạc có thể khuôn theo những ý nguyện của mình, còn con người thì không thể thay đổi như thế.


          Mình rất thích diễn xuất của hai bạn này, những diễn viên chưa tên tuổi, chưa đóng đinh với vai diễn nào. Họ đã đưa người xem vào một thế giới, không khí phim rất mộc, tự nhiên, trong trẻo, lãng mạn, rất đời, rất đẹp và mơ mộng. Mình được biết phim này thu trực tiếp các bản nhạc trong quá trình quay chứ không hề qua phòng thu lại. Điều đó càng khiến mình xúc động vì những cảm xúc trong cử chỉ, ánh mắt, lời nói và nhất là những lời hát của các bạn ấy. Dường như hai nhân vật đang cho người xem thấy đời sống của mình, của những người trẻ cùng lứa, và một phần tuổi trẻ đã qua của thế hệ trước trong đó. Một ngày ngắn ngủi mà qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, những biến cố của tuổi thanh xuân sôi nổi, đặc biệt là những rung động tinh khôi khiến mỗi người xem sẽ thấy cuộc đời đẹp, tuổi trẻ dễ thương, tràn đầy năng lượng, để mở lòng bỏ qua những sai lầm, vấp ngã cho đam mê, nhiệt huyết một thời. Tuy nhiên thì đây là vai diễn có thể xem là đầu tay nên những trường đoạn thiên về nội tâm, những biểu cảm chiều sâu thì chưa thể chín như kỳ vọng.
          Xem xong phim, mình tự thấy bản thân có lỗi với Sài Gòn vì bao lần qua đều lướt, chưa đủ kiên nhẫn hay tình cảm để khám phá những không gian và không khí khá hay và đẹp của thành phố này – thành phố trẻ. Ý nghĩ đó của mình vì bộ phim đã chọn được bối cảnh rất đặc trưng, đem đến nhiều cảm xúc về Sài Gòn gắn với tuổi trẻ. Sân thượng một chung cư cũ, những con hẻm, quán café, nhà hàng, những cây cầu. Các không gian ở Đà Lạt thì khỏi bàn vì bản thân Đà Lạt, dù qua nhiều biến đổi vẫn quá đẹp, nên thơ, mơ mộng, tình tứ. Chính bối cảnh phim cùng việc xử lý màu phim nhẹ, dịu, trong trẻo và diễn xuất tự nhiên khiến cho phim đẹp một vẻ trong sáng, lãng mạn, phiêu bồng. Ở phim, ta ngỡ gặp cái chất nghệ sĩ tự do, lãng tử, tâm hồn phóng khoáng, mơ mộng đặc trưng của những người trẻ ở đô thị Sài Gòn hay Đà lạt xưa. Có thể những bạn trẻ chưa qua, sống, học tập, gắn bó với các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn thì thấy xa lạ, khó hiểu với quyết định, suy nghĩ của nhân vật, không khí và không gian phim. Nhưng những ai đã có thời gắn bó sẽ nhìn ngay ra hình bóng mình ở nhân vật, sống cùng kỷ niệm, ký ức và nỗi niềm đã qua. Đó là tâm thức/ cảm thức đô thị đặc trưng mà phim đã mang tới, nhất là đô thị đương đại gắn với thế hệ trẻ 9x trở lại đây.


          Một điều rất đáng tiếc của phim là quay phim, nhất là góc quay. Có lẽ do quá chú ý đến âm nhạc, dùng âm nhạc cùng lời thoại như ngôn ngữ chủ đạo nên ít đầu tư cho những điểm nhấn hình ảnh. Gần 2 tiếng xem phim nhưng rất ít cảnh phim, hình ảnh, góc quay đọng lại sâu đậm, để xem một lần nhớ ngay, nhớ mãi. Phim thiếu những góc quay rộng, tạo sự tương phản giữa bối cảnh không gian, để lại cảm giác chơi vơi, đôi khi là cô đơn, trống trải, hoang mang của nhân vật. Những góc hẹp, cận cảnh thì chủ thể không được làm nổi bật, hoặc đều đều, không có hình ảnh cô đặc như một điểm kết tụ cảm xúc, khơi gợi nội dung, tức là ít điểm nhấn hình ảnh. Mặt khác, hai mảng phim cũng bất cân đối, mảng ở Sài Gòn hơi dài, kéo lê thê trong khi mảng ở Đà Lạt lại quá ngắn, diễn ra nhanh, tạo cảm giác hụt hẫng, làm mạch phim hơi đứt đoạn. Thực tế thì cũng không cần lý giải nhiều gì vì sau một ngày ở Sài Gòn, với những vang động và rung động, Tâm thay đổi cũng dễ hiểu. Song vài cảnh ở Đà Lạt để tâm qua những con đường tìm kiếm, hát trong quán café, rồi gặp lại Thanh ở homestay của cô chưa đủ để tạo ra một mảng chuyện phim như một bước ngoạt, vừa tương đồng vừa tưởng phản với mảng trước đó. Cũng có thể đạo diễn đã có ý tưởng cho phần 2 ở đây nhưng nhìn tổng thể nó vẫn hụt, gợi một phần kết hơi nhạt, ít có sức nặng về cả phần nghe, nhìn, cảm cho người xem.
          Với mình thì phim “Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi” đáng đến rạp xem, nhất là các bạn trẻ 9x, 10x, những bạn đang trải qua đời sống thanh xuân đô thị và sắp bước vào đời sống ấy. Thế hệ 7x, 8x đi xem để hoài cảm cũng hay. Nội dung, ngôn ngữ điện ảnh có thể chưa xuất sắc nhưng riêng về âm nhạc cũng đáng để bạn tới rạp xem phim. Mình là người có tuổi, hay nghe nhạc xưa nhưng vẫn thấy thích các ca khúc và lối hát nhạc indie trong phim này. Bởi nó gợi kỷ niệm nhưng cũng là đời sống đương đại của những bạn trẻ hơn mình và cả mình.


          Gần đây mình hay tới rạp xem phim Việt của đạo diễn trẻ, là những phim tư nhân như “Cha cõng con”, “Song Lang”, “Thưa mẹ con đi”, giờ là “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” thấy một điều rất đáng mừng là phim làm ngày càng chất lượng, tử tế, mang đến một xu hướng, phong cách riêng. Người trẻ làm phim ngày càng văn minh hơn, quan tâm đến nghệ thuật điện ảnh, thể hiện các vấn đề của thời đại và các vấn đề nhân sinh muôn thuở. Việc quảng bá phim cũng rất văn hóa, không tạo scadal, không sử dụng những thứ cười cợt, tục tũi, lố bịch câu khách. Sức thuyết phục nằm chính ở phim, những yếu tố trong bộ phim. Nhưng điều đáng buồn là khán giả đến với phim thưa vắng, thưa vắng thảm hại so với nhiều phim nhảm nhỉ, xàm xí, gây cười thô bỉ, thậm chí sai về mặt văn hóa nền tảng. Mình ở tỉnh lẻ nên có lẽ người đi xem phim cũng ít hơn do trình độ dân trí chưa cao song vẫn ngậm ngùi, xót xa vì những phim làm tử tế, văn minh, đáng xem và ngẫm lại không được biết tới, không mấy người quan tâm. Lần nào xem cũng gần như hoặc một mình bao rạp.
          Mấy phim này, “Song Lang” quá hoàn chỉnh về mọi mặt, dù thất thu phòng vé nhưng được đánh giá rất cao về nghệ thuật bằng mấy chục giải trong và ngoài nước, được chiếu khắp năm châu, thậm chí cho tới giờ, sau hơn một năm ra rạp vẫn được chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế. Ê-kíp làm phim còn làm hẳn một cuốn sách về hành trình của bộ phim, trong đó đạo diễn có inbox xin in bài review của mình. Hy vọng là nó được in và mình được tặng sách. Hiệu ứng của “Song Lang” khá tốt tạo niềm tin cho nhiều người làm nghệ thuật, nhất là người trẻ. Tuy nhiên, mấy phim khác không có may mắn như thế, hoặc chưa đạt được sự thành công về mặt nghệ thuật vậy để được ghi nhận. Dẫu vậy, những nỗ lực, cố gắng của những nghệ sĩ là rất đáng trân trọng. Chính nỗ lực như vậy sẽ dần dần tạo ra sự thay đổi, phát triển cho điển ảnh Việt Nam. Nhưng nỗ lực một phía của người làm phim chưa đủ. Đã đến lúc cần nhìn nhận thẳng thắn rằng chẳng phải phim quá kén khán giả mà do khán giả Việt Nam thiếu đi nền tảng tri thức, văn hóa, thiếu hẳn một gouth thẩm mĩ để xem phim tử tế. Bao lâu rồi người Việt vẫn thích những thứ cười cợt nhảm nhí, rỗng tuếch, có khi lố bịch, hoặc những thứ sáo mòn, sến sẩm, dễ dãi.
          Đi xem phim mới cảm thấu thực trạng đáng buồn về sự lười biếng, thiếu hụt, trống rỗng trong cả tri thức, tư duy, suy nghĩ và cảm xúc của phần đông người Việt. Đừng nói nghệ thuật là giải trí hay theo sở thích, nó cũng có chuẩn mực và thước đo riêng cho cả người sáng tạo và người tiếp nhận đó.
                                                       29/9/2019 – viết trong ngày chủ nhật bao việc
                                                       nhưng bỏ mặc để sống theo sở thích.
         


Nhận xét

  1. Chào bạn,
    Mình là Công, đạo diễn của phim. Hôm nay vô tình lạc vào Blogspot của bạn khi google tên phim. Thật cảm kích vì những chia sẻ chân thành và thương mến bạn đã dành cho bộ phim nhỏ của chúng mình. Tụi mình vẫn sẽ tiếp tục đi tiếp trên hành trình này vì những động lực của bạn và những khán giả đã dành tình cảm cho bộ phim.
    Cảm ơn vì tất cả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời. Xúc động quá vì tác giả đọc bài viết này. Mình rất mong sớm được đồng hành cùng phần sau của phim. Thực sự mình rất thích tinh thần và cách làm phim này. Nó chính là hơi thở của cuộc sống đương đại. Nếu có thể tương tác nhiều hơn thì mong được add facebook. Facebook của mình là: Thanh Hai Ngo. Cám ơn cả ê-kip vì bộ phim.

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ