“MẮT BIẾC” : TÌNH KHỔ, CẢM THƯƠNG, LÃNG MẠN, MỘNG MƠ VÀ SẾN NỮ TÍNH ĐÚNG ĐIỆU



         Mình đi xem phim “Mắt biếc” của Victor Vũ trong tâm thế chưa đọc, và chắc cũng không có ý đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Đi xem sau 2 ngày phim ra rạp nhưng cũng đã có khá nhiều dư luận, nhiều lời khen tâng bốc kiểu rất cảm tính, mang hơi hướng sến, theo chủ nghĩa tình cảm. Nói chung mình đã xác định trước “Mắt biếc” là phim kiểu đó vì tính chất các truyện của Nguyễn Nhật Ánh mình cũng đã hiểu, những motip truyện kể không có gì mới lạ, độc đáo, nếu không muốn nói là cũ, theo một mô hình sáo mòn, chủ yếu khơi sâu những kỷ niệm, cảm xúc, dấu ấn của một thời thơ ấu, những rung động, vấp ngã đầu đời, rồi thay đổi cuộc sống sau này, cùng những day dứt, nhớ nhung… Truyện của ông vẫn là các truyện tình cảm mà nay hay gọi là ngôn tình lãng mạn, mộng mơ một thuở ô mai của thế hệ 7x, 8x... Vì PR nhiều nên mình chờ đợi một tác phẩm điện ảnh, như nhiều người xem trước nói là cảm động, khóc nức nở này khác, rồi mang tính nghệ thuật, đẹp đến từng khuôn hình nên đi xem, xem rất tập trung với tâm thế khách quan nhất có thể.


          Câu chuyện trong phim rất lãng mạn, rất thơ, thơ đến mức khó có trong thực tại, giống như một lý tưởng kiểu ảo tưởng đời màu hường. Thực ra thì tình yêu khó có thể lý giải, khó dùng lý trí xét đoán hay quyết định, tình yêu có quy luật riêng và thường con người khi yêu hay hành động theo tiếng gọi của trái tim, của những rung động. Nhưng motip truyện kể về cô gái lỡ lầm rồi dở dang, chàng trai cao thượng đến mức cả đời chỉ tôn thờ một tình yêu duy nhất, không pha chút vướng bận xác thịt nào, từ chối mọi tình cảm khác thì chỉ có trong phim, trong truyện tình khổ. Cái đẹp, cái cao cả ở đây không còn là cái lý tưởng mà nó vô lý như một huyễn tưởng, một thứ gì kịch và giả, người ta tự vẽ ra lừa người khác, dối chính bản thân mình. Nhiều người nói day dứt, cảm thương nhưng cá nhân mình lại thấy những người yêu như Ngạn, như Hồng – nhưng cuối cùng Hồng cũng thay đổi – là một sự cố chấp, tự hành khổ mình – một dạng ái khổ chăng? 35 năm cuộc đời, trừ những năm thơ ấu thì cũng mất hơn 20 năm thanh xuân đuổi hình bắt bóng, theo cái hư không, đời thực ai có thể làm được vậy? Mà nếu coi đó là lý tưởng của tình cảm cao cả thì thực sự quá nguy hiểm. Nó cổ xúy con người sống khắc khổ, tôn vinh giá trị ảo, sống bằng ảo ảnh. Cá nhân mình cũng từng yêu đơn phương đến vài năm một người, cũng mộng mơ nhưng cuộc sống luôn phải ném trả về hiện thực, để biết cách quên đi, sống đời nhẹ nhàng, đẹp cho mình và người khác.
          Cho nên, tính cách của các nhân vật, dường như chẳng có sự phát triển nào, họ thành các biểu tượng hay kiểu một chức năng, một loại hình nhân vật khá cổ xưa của văn học nghệ thuật. Chưa kể đến một số tình tiết trong truyện phim thiếu logic, thừa thãi, hoặc chưa tới, nhất là hình ảnh kết thúc. Việc Hà Lan biết Ngạn đi chuyến tàu, hai mẹ con giãi giề biết bao nhiêu tình cảm, những chiêm nghiệm triết lý dạy đời, dọa đời;  rồi  không biết cách nào đó, tàu chạy, Hà Lan vẫn kịp tới sân ga, lại còn chạy \ đuổi theo, vấp ngã, khóc lóc. Kết thúc quá ư kịch, sến, thiếu logic và cũng chẳng để lại ý nghĩa gì. Tính cách nhân vật vì thế cũng thiếu nhất quán, đang từ một người từng trải, sâu sắc, qua bao thăng trầm thành tâm lý cô gái đôi mươi bồng bột, như bừng tỉnh trước cuộc đời sau lời nói của đứa con. Cho Ngạn lên tàu, rớt nước mắt nhìn xa xăm kết thúc là ổn rồi. Đời đã lỡ dở rồi thì thêm ra sân ga cũng chẳng kịp tàu, lại còn chạy theo tàu trong vô vọng thì không khác gì vẽ rắn thêm chân. Một cốt truyện  phim rất sến, đậm chất ngôn tình kiểu sầu bi, khổ nào, theo motip cũ xưa, thiếu kịch tính và hấp dẫn hơn cả tiểu thuyết Tự lực văn đoàn như “Đời mưa gió” hay những phim mì ăn liền những năm 90 thế kỷ trước kiểu “Vị đắng tình yêu”, “Nước mắt học trò”. Truyện phim như thế thì nói đến tư tưởng, triết lý nhân sinh, thông điệp sống, các vấn đề thời đại, thời sự, những ký ức lịch sử, văn hóa, bản sắc chỉ là ảo tưởng.


          Nói về Ngạn, nhân vật mà nhiều người cho là người đàn ông tốt, lý tưởng, trong phim cũng thế, và bạn mình còn bảo Ngạn hơn cả Dũng Thiên Lôi trong “Song Lang”. Với các tình tiết trong phim, với những tình huống và tình yêu, tình cảm của ba người phụ nữ dành cho mà Ngạn vẫn trong sáng như pha lê thì thực sự nhân vật được xây dựng như một thánh nhân, một dạng biểu tượng hơn là con người với đầy đủ những cảm xúc, bản năng, lý trí, tâm hồn bình thường. Tình yêu bền bỉ, duy nhất của Ngạn và cái câu nói cuối cùng nhiều người cho là triết lý về hai điều lỡ lầm thì mình thấy một là quá ảo tưởng, đến mức thành một thứ huyễn tưởng; hai là cố tự ru ngủ mình để quên đi thực tại cuộc đời đầy biến động, đổi thay. Ngạn không ngu đến mức không biết cuộc đời thay đổi, mọi thứ mất đi, và chính lời độc thoại cuối cùng Ngạn cũng nói mình biết, chấp nhận như một phần số phận. Nói thực chẳng có số phận nào hết. Ngạn tự huyễn hoặc mình, tự đưa mình vào ảo tưởng mộng mơ, đến cuối cùng thành bảo thủ, cố chấp, thành ra ích kỷ và tàn nhẫn, tàn nhẫn với Hồng và Trà Long. Hồng là kiểu người phụ nữ cổ điển, đi tìm lý tưởng nhưng kết cục phải chấp nhận ra đi sau khi lý tưởng sụp đổ. Nhưng một Trà Long vô cùng cá tính, bản lĩnh, sâu sắc, già dặn trước tuổi, biết trân quý những gì đẹp đẽ,  gần gũi, thân thương nhất, người duy nhất trở về Đo Đo sau khi ra đô thị, học hành thành danh. Một phụ nữ đẹp, trong sáng, chân thành, mạnh mẽ, bản lĩnh vậy mà Ngạn vẫn gạt đi, vẫn trốn tránh. Ngạn yếu đuối, hèn nhát, không dám đối diện với thực tại. Đời Ngạn tưởng cao thượng nhưng cổ hủ, bị rơi vào nhà tù của định kiến, tự làm khổ mình và tổn thương người đáng trân trọng nhất đời mình. Nếu Ngạn thực sự là người đàn ông được xây dựng theo mẫu hình lý tưởng thì phải đạp lên tất cả, thách thức tất cả, phải biết trân quý để đến với Trà Long, để yêu như lần đầu yêu, si mê, điên dại, trong sáng. Cả hai tự xây dựng một thế giới hạnh phúc của mình, chiến đấu đến cùng với số phận, giữ vẹn nguyên thế giới Đo Đo tươi đẹp, mộng mơ, ban sơ như ngày thơ ấu. Xem hết phim, Ngạn khóc mà thấy quá nhỏ bé, yếu ớt, ích kỷ và tàn nhẫn. Tự dưng mình nghĩ tới nước mắc của nhân vật Mecghi trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” khi cậu con trai chết – giọt nước mắt của người đàn bà dám thách thức, chống lại ý chúa, đầy kiêu hãnh nhưng đau đớn khi tất cả những điều quý giá nhất, thành quả của nàng bị hủy hoại – Nàng cuối cùng vẫn thua cuộc. Nhưng đó là cái thua cuộc của con người chiến đấu đến cùng, bằng mọi cách để có cha Ranf. Nó bi tráng, lẫm liệt, kiêu hùng như con chim chỉ hót một lần trong bụi mận gai, tự đâm ngực vào cái gai dài, nhọn nhất, hót khi máu chảy và sự sống cạn dần để cả thế giới, thiên đình phải biết tới mình, để mọi tiếng hót khác phải ngừng im hay ghen tị. Nó không thảm hại như nước mắt của Ngạn, dù theo một cách nhìn khác là đớn đau, bi kịch, xót xa.


          Thoại của phim không tệ, không có thoại vô duyên nhưng cũng không có lời thoại đắc địa, sâu sắc, đọng lại một triết lý, hay một chiêm nghiệm nào đó thực tiễn. Có cái câu nói của mẹ Hà Lan được Trà Long nhắc lại về hai điều quý giá trong cuộc đời đó có vẻ hơi bị tuyên truyền, sến sẩm, nói ở cái khúc phim giãi dề tâm tình cùng mẹ không hợp lý, có vẻ cường điệu, cố nhét vào một thứ gì đó triết lý cho sang, cho thêm phần nguy hiểm. Thực tế thì lỡ xe vẫn có thể đi chuyến xe khác, lựa chọn phương tiện khác như tàu, máy bay, xe ba gác, xe ôm; không yêu người này phải tìm yêu người khác. Cái đã mất thì lấy lại sao đặng mà suốt đời theo đuổi nó. Đời người chỉ sống một lần nên không thể sống hoài, sống phí trong những ảo tưởng hay than tiếc quá khứ. Mỗi người chỉ có một trái tim không trao được cho người này thì phải trao cho người khác. Tuổi xuân có trở lại bao giờ. Sống cần hiện sinh, dẫu biết mất tình yêu,  mất người yêu là buồn. Song buồn một, hai ngày, một, hai tháng hoặc một vài không thể ỉ ôi cả đời vì nó, rồi làm người khác lỡ làng, tồn thương vì thứ ỉ ôi đó. Cái mất sau còn lớn hơn nhiều như Ngạn mất tất cả, cả Trà Long cao quý, tinh khôi. Có vẻ phim này hơi bị tuyên truyền về những thứ lý tưởng lãng mạn mà giống như một thứ thuốc mê, bùa lú, khiến con người mặc cảm trong những định kiến kiểu phong kiến, tự đánh mất tự do cảm xúc – thứ tự do cuối cùng, quan trọng nhất còn lại, ngay khi tự do thân thể không còn. Và sự bạc nhược của Ngạn, của Hà Lan khi để quá khứ giam cầm như một thứ vòng kim cô là kết quả của những con người không ý thức được giá trị cá nhân, giá trị tự thân. Nên cuối phim, Hà Lan vẫn cứ nhắc lại lời của mẹ là đàn bà từng chửa hoang sẽ không còn gặp được người đàn ông tử tế nào. Nhưng vẫn có những câu hơi phi lý kiểu đang mùa hoa sim nở lại bảo nhau đi hái quả sim. Thêm vào đó là để Ngạn độc thoại kiểu như một người dẫn truyện xuyên suốt quá nhiều, nhiều đoạn quá dài. Nên nhớ đây là một tác phẩm điện ảnh, dẫn dắt bằng hình ảnh, bằng các yếu tố nghe, nhìn chứ không phải tác phẩm văn học, không cần lời dẫn hay trần thuật. Bản thân phim có bối cảnh cũng đơn giản, các khoảng không gian và thời gian chuyển biến rất ít nên thực tế không cần lời dẫn nào cũng hiểu là đang từ hiện tại nhớ về tuổi thơ. Dòng độc thoại của nhân vật mình thích xem diễn xuất nội tâm qua cử chỉ, ánh mắt, nét mặt hơn là phát ra những lời tự sự dài dòng.


          Bối cảnh phi là một trong dấu ấn để lại trong mình, đó là hình ảnh làng Đo Đo, trường tiểu học tre nứa lá, quán chợ, những mái nhà xưa… Tất cả là một thế giới vẹn nguyên, tinh khôi, sau bao năm vẫn trong ngần, thanh cao, ấm áp như vậy. Và lìa khỏi Đo Đo là những sóng gió, mất mát, lỡ lầm, bi kịch. Đo Đo không phải nơi như Hồng nói, chôn chặt người ta ở đó, mắc kẹt ở đó, giam cầm con người trong bi kịch. Thứ giam cầm cô ta là sự hãnh tiến, cố chấp và si mê của bản thân, là sự ích kỷ của mình muốn có Ngạn. Và khi thắng được những điều đó, cô ta đã ra đi. Nên với Hồng, Đo Đo là Ngạn chứ chẳng phải là Đo Đo từ bản thể của nó; cả với Ngạn cũng thế, Đo Đo  là tuổi thơ có Hà Lan, chẳng phải yêu cái làng của mình đến thế. Nếu yêu, muốn giữ nó, Ngạn sẽ ở lại, sẽ cùng Trà Long gìn giữ nó, không hèn nhát trốn chạy khi mọi thứ đẹp đẽ, tinh khôi, ấm áp mới bắt đầu. Đo Đo, chính xác như cái nhìn của Trà Long, theo một cách ứng xử đầy bản lĩnh, kiên định để nhận ra chân giá trị của tình người, kỷ niệm, của những gì thuần hậu, hồn nhiên, vô tư nhất cuộc đời. Ngạn về Đo Đo cũng là tìm về nơi bình yên, neo giữ vẻ đẹp và hy vọng vào tình yêu thuần khiết đến tuyệt vọng đó. Những thước phim đầu tiên thực sự làm mình cảm động bởi nó chạm vào tuổi thơ của mình, cũng đi học thiếu thốn, học ở ngôi chùa làng, bàn ghế lôm côm, có cả chuyện ị đùn y như phim. Cái này hơi cảm tính chút nhưng có thể do diễn xuất của các diễn viên nhí quá dễ thương nên mình cực thích và thấy nó quá đẹp.


          Tuy nhiên bối cảnh đô thị thì có vẻ feil và bị phi lịch sử - xã hội hóa. Suốt từ lúc Ngạn mới lên thành phố đến sau này, Trà Long thành thiếu nữ, mười mấy năm mà mọi thứ cũng giống giống nhau như cách ăn mặc, trang điểm, trang trí nhà cửa, phương tiện, đồ đạc… Mà mỗi lần chuyển biến thời gian cuộc đời con người, với cách dựng phối cảnh mình thực sự chẳng biết nó thuộc thời nào. Ví dụ lúc Ngạn mới lên thành phố, nhìn biển hiệu, các vũ trường, âm nhạc thì tưởng thời trước 75 nhưng mà đồ đạc trong nhà lại rất hiện đại, rồi câu thoại của cô Hà Lan về  bánh nhập ở Mỹ lại có cảm giác như thời bao cấp. Nói tóm lại là bối cảnh phim không có bất cứ một sự gắn kết với bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa cụ thể nào. Mọi thứ như một sự hỗn hợp vì muốn trưng tất cả lên cho đẹp như triển lãm, nhất là cái đoạn múa lân, ông đồ viết câu đối, làm tò he. Vì thế mọi thứ lộn xộn và cũng thiếu luôn cái background văn hóa căn bản nhất. Đó là phối cảnh chứ background văn hóa, lịch sử, tư tưởng ẩn chứa ở nội dung, câu chuyện phim thì hoàn toàn là chuyện xa xỉ với phim này. Vì vậy, ngoài câu chuyện tình hờ, tình sầu, tình khổ kiểu mộng tưởng, lý tưởng đến huyễn tưởng thì phim rỗng nội dung, tầm rộng và sâu của nền tảng văn hóa, tư tưởng, tâm hồn, cốt cách con người, dân tộc. Cũng không có bất cứ vấn đề nào của thời đương đại, những vấn đề thời sự, thế sự, hay lớn lao hơn là các vấn đề nhân sinh mang tầm nhân loại, muôn thuở được chạm tới. Ngay cả cái khuôn hình được chăm sóc  kỹ lưỡng, lặp lại nhiều lần tạo điểm nhấn là đồi hoa sim rất thơ mộng cũng gây cảm giác photoshop quá đà, thành giả, thành một thứ bóng bẩy bề ngoài mà phi thực tế, thiếu logic với các không gian khác, với sự trôi chảy của thời gian. Mình rất đồng cảm với cậu em chơi thân, người Huế,  bảo chỉ thích đoạn tuổi thơ, thích mấy diễn viên nhí và không thích phim này bằng “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi”.
          Diễn xuất của diễn viên thực sự là điểm cộng của phim. Các diễn viên chính từ nhí đến lớn đều là diễn viên chưa tên tuổi song khả năng diễn rất tốt, chân thực, tự nhiên, nhiều biểu cảm nội tâm xuất sắc. Mình đặc biệt yêu thích các diễn viên nhí: Hà Lan, Ngạn, Trà Long… lúc nhỏ. Những bé này diễn mà như không, như chính cuộc sống thường ngày của chúng vậy. Tất cả những trường đoạn liên quan đến diễn viên nhỏ đều khiến mình thích thú hoặc cảm động. Sự vô tư, trong trẻo, yêu đời, vui vẻ của Ngạn, Hà Lan; hay những thiệt thòi, mất mát, những ẩn ức, ấm ức của Trà Long – một đứa trẻ không cha, còn mẹ thì bận việc trên thành phố. Tất cả được thể hiện thực sự như chính cuộc sống, như những đứa trẻ mình biết, mình gặp. Cho nên, một vài lần duy nhất mình rớt nước mắt khi xem phim là lúc Trà Long đòi Ngạn nói về ba của mình, là lúc Ngạn đưa cô bé lên nhà mẹ gặp lúc mẹ đi về cùng bồ và nói là bà con ở quê lên. Có đau buồn, xót xa, bi kịch trong “Mắt biếc”, với mình, duy nhất chỉ có Trà Long, đứa trẻ từ nhỏ tới lớn phải chịu những đắng cay, tủi hờn, những nỗi đau do lỗi của người lớn gây ra mà rất ít được bù đắp.



          Hình ảnh của phim thì đúng là hợp với thị hiếu của các bạn trẻ, của những người mơ mộng, lãng mạn, thích ngôn tình và ít nhiều sến kiểu nữ tính. Các góc quay, cảnh quay êm đềm, lung linh với gam màu chủ đạo là vàng xanh, trong trẻo và tím trắng thanh khiết. Phim sử dụng nhiều góc quay theo kiểu chụp teen xóa font huyền ảo, những khuôn hình ngay ngắn, đều đặn, những ánh sáng xuyên rọi gần như các clip hay ảnh chụp du lịch thịnh hành bây giờ… Tuy nhiên đẹp, long lanh, trong trẻo nhưng chẳng có gì mới và lạ. Mấy màu phim đó quá phổ biến và góc quay cận cảnh, hay góc rộng cũng thường thường kiểu pop. Có lẽ mình xem quá nhiều ảnh và phim nên thấy hụt hẫng vì nghe nói phim được đầu tư rất nhiều về hình ảnh. Ừ thì cứ cho là đẹp nhưng cả phim không có cảnh nào, góc nào, hình ảnh nào thực sự khác biệt, tạo cảm giác, cảm xúc mãnh liệt, đóng đinh lại trong mắt mình, trong tâm hồn mình. Điều này thì “Mắt biếc” kém rất xa “Song Lang” năm ngoái khi chuyển cảnh nào cũng là những góc quay ấn tượng; chưa kể đến màu phim và ánh sáng quá đặc biệt, mà tới giờ mình cũng chưa biết làm cách nào ra cái màu ảnh như vậy. Nói chung các hình ảnh phim đẹp rất kiểu du lịch, thứ mà người trẻ đang thích, tìm xem, cũng như mấy cuốn du ký kiểu check in rất được ưa chuộng.

          Với cá nhân mình, phim “Mắt biếc” thành công nhất là phần âm nhạc. Mà thành công thì cũng phải không thì phí tiền đầu tư hoành tráng toàn nhạc sĩ, dàn nhạc nước ngoài. Duy các ca khúc trong phim sử dụng các bài hát của Phan Mạnh Quỳnh và một số bản thu nhạc trữ tình xưa. Nghe nhạc nền phim thực sự quá đẳng cấp, vừa có cái mênh mang, hào sảng, vừa thiết tha, tinh tế. Những đoạn nhạc nền được đưa vào đúng cảnh, đúng người, dẫn dắt mạch truyện phim rất tốt, gây cảm xúc thực sự. Có lẽ vì nhạc hay nên câu chuyện cũng mùi hơn, tình hơn, thống thiến và lãng mạn hơn. Phần ca khúc viết cho phim của Phan Mạnh Quỳnh được Phạm Đình Thái Ngân thể hiện rất xuất sắc. Giọng ca rất trẻ này thể hiện kỹ thuật hát và cảm xúc rất đầy đặn, từng trải. Chưa kể đến Thái Ngân là diễn viên lồng tiếng cho Ngạn xuyên suốt quãng đời lớn tạo được thành công lớn, gây ấn tượng mạnh với giọng trầm ấm, thể hiện tinh tế những cung bậc cảm xúc của nhân vật qua các lời thoại  và lời dẫn. Nếu có thể làm gì lại với “Mắt biếc” thì việc duy nhất cá nhân mình muốn là nghe lại nhạc nền và những ca khúc do Thái Ngân thể hiện. Với mình, bản phối và giọng Thái Ngân hát còn hay hơn chính tác giả Phan Mạnh Quỳnh, bản đăng trên kênh Youtube.
          Viết dài quá, hơn dự kiến nhiều quá, nên kết thì Mị cũng phải túm váy lại cho bà con dòn cái tổng thể. Xin nhấn mạnh Mị không đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh và đây là nhận xét những gì cá nhân Mị xem, cảm nhận, mà là đi xem một mình, tập trung suốt từ giây đầu đến giây cuối, khi dòng chữ, note nhạc cuối cùng, màn hình tắt tối thui mới ra khỏi phòng chiếu nhé. Phim “Mắt biếc”, với Mị, là một phim ngôn tình, mà là tình khổ, tình sầu, tình lỡ, khá sến theo đúng điệu nữ tính, kéo khán giả bằng chủ nghĩa cảm thương đặc trưng của đa số người Việt, đưa người xem vào thế giới của những hoài niệm mông mơ, lung linh, lãng mạn như là tinh khôi, thanh khiết, hồn nhiên, trong veo, vô tư. Vì thế, dù ngôn tình, dù sến nhưng lại được đầu tư công phu từ việc làm phim đến PR nên đa số xem sướt mướt, tự ru ngủ trong những cảm thương, luyến ái, bi sầu, trong những hình ảnh hơi ảo kiểu photoshop biết dừng đúng điểm, tạo ảo giác về cái đẹp lý tưởng nó là thế. Nó không khác gì vị trà sữa, trà chanh, hay vài thứ nước uống màu mè, trái cây, vừa miệng đa số khán giả Việt. Nó cũng là khẩu vị chung vì người Việt ai cũng thích cái khéo, cái xinh kiểu thảo mai, nhẹ nhàng, êm ái, giả như thật, hoặc giả một nửa. Tóm lại là đúng là tình chỉ đẹp khi còn dang dở đúng điệu sến. Vì vậy, nói dở thì oan vì thực tế phim không dở. Nó được đầu tư khá nhiều tiền và chu đáo, trừ bối cảnh nhiều lỗi lịch sử, xã hội, văn hóa, phong tục, còn lại thì xem để mua vui một vài trống cảnh theo kiểu là đời sống thực tại mệt mỏi, căng thẳng, trần trụi, xấu xí quá, phải tìm cách thoát ly, tìm cách lưu giữ một niềm tin, hy vọng vào cái đẹp hoàn toàn, cái trong sáng đến vô trùng của ảo ảnh. Công tâm mà nói thì phim hay truyện của Nguyễn Nhật Ánh làm sống lại ký ức tuổi thơ, của những không gian, không khí, khung cảnh, hương vị, tính cách, tình cảm của một thuở hơi xưa, mà nay đã hoàn toàn biến mất. Còn nếu khen hay nức nở, nghệ thuật rồi đẳng cấp, rồi làm lây động tâm can, làm mở ra những nhận thức, cảm xúc mới mẻ, muôn đời thì là sự tâng bốc, hoặc bị cuốn theo cái tình điệu thẩm mỹ cảm thương đến u mê.


          Các bạn có thời gian, có tiền bạc đi xem cũng tốt, về không phải hối hận hay tiếc tiền, tiếc thời gian đâu. Còn nếu không muốn, không thích, không có điều kiện đi xem cũng không có sao. Đừng thấy hot hay vì đú trend mà đi xem rồi về lại hằn học. Cũng đừng vì bài viết này mà đi xem hay không đi xem mà tội cho Mị. Mị không khuyên gì hết, viết khách quan bằng cái nhìn cá nhân trên nhiều phương diện nhất có thể trong phim. Và như đã nói trong bài viết, là đời mình thế nào do mình quyết định. Nó bắt nguồn từ việc nhỏ là quyết định xem hay không xem “Mắt biếc” này, dám sống theo quan điểm cá nhân hay cứ chạy theo bầy đàn cảm thương, cả đời sống trong ảo vọng quá khứ kiểu nhân vật Ngạn. Ahihi.
          Còn điểm thì như một giáo viên văn: Thích bài kiểu sáo, trôi chảy, đầy đủ, thuộc bài, bay bổng có thể cho phim 8,5-9,0.
          Còn ông giáo Thứ khó tính như mình, muốn tìm những góc cạnh riêng, độc đáo, muốn cái gì rất đời, rất đương đại, hay chiều sâu thì cho phim 7,25 – 7,5.
                                                                                                               22/12/2019
         

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ