“Tình xa”: đời xanh rêu trong thân phận và tình yêu mong manh


Tình thổi gió màu yêu lên phấp phới
        Nhưng đôi ngày tình mới đã thành xưa…
                                                                                                       - Xuân Diệu -
          Trong dòng chảy của thời gian vô tận, của khoảng không gian vô cùng, con người hiện hữu thật nhỏ bé, hư vô. Thời gian, tháng ngày cứ lạnh lùng chảy trôi. Bao giá trị, bao sắc hồng phai của cuộc đời cũng úa tàn, hương vị đậm đà tan  biến. Những hạnh ngộ rồi có ngày biệt ly, yêu rồi xa cách, được rồi mất, có rồi không… Ta ngồi đong đếm thời gian trôi mà nhìn tuổi đời như lá vàng bay trên tháng ngày, qua trước mặt. Người đến rồi lại đi. Bao tình nhân đã thành quá vãng. Những tình yêu, hạnh phúc chỉ là ảo ảnh chóng tàn trước cái vô thường của cuộc đời. Và ta thấy mình hư vô quá! Thấy mình trơ lại giữa cõi đời với nỗi cô đơn dằng dặc. Vọng về trong trái tim lạnh giá hoang liêu là những âm điệu buồn và những ám ảnh của xa cách, tan vỡ, mất mát, đau thương, nuối tiếc, u buồn, nhơ nhung... Ta chợt nhầm thầm mấy lời hát quen thuộc đến quen thân như chính bản mệnh cuộc đời mình:
      Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
      Ôi những dòng sông nhỏ,
      Lời hẹn thề là những cơn mưa…
Những ca từ trong “Tình xa” của Trịnh Công Sơn cứ nhẹ nhàng, len lỏi, thấm thía và để lại trong ta bao nhiều nỗi niềm, bao ám ảnh. Một cảm giác buồn mênh mang, trống trải vô bờ, cô đơn trong tuyệt vọng, hoang mang đến run rẩy ngập đầy lòng ta. Cả một biền tình đã xa cách để lại ta bơ vơ giữa cõi đời. Tất thảy đều rời xa tầm tay để ta nhớ tiếc trong mất mát, tang thương. Thấm thía từng ca từ, ta như gặp lòng ta, tự soi mình tận đáy sâu tâm hồn để thấu tỏ. Dường như những ca từ kia chính là bản mệnh của ta, là cái cảm thức thường trực mà ta đã, đang, sẽ phải đối mặt trong cuộc đời này; ly tan, đổ vỡ, cách chia, mất mát, phôi pha, lụi tàn. Bởi thế từng giọt nhạc đang rơi vào lòng ta đồng hành theo những giọt thời gian rơi tàn khi cuộc tình xa:
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây


Bắt đầu bằng nỗi ám ảnh về cái sự trôi chảy của thời gian trong tương quan đối lập với con người, Trịnh đã tạo ra bao liên tưởng và suy ngẫm cho mỗi người. Ngày tháng cứ ra đi vô tình theo quy luật của nó còn con người ngồi lại gặm nhấm những mất mát, nỗi cô đơn cào cấu trong lòng. Cái bản thê cô đơn của con người ngồi trơ trọi, phơi phang, đầy chênh vênh trước cái thời gian vô cùng và vô tình. Những niềm vui, hạnh phúc, những cuộc tình cũng xa khơi bỏ lại con người với nỗi hoang mang, bi xót muôn đời. Ta mãi nơi đây để từng ngày, từng phút tiễn đưa, từng giây từng phút cảm thấu những vẻ đẹp, những giá trị dần tuột khỏi tầm tay, vụt  biến nhanh như tích tắc. Mọi thứ đều ra đi vĩnh viễn còn con người ở lại với những điều hằng thường chờ một ngày tóc trắng như vôi. Và trong những ngày tháng dằng dặc trôi ấy, từng ngày cá thể nhỏ nhoi tự ngấm, tự thấm tình xa, tình khuất, tình trôi, tình sầu:
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa
Hình ảnh so sánh “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” thật tinh tế và giàu sức biểu hình, gợi cảm. Nó để lại nỗi ám ảnh về bước chân lặng lẽ, vô tình của người tình nhân rủ nhau đi liên tiếp, xa cách nghìn trùng. Nó cũng lại cho ta hình dung về sự trùng trùng, nối tiếp của những người tình nhân lần lượt diễu hành đến và đi qua cuộc đời. Họ như một chuỗi đèn kéo quân tuần tiễu, lần lượt qua đời ta để lại khoảng trống mênh mông, trái tim khô héo như đồi núi bỏ hoang trong mùa hạn. Nhưng việc so sánh người tình bỏ đi như dòng sông nhỏ cũng tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ khác về cái vô cùng, vô tận của sự trôi chảy, của những mất mát, vụn vỡ - dù có biết trước cũng không tránh khỏi. Nó là định mệnh, là quy luật, là số phận. Cuộc đời vô thường, vạn vật biến thiên, tình yêu không bền, lòng người thay đổi. Mọi thứ quy luật nghiệt ngã, mất mát cứ lần lượt gieo xuống đầu ta rồi đồng hiện trong nỗi buồn đau mênh mông, bất tận.


Nương theo cái nhìn bất ổn, bất an của dòng sông thời gian nghiệt ngã ấy, lời hẹn thề cũng chỉ là những cơn mưa chợt đến, chợt đi, chợt ùa, chợt tạnh. Nó chỉ là “mật ngọt trên môi”, chỉ là những thứ hư ảo, sẽ tan biến theo người tình ngoảnh mặt, quay gót ra đi, rồi đọng lại thành “mật đắng trong đời”. Cho nên hình ảnh dòng sông luôn luôn là sự ảm ảnh trong ca từ của Trịnh bởi nó hiện ra như chính dòng đời, dòng thời gian tàn nhẫn cứ trôi hoài, trôi mãi mà không bao giờ trở lại, cuốn phăng đi tất cả tình yêu, nhan sắc, niềm vui, tình ái, hội ngộ của ta. Cho nên, trong ca khúc “Có một dòng sông đã qua đời”, nhạc sĩ cũng viết:
Tóc người dòng sông xư ấy đã phai,
Đã lênh đênh biển khơi
Có lần bàn chân qua phố thấy người
Sóng lao xao bờ tôi.
Và cũng đã có lần ông tự bạch: “Dòng sông là chứng nhân già nua nhất của địa cầu. Hãy thử một lần nương vào cơn mộng du nào đó tìm về những cành san hô cũ kỹ để đọc xem dòng sông đã ghi những gì về tình yêu. Tôi đã hơn một lần trở về từ cơn mộng du đó để rồi làm người đãng trí buồn bã. Từ đấy, tôi cũng đã biết tình yêu mở ra những cơn địa chấn kinh hoàng và đã đôi lần quay về xác xơ làm con quạ già kể hoài một chuyện tình chết như loài quạ vẫn thường về kêu ngậm ngùi trên nóc nhà một người hấp hối”.


Trên dòng sông cuộc đời ấy, những cành san hô ghi dấu những tình xa, tình xót, tình sầu. Bởi tất cả là mất mát vô biên, tất cả là “tình chết không đợi chờ”. Những cơn dư chấn kinh hoàng của tình xa, tình khuất, tình mất để lại trong trái tim kẻ tình nhân là xơ xác, là mệt mỏi, là hoang mang. Và trong cái mênh mông của trời cao đất rộng, trong cái dằng dặc của thời gian như là gió, trong cái vô tận như miên viễn của đời, ta trở về ngậm ngùi ra ta, ta lại về với chính ta mà thôi. Bước chân mệt mỏi, hoang hoải trở về thì đã nhận thấy bao phôi pha, tiêu điều của phố xưa, phố quen:
Khi bước chân ta về
Đêm khuya nhìn đường phố
Thành phố hoang vu
Như một lần qua cuộc tình/ Như đời mình, như cuộc tình
Làm sao em biết đời sống buồn tênh
Ta nhận ra sự buồn bã, âu sầu, cô liêu của bước chân trở về. Cái hoang vu của phố theo ánh nhìn của kẻ tình nhân – hành nhân trở về cũng là cái hoang vu, hiu quanh, tịch liêu, đầy bất an của lòng người. Cách so sách rất tinh sắc và độc đáo đem đến bao rung cảm mới mẻ, mở rộng trường cảm và nhận của người nghe nhạc. “Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình”. Có ai đã một lần đi qua một cuộc tình và đón nhận tất cả sự xa cách, những nỗi xót lòng, những buồn tiếc, nhớ mong thì mới thấy hết sự hoang vu của thành phố. Tình xa, tình mất nên lòng người hòa trong lòng phố với cảm giác hoang vu. Đó không chỉ là sự hoang vu mà còn kèm theo cái lạnh lẽo, trống vắng, hịu quạnh, tái tê của mất mát, chia lìa. Và ở đó, lòng ta mang nhiều bất an, bất ổn với những mặc cảm ly tan, đổ bể muôn đời. Vì thời gian và những mất mát tình xa khiến từ lòng ta “như khăn mới thêu” thành “lòng như nắng qua đèo”. Để rồi từ đó “đời sống buồn tênh” – buồn tênh trong anh, buồn tênh trong em, buồn tênh trong trái tim mỗi con người khi tình xa. Cái từ “buồn tênh” cất lên nhẹ nhàng nhưng nó hàm chứa trong lòng tất cả sự trống rỗng đến hư vô, cùng cực của con  người. Tất cả đã bay đi một cách thầm lặng để lại lòng ta là một chốn hư không trong suốt. Không một gợn nào còn sót lại của những mong mỏi, nhớ thương hay hy vọng. Nhưng đó lại chính là bản thể của đời sống vô thường.


Nỗi niềm hoang vu của lòng, cái buồn tênh của đời sống đã đưa ta với sống với chính bản thân mình, để ta lắng nghe ta thật sâu, thật lâu, thật thấu. Trong cái cảm giác soi bóng mình với mình, ta lắng nghe chính ta ấy, ta cũng  nghe được nhiều âm ba của đời sống này, của cõi lòng ta khi qua một cuộc tình:
Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
Hồn ta gió cát phù du bay về
Giờ đây, khi tất cả đã ra khơi theo cuộc tình xa, ta chỉ thấy ầm ấm tiếng sóng âm u dội vào đời âm sắc giá buốt. Cái lạnh từ sóng nhưng cũng chính là cái lạnh trong lòng túa ra làm buốt giá cả lời hát. Bởi sóng ở đây là sóng lòng trào lên từng đợt cảm xúc đớn đau, buồn lặng thấm thía tâm can. Ta chìm sâu trong niềm tuyệt vọng khi người yêu người sống phải xa nhau. Thế giớ tâm hồn ta với sắc thắm hoa tươi, với sức sống ngồn ngộn, với cảm xúc sôi trào nay ngập tràn gió cát phù du. Một cảm nhận mang đậm chất Thiền về lẽ hợp – tan hư ảo của cuộc đời. Tâm hồn, tình yêu và cả cõi đời này cũng chỉ là gió cát phù du, mong manh và hư hao mà thôi – cõi tạm của người “ở trọ” suốt đời. Ta lại gặp ý tứ trong bài “Cát bụi” ở đoạn ca từ này:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi
Và đôi khi ta nghe được cả những ân thanh trên mái tình ta – những âm thanh mong manh như chính những cuộc tình đã qua:
Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa
Tình réo tình âm thầm
Sầu réo sầu bên bờ vực sâu
Những giọt mưa trên mái tình ta như thức tỉnh, như những giọt buốt giá khơi lại nỗi đau, nỗi sầu trong lòng. Để rồi tình xa bật lên thành tình nhớ, rớt xuống dòng nước mắt, đọng thành hồ nước mênh mông. Và tình nhớ bỗng thành tình sầu vì nó là tình xa. Nó nhói lên, cuộn trào để vỗ về những cơn sóng nhớ, sóng bi, sóng buốt. Cấu trúc song hành của lời ca đã đồng hiện những cảm xúc cùng trỗi dậy trong lòng người nhức nhối: “Tình réo tình âm thầm/ Sầu réo sầu bên bờ vực sâu”. Cái réo gọi hãi hùng, bi thiết của tình nhớ khi nó đã xa đặt trái tim ta chênh vênh nơi bờ vực sâu. Đó là cảm giác chênh vênh giữa hai bờ vực của lòng cuộn trào sầu nhớ. Và đó cũng là cái cảm thức bất an, lo lắng, sợ hãi của lòng người trước những vô thường của cuộc đời hữu hạn, giả tạm.


Song, trong cùng cực của đau khổ vẫn còn nhiều hạnh phúc, trong vô vàn nỗi sầu ta vẫn thấy niềm vui, trong vực sâu mất mát ta lại thấy được những chân giá trị của những gì còn lại. Và ta, sau khi tiễn tình ra khơi cùng những con sóng, sau khi lặng nhìn từng người tình bỏ đi như những dòng sông nhỏ, nhận về mình những gì còn lại trong một sớm thức dậy. Sau những cơn mộng mê, sau những ảo tưởng/ ảo ảnh, ta lại về với thực tế cuộc đời:
Còn thấy gì sớm mai đây thôi ta còn bạn bè
Giọt rượu nào mãi chua cay trong tình vẫn u mê.
Những cuộc tình như những dòng sông đổ vào biển. Người tình nhân ra đi để lại nỗi đau phụ rẫy. Ta nhận về mình nỗi buồn và những hoang vắng, cô liêu, tịch mịch đời. Để một buổi sáng mai ta thức nhận chân giá trị ở đời – những người bạn. Ta đã quá mải mê đuổi hình bắt bóng trong tình yêu để không biết trân trọng những giá trị đích thực ở đời – tình bạn. Bởi đó là những con người sẽ ở bên ta mãi mãi, sẽ không bỏ ta đi, sẽ cùng ta uống những ly rượu sầu để cùng nuốt nỗi chua cay trong cõi đời này. Một hy vọng lóe lên trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng ở trong cái hy vọng và niềm vui vừa hé ấy là cả một nỗi niềm tiếc nuối, xót xa vì sự thức nhận muộn mằn. Tất cả đến sau khi ta tự chuốc vào hồn những chén chua cay, trải biết bao u mê của tâm hồn u mê. Và có thể biết như thế, nhưng ta vẫn yêu dại khờ, vẫn tưởng nhớ,  mong ước tình u mê. Bởi tình yêu là thế giới bí mật vô cùng, không theo bất cứ quy luật nào ngoài những rung động của trái tim phập phồng, thao thức, của những tình cảm xốn xang, mãnh liệt. Biết yêu mà không được yêu nhưng vẫn yêu. Tình yêu là chuỗi những nghịch lý bất khả giải. Ở trong những thức nhận đó ta biết được rằng:
Từ một ngày tình ta như núi rừng cúi đầu
Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu.


Khi tình vội tan thì đem đến những tiếng buồn. Âm thanh đó là hợp âm chủ đạo cho những mối tình xa. Nó cứ rơi rớt đều đặn trên cuộc đời ta khi mọi thứ đã quá trễ tràng. Thức tỉnh để lịm đi vì se sót, ngậm ngùi vì đời “đã xanh rêu”. Ta đã phí hoài nhiều thứ, đã đánh mất nhiều thứ để chạy theo những cái bóng ảo trong đời, để giờ ta thành nhân chứng của những phôi pha. Đời đã xanh rêu, hoen gỉ, mốc lên bởi nỗi buồn, bởi nỗi đau, bởi những biệt ly và đổ vỡ. Tất cả đã trượt trôi và ta lại về với ta, với đời xanh rêu, với nỗi buồn tênh trống trải. Sự thức tỉnh muộn màng, bi ai nhưng khó tránh. Khi yêu con tim mù lòa và tình yêu như trái phá. Cho nên, tiếng yêu, tiếng đời là tiếng buồn tình làm xanh rêu một kiếp – con – người hay kiếp dã tràng ngày đêm khắc khoải vọng ca cho sóng xô cuốn?!
Thời gian cứ mãi mãi trôi đi, cuốn phăng mọi tín điều ý nghĩa, cái đẹp và bao giá trị thiêng liêng, quý báu của đời. Vạn vật cứ xoay vần, biến đổi trong cái lẽ vô thường miên viễn. Ở đời, chỉ có sự đổi thay là không bao giờ thay đổi. Con người hằng thường như một tiểu linh hồn nhỏ bé đứng ở dưới trần mà ngưỡng vọng về quá khứ, mà lo lắng cho tương lai, ngưỡng vọng về thiên đường đã mất và bất an khi địa ngục đang chờ. Trong dòng chảy nghiệt ngã, vô tình ấy, ta đã trải qua bao cuộc tình xa, tình nhớ, tình sầu, tình xót xa vừa hay nhiều. Đề rồi, khi ngoái nhìn lại ta ngầm ngùi, tiếc thương, hoài nhớ, u sầu một nỗi trống vắng trong lòng. Ta sẽ thức nhận được tuổi đời xanh rêu sau bao rệu rã, xơ xác lòng. Ta nhận về bao tiếng buồn rơi đều để bằng an với những chia cách, biệt ly trong cái lẽ đời xoay chuyển phôi pha. Và ta biết ta đang hiện hữu trong cảm thức của kẻ tình nhân muôn đời.
Viết tháng 10/2015. Sau gần 5 năm phát hiện và sửa lại dịp kỷ niệm 19 năm ngày mất Trịnh Công Sơn nhưng không được tổ chức do dịch virus Vũ Hán gieo rắc chết chóc, sợ hãi, bất an.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ