CHỢ HOA HÀNG LƯỢC – VẺ ĐẸP RIÊNG CỦA TẾT HÀ NỘI

Chợ hoa Hàng Lược là chợ hoa cổ nhất Hà Nội mỗi năm chỉ được tổ chức duy nhất một lần, bắt đầu từ ngày 23 tháng đến ngày 30 Chạp âm lịch. Lịch sử vài trăm năm của chợ hoa nằm giữa lòng phố cổ từ Hàng Lược chạy kéo dài qua phố Chả Cá và cả một phần phố Hàng Mã, khiến chợ hoa Hàng Lược mang trong mình vẻ đẹp, kết tinh nhiều giá trị đặc sắc của Tết Hà Nội truyền thống. Cho nên đây là khu chợ thu hút được rất đông du khách cũng như người dân tới mua sắm, thưởng ngoạn. 


Là chợ hoa giữa lòng phố cổ nên hàng hoa ở chợ Hàng Lược chủ yếu là dân từ những vùng trong hoa ven Hà Nội như Ngọc Hà, Tứ Liên, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá… mang vào bán. 


Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá khiến nhiều làng hoa cổ đã không còn giữ được nên hoa bây giờ cũng từ nhiều nguồn khá phong phú. Không khó để tìm ra những loại hoa được nhập ngoại ở chợ hoa Hàng Lược. 


Tại chợ Hàng Lược, nổi bật và chiếm ưu thế nhất vẫn là đào. Đào Nhật Tân khoe sắc thắm giữa lòng phố cổ gợi lên một sắc xuân rất Hà Nội. 


Sắc thắm hoa đào, màu vàng trái quất không chỉ gợi lên màu mà còn toả hương, mang vị Tết riêng của đất Kinh kỳ. Những nét đẹp truyền thống ngời lên từ những sắc màu thân quen, gần gũi, bì dị khiến mỗi người việt luôn xốn xang mỗi khi Tết đến. 


Với người Hà Nội xưa, hoa Tết trong mỗi gia đình không thể thiếu bát thuỷ tiên. Hoa thuỷ tiên nở đúng giao thừa mang lại may mắn cho gia chủ cả năm. Chơi hoa thuỷ tiên khá công phu song ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể mua những bát hoa thuỷ tiên bán ở chợ Hàng Lược, chờ hoa nở ngày Tết, đem lại không khí, hương sắc Tết Hà Nội. 


Các loại cây trang trí bàn làm việc ở trong nhà hoặc văn phòng cũng được bày bán khá nhiều, đa dạng ở chợ Hàng Lược. 


Không chỉ hoa tươi, các loại hoa lụa, cây trang trí bằng các chất liệu cũng được bày bán với kiểu dáng phong phú, màu sắc rực rỡ, cách làm tinh tế, cảm giác như hoa thật. 



Bên cạnh hoa, những vật trang trí ngày Tết xuất hiện, bày bán nhiều ở chợ Hoa, nhất là những cửa hàng ở phố Hàng Mã, cắt ngang Hàng Lược. Đèn lồng đa sắc màu được treo khắp phố gợi vẻ cổ kính. 


Những vật treo nhà, treo trên cây hoa, cảnh trong nhà ngày Tết mang lại tài lộc. 


Và cả phong bao ngày Tết cho trẻ em theo phong tục truyền thống. 


Màu đỏ là gam màu chủ đạo, bao trùm lên khắp khu bán đồ trang trí ngày Tết. Điều đó cũng dễ hiểu vì để đánh vào tâm lý, quan niệm sống của người Việt trong dịp Tết. 


Đồ thờ cũng là loại hàng xuất hiện rất nhiều trong chợ Hoa hàng Lược. 


Cả những bình, lọ gốm sứ cổ và mới bày bán khắp phố trong những ngày giáp Tết. Điều đó cũng dễ hiểu vì chợ hoa thì bán kèm thêm cả dụng cụ cắm hoa, làm đẹp cho hoa.



Chợ Hoa Tết, kẻ bán người mua tấp nập. Mỗi năm chỉ có một lần nên ai cũng lựa cho mình những món đồ đẹp, hợp nhất trang hoàng những ngày Tết. 


Dù là chợ nhưng chợ hoa Hàng Lược còn là một điểm thu hút khách du lịch khá đông, nhất là trước khi dịch Covid-19 bùng nổ. 


Với nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đi chợ hoa là để ngắm, chụp một số bức ảnh check in ấn tượng ghi lại khoảnh khắc và vẻ đẹp của Tết Hà Nội. 


Đi chợ, ngắm hoa, mua hoa, thong thả dạo phố, cảm nhận hương sắc, nét đẹp Tết Hà Nội là thú vui, sở thích của nhiều người Hà Nội. 


Chợ hoa Hàng Lược là nơi lưu giữ rất nhiều vẻ đẹp, nét truyền thống của Tết Hà Nội xưa. Lặng ngắm nhìn, cảm nhận từng hình ảnh của người mua kẻ bán, thấy hương xưa của Tết Tràng An hào hoa, thanh lịch. 


Chỉ một hình ảnh người phụ nữ đạp xe trên phố hoa trong chiều cũng có thể gợi lên những niềm cảm xúc bâng khuâng về Tết Hà Nội rất đặc trưng, một vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường mà lắng tụ biết bao nét văn hoá, đời sống của Người Hà Nội một thuở. 


Sự nối kết của hai thế hệ, của những món hàng truyền thống và thiết bị hiện đại trong một hình ảnh thật ấm áp, toát lên không khí, tinh thần Tết đoàn viên ấm áp của gia đình. 


Trong những ngày nghỉ Tết, nếu điều kiện cho phép, hãy tới chợ hoa Hàng Lược, để ngắm nhìn, cảm nhận hương, sắc, vị của Tết Hà Nội. Bạn hãy dành cho mình những khoảng lắng, khoảng tĩnh ở vài góc phố vắng, thả hồn mình trong trạng thái vừa hân hoan, háo hức đón Tết, vừa bâng khuâng, hoài cảm về vẻ đẹp xưa của đất Tràng An. Những nét đẹp, bản sắc, điệu hồn riêng của Thăng Long ngàn năm vẫn được lưu giữ, hiển hiện, toả sáng theo cách riêng, từ mỗi góc phố, con người giữa cuộc sống hiện đại tấp nập, ồn ào hiện đại.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ