KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP – DẤU ẤN ĐỌNG LẠI VÀ BƯỚC NGOẶT TRONG CUỘC ĐỜI SINH VIÊN VĂN KHOA

     

Ảnh chụp với thầy Hiếu - thầy hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp tại Đà Lạt 7/2017. Hồi bảo thầy trò không kịp chụp ảnh thì 11 năm sau đi chơi cùng chụp bù tại một nơi siêu đẹp.

         Với sinh viên Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thế hệ chúng tôi – K52 – được làm khoá luận tốt nghiệp là một vinh dự, cơ hội, lợi thế, cũng là thử thách lớn. Bởi những sinh viên được làm khoá luận phải được điểm trung bình ở mức khá, không thi lại nhiều, không học lại các môn chuyên ngành, lấy theo một tỷ lệ nhất định. Khoảng hơn một kỳ vừa thực tập, vừa làm khoá luận là khoảng thời gian đáng nhớ, có thể tạo nên bước ngoặt cho công việc giảng dạy, nghiên cứu hay nhiều công việc khác sau này với mỗi sinh viên. Những gì học được từ quá trình ấy, từ thầy, cô hướng dẫn, những sách, báo, tư liệu sưu tầm, xử lý, sử dụng sẽ mở ra nhiều điều về tư duy, nguyên tắc làm việc khoa học, cách nhìn, đánh giá, xử lý chất liệu cho tới lối viết, ngôn ngữ, cách trình bày một văn bản.

Khoá luận tốt nghiệp có lẽ là công trình khoa học đầu tiên, với một số bạn có thể là duy nhất, được hướng dẫn, nghiên cứu, hoàn thành bài bản, theo một/ một số phương pháp luận nhất định. Đó không chỉ là sản phẩm của cá nhân sinh viên mà còn là công sức, tâm huyết, tấm lòng của thầy, cô hướng dẫn. Những bạn sinh viên đã từng làm những nghiên cứu khoa học thì có thể quen dần các thao tác, hoặc được làm tiếp các vấn đề, dự án mình tâm đắc, theo đuổi bất lâu; còn những bạn sinh viên lần đầu làm thì coi như bài học đầu tiên về nghiên cứu khoa học một vấn đề khoa học xã hội nhân văn. Thử thách, khó khăn, trở ngại càng tăng lên với những bạn theo đuổi đề tài, chất liệu mới, ít/ chưa ai làm, trở thành người tiên phong, hoặc nghiên cứu về lý thuyết văn học. Nhưng khi bạn theo đuổi và thực hiện những vấn đề mang tính tiên phong, khơi mở, chấp nhận những đánh giá chưa thoả đáng/ chưa hiểu, sự bấp bênh về điểm số thì tự bạn đã là một người rất bản lĩnh, theo đến cùng quan điểm, đam mê, tìm niềm hạnh phúc trong sự tìm tòi, khám phá từ nghiên cứu, phê bình văn học.

Một bản khoá luận hoàn thành nghiên cứu một khía cạnh nhỏ của vấn đề, dung lượng gọn gàng năm bẩy chục trang in song cũng là cả một hành trình trải nghiệm và thể nghiệm. Hành trình ấy bắt đầu từ khi thầy và trò gặp nhau, cùng trao đổi, lắng nghe, đối thoại, xác định đề tài, hướng nghiên cứu, cho tới những việc cần làm trong một thời gian nhất định để hoàn thành đúng tiến độ. Sau đó là những ngày miệt mài trên thư viện, hiệu sách, tìm tư liệu, xử lý các dữ liệu liên quan, ăn ngủ cùng với đề tài. Tiếp đến là đề cương, thao thức viết, rồi sửa, có khi phải viết lại từ đầu khi đã được một phần khá dài. Khó khăn lớn nhất là quá trình làm khoá luận trùng với thời gian thực tập nên sinh viên không thể làm được gì nhiều thêm, có khi tạm gác lại. Bởi đa số các bạn đi thực tập ngoại tỉnh, việc thực tập cũng rất nhiều, thời gian và tư liệu dành cho khoá luận gần như không còn. Kết thúc thực tập là giai đoạn nước rút, hoàn thành khoá luận trong khoảng thời gian rất ngắn. Cho nên, khóa luận gắn với nhiều đêm thức, cà phê, nước chè đặc, một số bạn nam còn hút thuốc lá, là cái nóng như nung những ngày đầu hè của Hà Nội. Những lúc như vậy, có khi bạn sẽ suy nghĩ buông xuôi, bỏ cuộc, hoặc làm ẩu… Chỉ có ý chí, tinh thần, nỗ lực, quyết tâm dành đến 200% sức lực và tinh thần mới hoàn thành trọn vẹn như ý của thầy và trò. Dĩ nhiên cũng có những bạn đã có sự chuẩn bị từ trước, học xuất sắc, hoặc làm các đề tài an toàn thì cũng nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn tâm sức hơn nhiều. Song sinh viên, đa số là tới lúc nước rút, thời gian còn hạn hẹp mới chạy deadline nên việc ngày đêm, ăn ngủ, dành tất cả cho khoá luận khá phổ biến.

Nếu tính về điểm số hay xếp loại bằng, với thế hệ sinh viên khoa Văn K52 của mình thì khoá luận khó thay đổi “màu bằng” vì  chỉ được tính 10 đơn vị học trình. Việc lựa chọn làm khoá luận để thử thách hay thi an nhàn, đề tài an toàn hay thể nghiệm mới mẻ chính là lựa chọn dấn thân hay theo những đường có sẵn. Với bản thân tôi thì sau khi họcncả các bậc học sau đại học, tôi vẫn lựa chọn làm khoá luận để tự khám phá bản thể, được trải nghiệm, nhất là cảm xúc, cảm giác của ngày bảo vệ. Khi bạn đứng trước hội đồng gồm toàn các thầy, cô khả kính, là các chuyên gia đầu ngành cùng bạn bè, người thân và những người tham dự, bạn trình bày luận án, bảo vệ quan điểm, giải đáp các câu hỏi của phản biện, của các thầy, cô trong hội đồng, hay cả người tham dự có chuyên môn được phép hỏi giao lưu sẽ thể hiện rõ nhất con người của bạn, kết quả một quá trình làm việc cho khóa luận, thậm chí là quá trình học tập bốn năm. Đó là một cách thể hiện thế giới tinh thần, tạo dựng một diễn ngôn cá nhân, khẳng định giá trị nào đó, hay những tình cảm, niềm đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ với lĩnh vực mình theo đuổi. Cũng từ đây, bạn sẽ học hỏi được nhiều nhiều điều nữa, có khi vỡ ra những tri thức, cách nhìn, cách nghĩ, tư duy mình chưa từng nghĩ tới, biết tới từ đóng góp, bổ sung, phản biện của Hội đồng. Vì thế, trước ngày bảo vệ, các thầy, cô hướng dẫn luôn động viên, an ủi, hoặc cảnh báo trước để mình chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi tình huống. Dù thế, cái cảm giác vừa hồi hộp, vừa lo lắng, vừa phấn khích, say mê, vui mừng, tiếc nuối hay cũng có thể là buồn rầu luôn là dấu ấn quan trọng, đáng nhớ của thời sinh viên. Cuộc sống còn gì đẹp hơn khi bản thân được cháy hết mình cho đam mê, cho một mối quan tâm hay một tình yêu nào đó?!

Khoá luận tốt nghiệp của tác giả

Bản thân tôi rất may mắn được là sinh viên đầu tiên do thầy Trần Ngọc Hiếu hướng dẫn chuyên ngành Lý luận văn học. Đến nay, dù hơn mười lăm năm tôi vẫn nhớ như in mấy điều thầy nói trong quá trình hoàn thành khoá luận: 1/ Em lấy ở đâu, của ai, dù chỉ một vài chữ hay một ý cũng cần có trích dẫn, nêu nguồn xuất xứ, hoặc cho cái thư mục; 2/ Em hãy làm cái em thích, em muốn chứ không phải cái mình sở trường; 3/ Khoá luận của em khá chênh vênh vì khảo sát văn bản tác phẩm trên mạng internet, có thể sẽ không được 10 đâu, đừng buồn nhé… Năm ấy, tôi cùng thầy làm đề tài “Truyện cực ngắn mang phong cách ngụ ngôn” – một đề tài thiên về lý thuyết, khá mới mẻ, rất ít tư liệu và hầu như các tác phẩm khảo sát đều trên trang tienve.org. Rồi thầy, trò vật lộn, trăn trở từ việc tìm nội hàm lý thuyết, giải quyết các thuật ngữ từ tiếng Anh, tới phân tích một tác phẩm, rồi làm sao cắt gọt còn đủ 50 trang theo yêu cầu… Kết quả là trái ngọt khi khoá luận được đánh giá cao và đạt điểm 10. Cá nhân tôi không quan trọng 10 hay 9,8 như đã trả lời băn khoăn của thầy trước hôm bảo vệ, mà thôi thực sự vượt qua một thách thức học thuật tự đặt cho mình, qua cái ngưỡng để tự tin rằng mình có thể làm được nhiều điều hơn bản thân nghĩ, sẵn sàng đi vào những vùng mới, hoặc nhạy cảm, có khi là các hiện tượng thuộc ngoại biên, ở bên lề dòng văn học chính, trung tâm, chủ lưu. Quan trọng hơn tôi được thầy sửa cho từng con chữ, câu văn, các phân tích một tác phẩm đến tư duy vấn đề, đạo đức trong nghiên cứu văn chương là những nền tảng quan trọng đặc biệt để tôi có nền móng cho công việc, những nghiên cứu lớn, dài hơi sau này.

Tôi nghĩ không chỉ với cá nhân mình mà bất cứ bạn sinh viên nào làm khoá luận thực sự, với những đề tài có vấn đề và được chỉ dẫn tận tâm cũng sẽ được rất nhiều, và tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời mình, kết thúc bằng một dấu ấn riêng, ít nhất là cho chính mình. Từ trải nghiệm của cá nhân, tôi xin đúc kết mấy điều tạo ra bước ngoặt sau khi làm khoá luận nói riêng hay những nghiên cứu khoa học sinh viên ngành văn nói chung:

Thứ nhất: Đạo đức nghề nghiệp thể hiện ở tính nghiêm cẩn, tính trung thực trong nghiên cứu, là ý thức tự thân và không chấp nhận đạo, nhái trong văn chương.

Thứ hai: Tinh thần làm việc cầu thị, nghiêm túc, chỉn chu, luôn nỗ lực hết mình, tự lập, tự tin, không đầu hàng, không bỏ dở, hay vì thời gian gấp mà làm cẩu thả. Sự cầu thị. và cầu toàn trong bất cứ lĩnh vực gì cũng cần thiết để tạo ra những giá trị tốt đẹp.

Thứ ba: Khả năng tư duy vấn đề khoa học, mạch lạc, hiểu bản chất vấn đề, nhìn các vấn đề văn chương và cuộc sống theo quy luật, bằng cái nhìn khách quan, bao quát, toàn diện nhất trên những căn cứ, khảo sát rõ ràng, cụ thể.

Thứ tư: Kỹ năng làm nghiên cứu, dù chỉ là một bài tập nhỏ cũng cần rất nhiều thao tác, công đoạn theo quy trình chuẩn mực, chỉn chu.

Thứ năm: Quan niệm làm nghề dạy học như một sự trao đổi, chia sẻ tri thức, cần sự lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia rất nhiều. Điều này sau tôi vẫn may mắn được hưởng thầy La Khắc Hoà (Lã Nguyên) trong suốt quá trình hướng dẫn luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ. Mỗi lần tới nhà thầy hướng dẫn là một cuộc trò chuyện, toạ đàm về văn chương và về chính cuộc sống đời thường.

Thứ sáu, điều quan trọng nhất là tình cảm thầy trò rất sâu sắc. Thứ tình cảm quý giá này tôi luôn khắc ghi không chỉ từ các thầy hướng dẫn khoá luận, luận văn, luận án mà từ tất cả các thầy, cô trong khoa Văn. Nhưng với thầy hướng dẫn, sự gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu để đẩy tình cảm ấy lên một mức cao hơn: vừa là thầy – trò vừa là tình cảm của những người trong gia đình, quan tâm và yêu thương. 

Thứ bẩy: Ý thức về bản thân, năng lực, giá trị, những nguồn sức mạnh, khả năng tiềm ẩn trong mỗi người. Từ đó, bạn có thể làm được những việc vượt xa hình dung của chính mình cả trong học thuật lẫn cuộc sống từ việc tự thử thách chính mình.

Bốn năm đại học không dài nhưng là khoảng thời gian quý nhất để bạn học được nhiều điều, tích luỹ được nhiều tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ nhất. Các thầy, cô luôn là kho tri thức vô tận, mỗi hoạt động học tập, nghiên cứu, trải nghiệm đều đem đến nguồn “tri thức hân hoan”. Hạnh phúc, kỷ niệm ngọt ngào của sinh viên văn khoa, cá nhân tôi cho rằng không thể thiếu những nụ cười, giọt nước mắt, lo âu, hồi hộp, háo hức trong quá trình khám phá, sáng tạo, thể hiện bản thân bằng một diễn ngôn riêng, dù chênh vênh, non nớt nhưng đầy nhiệt huyết, đam mê từ những trải nghiệm, thể nghiệm cá nhân.

Bắc Giang, đêm 15 tháng 7 năm 2021, viết cho những ký ức về thời sinh viên nhân kỷ niệm 70 năm thành lập khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ