KIỂU NHÂN VẬT NHÀ SƯ VÀ LẼ SỐNG “TÙY DUYÊN” TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH

                                                                                                  Tác giả: Ngô Thanh Hải 

Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh là một hiện tượng văn học độc đáo trong thời gian gần đây. Hiện tượng này đánh dấu sự trở lại của lối viết tiểu thuyết truyền thống cùng với những tìm tòi, cách tân, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. Mỗi tác phẩm đều mang đến một góc nhìn, cách tiếp cận khác về lịch sử trong mối tương tác với văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh. Nhà văn có sự quan tâm đặc biệt đến những thân phận con người, đặt họ trong những biến động lớn lao của lịch sử, khơi gợi nhiều suy tư, triết lý về lẽ sống, những quy luật vận động của lịch sử, xã hội và cuộc đời. Và trong mỗi tác phẩm, chiều sâu văn hóa, nền tảng của những giá trị truyền thống là chất liệu, kiến tạo ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù cho tiểu thuyết của ông. Chính điều này đã giúp nhà văn tạo nên một kiểu loại tiểu thuyết lịch sử khác từ nền tảng của văn hóa và truyền thống văn học. Nổi bật lên là sự góp mặt và ảnh hưởng của Phật giáo, tạo nên một mã nghệ thuật độc đáo trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh. Các nhân vật nhà sư và lẽ sống “Tùy duyên” để lại ấn tượng đậm nét, là một yếu tố kiến tạo bức tranh thế giới nghệ thuật riêng, chuyển tải những thông điệp, bài học có ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc về lẽ xuất xử ở đời.


1. “Tùy duyên” và mạch truyện thức nhận, suy tư về lẽ sống

        Trong những tiểu thuyết lịch sử của mình, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh  dành một sự quan tâm đặc biệt cho Phật giáo, cho các nhân vật sống theo nguyên tắc và tư tưởng của nhà Phật, mà điều cơ bản nhất là “Tùy duyên lạc đạo”. Điều đó được nhân vật nhà sư Vô Trụ trong Hồ Quý Ly khi ông mượn hai câu thơ của Trúc Lâm đại sĩ (Trần Nhân Tông) để nhắc nhở Phạm Sinh trước khi lên đường tìm hiểu mọi lẽ huyền ở đời:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc san, hề khốn tắc miên...”

(Ở cõi phàm trần, vui đạo hãy tùy duyên

Đói thì ăn, mệt ngủ yên) (Nguyễn Xuân Khánh 2012a: 563).

        Chính kiểu nhật vật này đã thể hiện một phần tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, tạo nên nét đặc sắc riêng trong cấu trúc nghệ thuật cho tiểu thuyết lịch sử của ông. Và đây cũng là một tuyến/ lớp truyện quan trọng để ký gửi suy ngẫm, chiêm nghiệm mang tính triết lý về lịch sử, hàm chứa những bài học sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan, lẽ xuất xử, cũng như sự lý giải riêng, thấu đáo về lịch sử dân tộc trong các điểm nút, bước ngoặt trọng đại, những biến động lớn lao.

Khảo sát các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, ta thấy các nhân vật nhà sư xuất hiện nhiều trong Hồ Quý Ly Đội gạo lên chùa. Nếu trong Hồ Quý Ly, những nhân vật này là tuyến phụ, đan xen trong tuyến chính là các nhân vật lịch sử thì đến Đội gạo lên chùa, họ đã trở thành tuyến nhân vật trung tâm, xuyên suốt. Nhà văn đã đặt những nhân vật này trong bối cảnh lịch sử đầy biến động, ở những thời đại đặc thù và đặc biệt - thời tàn, thời mạt. Chính trong bối cảnh ấy, kiểu nhân vật này tạo nên một mạch/ tuyến truyện kể khác, đối lập với tuyến/ mạch truyện kể về các nhân vật và diễn biến của những sự kiện lịch sử. Do đó, họ giống như một đối cực của tuyến nhân vật lịch sử đầy tham vọng trong hành động, làm cân bằng lại, tạo nên sự hài hòa âm - dương cho mạch truyện kể trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Họ cũng là những chủ thể lựa chọn lối sống an nhàn, tự tại - lối sống “tùy duyên” giữa cuộc đời vạn biến. Họ không hẳn quay lưng với cuộc đời, không phải tất cả đều ẩn dật nhưng họ không tham gia vào những mưu đồ chính trị, những tranh chấp, không có những hành động gây hấn. Họ sống an nhiên, chấp nhận những thử thách, gian nan trong thời loạn để được làm điều mình mong muốn, được sống hòa hợp, được sống đúng là mình. Rất nhiều chủ thể này đã tìm về với Phật, chọn không gian của nhà Phật làm điểm tựa để nuôi dưỡng Phật tính, nuôi dưỡng cho mình lòng từ, bi, hỉ, xả.

Ở tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhân vật nhà sư Vô Trụ thể hiện một cách toàn vẹn lẽ sống tùy duyên, những suy tư và tâm niệm của lẽ hành xử theo Phật tính. Trong suốt cuộc đời tu đạo của mình, ông đã sống theo tâm niệm ấy và dạy các đồ đệ của mình sống như vậy. Cái điều căn cốt của người theo Phật là “tùy duyên”, là phải sống theo “Đạo”. Cho nên, theo Phật không có nghĩa phải xuất gia, phải thoát tục. Phật ở tại tâm và con người sống giữa cõi trần cũng vẫn có thể thành Phật. Điều cốt yếu và quan trọng nhất là anh có sống trọn theo “Đạo” hay không. “Đạo” với nhà Phật không gì khác là đi tìm cho con người một sự giải thoát, để cứu khổ cứu nạn, thực hiện từ, bi, hỉ, xả, để lòng nhân ái tràn ngập khắp nơi, không còn chiến tranh hay bất cứ một sự giành giật về danh lợi nào nữa. Con người phải vượt lên chính mình, vượt thoát khỏi những sân hận của bản thân, những thứ cuồng mà bản năng sai khiến để tìm thấy sự cân bằng trong nội tâm, tìm được sự điều hòa trong hành vi, đốn ngộ đạo, thực hành điều thiện. Vì lẽ sống rất giản dị và cũng rất thâm sâu ấy nên nhà sư Vô Trụ đã tìm mọi cách để hạ bớt, để dung hòa cái ánh mặt rừng rực lửa của Phạm Sư Ôn (sư Thiên Nhiên). Và đến khi, ông biết tất cả đều vô nghĩa, kể cả việc dùng đến yếu tố bên ngoài - võ học cũng vô ích, nhà sư để Sư Ôn ra đi, hoàn tục, thực hiện những tham vọng của mình. Nhà sư đã thẳng thắn thừa nhận sự thất bại của mình trong việc cố đưa Sư Ôn về với Phật, xua tan đi cái hung khí và cái ánh lửa đam mê ngùn ngụt trong mắt người học trò rất “thiên nhiên” của mình: 

    “Ta đã cố gắng hết sức giúp con, nhưng duyên nghiệp của con với ta chỉ có chừng ấy thôi. Nghiệp chướng! Nghiệp chướng! - Sư cụ thở dài - Con còn nặng nợ trần gian. Thôi! Ta cho phép con hoàn tục. Hãy đi đi và đi thật xa” (Nguyễn Xuân Khánh 2012a: 234).

Ông nhắc đồ đệ dù làm gì cũng không được quên lời răn của Phật, không được nhắc đến ngôi chùa này cũng như người thày của mình nữa. Để Sư Ôn hoàn tục, khuyến khích Sư Ôn làm những việc anh ta muốn, chính là Vô Trụ đã thực hiện đúng cái triết lý “Tùy duyên” của nhà Phật. Vì tùy duyên nên cứ để mọi thứ tự nhiên, không ép uổng, không nên cố gắng làm trái những thứ thuộc về thiên nhiên, bản tính của con người. Do đó, “đói thì ăn, mệt ngủ yên”, làm tất cả theo chân tính, theo những gì là tự nhiên, bản tính của mình. Không gượng ép, không cố chấp, luôn linh hoạt bởi cuộc đời vốn “vô thường”, vạn vật đều là “sắc sắc không không”. Cái điều quan trọng nhất là con người phải giữ được sự cân bằng, an nhiên giữa cuộc đời, không câu nệ cũng không thái quá. Mọi sự ở đời này đều mang căn tính của “Vô” (Không). Vì thế, nhà sư Vô Trụ mới nhận ra mình đã sai khi cố dạy dỗ, tìm mọi cách để dìm đi cái ánh mắt ngùn ngụt lửa đam mê kia của Phạm Sư Ôn. Và khi Phạm Sinh xin phép thày ra đi tìm lý lẽ ở đời thì sư cụ cũng phải thốt lên là “Nghiệp chướng”. Nhưng cũng chính từ cái lẽ “tùy duyên” ấy, Phạm Sinh đã không thành “Nghiệp chướng”, đã tránh xa được cái sự chấp trách bởi lòng hận thù, bừng ngộ ra chân lý ở cuộc đời này mà thoát khỏi vòng chém giết, giành đoạt, sống trọn vẹn với phần “Đạo” mình đã được thụ hưởng. Phạm Sinh lựa chọn cho mình con đường riêng, từ bỏ cả Trần Khát Chân, cả Nguyễn Cẩn. Anh không thể chấp nhận trả giá và không cho phép mình lao vào vòng chém giết vì tham vọng như một con thiêu thân để phải trả giá. Trước hay sau anh vẫn là con người sống với phần Phật tính, tấm lòng Phật của mình nên anh chọn tiếp nối con đường của người cha vợ Sử Văn Hoa đã bị ám hại một cách oan ức, đau đớn - trở thành người chép sử của thời đại.

2. “Tùy duyên” và triết lý nhân sinh về đời sống. 

Tâm niệm sống “tùy duyên lạc đạo” còn được cụ thể hóa thành một bài học về xuất xử trong kiếp nhân sinh mà nhà sư Vô Úy nói với sư Khoan Độ khi ông sắp xếp cho thày mình trốn khỏi chùa Sọ, tránh tai họa cải cách ruộng đất ở tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”: 

“Con tính toán mọi việc thế là chu đáo. Tuy nhiên thầy không thể bỏ trốn được lúc này. Bởi đã mang lấy nghiệp là phải gánh chịu nghiệp. Nếu tránh được khi này thì nghiệp vẫn sờ sờ đấy, lúc khác ta lại phải gánh chịu...” (Nguyễn Xuân Khánh 2012b: 557).

Quan niệm “Tùy duyên” đã đưa đến một quan niệm sống khác, tích cực và nhân ái, quan niệm về “khổ” và “nghiệp”. Người ta sinh ra trên đời đã khổ (Đời là bể khổ), sinh ra để tạo nghiệp và chịu nghiệp (có khi nghiệp từ kiếp trước của mình). Cho nên duyên và nghiệp gắn liền với nhau, không thể tránh, không thể đổ thừa cho ai được. Sư Vô Úy đã chấp nhận tất cả vì đó là nghiệp của mình, mình phải gánh. Ông điềm nhiên đối mặt với đau đớn, sự hành hạ, mọi tai ách do thời đại, do người đời mang đến mà không hề sợ hãi. Những tai họa khủng khiếp từ bốt phòng nhì của Pháp, đến hỏi cung tàn bạo của đội cải cách ruộng đất, cho tới cả việc phải đi cải tạo làm việc khổ sai ở trại số 2, nhà sư đều vui vẻ chấp nhận. Ông chịu đựng được vì trong lòng luôn có Phật, miệng luôn niệm Phật. Có một chi tiết rất nhỏ nhưng lại cho thấy một tâm hồn an nhiên, thiền định đã đến mức siêu thoát của sư cụ Vô Úy là khi Chánh Long bị đội cải cách xử bắn, sư cụ bị cấm không được niệm Phật ra miệng nhưng ông vẫn ngồi ở tư thế tọa thiền, niệm Phật từ tâm mình cầu siêu độ cho người xấu số, cầu những điều tốt đẹp và bình yên đến cho mọi người. 


        Sống tùy duyên, tìm về với Phật tính tức là sống với phần căn tính thiện của mình, vượt lên trên tất cả những “tham”, “sân”, “si”, để lòng mình thanh tịnh, trong sạch, bằng an. Cõi lòng ấy như mặt nước phẳng lặng, không chút gợn sóng trước mọi biến động của cuộc đời. Những con người này theo đến cùng việc thực hiện lý tưởng sống từ bi, bác ái, sống vì cái tốt, vì tình thương, tránh xa cái ác, cái xấu và hành động gây đau thương. Đó là những tâm hồn lớn lao, cao cả, luôn giang rộng cánh tay mình để cứu nhân độ thế, để làm việc nhân đức. Những Vô Trần, Vô Chấp, Vô Úy cùng hành động cụ thể của họ đã nói lên tất cả. Dường như cả cuộc đời của họ dành để cứu khổ cứu nạn cho nhân gian, để tìm ra hướng giải thoát cho con người hết khổ, và bản thân họ có thể chấp nhận hứng chịu nhiều tai ách. Sư cụ Vô Úy đã hai lần thập tử nhất sinh, mà lần thứ hai, nếu không nhờ bát nước xuýt thịt của Trắm thì không thể cứu được. Chính từ sự việc này, chú tiểu An đã hiểu thêm nghĩa của chữ tùy duyên “Nếu tốt đẹp, ta chẳng nên chấp trước một điều gì” (Nguyễn Xuân Khánh 2012b: 620). Tất cả các giới luật đều cần cho người ta tu tập, tu thân và tu tâm nhưng cái cảnh giới cao nhất của tu, của đạo là sống thanh thản, tùy duyên, sống bằng tấm lòng Phật ở giữa nhân gian, cùng những biến thiên, thác lũ của lịch sử, của thời đại. Do đó, có thể nói rằng đây là lối sống âm tính (Phật tính), tìm về một không gian riêng thiền định, bình lặng nhưng không hề lánh đời, không hề rời xa những vấn đề của thế sự, nhân gian.

Cũng bởi hai chữ “Tùy duyên” mà An bén duyên với Phật ngay từ lúc mới đến chùa, còn sư cụ nhất định không cho cô Nguyệt xuống tóc. Nợ trần và nợ đời của cô chưa dứt nên dù sống trong chùa, Nguyệt vẫn cứ là người của nhân gian. Rồi An thành chú tiểu, lớn lên và nhận sự dạy bảo của sư cụ Vô Úy, cùng hứng chịu bao kiếp nạn, trải nghiệp của mình. An đi bộ đội, rồi về cõi nhân gian, xa mọi tục lụy cũng là “tùy duyên”. Nhà sư Vô Trần, Khoan Độ cũng do tùy duyên mà từ Đạo trở về với đời, sống nhập thế, tham gia hoạt động cách mạng vì nhân dân, vì đất nước. Đó là số phận, định mệnh, là duyên. Họ từ giã mái chùa, từ giã cửa Phật để bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời, hành động vì những điều tốt đẹp, vì sự giải thoát chúng sinh.

Các nhân vật nhà sư trong cả Hồ Quý LyĐội gạo lên chùa đều gắn với cuộc đời, chủ động tham gia hoặc bị cuốn vào những biến động dữ dội của lịch sử và thời đại. Hành trình từ cuộc đời đến với cõi Phật rồi từ cõi Phật trở lại cuộc đời không chỉ là hành trình số phận mà còn là hành trình của sự thức tỉnh, giác ngộ chân lý, thoát khỏi vô minh, sống tùy duyên lạc đạo theo đúng căn tính và bản thể của con người. Sự dịch chuyển của các nhân vật này qua nhiều môi trường sống, phá vỡ những ranh giới, phạm vi của các trường nghĩa, tạo nên bước ngoặt thay đổi trong tính cách, tâm hồn họ. Những nhân vật này cũng giống như nhiều nhân vật tiểu thuyết khác được xây dựng là những con người nếm trải, mang theo một quan niệm, tâm thức sống nhân văn, có cội nguồn sâu xa từ chính văn hóa dân gian truyền thống. Cho nên, các nhân vật này đều tắm trong cuộc đời của nhân gian, trải qua khổ đến với Phật rồi sau lại “về cõi nhân gian”. Đời là điểm khởi đầu cũng là nút kết thúc một chu trình sống tùy duyên tạo nên cấu trúc lặp lại trong vận động, phát triển, thể hiện một triết lý nhân sinh sâu sắc về những giá trị vĩnh hằng, bản nguyên của cuộc sống, bản thể của con người.

3. “Tùy duyên” và tâm thức gắn bó tha thiết với nhân thế.

        Trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, những ngôi chùa, nơi tâm linh thanh tĩnh, không cao xa vời vợi, không vắng vẻ lánh đời mà lại ở giữa nhân gian, hòa mình với muôn cuộc đời. Không gian ấy không chỉ gắn với những chủ thể lựa chọn sống bằng Phật tính, “tùy duyên lạc đạo”, mà nó còn là nơi che chở, cứu rỗi tâm hồn mỗi con người. Nó là nơi bình yên để  con người nương náu, bình tâm, để được giải thoát khỏi bể khổ trần ai. Cho nên, ngôi chùa luôn ở giữa làng quê, giữa chốn nhân gian, luôn rộng mở giang tay cứu giúp người hoạn nạn. Dường như, không gian chùa làng là nơi bất khả xâm phạm, khiến cho bất cứ ai/ kẻ thù nào trước khi tấn công cũng phải đắn đo, suy nghĩ, hay kiêng dè. Ngôi chùa đổ trong Hồ Quý Ly đã che chở, cưu mang bao người lang thang cơ nhỡ từ Sử Văn Hoa đến Phạm Sinh. Và chính ở ngôi chùa ấy, bà Huy Ninh đã tìm được sự thanh thản cho tâm hồn, để bà mỗi ngày đến cầu siêu cho chồng mình. Đặc biệt hơn, chính bà đã lập không gian của Phật ở ngay trong cung cấm, trong bốn bề là những mưu toan, chém giết, hãm hại lẫn nhau và suốt đời ăn chay niệm Phật, cầu sự giải thoát cho chồng. Ngôi chùa Sọ trong Đội gạo lên chùa cũng vậy. Qua bao thăng trầm, phong ba, sóng gió, ngôi chùa vẫn đó, nhà sư Vô Úy vẫn đó, nguyên vẹn tấm lòng từ bi dành cho chúng sinh. Nơi đây, cả dân làng vẫn đến để tìm sự yên ủi, một lòng thành tâm sám hối, để hướng thiện. Đó đâu chỉ giản đơn là chốn tâm linh mà còn là nơi để người ta quy tụ, người ta trở về tưởng nhớ nhân ngày giỗ sư Tổ. Ngôi chùa, từ trong ý nghĩa của sự sống, như một đối cực để cân bằng, hãm lại cái dương khí ngùn ngụt của thời đại, của những chém giết, những biến loạn trên khắp các không gian “ngoài kia”. Nó níu giữ con người lại, giúp họ biết sống bằng lòng nhân, bằng tính thiện của mình. Và như thế, không gian của Phật với lối sống “tùy duyên” giống như một sự hóa giải, tạo nên sư thăng bằng, ổn định lâu dài cho đất nước, cho thế cục. Do đó, nhân vật Sử Văn Hoa trong Hồ Quý Ly có một nhận định rất sâu sắc: 

    Hồn nước ở ngôi chùa làng. Ngôi chùa làng giáo hóa, làm vơi nỗi khổ của người dân hèn. Nay nếu ta bỏ hoang ngôi chùa làng thì hồn nước biết trú ngụ nơi đâu và thái sư lấy ai làm người ủng hộ cho Minh Đạo” (Nguyễn Xuân Khánh 2012a: 519).

“Minh Đạo” của Quý Ly bài Phật, bỏ hoang chùa làng, bắt sư hoàn tục là làm trái cái lẽ “tùy duyên”, là đi ngược lại sự hài hòa âm - dương trong vận khí đất nước. Vì thế, Sử Văn Hoa liều chết phản đối và phản đối đến cùng chính sách của thái sư, dù ông biết biến dịch là khách quan, đúng theo quy luật muôn đời của vũ trụ. Song cuốn “Minh Đạo” của Quý Ly, đặc biệt là quan niệm hà khắc về “Vô dật, nãi dật” trong cách hành xử sẽ khiến dương khí bốc lên ngùn ngụt. Mọi sự thái quá đều sẽ dẫn đến bất cập. Khi tất cả chỉ chăm chắm vào hành động bên ngoài, vào sức mạnh của đam mê/ tham vọng sẽ thổi bùng ngọn lửa chiến tranh, thiêu rụi mọi thứ. Quý Ly đã không thấy gốc rễ vấn đề của lòng nhân, không chế ngự bằng sự điều hòa âm - dương, tạo nên một sự cải cách bền vững, đi từ cội rễ của đất nước. Vì ý muốn chủ quan, ông ta muốn dập tắt tất cả, muốn tất cả xoay vần theo ý của mình, muốn thay đổi mọi thứ nhanh nhất, đặc biệt là bằng ý chí và sức mạnh. Con đường ấy đã không đem đến một thành công nào, và nhà Hồ cũng đã không thể tồn tại lâu dài như chính lịch sử đã ghi nhận. Còn công và tội của Quý Ly thì mỗi người tự có một phán xét. Vấn đề chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là, vì không nghe Sử Văn Hoa, phủ nhận một nửa tạo nên cấu trúc cân bằng của xã hội, lịch sử nên Hồ Quý Ly đã không thể có một thành quả như mình mong muốn. Như vậy, không gian chùa làng, lối sống chay tịnh, sống hướng về Phật không chỉ là đơn giản là một lựa chọn lẽ sống, lẽ xuất xử ở đời, mà đó còn là một trong những cội nguồn, một nhân tố căn cốt nhất tạo nên tinh thần dân tộc, tạo nên hồn nước, và là chính cội nguồn của đất nước, dân tộc vậy.

Lẽ sống tùy duyên của các nhân vật nhà sư trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh trước những biến loạn của thời cuộc được khắc họa như một văn hóa ứng xử, một hệ tư tưởng vừa mang ý niệm tôn giáo vừa thấm đẫm quan niệm sống của dân gian. Dù tu trọn đường, đi tìm sự giải thoát hoàn toàn khỏi “Khổ” hay quay lại cõi nhân gian từ cửa Phật thì họ cũng đều là sự thể hiện quan niệm Phật tại tâm, tu giữa đời thường. Kiểu nhân vật này tự hàm chứa, là nơi để nhà văn ký gửi một bài học thâm trầm, sâu sắc về sự lựa chọn lẽ sống, cách hành xử nhân văn và tích cực trước thời đại tàn, mạt, động. Cho nên, chiều sâu trong cấu trúc tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh chính là những ngụ ngôn mang đậm chất triết lý về lịch sử, văn hóa, cuộc đời và những phận người.

Như vậy, kiểu nhân vật nhà sư với lẽ sống tùy duyên tạo nên một mảng, tuyến truyện độc đáo trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, tạo nên chỉnh thể kết cấu của những sự đối lập giữa lối sống âm tính và dương tính, giữa thiêng và phàm, đạo và đời, biến loạn và bình yên. Quan niệm sống, tính cách, lối hành xử của những nhân vật này trước những biến động của thời cuộc đem đến một góc nhìn, một cách diễn giải riêng về lịch sử, hàm chứa những bài học nhận thức và lẽ sống: trong biến loạn vẫn có bình yên, trong đạo có đời, trong đời có đạo. Sự bình yên, niềm hoan lạc lớn nhất mà nhân gian có được không phải từ bạo lực, tham vọng mà bắt nguồn từ căn tính thiện, từ chân tâm của những người biết tùy duyên lạc đạo. Đức tin tôn giáo, nền tảng văn hóa, diễn tiến lịch sử, thân phận con người hòa quyện trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, tạo nên một bức tranh thế giới riêng, cũng là một kiểu tiểu thuyết lịch sử mới và độc đáo - một diễn ngôn khác về lịch sử - mô hình dụ ngôn(1) về lịch sử. Thế giới nghệ thuật ấy được bắt nguồn, tạo nền tảng sâu xa từ phông văn hóa dân gian, từ tâm thức, quan niệm sống mang đậm chất tâm linh của người Việt. Chính vì vậy, những tiểu thuyết lịch sử này vừa rất cũ lại vừa rất mới, vừa gần gũi, mộc mạc lại vừa mang tầng tầng lớp lớp những triết lý sâu xa về lịch sử, xã hội, con người. Lịch sử, văn hóa, tôn giáo, triết lý, tâm linh và thế sự đan cài, thành các mã nghệ thuật kiến tạo nên những chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn cho các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh.


CHÚ THÍCH

(1) Ở bài viết này, chúng tôi sử dụng và hiểu khái niệm “dụ ngôn” theo lý thuyết của N.D.Tamarchenko, bản dịch từ tiếng Nga của Lã Nguyên do người dịch cung cấp.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Xuân Khánh (2012a), Hồ Quý Ly, Nxb. Phụ nữ.

2. Nguyễn Xuân Khánh (2012b), Đội gạo lên chùa, Nxb. Phụ nữ.

3. Lã Nguyên (2015), Về những cách tân nghệ thuật trong "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng Ngàn" và "Đội gạo lên chùa" của Nguyễn Xuân Khánh, Văn hóa Nghệ An online ngày 27 tháng 10 năm 2015.

4. N.D.Tamarchenko (2008), Dụ ngôn, nguồn: Поэтика//Словарь актуальных терминов и понятий.- Изд. Кулагиной, Intrada.- 2008. Cтр. 187-188. Bản dịch từ tiếng Nga của Lã Nguyên, do người dịch cung cấp.


Bài viết đăng lần đầu trên tạp chí "Văn hoá Dân gian" số 4 (172) năm 2017       

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ