TIẾP CẬN TRUYỆN NGẮN “CHÍ PHÈO” CỦA NAM CAO TỪ GÓC NHÌN CẤU TRÚC THỂ LOẠI (P1)




Lời mở đầu

             Nam Cao là nhà văn lớn, cây bút hiện thực xuất sắc trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông có đóng quan trọng, tạo bước ngoặt cho sự phát triển của văn học hiện thực đầu thế kỷ XX với kiểu truyện ngắn riêng. Chính điều đó khiến những tác phẩm của ông luôn được quan tâm, nghiên cứu từ nhiều lý thuyết, góc nhìn khác nhau. Đặc biệt, các tác phẩm từ lâu được đưa vào chương trình Ngữ văn bậc trung học phổ thông như "Chí Phèo" càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu, tiếp cận, diễn giải và lý giải theo nhiều phương pháp, lý thuyết khác nhau. Mỗi một góc nhìn, một phương pháp nghiên cứu đem đến những khám phá, cách lý giải riêng, tiệm cận tới một cái nhìn toàn vẹn về giá trị của kiệt tác văn xuôi hiện đại này. Những kết quả này cũng là nguồn tư liệu quý cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học, tiếp nhận tác phẩm, có những gợi mở để khơi lên ý tưởng, suy tư và cách tiếp cận khác, bổ sung thêm một góc nhìn về tác phẩm.
Trong giảng dạy tác phẩm văn học với tư cách là một loại hình nghệ thuật đặc trưng – nghệ thuật ngôn từ, xu hướng khai thác theo đặc trưng, thi pháp thể loại được ứng dụng như một cách tiếp cận có tính ưu việt cao. Trên cơ sở lý thuyết thể loại, các tác phẩm văn học được diễn giải, khai thác từ bản thân ngôn từ nghệ thuật, cắt nghĩa dựa trên hình tượng, ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật. Nó tránh được lối bình tán áp đặt kiểu xã hội học. Tuy nhiên, cách hiểu về thể loại, thi pháp thể loại trong giảng dạy hiện nay còn khá đơn giản đến sơ giản, dựa trên nền tảng lý thuyết cũ, dạy học vẫn nặng nề phê bình khen chê, so sánh cao thấp mà không thấy được cấu trúc nội tại, hạt nhân là những mô hình trần thuật, hoặc các nguyên tắc kiến tạo một thể loại, hoặc tác phẩm với tư cách là sản phẩm của một hoạt động giao tiếp – giao tiếp diễn ngôn. Đó là cách nghiên cứu cổ điển, chỉ tập trung vào bình diện lời nghệ thuật trong hệ quy chiếu lời – vật tương ứng của mặt phẳng. Vì thế, dẫu mang một cái tên rất hiện đại theo thi pháp học nhưng thực tế, việc tiếp cận, giảng dạy tác phẩm văn học ở trường phổ thông hiện nay, trong đó có "Chí Phèo" vẫn dựa trên lý thuyết phản ánh lời vật tương ứng xưa cũ.
Với bài viết "Tiếp cận truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao từ góc nhìn cấu trúc thể loại", chúng tôi quan niệm thể loại văn học như một loại hình diễn ngôn, đi sâu tìm hiểu hạt nhân cấu trúc thể loại được thể hiện trong tác phẩm.  Và bản thân mỗi tác phẩm chính là một diễn ngôn của nhà văn ra đời ở một bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa đặc thù. Hướng đi này sẽ góp phần lấp đầy những khoảng trống lý thuyết thể loại còn để ngỏ, lý giải những hình tượng, chi tiết nghệ thuật gây nhiều tranh cãi, giải quyết những bất đồng quan điểm trong nghiên cứu và giảng dạy truyện ngắn "Chí Phèo". Mặt khác, dựa trên hệ thống lý thuyết mới, chúng tôi bước đầu định hướng một phương pháp, cách thức tiếp cận truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao nói riêng, các tác phẩm văn học nói chung từ cấu trúc thể loại, thực hiện chiến lược giao tiếp diễn ngôn giữa ba yếu tố chủ thể phát ngôn – đối tượng hướng tới – cái được thể hiện/ phản ánh. Góc nhìn, cách tiếp cận này sẽ lý giải được những hiện tượng văn học phức tạp nhìn trên cả chiều đồng đại và lịch đại, thấy được phần nào sự vận động, phát triển của quá trình văn học từ các yếu tố nội sinh và sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Và như vậy, tác phẩm cho thấy một lát cắt cua tiến trình văn học dài theo những khuynh hướng khác nhau.
Tiếp cận truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao từ mô hình cấu trúc thể loại, chúng tôi đặt tác phẩm trong việc thực hiện chiến lược giao tiếp diễn ngôn, phân tích theo ba trục tương tác: chủ thể diễn ngôn, bức tranh thế giới và ngôn ngữ tự sự thể hiện. Khi tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn này, chúng tôi nhận thấy "Chí Phèo" là một dụ ngôn về thân phận con người và một kiểu hiện thực/ hình thái ý thức xã hội đặc thù. Qua tác phẩm, nhà văn Nam Cao đã để lại những thông điệp, bài học sâu sắc về nhận thức, lẽ sống, nhất là các quy luật của xã hội, những vấn đề nhân sinh muôn thuở. Dụ ngôn, với tư cách là một mô hình cấu trúc thể loại có nguồn gốc cổ xưa từ các dụ ngôn trong Kinh Thánh, truyện ngụ ngôn dân gian. Hạt nhân cấu trúc của thể loại là: 1/ Chủ thể sở đắc chân lý, luôn mang và muốn gửi những bài học, thông điệp qua câu chuyện kể; 2/ Bức tranh thế giới được tạo ra/ phản ánh là bức tranh của những chủ thể (con người, tạo vật..) đã được lựa chọn/ buộc phải lựa chọn hoàn tất, xong xuôi gắn với bối cảnh xã hội, lịch sử, cuộc sống đặc thù là biến động, tao loạn, bất công gây đau thương, bi kịch; 3/ Ngôn ngữ thể hiện, kết nối là thứ ngôn ngữ đa tầng, tạo chiều sâu ẩn ý, mạch ngầm văn bản, mà kết cấu được sử dụng như một thứ ngôn ngữ đặc thù. Trong những diễn giải về truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao dưới đây, chúng tôi sẽ bám sát mô hình cấu trúc này, làm nổi bật những giá trị của tác phẩm, sự sáng tạo của tác giả, đặc trưng của văn học trong quá trình tạo lập và thực hiện giao tiếp diễn ngôn, như một cách đọc về tác phẩm văn chương.

Phần nội dung

1. “Chí Phèo” – Bi kịch của “kẻ bên lề”



Từ khía cạnh chủ thể diễn ngôn, chúng tôi nhận thấy Chí Phèo thể hiện tiếng nói của kẻ bên lề. Chủ thể - kẻ bên lề ấy được nhìn nhận, thể hiện từ nhiều góc nhìn, và tự thể hiện, cất lên nỗi lòng đầy bi kịch của mình. Qua bi kịch của Chí Phèo – kể bên lề, Nam Cao đã thể hiện tinh vi, sâu sắc nhiều bài học, thông điệp về xã hội, nhân sinh và tâm lý con người.
Khái nệm “Lề” (Margin) ở đây chúng tôi sử dụng là một khái niệm trong nghiên cứu văn hóa đương đại. Nó được xác nhận trong tương quan đối lập với trung tâm (Centre). Theo J.Derrida, trung tâm (Centre) và lề (Margin) chỉ ra những giới hạn được kiến tạo gắn chặt với tiến trình hình thành những cặp đối lập có tính chất thứ  bậc. Khi sử dụng khái niệm “kẻ bên lề” để xác lập tiếng nói của chủ thể trong truyện ngắn Chí Phèo là một khái niệm mang tính tương đối, trong tọa độ, vị trí của cá thể tương tác với cộng đồng, cái thiểu số với đa số, cái khác/ dị biệt với cái bình thường. Đó là những ranh giới để chỉ ra bản chất sự tồn tại, thân phận, ý thức hệ, tư tưởng của một kiểu người trong trạng thái xã hội nhất định. Bởi trung tâm thường là những gì được thừa nhận/ mặc nhiên thừa nhận bởi cả cộng đồng mang theo những quy ước về quy chuẩn đạo đức, tư tưởng, thẩm mỹ, là nơi quy tập những quyền lực của xã hội. Còn bên lề thường là cái khác, cái lạ, vi phạm những quy chuẩn của trung tâm. Nó “gây hấn”, có nhu cầu giải trung tâm để tạo ra những trung tâm mới, hoặc là nạn nhân vĩnh viễn của trung tâm đó. Cho nên trung tâm được tạo ra một cách nhân tạo theo thời gian, trong một số trường hợp có vẻ vĩnh viễn song luôn có xu hướng phá hủy, giải trung tâm. Mối quan hệ trung tâm và cái bên lề luôn là mối quan hệ tác động qua lại, xung đột với nhau, tạo ra những sự chuyển biển không ngừng. Vì thế, sự trỗi dậy của cái/ kẻ bên lề và xu hướng giải trung tâm là một tất yếu, kể cả xét trên phương diện xung đột xã hội, lẫn các xu hướng xung đột trong tư tưởng, ý thức hệ và quan niệm thẩm mĩ.
Đặt trong hệ quy chiếu với cái trung tâm như cách hiểu nêu trên, chúng tôi thấy hiện tượng Chí Phèo là bi kịch của kẻ bên lề, đúng như tinh thần của cặp phạm trù trung tâm – bên lề này. Và trong tác phẩm, lề và trung tâm còn là sự đối lập của cái tồn tại và phi tồn tại, cái được nói/ sống và kẻ không được nói/ sống, quyền lực và bị quyền lực áp bức, đa số và thiểu số; bình thường và dị dạng. Chủ thể của diễn ngôn này, trong mối tương tác chiến lược giao tiếp không thuộc về giai tầng nào như các quan niệm trước đây, mà ở một vị thế xã hội, đời sống, tư tưởng, tình cảm, ý thức hệ lép vế, vừa xung đột, muốn phá bỏ mọi định kiến trung tâm vừa là nạn nhân của mọi chuẩn mực, quy ước cộng đồng trung tâm. Các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là Chí Phèo chính là điển hình của bi kịch cái bên lề, luôn bị chèn ép, xung đột với trung tâm.

Những con người bị ruồng bỏ nên phải tồn tại ngoài lề.

Thế giới nhân vật trong truyện Chí Phèo là thế giới của những con người bị ruồng bỏ theo cách này hay cách khác, khiến họ bất đắc dĩ trở thành những kẻ bên lề, lạc lõng, bơ vơ, có khi không hẳn vì sự khác biệt hay dị biệt nào hết. Chí từ khi mới lọt lòng đã bị bỏ rơi, trần truồng xám ngắt trong một cái váy đụp bên cái lò gạch cũ bỏ không. Anh thả ống lươn rước hắn về cho bà góa mù. Bà góa mù bán hắn cho bác phó cối không con. Đến khi bác phó cối chết, hắn bơ vơ hết đi ở cho nhà này đến nhà khác, và lớn lên. So với những chuẩn mực của trung tâm là gia đình, một cuộc sống hoàn chỉnh thì Chí mãi mãi là kẻ chầu rìa, ở ngoài lề. Cả cuộc đời hắn không có một gia đình, người thân, hay một sự thừa nhận hắn thuộc về một gia đình nào. Hắn ở bên lề một hạnh phúc/ tín điều bình dị, thiêng liêng nhất của con người bình thường là gia đình đầm ấm, có sự quan tâm, che chở, chăm sóc. Cho tới khi cuối đời, tỉnh lại sau cả một quãng đời say sưa, tha hóa, hắn thấy mình già và cô độc, nhận ra bi kịch lớn lao là cả đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay đàn bà. Vị trí bên lề này cho ta thấy một thân phận bi đát, đáng thương, tội nghiệp cùng cực. Thứ trung tâm nho nhoi, gần gũi nhất nhưng với Chí thì mãi mãi là vời vợi cách xa, không thể chạm tới. 
Cũng vì thế mà Chí Phèo sống thân phận hư vô, như không tồn tại trong thế giới trung tâm của con người bình thường. Hắn không có bất cứ một căn cước nào để khẳng định sự hiện hữu của mình. Căn cước quan hệ là con số không vì không cha mẹ, không người thân; căn cước hành chính cũng không vì đến cái thẻ biên tên hắn cũng không có, trong sổ đinh của làng ghi hắn là dân lưu tán lâu năm không về; căn cước tài sản thì lại càng không vì Chí Phèo đúng là kiểu “vô sản trần như nhộng”, không một thước đất cắm dùi; căn cước nghề nghiệp là một điều xa xỉ vì hắn có mỗi cái nghề không được coi là nghề: rạch mặt ăn vạ, giật cướp, mưu hại để sống. Với tất cả những điều đó, Chí chưa bao giờ được xác lập vào vị trí trung tâm hoặc có khả năng phá ranh giới để được vào trung tâm. Càng mon men, cố gắng hóa giải ranh giới vị thế của lề và trung tâm hắn càng bị đẩy đi xa hơn, càng bị nhìn bằng định kiến nặng nề hơn. Không phải ngẫu nhiên mà bà cô thị Nở lại cấm đoán thị đến với Chí bằng những lời đầy định kiến thứ bậc, ngăn cách: Đàn ông đã chết hết cả rồi sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy một cái thằng có mỗi một cái nghề là đi rạch mặt ăn vạ. Bà cấm cửa cháu bằng lý do: Đã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo. Trong cái nhìn của bà cô thị Nở nói riêng và của cả xã hội nói chung, thằng Chí Phèo là một thế giới khác, thấp kém, không xứng với thị Nở - cháu của bà – dẫu thị chỉ có cái nghèo, cái xấu, cái ngẩn ngơ – những thứ không ai màng tới. Định danh “thằng Chí Phèo” là định danh vị thế, thân phận không bao giờ thay đổi được. Do đó, bi kịch của Chí Phèo trước tiên là bi kịch thân phận của con người mới ra đời đã không được thừa nhận làm người trong các quy chuẩn bình thường, ở vị trí trung tâm như mọi người. Không nên/ không thể gắn bất cứ cái nhìn xã hội học nào, cho rằng Chí Phèo là đại diện cho một giai cấp, tầng lớp nào đó ở xã hội bất bình đẳng, có áp bức, bóc lột kiểu thống trị - bị trị.
Bởi đơn giản ngay xuất thân của Chí Phèo không ai biết. Nam Cao đã xóa mờ mọi thông tin về nhân thân, nguồn gốc của hắn bằng những phủ định. Cái câu hỏi nhức nhối mà chính bản thân Chí thắc mắc là Đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn, đẻ ra thằng chí phèo? thì cũng không ai biết. Có mà trời biết. Hắn không biết. Cả làng Vũ Đại không ai biết. Đời Chí Phèo được định danh bằng sự tồn tại ở vị trí đối lập với dân làng Vũ Đại, hoặc chầu rìa những cuộc đời rất đỗi bình thường. Không có căn cước sống nên không có chi tiết nào để khẳng định bản chất giai tầng của nhân vật. Nhưng chính điều đó khiến cho Chí Phèo trở thành một điển hình mang tính phổ quát, ta có thể gặp ở bất cứ đâu, thấy ở nhiều người, ngay cả trong đời sống đương đại, trên một số đặc điểm, tính cách nào đó. Chí Phèo là một kiểu hiện tượng, tính cách, con người xã hội, con người muôn thuở. Và cả cuộc đời của hắn, từ khi lọt lòng chính là chuỗi dài của nỗi đau bị ruồng rẫy liên tục, mà lớn lao nhất là sự ruồng rẫy của thị Nở, hy vọng duy nhất, cuối cùng để hắn có thể trở về cuộc đời của những người lương thiện, của xã hội loài người, một trung tâm mà hắn cứ bị đẩy xa dần, bị tước đoạt mất dần, để rồi mất vĩnh viễn. Đó chính là lý do hắn phải tự kết thúc cuộc sống của mình ngay khi tưởng chừng đã giết được kẻ thù gây ra bi kịch cho cuộc đời hắn là Bá Kiến, cá kết đẫm máu.
Nỗi đau, bi kịch bị ruồng bỏ của Chí Phèo không phải cá biệt, của riêng ai. Nó có thể lặp lại ở nhiều số phận khác, và bản thân Chí Phèo cũng là sự nối tiếp của những thân phận trước đây, được miêu tả thấp thoáng trong tác phẩm. Những Năm Thọ, Binh Chức, rồi Tự Lãng là các phiên bản trước/ phiên bản khác của Chí Phèo. Có chăng Chí là kẻ hội tụ đầy đủ, đỉnh điểm nhất mọi nỗi đau của con người bị chính người thân, đồng loại của mình chối từ, ruồng rẫy, đặt ra ngoài rìa, đẩy sang một thế giới khác. Và có cả những con người, dẫu không trọn vẹn một kiếp sống bị ruồng rẫy, gạt bỏ như Chí Phèo nhưng mà một quãng nào đó, ở một lúc nào đó ta sẽ phải nếm trải bi kịch này. Cảm giác cô đơn, xa lạ, lạc lõng không của riêng ai, ở một thời điểm hay sống trong một xã hội. Vị trí bên lề, phải nhìn vào trung tâm như một kẻ chầu rìa của con người cũng là dạng phổ quát khi vẫn còn những ranh giới của chuẩn mực đạo đức, tư tưởng, ý thức hệ, giai cấp, quyền lực, tài sản… Đó là điều quan trọng nhất nhà văn nói lên trong tác phẩm này, vượt qua cái nhìn hạn hẹp gắn với giai cấp: bi kịch chung của kiếp sống nhân sinh, như quan niệm Phật giáo cho rằng “Đời là bể khổ” và con người sinh ra đã mang nỗi thống khổ của kiếp người. Tất cả nỗi khổ, bi kịch bắt nguồn từ lòng tham, sự vô minh, sân hận của con người đã xây những bức tường ngăn cách, phá huỷ yêu thương, bao dung.

Quyền lực và định kiến xã hội đẩy con người ra ngoài lề 

Vị trí trung tâm và bên lề luôn gắn với quyền lực hiểu theo nghĩa rộng nhất là cả một hệ thống chính trị, tôn giáo, văn hóa, tri thức, đạo đức… Sống trong một xã hội như làng Vũ Đại, xung đột quyền lực là không thể phủ nhận và Chí Phèo là nạn nhân của các thể chế đó. Song nhìn từ một góc độ khác thì có thể chính bản thân hắn phải chịu trách nhiệm về vị trí của mình, tự lựa chọn con đường tồn tại ngoài lề của mình, dẫu đó là lựa chọn trong tình thế cùng đường, bế tắc, hoặc là tồn tại hoặc phi tồn tại. Cho nên có thể nói bi kịch và số phận bên lề của Chí Phèo là bị đẩy ra và tự đẩy mình ra theo bản năng sống, nhằm mục đích sống bằng mọi cách.
Trước hết, dẫu là kẻ bên lề của đời sống gia đình, hạnh phúc người như số đông thì xuất phát điểm của Chí vẫn là trong trung tâm xã hội loài người, được nhìn nhận như một con người – con người bản thể “nhân chi sơ, tánh bản thiện”. Dẫu bị ruồng bỏ, bị chuyên tay, làm kẻ đi ở đợ thì hắn vẫn là người lương thiện, sống đời lam lũ bình thường như bao người nông dân khác. Quãng đời làm anh canh điền hiền lành, chăm chỉ, có ước mơ dung dị mà thiêng liêng khiến người ta dễ lầm tưởng Chí Phèo là nông dân. Nói một cách chính xác hắn đã có một thời, một quãng đời, kiếp sống nông dân như những người nông dân chính hiệu, đông đảo ở làng Vũ Đại, được ở trung tâm trong một khoảng thời gian, không gian hạn chế. Nhưng sự cố buộc hắn rời làng quê, đứt lìa bản chất người nông dân của mình: Chí bị bắt đi giải huyện, rồi nghe nói đi tù, cũng không biết hắn đi tù mấy năm nhưng hắn đi biệt bẩy, tám năm mới thấy lù lù trở về. Nguyên nhân dẫn đến sự cố cũng mù mờ: có người bảo do Bá Kiến ghen tuông mà sợ bà Ba còn trẻ không dám nói; có người cho rằng anh canh điền được bà ba tin cẩn nên trộm tiền trộm thóc nhiều. Mọi sự thật đều nằm trong màn sương mờ ảo, chỉ có hiện thực là rõ ràng, cái vị trí thiêng liêng, quyền căn bản và ban sơ của Chí Phèo là một người lương thiện đã bị tước đoạt. Hắn chính thức bị đẩy sang thế giới khác, ở ngoài lề cuộc sống của con người bình thường.
Dĩ nhiên, ở bên lề thì cũng có nhiều cự ly khác nhau. Khoảng cách thành hố sâu, thành vực thẳm với cuộc đời Chí là cả một quá trình. Trở về làng sau bẩy tám năm lang bạt, Chí đã thành Chí Phèo, một người nông dân hiền như cục đất đã thành kẻ lưu manh, côn đồ, sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ. Các thế lực cường hào mà cụ thể là Bá Kiến, nhà tù, hay môi trường xã hội, cuộc vật lộn mưu sinh để có cái ăn mà tồn tại đã làm biến dạng cả hình hài lẫn nhân cách của Chí, tước đoạt cái vị trí làm người bình thường, chênh vênh ở ranh giới trung tâm – ngoài lề vốn có của hắn? Có lẽ là do tất cả. Từ sống bằng ý thức người Chí Phèo chuyển sang sống bằng bản năng con, tồn tại bằng sự liều lĩnh. Về lại làng quê sau nhiều năm đi biệt nhưng Chí Phèo sống đời sống khác, tách biệt, dị dạng so với những người nông dân và so với hắn trước đây. Hắn về hôm trước thì hôm sau người ta đã thấy hắn ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó từ trưa tới xế chiều. Rồi say khướt. Hắn xách vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến, gọi tên tục ra mà chửi. Người dân đổ đến xem vì hả dạ, thú vị và hiếu kỳ bởi trước nay chưa ai dám chửi nhà cụ Bá, mà còn chửi ngoa ngoắt, sâu cay, đến đội mồ mà lên. Mấy bà vợ của Bá Kiến thì đóng chặt cửa vì sợ thằng say rượu làm liều, không ai nói với hắn một câu phải chăng. Kết cục chỉ còn một thằng say rượu với mấy con chó dữ. Sự kiện đầu tiên, có thể nói chấn động cho thấy vị trí của Chí Phèo, đã thành một kẻ lạ. Dân làng xem hắn làm trò, đã có một khoảng cách – không còn đồng điệu, cùng giai tầng nữa, mà là một kẻ khác, đang nổi loạn, gây hấn, có thể thay họ hành động những gì họ không dám, hoặc đơn giản có người thấy hắn chỉ là một thằng say, một kẻ sống vì liều. Gia đình Bá Kiến thì coi hắn không khác gì mấy con chó, bằng thái độ khinh miệt lẫn sợ hãi. Một thằng say chửi với mấy con chó dữ là một xác lập vị trí đầy bi đát, tàn khốc dành cho một con người mang tỳ vết trở về, mang chấn thương do tội ác của các thế lực thống trị gây ra.
Tuy nhiên cuộc nổi loạn của Chí Phèo cũng không gây ra thay đổi lớn nào, chỉ vừa đủ cho những tò mò, cho người ta thấy sự đổi thay của hắn. Bá Kiến về, chỉ bằng vài câu đã khiến ai về nhà nấy. Chí Phèo bị cô lập. Tâm lý sợ hãi cố hữu khiến hắn không dám đi xa hơn. Mà rượu cũng nhạt, người về, hắn thấy hắn trơ trọi, bơ vơ. Đồng thời với hắn, việc làm này cũng là quá táo bạo, khiến hắn cảm thấy cũng oai. Bởi hắn là ai ở cái làng Vũ Đại này, thân cô thế cô mà dám độc lực chọi nhau với lý trưởng, chánh tổng, bá hộ tiên chỉ làng Vũ Đại, chánh hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân đại biểu, khét tiếng đến cả trong hàng huyện. Sự ngọt nhạt của Bá Kiến khiến Chí mềm nhũn và từng bước mắc mưu của ông ta. Đó cũng là lúc Chí Phèo ngày càng ở khoảng cách xa hơn, bị cách lìa rõ rệt với xã hội trung tâm của loài người. Mấy đồng bạc Bá Kiến cho hắn để trị thương hắn uống rượu ba hôm hết nhẵn. Đến ngày thứ tư hắn ra chợ, mua rượu quỵt tiền, lại đe dọa, đốt lều mụ bán rượu. Hắn đi xa hơn và lún sâu hơn vào con đường tha hóa, rời bản chất người, cuộc sống người. Không dừng lại ở việc nằm vạ, Chí Phèo đã doạt nạt, cướp đoạt, gây hại cho những con người lương thiện. Ranh giới của hai bên đã chính thức chia rõ, thành một hố ngăn cách từ đây. Chí Phèo thành kẻ bên lề hoàn toàn, trên mọi mặt đời sống, khó có thể trở về trung tâm cuộc sống con người bình thường.
Trở về quê hương, Chí Phèo rơi vào bước đường cùng, không người thân, không một thước đất cắm dùi, không làm gì nên ăn. Tình cảnh bi đát đó đưa hắn đến một lựa chọn khốc liệt: hoặc chết để làm người, hoặc bán linh hồn cho quỷ dữ để có miếng ăn, tiếp tục tồn tại nhưng không thuộc về thế giới loài người nữa. Chí Phèo đến nhà Bá Kiến sau khi uống rượu ăn quỵt của mụ bán quán trong điệu bộ hiền lành. Hắn đến xin đi ở tù vì đi tù sướng quá, đi tù còn có cơm mà ăn, về làng về nước không thước đất cắm dùi, không làm gì nên ăn. Mà nếu không được đi thì hắn sẽ đâm dăm ba thằng để cụ bá bắt đi giải huyện. Tình cảnh khốn khổ và tuyệt vọng của hắn khiến phần bản năng sống càng trỗi dậy mãnh liệt. Hắn chấp nhận đến nhà Đội Tảo đòi nợ cho Bá Kiến, nhất là đòi được dễ dàng thì vênh vênh ra về, tự cao rằng anh hùng làng này bằng ta. Đó là thời khắc quyết định để hắn vĩnh viễn ở bên lề và không bao giờ trở về trung tâm của xã hội loài người được nữa. Bởi sau khi đòi được nợ, Chí Phèo thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến, nối tiếp Binh Chức. Và hắn trượt dài trên con đường tha hóa, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Vị trí ngoài lề của hắn lúc này không chỉ còn là cái ranh giới về giai cấp, thân phận mà là khoảng cách của hai thế giới khác biệt: con người và quỷ dữ. 
Từ đó, Chí Phèo sống trong một thế giới khác thường, thậm chí thù địch với người bình thường. Hắn triền miên trong những cơn say dài, vô tận, mất hết ý thức về cuộc sống và bản thân. Cuộc đời của hắn gắn với những hành động tội ác: giật cướp, đâm chém, đốt nhà, mưu hại…, những việc người ta giao cho hắn làm. Hắn không biết hắn là con quỷ dữ tác quái cho dân làng, thậm chí không nhớ có sự tồn tại của mình trên đời. Mọi người đều sợ hắn và tránh mặt hắn. Hắn sống một mình, cô độc, tác biệt với dân làng ở một khu đất bãi ven sông mà Bá Kiến cho. Khoảng cách địa lý có thể rất gần nhưng khoảng cách về thân phận, danh tính, nhân phẩm thì vời vợi như đỉnh cao với vực sâu khi nhìn nhận Chí Phèo trong mối quan hệ với mọi người. Cả làng Vũ Đại đều gạt hắn ra khỏi xã hội của họ, biến hắn thành kẻ bị lưu đày vĩnh viễn trong đau thương, cô độc. Vì thế, hắn chửi thường xuyên để gây hấn, để tìm sự hồi đáp nhưng không ai trả lời. Bởi tiếng chửi đó giống như một ngôn ngữ khác, không phải của con người, không được thừa nhận là ngôn ngữ của loài người. Cái lề mà hắn sống cứ rộng mãi ra, mênh mông biến hắn trở thành hư vô, mất hết cả nhân dạng, nhân tính. Quá trình bị đẩy ra ngoài rìa, sống vĩnh viễn bên lề của Chí Phèo diễn ra song song với quá trình biến dạng, phi nhân tính hóa của một con người. Chí Phèo là nạn nhân đau thương của xã hội, cũng là tội nhân gây ra đau thương, để bị gạt ra ngoài lề vĩnh viễn, không còn cơ hội nào trở về. Sống trong xã hội bạo tàn, bất công mà cường quyền cai trị, tất cả những cái khác, những thân phận thiệt thòi, khiếm khuyết đều trở thành những kẻ sống bên lề theo dạng thức này hay dạng thức khác. Muốn tồn tại thì buộc phải chấp nhận cuộc đời lưu đày trong nhân cách méo mó, trở nên vô hình, cam chịu những sự khinh miệt; nếu không chấp nhận thì chỉ còn một cách tự hủy diệt bản than, sống bằng bản năng kẻ mạnh, liều lĩnh. Những thân phận này ta bắt gặp trong nhiều tác phẩm của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám ở cả hai đề tài về đời sống nông thôn lẫn đời sống người trí thức như: Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, Tư Cách Mõ, Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó, Nửa đêm, Sống mòn, Đời thừa, Giăng sáng, Nước mắt… Tất cả thể hiện một góc nhìn về con người ở tính chất hiện thực trần trụi, khốc liệt nhất, nhưng cùng đầy xót xa, bi cảm, khái quát quy luật của cuộc sống và xã hội người.

Nỗ lực vượt qua ranh giới, giải trung tâm nhưng thất bại, kết cục bi kịch.

Trong sự phân lập cái trung tâm và cái bên lề, ta luôn thấy có xu hướng giải trung tâm, biến cái bên lề thành trung tâm, hoặc thâm nhập vào trung tâm, tạo ra những biến đổi bước ngoặt. Có nhiều cách để hóa giải trung tâm nhưng phổ biến nhất là những hành động gây hấn, nổi loạn, phá bỏ cái cũ, cái được coi là chuẩn mực, hạ bệ thể chế quyền lực cũ, thiết lập hệ giá trị, quy tắc, chuẩn mực mới. Điều này ta thấy rõ trong truyện ngắn Chí Phèo, đặc biệt là những nỗ lực của Chí Phèo muốn khẳng định sự hiện hữu của bản thân – một sự - sống – người theo đúng nghĩa, khao khát muốn trở về làm người bình thường sau những lầm lạc, tội lỗi để được sám hối, yêu thương, được sống lương thiện.
Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu tác phẩm, tác giả cho Chí Phèo xuất hiện với tiếng chửi, mà cái đích cuối cùng của bài chửi là truy tìm kẻ đã đẻ ra thằng Chí Phèo. Tiếng chửi đó thể hiện trạng thái sống bất thường của kẻ say, một người thuộc thế giới đối lập, sử dụng ngôn ngữ khác con người, như người kể chuyện nói vì Chí Phèo không biết hát nên hắn chửi. Nhưng ở chiều sâu, căn nguyên đích thực của tiếng chửi chính là sự gây hấn, cà khịa, chửi để người khác chửi lại mình, tạo một cái cớ gây chiến, tìm cơ hội hành động về với thế giới con người, ở trung tâm. Mong muốn được chửi lại tức là mong một sự hồi đáp, thừa nhận, dù là cách thức thấp hèn nhất để được làm người như bao người khác, như bản thể ban đầu của mình. Chí Phèo say, quên, mất hết ý thức nhưng dường như từ trong vô thức, quán tính tinh thần vẫn đưa hắn về với xu thế tất yếu của đời sống: muốn giải trung tâm, thâm nhập vào trung tâm, khẳng định tiếng nói, sự hiện hữu của cá nhân, khao khát được lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia từ mọi người.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của hắn đều thất bại. Đáp lại tiếng chửi, những nỗ lực không mệt mỏi, kể cả cách gây chiến rất mạnh, đánh vào tự trọng, tự tôn của người khác, vẫn là sự im lặng. Bởi tiếng chửi của hắn tưởng có đích mà không có đích nào cụ thể. Ai cũng trừ mình ra, ai cũng thấy trời, hay đời là của chung mà thôi. Khi cả làng Vũ Đại im lặng thì chửi đứa nào không chửi nhau với hắn cũng như ném lời vào sa mạc bao la, không bóng người, để rồi mất hút như một hạt cát nhỏ nhoi, hư vô. Đến ngay cả cái căn cước sống xác nhận nhân thân cho hắn cũng không ai biết là ai – đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Xuất thân của Chí trở thành những câu chuyện tin đồn, còn sự thật hiện hữu là một Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Ngay mở đầu, tác giả đã để nhân vật xuất hiện ở thời điểm thực tại, trong thân phận kẻ bên lề, sống trong thế giới khác, hoàn tất quá trình tha hóa, rơi xuống đáy của sự phi nhân tính giống như một kết cục đã rồi, không thể thay đổi. Cho nên, tác phẩm như một dụ ngôn về bi kịch thân phận người trong một hình thái xã hội đặc thù.
Vì thế, cả lần đầu tiên trở về làng sau bẩy tám năm biệt xứ thì vừa về hôm trước, hôm sau Chí Phèo đã uống rượu say rồi tới cổng nhà Bá Kiến chửi. Dù đã bị lưu manh hóa nhưng lúc ấy ý thức của hắn vẫn chưa mất hoàn toàn như sau này. Trong sâu thẳm tâm hồn, hắn vẫn mang vết cứa gỉ máu của nỗi đau, của con người bị đẩy ra ngoài rìa không thương tiếc, bị tước đoạt đi quyền sống lương thiện thiêng liêng. Ý thức đưa hắn về với nỗi đau thương khiến hắn sống trong tâm trạng phẫn uất, muốn trút lên kẻ đã gây ra bi kịch cho mình. Uống rượu để lấy động lực, sức mạnh, tinh thần, như muốn giành lại những gì đã mất, đã bị huỷ hoại. Song tất cả sụp đổ khi hắn bị bỏ lại một mình, cô đơn, trơ trọi. Tất cả tan biến khi hơi rượu không còn đủ nhiều để giúp hắn hành động. Hắn chỉ mạnh vì liều, mà không có rượu thì khó làm cho máu chảy. Mặt khác sự ngọt nhạt của Bá Kiến khiến hắn mềm nhũn, đánh trúng điểm yếu là tính sĩ diện của người nhà quê. Hắn đã thỏa hiệp và thỏa thuê ra về với mấy đồng Bá Kiến cho để uống rượu, và sự xác nhận hắn có họ với Lý Cường. Mục đích gây hấn không thành. Tình cảnh trở nên đen tối hơn là hắn dần rơi vào cái bẫy của Bá Kiến, nằm trong móng vuốt của kẻ ác, tự biến mình làm công cụ gây tội ác. Trở về nhưng Chí mất tất cả, thậm chí còn lún xuống vũng bùn tha hoá, tự biến thành kẻ ác, gieo hoạ cho người dân lành. Hắn đánh mất mình, bán linh hồn cho quỷ dữ để sống, mất hết ý thức, ngập chìm trong những cơn say triền miên. Do đó, Chí Phèo tự đánh mất cơ hội cuối cùng thâm nhập vào trong trung tâm xã hội người. Tiếng chửi của Chí thường xuyên xuất hiện như nỗ lực giải trung tâm không mệt mỏi trong tuyệt vọng, bi thương.
Cơ hội cuối cùng để Chí Phèo xóa bỏ ranh giới, khoảng cách với trung tâm, vị trí ngoài lề của mình là thị Nở. Có thể nói cuộc gặp đầy tình cờ, ngẫu nhiên, bắt đầu từ bản năng giống loài của Chí Phèo với thị Nở lại là ánh sáng cuối đường hầm, thắp lên hy vọng mãnh liệt trở về cuộc đời lương thiện, thay đổi vị trí bên lề của hắn. Tình yêu, tình thương, sự săn sóc, quan tâm ân cần của thị Nở biến sự trỗi dậy bản năng thành ý thức về thân phận và khát vọng cao cả. Thị Nở đã đánh thức Chí tỉnh dậy sau những năm dài đằng đẵng say, để hắn cảm nhận được cuộc sống và ý thức về bản thân, từ quá khứ qua hiện tại tới tương lai. Bát chát hành, nhất là hương vị cháo hành đọng lại lâu dài trong tâm hồn Chí, khơi dậy ao ước, khát vọng mãnh liệt được trở về làm người, được sống trong hạnh phúc bình dị đời thường: Trời ơi! Hắn thèm lương thiện. Hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao. Và thị Nở sẽ mở đường cho hắn... Nỗ lực hóa giải lần này của hắn không phải gây hấn, tạo chiến tranh và nổi loạn nữa mà là sự sám hối, ăn năn, mong muốn chuộc lại những tội lỗi mình đã gây ra, xoá bỏ những tỳ vết hằn in trên gương mặt và cuộc đời hắn. Đó là sự hồi sinh của phần nhân tính, nhân cách và cảm xúc rất người của một con người sau nhiều năm bị đọa đày, tước đoạt, ruồng bỏ. Tình yêu, tình thương, rộng hơn là tình người nhen nhóm lên hy vọng, khao khát, cũng là một cơ hội rõ rệt nhất. Nhưng bản thân hy vọng ấy, cơ hội ấy thực ra quá mong manh, hư ảo. Vì thực tế thị Nở cũng sống trong vị thế chênh vênh, chơi với giữa lằn ranh của trung tâm và ngoài lề. Tự bản thân đời sống của thị, trên nhiều mặt cũng là kẻ bên lề. Những thiệt thòi của tạo hóa với hình hài xấu ma chê quỷ hờn, lại tính cách dở hơi cộng hưởng với hoàn cảnh nghèo khổ khiến người ta tránh thị như tránh con vật rất tởm, khiến người đàn bà ba mươi tuổi mà không hình dung ai có thể phạm đến mình. Chí Phèo đặt niềm tin và hy vọng vào một chỗ cũng không hơn chỗ của mình bao nhiêu nên thất bại. Trên thực tế thì hắn cũng không còn lựa chọn nào khác. Ý thức trở về, hắn xót xa trước thực tại, lo sợ cho tương lai nên bám víu vào điểm tựa duy nhất mà hắn có thể có được. Một hy vọng lóe lên, một khe cửa hẹp cũng là một cơ hội thay đổi, hồi sinh: mọi người sẽ chấp nhận hắn vào cuộc đời thân thiện của những người lương thiện. Chí sẽ lại được sống ở trung tâm cộng đồng như mọi người.
Nhưng tình yêu, khát vọng của Chí Phèo và thị Nở không đủ mạnh để chiến thắng định kiến và quyền lực trung tâm. Thị phải cự tuyệt Chí theo ý muốn của bà cô, về với thế giới trung tâm của mình cũng là của người bình thường, cách biệt với hắn – kẻ sống khác thường, bỏ hắn bơ vơ. Trong tận cùng đau đớn, tuyệt vọng, Chí Phèo hành động lần cuối để kết thúc. Bởi hắn không thể sống kiếp con quỷ dữ khi ý thức trở về, tâm hồn đã hồi sinh. Hắn lại tìm tới rượu để say nhưng càng uống lại càng tỉnh,hơi rượu không sặc sụa mà hắn thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Hình ảnh Chí Phèo ôm mặt khóc rưng rức là đỉnh điểm của bi kịch con người bị ruồng bỏ, khước từ, bị ly khai, cự tuyệt trực tiếp quyền sống tất yếu, thiêng liêng của mình. Lúc này Chí chỉ còn một lựa chọn duy nhất là trả thù, là hủy diệt. Ý nghĩ đầu tiên lóe lên khi hắn bị thị Nở cự tuyệt là phải đến nhà con đĩ Nở kia, đâm chết con khọm già nhà nó, đâm chết cả nhà nó. Quay cuồng trong tuyệt vọng, mất mát, tang thương, ý nghĩ đấu tranh, bạo tàn xuất hiện. Trạng thái say rượu và suy nghĩ cực đoan, cùng quẫn vẫn không che khuất được tiềm thức vẫn tỉnh táo nên Chí đã quên rẽ vào nhà thị Nở mà đi thẳng tới nhà Bá Kiến. Lần thứ 3 quyết định, hắn đã không sợ hãi nữa mà dõng dạc tuyên bố “Tao muốn làm người lương thiện”, nó hết tất cả thực tại bi ai “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào mất những vét mảnh chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện nữa…”. Mỗi câu hỏi của Chí Phèo như một lời kết tội đanh thép các thế lực cường hào và xã hội vô nhân tính đã tước đoạt cơ hội hoàn lương của kẻ bên lề, nỗ lực làm lại bằng phần hồn thánh thiện của mình. Hóa giải trung tâm trong bế tắc thì chỉ có một cách như chính Chí Phèo nói là hành động, hủy diệt kẻ thù và hủy diệt chính mình, tự giải thoát cho mình, kết thúc tất cả mọi chuyện, cả sự sống của mình dứt khoát.
Một cái kết đẫm máu nhưng không thể khác. Nó tàn bạo và khốc liệt. Nó bi thương và ám ảnh. Nó khoét sâu một thực tại về lằn ranh phân hóa vị trí trong xã hội và cuộc đời. Nếu giai cấp chỉ là một khía cạnh thể hiện sự phân hóa về quyền lực và quyền lợi thì nhìn từ sự chia cắt bên lề và trung tâm là sự phân tầng mọi mặt. Quá trình trỗi dậy của cái bên lề là tất yếu vì không thể có sự dung hòa, thỏa hiệp nào để giải quyết xung đột, mâu thuẫn mang tính sống còn, tồn tại hay phi tồn tại. Những sự vùng dậy, giải trung tâm, khẳng định một tiếng nói, một vị trí phận người có thể thành hay bại nhưng là quy luật tự nhiên, tất yếu. Nhu cầu sống, nhu cầu được nói, được biết đến, được sống, được thể hiện là nhu cầu tự nhiên, bản chất của con người. Bằng cách này hay cách khác, thiểu số của những cái chọn vị thế bên lề hoặc bị đẩy ra bên lề sẽ cất lên tiếng nói, khẳng định sự hiện hữu, dù có trường hợp phải chấp nhận tự hủy diệt, dù không thể thay đổi được hình thái xã hội hoặc sự phân chia mang tính chất vĩnh viễn. Song tất cả vẫn sẽ diễn ra như cuộc sông vốn là thế, luôn vận động, thay đổi, chuyển hóa. Vị trí trung tâm, ngoài biên, bên lề hay chính thống, tồn tại hay phi tồn tại, hiện hữu hay hư vô cũng chỉ là những ranh giới mong manh của nhận thức, của những biên bản xác nhận mang tính hành chính hay cảm xúc, tâm hồn của con người mà thôi. Không có phép màu, cũng chẳng có câu chuyện cổ tích nào được viết ra ở đây. Tất cả kết thúc trần trụi bằng hiện thực khốc liệt, bạo tàn, chết chóc, tang thương. Đó là thông điệp, bài học nhận thức, bài học nhân sinh, để từ đó con người có cái nhìn sâu sắc, toàn vẹn, thấu cảm mà Chí Phèo, với cấu trúc của một dụ ngôn, cất lên tiếng nói của chủ thể - kẻ bên lề hướng tới, muốn truyền đạt tới người đọc, qua mọi thời đại. (còn tiếp)
                                                                                                            Bắc Giang, hè 2021
                                                                                                    Tác giả: Ngô Thanh Hải


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ