TIẾP CẬN TRUYỆN NGẮN “CHÍ PHÈO” CỦA NAM CAO TỪ GÓC NHÌN CẤU TRÚC THỂ LOẠI (P2)
2. “Chí Phèo” – Bức tranh thế giới “quần ngư tranh thực” và định kiến nặng nề, tàn nhẫn.
Trong chiến lược giao tiếp diễn ngôn, một bức tranh thế giới riêng được dựng lên từ nguồn dự trữ của cái được biểu đạt. Do đó, bức tranh thế giới có thể được hiểu là “cái được nói tới”, tức là cái tham chiếu, hay còn gọi là cái “được phản ánh”, cũng có thể xem đó là thế giới của các nhân vật trong bộ ba giao tiếp: người nói – nhân vật – người nghe. Như vậy, bản chất của bức tranh thế giới chính là một mô hình thế giới – hiện thực được chủ thể kiến tạo. Bức tranh thế giới bao gồm cả bức tranh về thiên nhiên, đời sống xã hội và con người được mô hình hóa qua hệ thống ký hiệu (các mã), tạo thành những nguyên tắc nghệ thuật, thao tác trần thuật, phương thức phản ánh, tái tạo đặc thù của một diễn ngôn văn học. Chúng tôi nhận thấy, bức tranh thế giới thường có những đặc điểm cơ bản sau: 1/ mang tính cá thể sâu sắc vì bức tranh ấy do chủ thể diễn ngôn sáng tạo và quyết định trên cơ sở quyền phát ngôn; 2/ mang những nét đặc thù riêng, phù hợp với mã thể loại bởi xét đến cùng, sáng tạo văn học là sáng tạo diễn ngôn thể loại từ cuộc chơi thể loại; 3/ luôn tự giới hạn nằm trong một vùng lựa chọn nhất định. Đó là phạm vi của cái được biểu đạt/ phản ánh, của quyền lực người tiếp nhận và tư tưởng hệ; 4/ thường mang ý nghĩa khái quát, ý nghĩa mô hình hóa về một mô hình thế giới lý tưởng mà nhà văn – chủ thể sáng tạo ra để chuyển tải thông điệp, qua hệ thống ngôn ngữ riêng, có cấu trúc riêng. Nó trở thành những kiểu loại, dạng thức truyện kể theo các chiến lược giao tiếp diễn ngôn. Khảo sát truyện ngắn Chí Phèo, chúng tôi nhận thấy một bức tranh thế giới nổi lên hai đặc điểm lớn: quần ngư tranh thực và định kiến nặng nề, tàn nhẫn.
Thế giới "quần ngư tranh thực"
“Quần ngư tranh thực” chính là nhận xét của ông thầy địa lý về thế đất của làng Vũ Đại. Vì thế bọn đàn anh trong làng, tức là những kẻ có vai vế, vị thế trung tâm giống như một đàn cá tranh mồi. Mồi thì ngon đấy vì làng quá hai nghìn dân, lại xa phủ xa tỉnh. Thực ra kể ăn thì cũng dễ nhưng không phải hễ làm lý trưởng cứ thể ngồi ăn. Dăm bè bẩy mối, bè nào cũng muốn ăn, muốn giữ địa vị thống trị, thâu tóm quyền lực về tay mình. Ngoài mặt thì tử tế với nhau, nhưng thật ra trong bụng lúc nào cũng muốn cho nhau lụn bại để đè lên đầu lên cổ. Nhà văn đã sử dụng nhận xét của ông thầy địa lý để khái quát bản chất của một thể chế xã hội được hình thành, duy trì bằng bản năng sức mạnh và xâm hại lẫn nhau. Trong xã hội ấy, muốn giữ địa vị trung tâm, thâu tóm quyền lực và quyền lợi, hoặc đơn giản muốn sống thôi phải là kẻ mạnh. Nếu không mạnh thì sẽ bị đào thải, tiêu diệt. Để trở thành kẻ mạnh chỉ có hai cách: một là tranh quyền đoạt lợi, ăn trên ngồi chốc, hoặc là phải liều, phải đổ máu. Chính cái hình thái xã hội khốc liệt này tạo ra những mâu thuẫn, xung đột gay gắt, không bao giờ hóa giải được và luôn phải quyết định bằng chiến tranh sinh tồn sống hoặc chết, tồn tại hoặc phi tồn tại.
Cho nên các thế lực ở làng Vũ Đại luôn chú ý xây dựng vây cánh, làm cho mình mạnh lên để tiêu diệt đối thủ. Một trong những kế sách duy trì địa vị quyền lực đó là phải biết thu dụng những thằng bạt mạng, không sợ chết, không sợ đi ở tù, lúc cần chỉ cho dăm ba đồng uống rượu có thể làm bất cứ việc gì cho như Bá Kiến nói. Và cái nghề làm lý trưởng, chánh tổng ở một nơi như thế cũng phải biết mềm, biết rắn, biết dùng các thủ đoạn, mánh khóe, kể cả tội ác và sự bạo tàn. Sau nhiều năm làm lý trưởng, rồi chánh tổng, Bá Kiến đúc rút ra rằng một kẻ khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng, đè nén con dân đến nỗi nó phải bỏ làng mà đi là dại, mười thằng đã ra đi thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa. Cho nên cái nghề làm quan, bám thằng có tóc không ai bám thằng trọc đầu. Những đứa dễ bóp là có vợ đẹp con đàn, còn những kẻ tứ cố vô thân thì dính vào có lúc gây họa. Bỏ tù thì dễ nhưng cũng có lúc nó được về, rồi nó có để cho mình yên không? Vì vậy, trị được không được cụ dùng để lấy thằng đầu bò trị thằng đầu bò… Với những toan tính, mưu mô như vậy, Bá Kiến đã biến Chí Phèo thành tay chân đắc lực, sai khiến làm mọi điều tàn ác để bóc lột nông dân, triệt hạ các vây cánh khác, duy trì quyền lực. Xung đột xảy ra liên tiếp ở cái làng quê nghèo xa xôi, cả những án mạng không ngờ khi xung đột ấy bùng phát dữ dội. Cục diện tình thế, vị thế của con người có thể thay đổi nhanh chóng, hoặc không bao giờ thay đổi do những mâu thuẫn, những cuộc chiến dai dẳng này.
Xung đột tiếp xung đột, bạo lực tiếp bạo lực vì tất cả con người sống bằng bản năng sức mạnh, bản năng gốc sinh tồn. Ngoài xung đột của giai tầng thống trị, giành quyền thì còn xung đột giữa giai cấp thống trị với tầng lớp bị trị, giữa chủ và tay sai, giữa những thằng đầu bò và những người hiền lành, lương thiện. Những bức tường ngăn cách, đường biên mỗi ngày một nới rộng, xây cao, không thể nào vượt qua. Để tạo dựng cuộc sống bình thường, một xã hội hòa bình, yên ổn cần đánh đổ bức tường thành, xóa nhòa ranh giới ấy bằng tình yêu thương, tình người, sự bao dung. Tuy nhiên, khi con người sống bằng bản năng sức mạnh thì tình người là thứ gì đó xa xỉ. Ở làng Vũ Đại gần như không tồn tại tình thương, tình người, tình yêu, chỉ còn toan tính, lợi dụng, xâm hại nhau. Nên bạo lực là biện pháp dùng để giải trung tâm, phá tường biên giới của những khoảng cách vị thế tồn tại. Song bạo lực không phải là giải pháp tối ưu, triệt để bởi bạo lực sẽ sinh bạo lực, có khi dữ dội hơn, thảm khốc hơn. Cho nên, khi nghe tin Chí Phèo giết Bá Kiến thì cả làng Vũ Đại nhao lên bàn tán về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Và mừng nhất là bọn hào lý trong làng. Nhưng cái thế quần ngư tranh thực kia sẽ không bao giờ hết vì thằng này chết sẽ có thằng khác lên, dân cũng chẳng lợi gì, kiểu tre già thì măng mọc. Một quy luật tuần hoàn vẫn tiếp diễn khi vị thế của các lực lượng vẫn không thể thay đổi, bản chất xã hội cũng không đổi thay. Có chăng chỉ là thay bằng thế lực thống trị này bằng thế lực thống trị khác. Một số kẻ sẽ tiếp tục bị đẩy ra bên lề và xung đột với thế lực trong trung tâm.
Hậu quả tất yếu của xã hội quần ngư tranh thực chính là những phận người bên lề như Chí Phèo sẽ vẫn còn nối tiếp, có thể đến vô tận theo quy luật tuần hoàn. Không có kết thúc có hậu nào cho những kẻ bên lề khi họ phải bán linh hồn cho quỷ dữ để tồn tại. Bước đường cùng không cho họ một con đường, một mảnh đất để sống tử tế, thiện lương. Sự lựa chọn chỉ là hoặc sống làm quỷ, hoặc chết làm người. Những Lão Hạc, Lang rận, và cả cái chết cuối cùng của Chí Phèo đã cho thấy rất rõ rằng sẽ không ai cho họ được sống lương thiện trong thế đàn cá tranh mồi. Cuộc chiến khốc liệt buộc họ phải dùng sức mạnh để tồn tại bởi nếu mày sống thì tao chết hoặc ngược lại. Khi vẫn còn những lề và trung tâm ngăn cách bằng sự phân biệt, áp chế, bất công thì những xung đột vẫn tiếp diễn, bi kịch của những kẻ bên lề chưa thể chấm dứt. Cho nên kết thúc truyện ngắn vẫn là hình ảnh cái lò gạch cũ xa nhà cửa và vắng người lại qua trong tâm tưởng của thị Nở. Đây là nơi Chí Phèo bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, đến khi hắn chết lại xuất hiện trong trí óc thị Nở với nỗi lo lắng: giờ hắn chết rồi, nếu mình chửa thì biết làm ăn thế nào? Cái kết này vừa lặp lại, vừa mở ra những khả năng của hiện thực: rằng tương lai chỉ là sự lặp lại, nối tiếp của hiện tại. Chí Phèo chết nhưng bi kịch, kiểu tính cách Chí Phèo vẫn chưa thể hết. Khi xã hội vẫn còn quần ngư tranh thực thì vẫn đẻ ra các biến thể Chí Phèo khác, tức mọi thứ vẫn thế, xã hội và con người bế tắc. Quá trình giải trung tâm cũng sẽ không ngừng diễn ra cho tới khi kẻ bên lề xác lập được chỗ đứng, khẳng định được tiếng nói, có một vị trí yên ổn để sống thật với bản thể người của cá nhân mình.
Định kiến nặng nề, tàn nhẫn bủa vây con người
Sự tồn tại của lề, bi kịch của kẻ bên lề vẫn diễn ra và quá trình giải trung tâm, kiếm tìm sự sống, tình yêu thương thất bại trong truyện Chí Phèo còn do một nguyên nhân nữa: đó là sự tồn tại định kiến xã hội nặng nề, tàn nhẫn. Định kiến tồn tại như một lẽ đương nhiên, thậm chí được coi là hợp lý, đạo đức, tốt đẹp. Định kiến thể hiện trong cái nhìn cố hữu, bất di bất dịch, một phía và không gì lay chuyển được với một đối tượng. Nó thể hiện trong cả suy nghĩ, thái độ, cách hành xử độc đoán, áp đặt theo quyền lực của mình. Định kiến gắn với tâm lý cá nhân và vô thức tập thể, với quan niệm, những chuẩn mực của cộng đồng, cái đa số. Dần dần nó chuyển hóa thành nếp nghĩ, lối sống, quan niệm về giá trị, đạo lý, thành phong tục, và cả thanh danh. Định kiến là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh và quyền lực của đám đông, cái đa số ở trung tâm áp lên những cái thiểu số ở bên lề. Những định kiến đó sẽ khiến kẻ bên lề hoặc phải phục tùng, tự tiêu diệt cái tôi, những nhu cầu riêng tư, những giá trị khác biệt, độc đáo hoặc sẽ bị loại ra khỏi trung tâm vĩnh viễn, bị cô lập, tước đoạt đi mọi quyền lợi. Định kiến xã hội rất khó thay đổi, bị đánh bại vì nó được coi như giá trị đại diện, nó là đa số, là đúng đắn, là chuẩn mực, thước đo giá trị.
Định kiến lạnh lùng, nặng nề, tàn khốc là một đặc điểm nổi bật của bức tranh thế giới trong Chí Phèo. Người phát ngôn ra định kiến chính là bà cô thị Nở, nhất là những lời của bà nói với thị khi hỏi về chuyện tình cảm của mình với Chí Phèo. Đầu tiên bà già bật cười vì nghĩ cháu mình nói đùa. Sau bà hốt hoảng vì nhớ ra rằng cháu bà vốn là một đứa dở hơi. Bà thấy nhục cho ông cha nhà bà. Cũng có lẽ bà tủi thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dằng dặc của bà, không có chồng. Bà thấy chua xót lắm. Bà uất ức, uất ức với ai không biết. Nhưng rồi đổ cái uất ức ngay lên cháu bà! Người đàn bà đức hạnh ấy thấy cháu bà sao mà đĩ thế! Thật đốn mạt. Ngoài ba mươi tuổi, mà chưa trót đời. Ngoài ba mươi... ai lại còn đi lấy chồng. Ai đời lại còn đi lấy chồng! Ừ! Mà có lấy thì lấy ai chứ?... Ðàn ông chết hết cả rồi sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là đi rạch mặt ra ăn vạ. Trời ơi! Nhục nhã ơi là nhục nhã! Hỡi ông cha nhà bà! Bà gào lên như con mẹ dại. Bà xỉa xói vào mặt cái con cháu ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Bà bảo phắt nó:
- Ðã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo!
Trong suy nghĩ và lời nói của bà cô thị Nở, ta thấy một loạt những định kiến của xã hội hiện diện. Thứ nhất là định kiến về người phụ nữ. Người phụ nữ đức hạnh thì ba mươi tuổi an phận sống một mình tới già. Mọi ý nghĩ về kết hôn, yêu đương, những quyền tự do căn bản đều bị xem là vi phạm chuẩn mực đạo đức, biến người đàn bà đức hạnh thành một kẻ đĩ thõa. Một định kiến vô lý, phi nhân và tàn ác, tước đoạt đi quyền mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ nhưng vẫn được bảo kê bằng tín điều đức hạnh, bằng những quy chuẩn đạo đức nho giáo hà khắc, bằng hủ tục của nam quyền áp lên những người phụ nữ không may mắn do số phận hoặc vấp ngã trong cuộc đời.
Nhưng định kiến lớn nhất chính là cái nhìn và cách đánh giá về Chí Phèo. Trước hết Chí Phèo là thằng không cha, không có họ hàng tông tích gì. Đó là một cái tội, bị đinh ghim là xấu, là thấp kém. Sau nữa, quan trọng hơn là thằng Chí Phèo có mỗi một cái nghề rạch mặt ăn vạ, là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Điều này không phải bàn cãi vì cả làng đều thấy nó thế, đều sợ nó, tránh nó, đều là nạn nhân của nó. Vì thế bà thấy nhục nhã cho ông cha nhà bà bởi ý định lấy Chí Phèo của thị Nở, dù nhà bà là nhà nghèo rớt và có dòng giống mà hủi. Với bà, Chí Phèo không xứng với cháu mình, dù cháu bà xấu ma chê quỷ hờn, ngẩn ngơ như người đần trong cổ tích, lại nghèo, lại mang dòng giống mả hủi người ta tránh như tránh con vật rất tởm. Cái hố ngăn cách lớn nhất ở đây là gốc tích xuất thân, là nhân hình nhân phẩm. Thị xấu, dở hơi, nghèo, con nhà dòng giống mả hủi thì vẫn cứ là con người, dù dị dạng, tởm lợm thì thị vẫn được ở một góc nào đó trong thế giới trung tâm của con người bình thường; còn Chí Phèo là quỷ dữ, quỷ không thể sánh được với người. Cho nên, dù Chí Phèo và thị Nở thấy chúng là một cặp rất xứng đôi, nhất định sẽ lấy nhau nhưng bà cô thị, cả làng Vũ Đại và thế giới trung tâm của con người bình thường kia không cho chúng đến với nhau, coi đó là điều bất thường, xấu xa. Dưới vỏ bọc đạo đức, phẩm hạnh, danh dự, sĩ diện, định kiến đã đẩy con người đến đường cùng, xuống đáy của tuyệt vọng, đóng sầm cánh cửa trở về mới hé trước mặt Chí, phá tan mối tình hạnh phúc của đôi lứa xứng đôi. Nó xâm phạm cả quyền cơ bản nhất của con người là quyền được mưu cầu hạnh phúc tự do.
Định kiến trong suy nghĩ và phát ngôn của bà cô thị Nở hẳn nhiên là có yếu tố cá nhân, có sự tủi cho thân bà, có những hậm hực, ghen tuông, chua chát ích kỷ. Song đó chỉ là phần nhỏ, có khi thoáng qua, chưa đủ để bà nói ra lời cay nghiệt nhất. Cái chính là danh dự, là nỗi nhục mà bà sợ phải mang khi cháu bà lấy thằng không cha, lấy thằng Chí Phèo. Vẫn là những thứ lề lối, quy ước, chuẩn mực khắt khe, cổ hủ trói buộc, làm cho cả suy nghĩ của con người cũng thành nô lệ. Cái tưởng là đẹp đẽ, đạo đức, chuẩn mực lại chính là thứ gây ra tội ác, đẩy nạn nhân, những người thực ra phải chịu quá nhiều đau thương vào chỗ chết. Định kiến dẫn tới cả sự vô cảm, hời hợt, cửa quyền và độc tài. Bà cô thị Nở mặc nhiên áp đặt suy nghĩ, cuộc đời mình cho thị. Bà ngoài năm mươi chưa chồng và sẽ không lấy chồng thì đứa cháu ba mươi chưa chót đời kia rồi cũng phải thế. Bà thấy Chí Phèo xấu thì nhất định thị Nở cũng phải nghĩ vậy. Chí Phèo ác với dân làng thì với thị Nở cũng sẽ như vậy. Những kẻ bên lề bị khóa miệng, khóa luôn cả cảm xúc, suy nghĩ, mất hết mọi tự do trong đời sống con người, cả thể xác lẫn tinh thần.
Những định kiến tồn tại không chỉ thể hiện xung đột cái bên lề và trung tâm mà còn cho thấy mâu thuẫn giữa cá nhân với cộng đồng, thiểu số và đám đông, cái nhìn mặc nhiên theo quy chuẩn với khao khát tự do, hạnh phúc của cái lệch chuẩn, giữa sự chuyên chế, độc đoán với tinh thần bình đẳng, nhân văn. Sự tồn tại của định kiến vừa bắt nguồn từ việc phân chia hai cặp đối lập trung tâm và lề, vừa là nhân tố kiến tạo, duy trì phát triển thứ bậc vị trí ấy. Định kiến tạo nên ảo tưởng về sự an toàn, hài hòa, hợp lý về đạo đức nhưng thực chất tước đoạt tự do cá nhân. Nó là một vỏ bọc ngụy tạo để bảo vệ tối đa lợi ích của quyền lực trung tâm, ngăn chặn quá trình giải trung tâm, đẩy cái bên lề vào sự hủy diệt bằng cách cô lập hóa, cắt hết mọi nguồn sinh dưỡng của nó. Định kiến tồn tại trong mọi xã hội, tạo ra những mâu thuẫn mang tính triết học, thúc đẩy quá trình đấu tranh, phát triển, tạo nên tinh thần bình đẳng, tự do, khai phóng và nhân văn. Định kiến tạo nên một cuộc chiến không cân sức giữa đám đông và cá nhân, khiến cá nhân bị đám đông nghiền nát bằng sức mạnh, những lợi thế vượt trội, có sự hậu thuẫn lớn của giáo lý đạo đức cổ hủ.
Bức tranh thế giới với hai nét nổi bật là quần ngư tranh thực và định kiến nặng nề vừa thể hiện bản chất của xã hội, một hình thái đặc thù, vừa là nguyên nhân/ tác nhân gây ra sự phân chia ranh giới lề và trung tâm. Đồng thời, dựng lên bức tranh thế giới này, nhà văn thể hiện quan sát về mối quan hệ tương tác hai chiều của cá nhân và xã hội, cá nhân với bản thân mình. Số phận của cá nhân, những kẻ bên lề vừa là sản phẩm đặc thù của xã hội, vừa là kết quả của sự lựa chọn (bất đắc dĩ) của bản thân trước hoàn cảnh. Nó đặt ra vấn đề số phận, nhân phẩm của con người trong hoàn cảnh tàn khốc, lựa chọn bi đát giữa tồn tại và tồn tại, nhân tính và phi nhân tính. Nó cũng cho thấy mâu thuẫn muôn thuở của con người trong bản thể với phần tự nhiên, bản năng và phần ý thức, xã hội. Sự tồn tại những lề, kẻ bên lề là hiện thực phổ quát ở bất cứ một xã hội nào, song điều quan trọng là cách nhìn, thái độ ứng xử, cách giải quyết những mâu thuẫn, xung đột đó ra sao để quá trình giải trung tâm đem đến những giá trị nhân văn, tích cực, tôn trọng tiếng nói con người như nó vốn có. Như vậy, đặc trưng của bức tranh thế giới dụ ngôn của những nhân vật, với tư cách là chủ thể lựa chọn/ buộc phải lựa chọn một tư tưởng, lối sống, thực trạng sống cho mình được bộc lộ rõ nét, đa dạng, sống động trong thiên truyện ngắn này. (còn tiếp)
Tác giả Ngô Thanh Hải
Bắc giang, hè 2021.
Nhận xét
Đăng nhận xét