NGƯỜI H’MÔNG Ở SIN SUỐI HỒ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TỪ ĐỐNG TRO TÀN CỦA MỘT “BẢN NGHIỆN”


Thiếu nữ H’Mông ở bản Sin Suối Hồ

            Con đường đèo dốc quanh co ngợp sắc vàng hoa dã quỳ cuối thu dẫn chúng tôi tới bản Sin Suối Hồ. Những ngôi nhà truyền thống của người H’Mông nằm ở lưng chừng núi, nép mình giữa màu xanh đại ngàn của rừng già Tây Bắc mây vờn. Con đường nhỏ lên bản đã được đổ bê-tông sạch sẽ, không một cọng rác. Khung cảnh một bản Mèo (tên gọi khác của người H’Mông) hiện ra trong sự ngỡ ngàng của mỗi du khách vì nó không khác gì một công viên tràn ngập sắc hoa, những thiết kế kiến trúc, trang trí độc đáo, đậm bản sắc dân tộc. Gặp mỗi người dân bản địa, bạn sẽ nhận được ánh mắt thân thiện, nụ cười tươi rói, hồn nhiên, trong veo. Với những người yêu thiên nhiên, muốn tìm một nơi trong lành, thuần khiết, yên bình, thơ mộng nhưng kỳ vĩ, nguyên sơ cho một kỳ nghỉ dưỡng hay du lịch khám phá thì Sin Suối Hồ là một lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, ít ai biết quá trình xây dựng bản du lịch cộng đồng khang trang, chuyên nghiệp, đẹp như mơ ngày hôm nay, nhân dân và chính quyền Sin Suối Hồ đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách.


Khung cảnh núi non trùng điệp trên đường tới bản Sin Suối Hồ

1. Hồi sinh từ đống tro tàn ma tuý, nghiện ngập

Bản Sin Suối Hồ nằm dưới chân núi Sơn Bạc Mây ở độ cao gần 1500m thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Dù chỉ cách thành phố Lai Châu hơn 30km nhưng Sin Suối Hồ là xã thuộc vùng biên giới, đường đi lại và cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Song nếu so với trước đây, bản nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt, thực sự hồi sinh từ trong đống tro tàn của một “bản nghiện”, bản nghèo như phượng hoàng lửa cất cánh tung bay.


                                                        Một góc bản Sin Suối Hồ. 

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, Sin Suối Hồ là điểm nóng về ma tuý. Cả bản trồng cây thuốc phiện, trai gái, già trẻ bị nàng tiên nâu mê hoặc, không thoát ra được khỏi ma lực của ả. Gia đình nào cũng có người nghiện, thậm chí có gia đình cả nhà đều nghiện. Hồi ấy, bản được xem là bản nghèo nàn, lạc hậu, tăn tối nhất huyện, thậm chí là nhất tỉnh. Có giai thoại còn nói rằng vì là “bản nghiện”, “bản nghèo” nên khi phân địa giới hành chính huyện Tam Đường không nhận nên Sin Suối Hồ bị gạt sang huyện Phong Thổ. Chìm trong nghiện ngập nên cái đói, cái nghèo, hủ tục bủa vây. Nghiện ngập, đói nghèo dẫn tới bệnh tật, trẻ con không được chăm sóc, không được học hành. Người dân bản ra ngoài còn bị xa lánh, hắt hủi. Tất cả tạo thành một vòng luẩn quẩn, bế tắc của một thời kỳ đen tối, bi thương. Cái bàn đèn hút xách vẫn còn được lưu lại trong một mô phỏng trưng bày ở cổng nhà, như một sự nhắc nhở về quá khứ tăm tối đã qua.
    

Một chiếc cổng mô phỏng lại những tháng ngày tăm tối trong nghiện ngập của người dân bản

            Giữa những ngày tháng tận cùng bế tắc, chết chóc, tăm tối ấy, ánh sáng cuối đường hầm của đức tin đã đến với họ. Đó là niềm tin vào lời Phúc Âm Tin Lành của Chúa. Đạo Tin Lành đến với người H’Mông ở Sin Suối Hồ từ những năm 1993. Người dân bản tình cờ nghe được đài radio Nguồn sống bằng tiếng H’Mông phát ở Philippines qua mục sư người Mông tại Mỹ. Ánh sáng của Kinh Thánh, những lời Chúa như nguồn sống mới, làm thay đổi cả bản làng. Người H’Mông ở đây có đức tin vì lời Chúa dạy trong Kinh Thánh mang phước lành tới, giúp họ tìm thấy lối ra, thấy định hướng cho cuộc sống. Tin lời Chúa, dân bản dần thoát khỏi sự u mê, những hủ tục lạc hậu. Những ngày đầu tiên bản đến với Đạo Tin Lành không dễ dàng vì chính quyền còn cấm đoán, có cả bắt bớ.  Nhưng sau này, chính sách tôn giáo, dân tộc đúng đắn, rộng mở, tôn trọng các tín ngưỡng, tôn giáo của người dân tộc thiểu số, do hiểu được niềm tin thánh thiện, trong sáng của đồng bào, chính quyền đã hợp tác, cùng xây dựng bản làng văn minh, phát triển. Hai cha con mục sư Hảng A Xà là những người tiên phong, kiên trì, bền bỉ giữ niềm tin đơn sơ, mãnh liệt vào Chúa. Ông Hảng A Xà còn lặn lội ra Hà Nội, rồi sang tận Trung Quốc học Kinh Thánh về truyền đạo bằng tiếng H’Mông. Mục sư Hảng A Xà không chỉ truyền đạt ý Chúa qua Kinh Thánh mà còn hướng bà con thực hành lời Chúa ngay trong cuộc sống, xây dựng gia đình, quê hương theo nếp sống văn hoá.


Mục sư Hảng A Xà và con gái Hảng Thị Sú trong đám cưới của cô. Ảnh do Hảng Thị Sú cung cấp.

        Giữ niềm tin tôn giáo đơn sơ, tha thiết, người H’Mông ở Sin Suối Hồ đã tổ chức cai nghiện thành công cho dân bản, nhất là khi chính quyền đã hiểu, tôn trọng niềm tin ấy, cùng phối hợp để xoá “bản nghiện”. Mục sư Hảng A Xà trở thành người đại diện của dân làng, cùng chính quyền, bộ đội biên phòng phối hợp, thức tỉnh, đưa bản thoát khỏi những cơn phê thuốc kéo dài bên bàn đèn, tìm cách phát triển kinh tế của bản. Mọi việc ở bản đều được quyết định dựa việc tra và làm theo lời Chúa trong Kinh Thánh. Cả quá trình diễn ra không dễ dàng nhưng mọi người quyết tâm, niềm tin vào Chúa ngày càng lan rộng, ngấm sâu, chính quyền hỗ trợ rồi thành công. Dân bản không chỉ cai nghiện mà còn từ bỏ việc trồng thuốc phiện, chuyển sang sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Chính tình yêu thương chân thành của dân bản dành cho nhau đã giúp họ cai nghiện thành công, dù gian nan, nhọc nhằn. Mỗi gia đình đều cử người đi canh người nghiện cai ở rừng, chăm sóc họ tận tình. Các gia đình giúp đỡ lẫn nhau. Ý chí, tinh thần quyết tâm của mỗi người dân bản khi thấm nhuần lời Chúa đã cho họ sức mạnh tinh thần lớn lao, vượt qua giai đoạn khó khăn. Mỗi ngày một nhiều người hết nghiện, trở về cuộc sống bình thường. Cái bàn đèn trở thành kỷ vật của quá vãng để họ soi mình vào đó, xây dựng tương lai, hướng về ánh sáng của Phúc Âm từ quá khứ tăm tối. Lời của người dân mộc mạc, tâm hồn chân chất nhưng bản thân họ có nội lực lớn, sức mạnh tinh thần bất diệt, cả sự dũng mãnh của một dân tộc du mục qua bao đời, bao vùng đất để định cư, lạc nghiệp.


Một góc chợ phiên trong bản Sin Suối Hồ

            Cai nghiện thành công nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng. Câu hỏi đặt ra với mục sư Hảng A Xà và trưởng bản Vàng A Chỉnh là làm sao để dân bản thoát nghèo, không quay lại con đường cũ, để có tương lai? Họ đã tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hoá địa phương là làm du lịch cộng đồng. Ý tưởng loé lên từ hình ảnh khu vườn Địa đàng Eden trong sách Sáng Thế. Họ thấy hình ảnh của bản mình trong khu vườn Địa đàng lộng lẫy ấy. Họ rung động và cảm được cái đẹp, hiểu khách du lịch muốn ngắm nhìn những nơi đẹp như mơ. Và ý tưởng xây dựng bản thành một dạng vườn Eden, như thiên đường ngay lưng chừng núi loé sáng. Suy nghĩ mộc mạc, đơn giản của mục sư Hảng A Xà và Trưởng bản Vàng A Chỉnh là muốn khách tới thì bản phải trở thành một nơi đẹp như khu vườn Địa đàng, sạch sẽ, văn minh. Đẹp thì người ta mới tới, mới cho mình cái ăn, cái mặc từ du lịch. Mà muốn khách đến thì phải có đường giao thông thuận tiện. Dân bản cùng hợp sức làm đường, cải tạo nhà cửa, thay đổi những hủ tục, quyết tâm quy hoạch, xây dựng lại bản làng để đón khách du lịch. Từ “bản nghiện” mang tiếng xấu, đi đâu người ta cũng lánh mặt thì tới nay, Sin Suối Hồ thành bản đẹp như Thiên đường, không hút thuốc, không uống rượu, càng không còn bóng dáng nàng tiên nâu.


Cuộc sống bình yên, thơ mộng của bản Sin Suối Hồ ngày nay


Niềm vui của con trẻ trong bản

2. Phát triển bền vững từ du lịch cộng đồng, nông nghiệp sạch

Sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của bản Sin Suối Hồ, của những người H’Mông từ nghiện ngập, lạc hậu, u mê biết làm du lịch văn minh là cả một quá trình với nhiều nỗ lực của cả nhân dân, chính quyền các cấp. Trải qua hơn chục năm, mô hình bản du lịch cộng đồng khai thác vẻ đẹp tự nhiên, văn hoá bản địa, tạo môi trường thân thiện, trong sạch mới hình thành. Bắt đầu từ những ngày làm 5km đường bê-tông đầu tiên từ sức dân, từ niềm tin vào Chúa, nhất là câu chuyện “năm cái bánh và hai con cá”. Rồi chính sách nông thôn mới, định hướng phát triển du lịch của tỉnh, huyện khiến hướng đi đúng đắn của bản được khích lệ, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Sin Suối Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn của Lai Châu, bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu được chính thức công nhận từ năm 2015.


Nhà tổ chim, một hình thức lưu trú độc đáo ở Sin Suối Hồ

         Trong tiếng H’Mông, “Sin Suối Hồ” có nghĩa là “Suối có vàng”, mang trong mình nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nằm ở độ cao gần 1500m so với mực nước biển, bản có khí hậu mát mẻ vào mùa hè, lạnh mùa đông. Núi non, suối, thác, ruộng bậc thang, mây phủ… tạo nên khung cảnh hùng vĩ và nên thơ. Người H’Mông lại có văn hoá rất đặc sắc từ kiến trúc nhà ở, tới trang phục, nghề truyền thống, phong tục tập quán riêng, khá nguyên sơ thuần hậu. Với tinh thần gìn giữ, phát huy cao nhất giá trị truyền thống, dựa vào thiên nhiên, học hỏi cách làm du lịch chuyên nghiệp, Sin Suối Hồ đã xây dựng nên một hình mẫu bản cộng đồng du lịch văn minh, đậm đà bản sắc văn hoá, không bị đô thị hoá, bê tông hoá.
















Một cảnh đoạn suối chảy qua bản Sin Suối Hồ

Thác Trái Tim ở bản Sin Suối Hồ

        Làm du lịch thì bản phải đẹp – câu nói của ông Hảng A Xà trở thành phương châm hành động, khiến nhân dân cùng nhau làm đẹp cho bản làng bằng việc trồng địa lan, trồng đào, và nhiều loại hoa khác. Sin Suối Hồ trở thành vựa địa lan của Lai Châu với gần 40.000 chậu hoa. Đường xá sau khi được bê tông hoá thì gìn giữ sạch đẹp, không vứt rác, không thả rông gia súc gia cầm gây mất vệ sinh chung. Dân bản cũng trồng nhiều loại cây ăn trái, dược liệu như thảo quả, đào, lê, mận, táo mèo… Ruộng bậc thang và cánh đồng lúa được chú ý vừa đảm bảo lương thực cho cuộc sống, vừa tạo nên khung cảnh đẹp cho du lịch. Ruộng bậc thang ở Sin Suối Hồ với hướng chính hoàng hôn là một view chụp hình lý tưởng cho nhiếp ảnh gia, khách du lịch. Những ngôi nhà dân cũng được chú ý thiết kế độc đáo, giữ lại kiến trúc nhà gỗ, nhà trình tường truyền thống của dân tộc. Hàng rào đá được xếp ấn tượng, các loại đá, gỗ điêu khắc, cùng hàng rào cây, hoa càng khiến bản trở nên ấn tượng, đẹp mắt. Đặc sắc nhất khiến mỗi du khách tới Sin Suối Hồ không thể quên là những cổng nhà được thiết kế, xây dựng mô phỏng những vật dụng trong cuộc sống, sinh hoạt, văn hoá, tinh thần của người H’Mông, được làm rất cầu kỳ, tinh xảo. Những giá trị văn hoá truyền thống như dệt thổ cẩm, các điệu múa, hát, các món ăn dân tộc cũng được dân bản gìn giữ, tạo điểm nhấn du lịch. Cho nên dân Sin Suối Hồ kết hợp hài hoà giữa làm du lịch với sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác tối đa mọi lợi thế, đảm bảo cho cuộc sống, phát triển lâu dài, bền vững.


Cảnh hoàng hôn trên cánh đồng ruộng bậc thang trong bản Sin Suối Hồ


Một trong những chiếc cổng có kiến trúc độc đáo ở bản, tạo thành vẻ đẹp ấn tượng


Nghề dệt vải lanh truyền thống vẫn được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau


Điệu muá truyền thống của dân tộc H’Mông do đội văn nghệ bản Sin Suối Hồ trình diễn. 
Ảnh Hảng Thị Sú cung cấp.

        Các điểm lưu trú, ăn nghỉ cũng được dân bản chú ý xây dựng, phát triển bài bản. Sin Suối Hồ hiện tại có hơn 10 hộ gia đình làm homestay với những sản phẩm đa dạng từ nhà nghỉ cộng đồng, đến những bungalow riêng, nhà trên cây độc đáo, tách biệt để khách có cảm giác sống hoà trong thiên nhiên. Quán cafe Ka Sha của một cô gái bản là Hảng Thị Sú là một điểm đến khá chill cho khách, nhất là với các bạn trẻ thích chụp ảnh check in. Cơ sở lưu trú nào cũng được thiết kế độc đáo, vừa đảm bảo tiện nghi, tiện lợi sinh hoạt, vừa mang nét truyền thống, đặc trưng. Chất liệu gỗ và thổ cẩm được sử dụng chủ đạo để trang trí, làm các vật dụng. Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng rất hiếm ở Việt Nam được quy hoạch, đầu tư bài bản, chỉn chu, vừa thích hợp cho việc nghỉ dưỡng, tận hưởng không khí trong lành, vẻ đẹp hồn hậu, thuần khiết, vừa đáp ứng được nhu cầu đi du lịch chụp ảnh “sống ảo” của các bạn trẻ, lại vừa có không gian, không khí cho những tâm hồn “hoang dã” khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hoá, phong tục, con người. Nghỉ ngơi, sống chậm, ngắm hoa, hoà mình trong đời sống thuần hậu của dân bản, leo núi, tắm thác, suối, thưởng thức món ăn, văn nghệ dân tộc… Sin Suối Hồ đều sẵn sàng.


Một homestay cộng đồng ở Sin Suối Hồ

        Hướng kết hợp giữa du lịch cộng đồng với các sản phẩm nông sản sạch, thủ công mỹ nghệ ở Sin Suối Hồ chính là việc lựa chọn vì sự phát triển lâu dài, bền vững cho bản từ chính nội lực, giá trị tự thân của dân tộc. Những nghệ nhân lớn tuổi truyền nghề cho thế hệ trẻ. Các cô gái H’Mông ở bản sau giờ làm việc đồng áng lại thoăn thoắt mũi kim thê thùa, tạo nên sản phẩm thổ cẩm độc đáo, rực rỡ, phong phú. Vì thế, chợ phiên là điểm nhấn quan trọng được tổ chức vào cuối tuần ở bản. Chợ vừa là điểm hấp dẫn với khách du lịch về không khí, văn hoá miền rẻo cao, vừa là nơi bà con có thể mang nông sản, thổ cẩm, các món ăn ra bán, tăng thêm thu nhập. Dù không lớn, sầm uất như các chợ phiên trung tâm nhưng phiên chợ nhỏ xinh ở Sin Suối Hồ cũng hội tụ đủ đầy nét đặc trưng, không khí, tinh thần của phiên chợ miền cao từ màu sắc tới hương vị, sản vật, con người. 


Đồ lưu niệm thổ cẩm bán ở chợ Sin Suối Hồ


Một góc chợ phiên cuối tuần ở Sin Suối Hồ


Địa lan, loài hoa được trồng nhiều Sin Suối Hồ để phát triẻn kinh tế 


Một góc khá chill của quán cafe Kasha trong bản

3. Hoà nhập, hướng tới tương lai bằng tinh thần dân tộc và đức tin

Tạm biệt Sin Suối Hồ, những dư âm, dư ảnh còn đọng lại sâu đậm từ nụ cười, ánh mắt, sự thân thiện, cởi mở, mộc mạc, chân chất từ người dân bản. Bảo tồn giá trị văn hoá nhưng bản cũng tiến tới sự hội nhập, tiến tới làm du lịch hiện đại, chuyên nghiệp. Trẻ con được học hành, một số đi ra thành phố, xuống tận Hà Nội học đại học, cao đẳng chuyên ngành du lịch. Một số bạn trẻ như chị em Hảng Thị Xú, Hảng Thị Qua tiếp cận với nhiều kênh truyền thông hiện đại như facbook, youtube, để quảng bá hình ảnh, văn hoá, sản phẩm du lịch và các loại nông sản cho bản. Tiếng Anh cũng được chú trọng để đón tiếp khách quốc tế. Khi tới bản, nếu bạn mở lời, có thể bất cứ người dân nào cũng trở thành một hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu chuyên nghiệp về quê hương mình. Mỗi ngày niềm tin tôn giáo, Kinh Thánh càng thấm thía để mỗi người dân bản, dù đi đâu, làm gì vẫn sống “Tốt đời đẹp đẹo”, vẫn giữ nguyên tâm hồn thuần khiết, tấm lòng chân thành. Giáo lý Tin Lành đã gặp và bén duyên với tâm hồn của những người dân tộc H’Mông mộc mạc, đơn sơ, thật thà, mạnh mẽ, dũng mãnh, bao dung, giàu tình yêu quê hương, dân tộc tạo thành sức mạnh và động lực lớn lao, thay đổi diện mạo bản làng.


Hảng Thị Qua, cô gái bản đang học Cao đẳng du lịch Hà Nội, hướng dẫn khách du lịch tới Sin Suối Hồ

        Thời gian gần đây, câu chuyện tình lãng mạn và cái kết viên mãn đẹp như cổ tích của cô gái H’Mông Hảng Thị Sú ở bản Sin Suối Hồ và chàng trai Sài Gòn Nguyễn Thanh Ngọc được rất nhiều báo, các phương tiện truyền thông đưa tin, đem đến cảm xúc đặc biệt cho các bạn trẻ. Yêu xa, biết nhau qua internet, rồi hai bạn hẹn gặp tại Sin Suối Hồ thì Ngọc lại mắc kẹt do dịch bệnh Covid-19. Đám cưới trang trọng, thơ mộng giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc mây vờn, theo nghi lễ đạo Tin Lành, trong sắc màu văn hoá dân tộc là minh chứng rõ rệt về cái đẹp của niềm tin tôn giáo, tinh thần dân tộc, tâm hồn trong trẻo, thuần khiết của người H’Mông. Câu chuyện tình cũng là câu chuyện của dân bản luôn mở lòng, hoà nhập, giữ đức tin, bản sắc, hướng tới tương lai, cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân ái, chân thành. Và ở đâu có chân tình, có yêu thương thì ở đó có sự sống, có cái đẹp, sự vươn lên. Đức tin khiến mỗi người dân nơi đây sống lạc quan, thánh thiện, trong sáng, cởi mở hơn. Đó cũng là chất liệu, nền tảng văn hoá, bản sắc, tinh thần, tính cách dân tộc được hiện thực hoá trong quá trình làm du lịch, xây dựng, phát triển suốt gần 20 năm qua ở Sin Suối Hồ.


Đám cưới của Hảng Thị Sú và Nguyễn Thanh Ngọc,theo nghi lễ đạo Tin Lành. 
Ảnh do Hảng Thị Sú cung cấp


Ảnh cưới đẹp như cổ tích của Sú và Ngọc gây sốt trên truyền thông. Ảnh do Hảng Thị Sú cung cấp

            Sự hồi sinh, khởi sắc của bản H’Mông Sin Suối Hồ đã cho thấy sức vươn lên mạnh mẽ của đồng bào dân tộc thiểu số. Dù hiện tại bản gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài ảnh hưởng tới du lịch, tiêu thụ nông sản nhưng với nội lực và nỗ lực không ngừng, chúng tôi tin rằng dân bản vẫn duy trì, phát triển mạnh mẽ sau này. Khi niềm tin tôn giáo thánh thiện, tinh thần đoàn kết, có đường lối đúng đắn, sáng suốt thì đồng bào dân tộc, dù ở miền biên ải xa xôi, nghèo nàn, lạc hậu, cũng có thể làm nên những kỳ tích. Sự phát triển du lịch bền vững ở đây cũng là một mô hình, cách thức làm du lịch đáng được nhân rộng vì tinh thần nhân văn, bảo tồn thiên nhiên, bản sắc văn hoá, không chạy theo thị trường nhất thời mà quy hoạch, vì lợi ích lâu dài, hướng tới sự chuyên nghiệp. Đây chính là điều rất quan trọng, có ý nghĩa lớn lao khi Việt Nam đang quá chạy theo kiểu du lịch đám đông, nhất thời, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, mai một bản sắc văn hoá dân tộc, làm mất đi hình ảnh và vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết vốn có của người bản địa.


Ngôi nhà truyền thống của người H’Mông bên con đường sạch đẹp, khang trang ở Sin Suối Hồ

Hoàn thành 12.2021, kỷ niệm chuyến đi đáng nhớ giữa mùa dịch cúm Tàu
 Bài dự thi viết về dân tộc tôn giáo gần nửa năm không thấy trao giải rút gì nên đăng qua blog cho phong phú

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ