THIÊN THU LÀ MỘT ĐƯỜNG KHÔNG BẾN BỜ


Tới nửa đêm, khi không gian chìm trong tĩnh lặng, chỉ còn tiếng côn trùng và mưa rơi rả rích, những giai điệu, ca từ “Lời thiên thu gọi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới thấm vào sâu tâm hồn, để mình hoà trong cảm xúc, trí tưởng tượng, thành chính nhân vật trong ca khúc. Với cá nhân mình, “Lời thiên thu gọi” chính là tiếng gọi của chính bản thân con người khi ngộ ra giá trị của đời sống, thấy được chân lý của cuộc đời vô thường. Một đời sống người là cả một hành trình trải nghiệm, của những sự đi – về, mất – còn, để tiến tới cái chết, trở về cát bụi, hư vô. Giai điệu trầm lắng, chậm buồn, u hoài của bài hát đưa người nghe hình dung về cuộc trở về của một lữ khách hải hồ, nhận ra “Thiên thu là một đường không bến bờ”.


LỜI THIÊN THU GỌI 

- Trịnh Công Sơn - 

Về trong phố xưa tôi nằm

Ϲó lần nghe tiếng ru bên vườn

Ϲhợt như xác thân không còn

Và cạnh tôi là đồng vắng


Về trên phố cao nguуên ngồi

Tiếng gà trưa gáу khan bên đồi

Ϲhợt như phố kia không người

Ϲòn lại tôi bước hoài


Lòng ta có khi tựa như vắng ai

Ɲhiều khi đã vui cười

Ɲhiều khi đứng riêng ngoài

Ɲhiều đêm muốn đi về con phố xa

Ɲhiều đêm muốn quaу về 

Ngồi уên dưới mái nhà


Giòng sông trước kia tôi về

Ɓỗng giờ đâу đã khô không ngờ

Lòng tôi có khi mơ hồ

Tưởng mình đang là cơn gió


Về chân núi thăm nấm mồ

Giữa đường trưa có tôi bơ phờ

Ϲhợt tôi thấу thiên thu là

Một đường không bến bờ.

Bước chân của kẻ lãng du sau hành trình dài dặc trở về phố xưa, lắng nghe những thanh âm quen thuộc, gần gũi, thân thương. Lời ca man mác những hoài niệm vừa trong trẻo vừa hoang mang:

Về trong phố xưa tôi nằm

Ϲó lần nghe tiếng ru bên vườn

Ϲhợt như xác thân không còn

Và cạnh tôi là đồng vắng

“Phố xưa tôi nằm” có thể là cố hương, là xứ sở, nhưng cũng có thể chỉ là không gian quen thân mà lữ khách bao lần đến rồi đi, gắn bó rồi giã từ. Nhưng dù là cố hương hay địa một địa điểm qua lại thì cũng ghi dấu ấn của biết bao kỷ niệm, những tình cảm luyến ái, một phần đời sống gửi lại thành miền ký ức. Tiếng ru bên vườn vọng ra trong khoảnh khắc chùng lại của tâm hồn, làm sống dậy cả bầu trời tuổi dại gắn với gia đình, với mẹ, với bà và người thân. Âm thanh giản dị mà thiêng liêng ấy gọi dậy cả thế giới cảu cái đẹp hồn nhiên, trong ngần, tinh khôi, hạnh phúc. Đời ấm êm trong lời ru của mẹ ở khu vườn tràn ngập ánh nắng, săc hoa, hương thơm và trái ngọt. Nhưng con phố xưa tạo nên khoảng gián cách thời gian và cả không gian, để người phiêu lãng tự thấm những mất mát của hành trình sống. Những thanh âm chợt hiện chợt tan thành hư không gợi về những điều đã vĩnh viễn không còn: phố thành xưa, tuổi thơ đã mất, người thân yêu cũng rời xa… Cái còn lại chỉ là ảo ảnh mơ hồ, hư thực. 

Ở đoạn ca từ này, sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa không gian ký ức và thế giới bây giờ, giữa cái mất với cái còn khiến ta thấy được quy luật của đời sống. Thời gian sẽ khiến mọi thứ vĩnh viễn ra đi. Những cuộc hành trình cuốn ta tới miền đất mới, cảm xúc và cảm giác mới nhưng lại mất đi những gì đã qua. Dòng chảy nối tiếp của thời gian làm không gian và tất cả biến động trong sự vô thường của đời sống. Trong giây phút bừng tỉnh khi nghe tiếng ru bên vườn, người trở về cảm giác bản thân/ bản thể mình tan biến – “xác thân không còn”. Đó là cảm giác hoang hoải, trống rỗng, thấy tất cả thành hư hao. Bên cạnh chỉ còn là đồng vắng, hoang vu, tịch mịch, lặng thinh. Cánh đồng vắng là một không gian biểu tượng của thế giới hiu quanh, lụi tàn, của mất mát đến trơ trọi, cạn kiệt. Đó cũng là cõi lòng của người trở về cảm thấu lẽ đổi thay khi phố đã thành xưa, thành một khối hư không, hoang vu, trống trải. Nó trải ra mênh mang, bật tận, như “đồng lúa gặt xong”, như “rừng núi bỏ hoang” trong ca khúc “Ru ta ngậm ngùi” Trịnh Công Sơn đã viết.

Thế giới thân quen, đẹp đẽ của cố hương, của đời sống vẫn tiếp tục ngân nga bằng âm giai quen thuộc khi người trở về phố cao nguyên. Ngồi giữa không gian bát ngát, bao la, tiếng gà gáy vang lên như một bản độc tấu solo của của sống:

Về trên phố cao nguуên ngồi

Tiếng gà trưa gáу khan bên đồi

Ϲhợt như phố kia không người

Ϲòn lại tôi bước hoài

Những lời ca từ trong đoạn này khiến người nghe được trải nghiệm giữa cao nguyên bát ngát, mênh mông nhưng không mang vẻ đẹp tráng lệ, sử thi, mà nó u huyền, hiu quạnh, vắng vẻ. Vì thế, một tiếng gà gáy khan, solo, đơn độc vẫn vọng khắp núi đồi. Âm thanh quen thuộc, gần gũi mở ra cuộc sống bình yên, đơn sơ, thuần khiết. Người trở về trong tiếng gà trưa như càng thu mình lại, đắm chìm trong suy tư, cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, xốn xang. Thanh âm đặc trưng của cuộc sống xóm làng, của những sinh hoạt đời thường càng làm cho miền ký ức trở về đậm đà, rõ rệt hơn. Âm thanh ấy gợi hình ảnh, khơi cảm xúc mạnh mẽ, dẫu những ca từ ở đây bỏ lửng, để lại khoảng trống, khoảng lắng vô hình mênh mang. 

Trong phút dây ngoại cảnh và tâm trạng hoà quyện, biết bao tình cảm dâng trào dưới tâm thế lặng lẽ, suy tư. Để rồi từ đó, tất cả đều nhoà mờ, tan biến trong ánh mắt, cảm xúc của anh ta. Ở khoảnh khắc người về sống hoàn toàn bằng suy nghiệm, con phố chợt như không có người, trống trải, hun hút, lặng lẽ, vắng tanh. Người đã vắng hay chính lòng người trở về sống trong nỗi cô đơn tuyệt đối. Một mình bước hoài trên hành trình bất tận, không điểm dừng, không đích đến. Cái tôi nhỏ bé, bơ vơ, lạc loài vì cảm thấy xa lạ với tất cả, vì đã mất tất cả, như bị đẩy ra ngoài rìa, ở một thế giới khác, đối lập với thế giới của mọi người. Cuộc sống vẫn tiếp diễn với tất cả những vẻ đẹp phong phú của nó tương phản gay gắt với tâm hồn, tinh thần của lữ khách trở về. Bởi càng thấy được cái đẹp diệu kỳ từ những điều bình dị thì càng khơi thêm những mất mát, tổn thương sau hành trình dài. Anh đã ý thức sâu sắc về kiếp độc hành vĩnh viễn của mình, không thể tìm được sự tương hợp hay giao cảm.


           Trở về không có nghĩa là dừng lại vì “trong khi ta về lại nhớ ta đi” (Một cõi đi về). Khúc ca độc hành vẫn vang lên da diết, khắc khoải. Hành trình càng dài, qua nhiều biến động, thấm lẽ phôi pha thì kẻ lữ hành kia càng thấy rõ, thấu tỏ nỗi lòng mình, buộc phải đối diện với tình cảnh, với bi kịch sống của mình:

Lòng ta có khi tựa như vắng ai

Ɲhiều khi đã vui cười

Ɲhiều khi đứng riêng ngoài

Ở đây, tác giả sử dụng từ “tựa như” chỉ cảm giác mông lung, mơ hồ, hoài nghi. Có thể vắng thật cũng có thể chỉ là cảm giác của cái tôi lạc loài, bơ vơ giữa bao người. Nỗi lòng ấy mãi mãi khao khát, kiếm tìm sự tri âm trong vô vọng. Người vẫn vắng, để lòng ta trống không, tan tác đến hoang mang. Một cảm giác như hụt hẫng, lạnh lẽo, rợn ngợp, thấy hoang vu quanh mình. Cho nên nhiều khi đã vui cười nhưng vẫn đứng riêng ngoài – vẫn là kẻ bên lề, vẫn lẻ loi, chơ vơ. Dù chỉ là “nhiều khi”, không phải tất cả nhưng “lòng ta” vẫn bị phân lập, tách biệt thành thế giới đơn độc, như một ốc đảo giữa sa mạc đời bao la cát. Ấy là cảm giác “trời cao đất rộng, một mình tôi đi” (Lặng lẽ nơi này) của cái tôi không thể tìm thấy sự giao cảm, cũng chẳng có ai mặn mà, ai tri âm, chỉ một mình mình hoang liêu trên con đường thiên lý.

Khi nỗi cô đơn, lạc loài bủa vây, kẻ lữ hành khao khát những hành trình đầy mâu thuẫn giữa đi và về. Mâu thuẫn bề mặt này là sự thể hiện của những xung đột nội tâm gay gắt trong ý thức của con người cá nhân về cuộc đời và chính bản thân mình:

Ɲhiều đêm muốn đi về con phố xa

Ɲhiều đêm muốn quaу về 

Ngồi уên dưới mái nhà

Hai ước vọng được khơi dậy trong “nhiều đêm”, lặp lại là những đối cực nhưng lại thống nhất trong tâm hồn con người: “muốn đi về con phố xa” và “muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà”. Đó là những mâu thuẫn muôn thuở trong tâm hồn con người: muốn đi xa, tới miền đất lạ, thoả mãn khám phá, được sống tận cùng trong cô đơn tự do, trong cảm giác được giải phóng mọi ưu phiền với muốn trở về trong cảm giác gần gũi, yêu thương, sẻ chia, được sống bình yên, êm đềm dưới mái nhà cùng người thân yêu. Đi và về, một mình và gia đình, tự do và những ràng buộc, sống vì/ cho mình và vì/ cho mọi người… luôn là vấn đề muôn thuở trong việc lựa chọn lối sống, lý tưởng sống của mỗi cá nhân. Đây cũng là quá trình cá nhân tự trải nghiệm bằng tất cả hỉ nộ ái ố của kiếp sống, bằng niềm vui, hạnh phúc và cả những khổ đau, cay đắng, chiêm nghiệm ra giá trị muôn đời, vĩn hằng, của thiên thu trong kiếp ở trọ trần gian của mình. Đích cuối cùng vẫn là được ngồi yên dưới mái nhà, tưởng gần mà không gần, tưởng dễ dàng nhưng có khi cả đời phiêu dạt không thể tới. Sự an yên ở đây là tự bản thể tâm hồn, từ cảm giác và cảm xúc chứ không đơn giản chỉ là môi trường, không gian sống.

Trở về, thấy những đổi thay quá lớn, lữ khách thảng thốt trong cơn mơ. Hai thế giới phong cảnh và tâm cảnh, thực và mơ giao hoà, đồng hiện/ đồng nhất. Hành trình dần đi đến sự khai minh, tỏ tường để hiểu “thiên thu” của đời sống và “thiên thu” của phận người:

Giòng sông trước kia tôi về

Ɓỗng giờ đâу đã khô không ngờ

Lòng tôi có khi mơ hồ

Tưởng mình đang là cơn gió

Dòng sông trước kia đầy ắp, xanh trong giờ đã khô cạn – sự biến thiên kinh hoàng có thành không, còn ra mất. Người về bàng hoàng, kinh ngạc, xót xa, ngậm ngùi trước cuộc dâu bể, tang thương. Sự sống cạn kiệt, còn lại chỉ là hoang vu, chết chóc.  Sự đối lập gay gắt giữa quá khứ và thực tại đã tác động lớn đến tâm hồn người về. Cảm giác bất ngờ đưa tâm hồn phiêu du, phóng túng đắm chìm trong những tưởng tượng mơ hồ về bản thân – “tưởng mình đang là cơn gió”. Không khí u buồn, ảm đạm, xót xa được thay thế bằng cảm xúc lãng mạn, bay bổng. Cơn gió tự do, phiêu bồng, trôi dạt tới phương trời bát ngát, mênh mông. Nhưng cơn gió ấy cũng mong manh, hư hao, vô định, tan biến chẳng để lại dấu vết gì. Đời sống của kẽ lãng tử, giang hồ luôn mang tâm thế ấy, đầy ngang tàng, phiêu linh “mê chơi quên quê hương” (Tản Đà) nhưng cũng không ít bi thương, giống như kiếp sống của “con chim lìa đàn” (Nguyễn Bính). Cảm thức này nhà thơ Thế Lữ cũng từng viết trong bài “Tiếng gọi bên sông”:

Ta là một khách chinh phu,

Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ.

Mũ lợt bốn bề sương nắng gội,

Phong trần quen biết mặt âu lo.

Trở về có thể coi là chặng cuối của hành trình, thấy được cái đích cuối cùng, đi theo “Lời thiên thu gọi” – đó là sự kết thúc, là cái chết, một sự giải thoát?! Về tới chân núi thăm nấm mồ để bừng tỉnh, hiểu “thiên thu”:

Về chân núi thăm nấm mồ

Giữa đường trưa có tôi bơ phờ

Ϲhợt tôi thấу thiên thu là

Một đường không bến bờ.

Nấm mồ phải chăng cũng là một đích đến/ điểm đến của hành trình trở về? Thăm nấm mồ của người thân, hay nấm mồ của bất cứ ai để thấy kết thúc hành trình đời của mình. Lữ khách về chân núi thăm nấm mồ trong trạng thái bơ phờ giữa con đường trưa, mệt nhoài, hoang hoải, phờ phạc. Sức lực, tinh thần đều cạn kiệt để hướng tới kết thúc. Nấm mồ hôm nay ta thăm cũng là tương lai đang đón đợi. Qua một hành trình mệt mỏi, vắt kiệt sức lực thì tìm đến chỗ nghỉ ngơi, nhẹ nhàng, thanh thản, như chính nhạc sĩ viết trong bài “Ngẫu nhiên”:

Mệt quá đôi chân này

Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

Mệt quá thân ta này

Tìm đến với đất muôn đời

Nhiều lần Trịnh Công Sơn nhắc tới cái chết trong ca từ của mình như một kết thúc tất yếu của đời sống. Đó là giấc mơ “chập chờn lau trắng trong tay” (Chiếc lá thu phai), hay “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu quạnh). Cho nên thăm nấm mồ, nghe “lời thiên thu gọi”, bừng ngộ để nhận ra “thiên thu là một đường không bến bờ”. Khái niệm thời gian “thiên thu” – ngàn năm, chỉ cái vĩnh hằng, muôn thuở - được diễn tả bằng hình ảnh không gian “một đường không bến bờ”- mơ hồ, bất tận, vô cùng, bát ngát. Lời ca của Trịnh Công Sơn luôn là những hình ảnh đượm màu siêu thực, gợi lên nhiều cảm xúc, liên tưởng, suy tư. Câu kết của ca khúc “Lời thiên thu gọi” này cũng là một cách sử dụng hình ảnh như vậy. Đời sống của con người luôn hướng tới vĩnh hằng, bất tử song chính hành trình người ta đi tìm cái vĩnh viễn, muôn thuở ấy lại giúp họ được khai minh, thấy rõ lẽ vô thường của cuộc đời. Tất cả chỉ là giả tạm, tất cả rồi sẽ đổi thay, mất mát, hư hao. Không có gì là bất biến, vĩnh hằng, vĩnh cửu. Mỗi cá thể sống trong cuộc đời chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ là giả tạm, rồi sẽ tan biến thành cát bụi, thành vết mực nhoè, không để lại dấu vết. Chỉ có “thiên thu” không bến bờ, chỉ có vô thường là bất biến. Mỗi ca từ đều thấm đẫm tinh thần triết học của Thiền, Phật về cuộc đời và phận người.



“Lời thiên thu gọi” là tiếng gọi trở về những vẻ đẹp, giá trị muôn thuở, như “thiên thu” trong cảm xúc và cảm giác. Ở đó, khao khát về sự bình yên, cuộc sống trong sáng, hồn nhiên, thuần khiết ở nhiều điều nhỏ bé, bình dị, thân thương luôn khắc khoải, da diết. Thiên thu vẫy gọi con người trở về với bản thể của chính mình, thấm thía trong nhận thức sâu sắc về hành trình sống của chính mình, nếm trải những mất mát để tới cái chết theo quy luật muôn đời không thay đổi. Giai điệu bài hát chậm, buồn, nhẹ nhàng, êm đềm, đầy lãng mạn nhưng cũng cất chứa biết bao ưu tư, không khí đìu hiu, quạnh vắng, man mác buồn, đậm màu Liêu Trai. Sự đối lập giữa con người với không gian, thời gian; giữa đời và mộng, giữa hiện tại và quá khứ để người nghe nhận ra “Lời thiên thu gọi” chính là tiếng gọi từ chính lòng mình, từ bản thể của mình khi đối diện với thế giới, với cuộc đời và bản thân. Bất cứ tiếng gọi nào từ “thiên thu”, của “thiên thu” cũng được cất lên từ tiếng gọi trong nội tại mỗi cá nhân.

Cho nên dư âm, dư ảnh, dư tình của ca khúc còn vang lâu dài, như chính thiên thu là đường không bến bờ, vượt lên mọi ranh giới không và thời gian. Ca khúc đưa người nghe vào hành trình sống, hành trình cảm xúc, của bản thân, để biết tự lắng lại, dành cho mình khoảng lặng, để biết những hành trình sẽ chẳng kết thúc cho tới khi ta thấy “thiên thu”, đến với “thiên thu”. Từ đó, ta biết được rằng tất cả mọi không gian, khoảng thời gian, mọi trạng sống, đi hay về cũng đều đồng quy ở điểm cuối cùng là sự kết thúc, theo tiếng gọi “thiên thu”. Và khi thấy được “thiên thu là đường không bến bờ”, ngộ được lẽ vô thường của đời cũng là lúc mỗi chúng ta tự giải thoát cho mình khỏi mọi khổ đau, phiền luỵ, được trở về hoàn toàn với cõi lặng yên miên viễn.

Viết trong những ngày mưa ngâu 08/2022


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ