ĐIỂM CHUẨN ĐẦU VÀO ĐẠI HỌC CHÓT VÓT VÀ NHỮNG ĐIỀU PHI LÝ ĐẾN QUÁI GỞ CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM


Ở Việt Nam, khoảng trên dưới 20 năm về trước, bạn đỗ một trường đại học công lập trong nhóm trường top đầu thì bạn là học sinh xuất chúng, và nếu ở nông thôn, miền núi có khi cả làng mấy năm mới có một người đỗ đại học như thế, dù có khi bạn đỗ cũng phải nhờ vào điểm ưu đãi khu vực hay dân tộc. Nếu tầm 5 năm hơn về trước, khi kỳ thi đại học vẫn tách riêng, đỗ đại học nhiều hơn nhưng chưa tới mức rẻ rúng. Với giáo viên, với học sinh, điểm thi, việc đỗ đại học vào trường nào, top nào là gần như chính xác tuyệt đối, phản ánh đúng năng lực, tinh thần, thái độ học tập, dù điểm ưu đãi khu vực, dân tộc vẫn còn kha khá. Thế nhưng ba năm trở lại đây, thi đại học thì gần như học sinh nào cũng đỗ, điểm chuẩn vào đại học cao ngất ngưởng, có khi hơn 30 điểm trên thang 30 mới đỗ, khiến thủ khoa của cả nước nếu không có điểm ưu đãi gì của tổ hợp môn xét tuyển ấy cũng rớt. Đó thực sự là một điều phi lý đến quái gở thể hiện sự thất bại của kỳ thi tốt nghiệp THPT dùng vào xét hai mục đích tốt nghiệp và đại học, cho thấy điểm của kỳ thi này lạm phát nhanh hơn tốc độ lạm phát của nền kinh tế và giá trị của điểm số trở nên rẻ rúng, ít ý nghĩa.

Là một giáo viên, như năm nay, lẽ ra Mị hoàn toàn có thể tự hào về học sinh của mình, điểm thi văn cao chất ngất, mức cao nhất tỉnh, xấp xỉ điểm tuyệt đối; rồi đa số đỗ đại học nv1, đỗ các trường top đầu. Song khi nhìn cái mức điểm chuẩn của nhiều ngành, nhất lại là tổ hợp các môn khoa học xã hội toàn 29-29,95, vẫn là thủ khoa cả nước của ba môn văn, sử, địa, nếu không có ưu đãi gì thì sẽ rớt đại học. Ba năm liền cái sự kỳ dị này tồn tại, báo chí lên tiếng, giáo viên phổ thông, giảng viên các trường đại học lên tiếng nhưng nó vẫn như thế, chẳng có gì thay đổi. Dường như cái bệnh thành tích, cái việc làm sao để điểm cao, đỗ tốt nghiệp 99-100% khiến cái kỳ thi quan trọng, để đánh giá và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tới đại học thành một thứ bèo bọt. Người ta bắt đầu đổ lỗi cho sự bất công của ưu đãi vùng miền, đối tượng chính sách nhưng thực sự thì cái ưu đã đó giờ so với thời Mị thi đại học cách đây 20 năm tròn chưa bằng một nửa.

Cái thời Mị thi đại học phân chia khu vực rất tỉ là KV3, KV2, KV2-NT, KV1, KV1-MN, KV1-VC, KV1-VS, Hải đảo… Mỗi khu vực được tính chênh nhau 1 điểm. Nên có những bạn ở miền sâu, lại dân tộc có khi được công 6,7 điểm ưu đãi là chuyện rất bình thường. Riêng khu vực nhà Mị được cộng 3 hoặc 4 điểm tuỳ trường nhé. Nên hồi đó cũng nhờ ở khu vực miền núi Mị mới đỗ đại học danh tiếng. Cơ mà hồi đó chẳng có mấy người kêu ca chênh lệch khu vực như giờ, dù cũng có ý kiến. Và điểm chuẩn khoa SP Ngữ văn đại học Sư phạm Hà Nội năm ấy lấy tổ hợp Văn, Sử, Địa 24,5 điểm đã là kiểu quá cao rồi. Những năm trước đó, thế hệ các anh, chị thi, ưu đãi khu vực các kiểu, điểm chuẩn chỉ dao động từ 21-23 điểm. Như thế, lỗi để điểm chuẩn tới 29,95 hay 30 mà học sinh thủ khoa cả nước không đỗ một ngành khoa học nhân văn không phải do ưu đãi vùng miền hay chế độ chính sách mà bởi các lý do khác.

Có thể nhìn thấy ngay, kể cả 5 năm trước, khi hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học gộp vào một, mức độ đề thi phân hoá tốt thì điểm chuẩn cũng không ngất ngưởng tới kỳ dị như hiện nay. Mị không phủ nhận có một số học sinh hiện nay học giỏi, kiến thức, kỹ năng tốt, nhất là môn tiếng Anh, rồi việc sử dụng công nghệ, nhưng khoa học cơ bản thì chưa chắc. Là một người dạy học, chấm các kỳ thi gần 20 năm nay, Mị thấy rõ bài văn 9,5; 9,75 bây giờ, không biết bài điểm 10 sao vì tỉnh Bắc Giang nhà Mị chưa có điểm 10 văn, không phải cái gì xuất chúng, đặc biệt về các năng lực văn hết. Điểm cao tới mức lạm phát, thành rẻ rúng là đề thi ra quá dễ, không mang tính phân hoá cao các mức độ, cấp độ tư duy; chấm thi môn văn là do tỉnh nào chấm bài tỉnh đó. Những thứ dễ dãi ấy khiến cho điểm các môn cao ngất ngưởng, nhất là mấy môn khoa học xã hội.

Mị cũng không hiểu vẫn thi kiểu thế này để làm gì khi mà tất cả đều rẻ rúng, dễ dãi, hời hợt đến vậy, tạo nên những ảo tưởng và bong bóng của giáo dục. Cứ thêm hình thức nào là sẽ nảy sinh tiêu cực ở hình thức đó. Xét học bạ năm đầu tiên, bất ngờ có vẻ chính xác, nhưng càng ngày thì điểm cũng lại lạm phát tiếp. Bởi học bạ thì chẳng giáo viên nào tự cho học sinh điểm quá thấp để thiệt thòi với các học sinh tỉnh khác. Tuyển sinh vào một trường đại học nhưng mặt bằng đánh giá, các mức độ đánh giá do giáo viên tỉnh nhà, trường nhà cho điểm thì sao có sự công bằng, khách quan? Và điểm cao nhưng kiến thức, năng lực chưa chắc đã tương xứng với cái điểm đó. Rồi tất cả buông xuôi kiểu nước nổi bèo nổi, học sinh cũng chẳng cần học gì nhiều vẫn điểm cao, học sinh có học nhiều cũng chẳng cao hơn mấy học sinh chỉ học cơ bản; vào đại học nhưng những tư duy căn bản thiếu, yếu, hoặc không có… Tất cả sẽ tới ngày bong bóng nổ, chất lượng giáo dục thảm hoạ, các kỳ thi tuyển sinh đại học chính là nơi cho thấy sự thiếu chuẩn xác về thang đo đánh giá cũng như mức độ công bằng về cơ hội cho học sinh ở các môi trường sống, học tập, giáo dục khác nhau.

Chẳng cần nói đâu xa, ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, môn tiếng Anh ra đề phân hoá hơn một xíu chứ cũng chưa tới mức như đề tuyển sinh riêng ngày trước, thì điểm cao đã ít, điểm chuẩn tổ hợp có môn này hoặc chỉ giữ, hoặc giảm nhẹ. Cái quái gở của kỳ thi chẳng phải do ưu tiên vùng miền đâu mà trước hết là do cách ra đề, chấm thi, mức độ yêu cầu của kỳ thi. Vì thành tích, vì tỷ lệ cao, vì điểm đẹp mà hạ mức độ đánh giá xuống mức thấp nhất, không phân biệt các mức độ nhận thức, kiến thức, tư duy của học sinh thì kỳ thi đó vô nghĩa, nền giáo dục điểm số, nói như A.Einstein sẽ dẫn tới sự “nông cạn và vô văn hoá”. Giáo dục không thực chất sẽ làm mọi lĩnh vực xã hội đi xuống, gây ra nhiều bất cập và bất công khác. Điều đó sẽ kìm hãm sự phát triển và cũng là lý do chúng ta chẳng có lĩnh vực gì đạt được thành tựu xuất sắc, có sáng tạo nổi bật, mới mẻ, hoặc đi đến tận cùng một giá trị đặc biệt nào đó.

Bao năm giáo dục cải cách hết lần này tới lần khác, thay đi đổi lại bao nhiêu thứ màu mè nhưng kết cục học sinh, phụ huynh thiệt hại, giáo viên khổ sở đủ đường mà chất lượng vẫn giậm tại chỗ nhiều mặt, thậm chí đi xuống. Bởi cái quan trọng nhất là sự trung thực, là việc quan tâm tới con người trong giáo dục không có thì chẳng thể có đổi mới hình thức, sách giáo khoa nào bù lại hết. Khối ung nhọt của thành tích, của cái danh vẫn đeo bám thì chẳng thể có chất lượng. Nhiều thứ gọi là đổi mới, cải cách nhưng lại đi ngược xu thế giáo dục khai phóng, tiên tiến, văn minh, có người ta làm mấy chục năm, giờ thấy nhược điểm, bỏ đi rồi, mình làm lại, kiểu như thi trắc nghiệm 100% tràn lan, bất chấp là môn học gì, cấp học nào, cần rèn và đánh giá năng lực gì. Chẳng cần thay sách, đổi hình thức thi mà quan tâm đến người làm giáo dục, người học, tạo môi trường học tốt, thi cử vì chất lượng thật, đánh giá công bằng, đúng chuẩn và yêu cầu cao thì sẽ có chất lượng. Ít nhất khi đó vẫn còn giữ được một phần những học sinh học giỏi, có nhu cầu muốn học, tìm tòi, sáng tạo phát huy được khả năng của chúng.

Còn cứ giữ mấy kỳ thi quan trọng như hiện tại, đổi mới phần ngọn như hiện tại thì muôn thuở giáo dục vẫn vậy, thậm chí còn tệ hơn khi tạo ra bất bình đẳng trên nhiều thứ trong giáo dục, xuất phát từ kiểm tra, đánh giá. Khi thi cử, đánh giá ở những mốc quan trọng, bước ngoặt của học sinh trong giáo dục luôn kiểu đánh đồng, cào bằng, ai cũng vui vẻ thì chẳng thể nào có chất lượng thật, chọn được người giỏi, phát huy năng lực người làm giáo dục, người học, và càng không có sự công bằng.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ