TRUYỆN CỰC NGẮN PHONG CÁCH NGỤ NGÔN CỦA FRANZ KAFKA (Phần 2)
2. Những thủ pháp nghệ thuật nổi bật tạo nên phong cách ngụ ngôn trong truyện cực ngắn Kafka
Mỗi truyện cực ngắn Kafka đều tiềm ẩn nhiều nội dung triết lý sâu xa. Để chuyển tải những nội dung ấy, ông đã sử dụng nguyên tắc phúng dụ và nghệ thuật gián tiếp như phương thức đặc trưng, quan trọng nhất, tạo nên tính chất ngụ ngôn đậm nét. Tất cả những thủ pháp nghệ thuật khác đều phục tùng phương thức phản ánh trên. Trong phần này, chúng tôi xem xét và tìm hiểu bốn yếu tố nghệ thuật chính tạo nên phong cách ngụ ngôn trong truyện cực ngắn Kafka: nhân vật, kết cấu, lời văn nghệ thuật và giọng điệu trần thuật.
2.1. Nhân vật truyện cực ngắn Kafka
Thế giới nhân vật trong truyện cực ngắn Kafka phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại: con vật, đồ vật, con người, bộ phận cơ thể người, các thần linh… nhưng tất cả các nhân vật này đều là những phúng dụ giàu sức ám gợi để làm nổi bật những nghĩa hàm ẩn, nội dung triết lý. Khác với tiểu thuyết, đa số nhân vật trong truyện cực ngắn Kafka đều được vay mượn từ những con vật, đồ vật để tỷ dụ, ám chỉ đến con người, các mối quan hệ người trong xã hội. Để đạt được mục đích ấy, Kafka đã sử dụng phương thức tỷ dụ tính cách, hình thức hoạt động, tâm trạng nhân vật. Một số nhân vật được xây dựng theo phương thức ước lệ hoá tính cách. Tuy nhiên, nét nổi bật nhất của những nhân vật này là được xây dựng theo nguyên tắc gián tiếp, xoá bỏ, làm mờ mọi đường viền lịch sử, tập trung vào một điểm nổi bật để tạo nên tính chất mơ hồ, đa nghĩa. Khi xoá mờ đường viền lịch sử, các nhân vật trở thành những biểu tượng mang tính tượng trưng, phúng dụ. Các nhân vật trong truyện “Một ngụ ngôn nho nhỏ”, “Con vụ”, “Con kên kên”, “Cây Cầu”, “Những thân cây”… đều được xây dựng theo nguyên tắc trên.
Trong truyện “Cây cầu”, nhân vật cây cầu là một biểu tượng ám gợi. Thông thường cây cầu thường mang ý nghĩa kết nối đôi bờ để rút ngắn khoảng cách, tạo lập các mối quan hệ, nâng bước chân du khách. Nhưng cây cầu ở đây khác hẳn, nó tồn tại không nhằm mục đích bản thể cao quý đó mà chờ một ngày có người du khách đầu tiên đặt chân lên, để rơi xuống, chấm dứt kiếp làm cầu. Như thế, mục đích tồn tại của cây cầu không phải để duy trì sự sống, để thiết lập các mối quan hệ sống mà để huỷ hoại, là cái chết. Điều đó đồng nghĩa với mục đích sống của cây cầu là cái chết. Cây cầu không nối những bờ vui mà huỷ hoại mọi kết nối, huỷ hoại mọi mối quan hệ. Cây cầu trên đỉnh núi chon von như một biểu tượng cho sự cô đơn tuyệt đỉnh của con người không thể giao hoà cùng xã hội. Sự sống của họ chỉ là sự tồn tại vật chất tầm thường và mục đích cuối cùng của sự sống ấy là huỷ diệt chính mình để thoát khỏi bi kịch của sự hiện hữu bản thân.
Một kiểu nhân vật khá đặc trưng và độc đáo trong truyện cực ngắn Kafka là nhân vật người kể chuyện. Người kể chuyện có dáng dấp một nhà tư tưởng, một triết nhân suy tư, chiêm nghiệm. Họ nhại những lời phán truyền trong “Kinh Thánh”, đưa ra những kết luận có sức mạnh như một châm ngôn, một lời triết lý. Người kể chuyện trong truyện “Những thân cây” mang hình ảnh của một nhà tư tưởng. Những thân cây không phải là nhân vật hay đích miêu tả cuối cùng mà chỉ là đối tượng để suy tưởng, chiêm nghiệm về con người. Con người chúng ta cũng giống như những thân cây vùi trong tuyết, bề ngoài chỉ cần một cú đẩy nhẹ cũng làm chúng lăn tròn. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, ẩn đằng sau đó là bao khả năng và những bề sâu khác. Mỗi bề sâu của lớp này lại là bề ngoài của lớp kia, đan chéo chằng chịt mà chúng ta không bao giờ khám phá hết được những ngõ ngách sâu kín, bí mật ấy. Con người cũng vậy, họ tự ẩn giấu trong mình một đại dương bí mật mà sự thám hiểm đại dương ấy là không cùng, kể cả với bản thân người đó. Điều này cũng tương tự như cuộc sống, như thế giới đang hiện hữu đa tầng bất tận, là một bí mật mênh mông, vô biên. Mọi hiểu biết của chúng ta chỉ là bề ngoài; tiềm ẩn trong thế giới là một kho bí mật thách thức con người khám phá.
Như vậy, nhân vật trong truyện cực ngắn Kafka tiêu biểu và đặc trưng kiểu nhân vật của truyện cực ngắn hiện đại mang phong cách ngụ ngôn. Nguyên tắc phúng dụ đã giúp chúng chuyển đến người đọc những thông điệp mang tính nhân sinh sâu sắc. Mỗi nhân vật đều được sản sinh ra từ cảm quan nghệ thuật, những tư tưởng và triết lý của Kafka về thế giới và con người. Nó có sức sống mãnh liệt cùng sự trường tồn với tác phẩm của ông.
2.2. Kết cấu truyện cực ngắn Kafka
Nhiều truyện cực ngắn của Kafka có kết cấu hai lớp hai phần như ngụ ngôn truyền thống. Đặc điểm kết cấu này do Kafka chịu ảnh hưởng từ những ngụ ngôn, châm ngôn trong “Kinh Thánh” và trong văn học dân gian. Các truyện “Làng gần nhất”, “Một ngụ ngôn nho nhỏ”, “Một nhầm lẫn bình thường”, “Prometeus”… đều kết cấu theo lối truyền thống này. Tuy nhiên, khác với ngụ ngôn, lời quy châm thường được rút ra ở cuối truyện; còn trong truyện của Kafka, những chân lý và nội dung triết lý có thể ở cuối truyện như ngụ ngôn truyền thống song có khi lại được đảo lên đầu tác phẩm. Những kết luận rút ra không bao giờ là chân lý cuối cùng. Ý nghĩa của tác phẩm không đóng khung một cách giản đơn, hạn hẹp trong lời quy châm mà được thể hiện trong toàn bộ thế giới hình tượng và ngôn từ tác phẩm. Ngay lời quy châm cũng không bó hẹp vào một nghĩa nào mà mở ra không cùng các khả năng, các ý nghĩa, các bài học bằng những tín hiệu lấp lửng và những lời nói đầy tính ám chỉ.
Trong truyện “Làng gần nhất”, bài học triết lý được đưa ra ngay từ đầu: “Cuộc đời ngắn ngủi đến kỳ lạ”. Nhân vật người ông bị lược hết các yếu tố ngoại hiện, chỉ còn lại lời răn dạy. Tính mơ hồ, phiếm chỉ của nhân vật đã tạo nên sự đa nghĩa và chúng ta không thể đưa ra được một kết luận cuối cùng, duy nhất đúng. Ngay lời của người ông rất ngắn ngủi cũng hàm chứa nhiều khả năng khác nhau: cuộc đời ngắn ngủi nên con người cần phải tranh thủ thời gian, không để phí hoài khoảnh khắc nào để sống sao cho có ích/ ý nghĩa; hay cuộc đời ngắn ngủi, vô thường như vậy, đi mãi cũng đâu tới được một cái đích rất gần thì phấn đấu, cố gắng làm gì cho hoài công, dã tràng xe cát… Những suy tư đa tầng được khơi lên từ sức gợi lớn lao của ngôn ngữ kết cấu, từ lời quy châm mang tính chân lý.
Tuy nhiên, kiểu kết cấu chiếm tỷ trọng lớn hơn trong truyện cực ngắn Kafka lại là kiểu kết cấu dung hợp các yếu tố sự kiện và bài học. Ý nghĩa/ thông điệp/ bài học chỉ được tìm ra khi ta đọc hết tác phẩm và suy ngẫm về nó. Cốt truyện của những tác phẩm viết theo kiểu kết cấu này hầu như bị giản lược hoàn toàn, chỉ tập trung vào một tình huống làm điểm tựa. Tình huống này là tiêu điểm chất chứa những mâu thuẫn, nghịch lý, tập trung được những mối quan hệ trong xã hội. Đó là mâu thuẫn giữa bề ngoài và bên trong, bản chất và hiện tượng, khả năng và thực tế, cá nhân và xã hội, hữu hạn và vô hạn, bản năng và ý thức… Những mâu thuẫn và nghịch lý tạo nên độ căng trần thuật, tình huống kịch tính. Nó tác động mạnh vào nhận thức và có khả năng phản tỉnh sâu sắc. Vì thế “Làng gần nhất” lại thành cái đích xa nhất mà cả đời không thể tới được và hành trình để tới đo là cuộc hành trình dài nhất; pháp luật dành cho mọi người nhưng bác nông dân mất cả đời không thể bước qua được cánh cửa của pháp luật; cây cầu có mục đích ban đầu, bản thể là để kết nối đôi bờ, nâng những bước chân người qua, đem đến sự sống, niềm vui nhưng trong truyện của Kafka cây cầu tồn tại là để phá huỷ mọi kết nối; thế giới tưởng chừng rộng lớn nhưng lại quá chật hẹp với mỗi con người hay tạo vật khi ý thức về hoàn cảnh sống tù túng, ngột ngạt của mìn; những ẩn ngữ để giái thích khái niệm, giúp con người nắm bắt bản chất mọi điều, mọi vật, tạo nên sự minh triết cho cuộc sống thì với Kafka, nó lại trở nên mờ đục, trừu tượng, mơ hồ, đánh bẫy nhận thức, tư duy của con người… Tất cả tạo ra những tình huống bi – hài, mang đậm chất triết lý, theo kiểu “uy-mua đen” giúp người đọc nhận ra hiện thực đầy huyền bí và phi lý, cũng như sự tồn tại tội nghiệp, nhỏ bé, mong manh cùng biết bao bất hạnh của một thân phận người trong thế giới đầy phi lý ấy.
Các kiểu kết cấu trong truyện cực ngắn Kafka đã tạo ra những tình huống bất ngờ, kịch tính và mang chất trí tuệ cao. Nên mỗi truyện của ông đều hàm súc như những ẩn ngữ vậy. Độ mở kết cấu, khả năng gia tăng kịch tính, cùng sự tràn ngập của các yếu tố tiểu luận đã tạo nên phong cách truyện cực ngắn Franz Kafka – nhà văn, nhà triết học.
2.3. Lời văn nghệ thuật trong truyện cực ngắn Kafka
Ngôn ngữ, lời văn trong truyện cực ngắn Kafka là thứ ngôn ngữ cô đọng, nhiều hàm nghĩa và ngụ ý. Để tạo nên đã nghĩa và tính hàm súc cao, Kafka đã xây dựng nên một hệ thống biểu tượng nổi bật: mê lộ, cuộc hành trình, cây cầu, cánh cửa, người viên chức… Việc sử dụng hệ thống biểu tượng này đã đáp ứng được đòi hỏi ngặt nghèo của thể loại, tăng khả năng biểu hiện và sức gợi cho hình tượng cũng như lời văn nghệ thuật. Vì thế, mỗi truyện cực ngắn của ông đều như “một tảng băng trôi” (E.Hemimgway) với biết bao mạch ngầm văn bản.
Biểu tượng “cánh cửa” trong truyện “Trước cửa pháp luật” là một biểu tượng quen thuộc nhưng lại có sức ám gợi lớn. Với ý nghĩa thông thường nhất, “Cánh cửa tượng trưng cho nơi qua lại giữa hai trạng thái, hai thế giới, giữa cái biết và chưa biết, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa kho vàng và cảnh khốn quẫn. Cánh cửa mở ra để thấy điều bí ẩn. Nhưng cửa cũng có một ý nghĩa động thái tâm lý, vì nó không chỉ là một lối đi mà còn mời bước qua…” (1) . Cánh cửa trong truyện của Kafka cũng mang ý nghĩa bản thể ấy. Nhưng bên cạnh đó, ông lại gia tăng cho biểu tượng này những ý nghĩa ẩn dụ mới. Cánh cửa luôn luôn biểu hiện cho một lời mời gọi khám phá, đồng thời nó cũng chính là cánh cửa để đi vào tâm hồn mình. Người nông dân không dám mở và bước qua cánh cửa ấy để tìm hiểu pháp luật, tức là ông ta đã đầu hàng chính mình, thất bại với chính sự yếu đuối, sợ hãi, do dự của mình. Điều đó cũng có nghĩa là người nông dân này thất bại trước khi vào trận đánh, trước khi dám có một hành động khám phá, dù cánh cửa vẫn gọi mời và người gác cửa thì thách thức. Mặt khác, để vào gặp được pháp luật, người nông dân này phải vượt qua nhiều lớp cửa, đi qua nhiều cánh cửa khác, tầng tầng, lớp lớp nối tiếp nhau, mà cửa sau khó khăn hơn cửa trước. Cho nên, cánh cửa cũng là biểu tượng cho biết bao khó khăn, thử thách, trở ngại trong cuộc sống. Nó cũng là biết bao thiết chế quan liêu, những tầng bậc của thể chế kiềm toả như một mê cung của xã hội độc tài, khiến con người phải lạc lối trong hoang mang, sợ hãi. Tầng lớp của những cảnh cửa hun hút trong mê cung ấy đan bện thành một mạng lưới bủa vây, trùm kín, nhốt con người trong một thứ nhà tù vô hình, đẩy họ tới đường cùng.
Không chỉ sử dụng và xây dựng được các biểu tượng đa nghĩa, lời văn trong truyện cực ngắn Kafka còn sử dụng tính liên văn bản, thủ pháp lạ hoá, các mặt nạ văn học để tạo nên tính nước đôi, nhập nhoè, đa nghĩa. Đồng thời, ông gia tăng sử dụng các yếu tố huyền thoại, kỳ ảo, hoang đường, làm nhoè mờ, gây nhiễu, phá vỡ những gì vốn là rõ ràng, rạch ròi, là duy nhất, độc tôn, tạo nên khả năng chuyển nghĩa cao, phong phú theo kiểu tư duy đa nguyên. Sự nhập nhoè và tính chất mờ đục này đã tác động vào độc giả khiến họ tự ý thức, xem xét lại các khả năng của hiện thực. Ranh giới giữa mơ và thực, những gì rõ ràng và mơ hồ, xác định và bất định, hữu hạn và vô tận trong truyện cực ngắn Kafka vô cùng mong manh, bất định…
2.4. Giọng điệu trong truyện cực ngắn Kafka.
Mỗi truyện của Kafka đều chứ một hay hàng loạt mâu thuẫn. Những mâu thuẫn đó gây cười và phát huy tác dụng của tiếng cười. Nhưng cái hài của Kafka lại mang sắc thái mỉa mai – bi đát. Đằng sau tiếng cười là sự thức tỉnh về hiện thực tăm tối và sự tồn tại đau thương, hư vô của con người nhỏ bé, ở bên lề của xã hội, thể chế trung tâm. Giọng điệu ấy chính là chất uy-mua đen đặc trưng trong sáng tác của ông.
Truyện “Prometheus” không chỉ đơn giản là sự giải thiêng huyền thoại về vị thần đã đánh cắp lửa của Zeus, đem lại sự sống cho con người. Bề sâu của tác phẩm là một nghịch lý: tội phạm lớn nhất của đỉnh Olympus lại bị các vị thần quyền uy của Olympus quên lãng. Ngay cả con chim ác là, phương tiện trừng phạt Prometheus của Zeus cũng quên phạm nhân và nhiệm vụ của mình. Đồng thời, Prometheus, vị cứu tinh, đã đem bí mật lớn nhất của các vị thần tiết lộ cho loài người bị chính loài người quên lãng – tức kẻ làm ơn đã bị phụ bạc bằng thái độ vô ơn. Xét trên phương diện nào thì sự tồn tại và số phận của Prometheus cũng là đắng cay, bi kịch – bị kịch của người bị lãng quên, bị coi như vô hình, bị gạt ra bên lề cuộc sống của thế giới, cả thần linh lẫn loài người. Kết cục thì tội nhân hay người gieo ơn cũng hư vô như nhau trong trí nhớ nhỏ nhoi. Cuối cùng, chỉ còn lại một hòn đá để giải thích cho một hiện thực bất khả giải. Prometheus trở thành hiện thân cho sự tồn tại người bi đát, một kiếp sống lưu đày vĩnh viễn.
Giọng điệu kết hợp với các yếu tố nghệ thuật khác đã tạo nên phong cách ngụ ngôn độc đáo cho truyện cực ngắn Kafka. Kế thừa, phát huy tôi đa các khả năng của truyền thống phúng dụ, Kafka đã có những sáng tạo mới mẻ, tạo nên khả năng tác động lớn lao, tạo nên một phong cách thể loại, phong cách nhà văn. Ông giống như người gieo những hạt giống đầu tiên cho thể loại này trên mảnh đất màu mỡ của hiện thực xã hội đầy biến động đầu thế kỷ XX. Đồng thời, ông cũng đã gặt hái được những vụ mùa bội thu từ những hạt giống đã gieo ấy, ươm mầm cho các mùa vụ mới ở những thế hệ nhà văn hậu thế, kế tiếp. Tinh thần, thi pháp, phong cách thể loại truyện cực ngắn ngụ ngôn đã được các nhà văn đi sau nối tiếp, phát triển, chịu ảnh hưởng, tạo nên những thành công và thảnh quả lớn, quan trọng. Dòng mạch truyện cực ngắn mang phong cách ngụ ngôn được hình thành ở thế kỷ XX tạo nên một hiện tượng độc đáo trong đời sống văn học thế giới với một loạt tên tuổi tài năng và những tác phẩm xuất sắc. (còn nữa)
Chú thích:
(1) Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du, 2002, tr.226.
(2) Milan Kundera, Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết – Những di chúc bị phản bội), Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn hoá thông tin – Trung tâm văn hoá và ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.202.
Đây là một phần trong khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận văn học, với đề tài: "Truyện cực ngắn hiện đại mang phong cách ngụ ngôn" mà tác giả thực hiện do Thầy Trần Ngọc Hiếu hướng dẫn. Khoá luận bảo vệ tại khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 5 năm 2006.
Nhận xét
Đăng nhận xét