Những mùa hoa trên đá

        

        Hành trình tới với vung cực Bắc của Việt Nam là hành trình thú vị, cuốn hút và ấn tượng trên miền cao nguyên đá. Trên vùng đất tưởng chỉ có núi, đèo, dốc, đá tai mèo lởm chởm và sự khắc nghiệt đến tàn khốc của thiên nhiên, ta vẫn gặp những mùa hoa rực rỡ, đẹp đến nao lòng. Mỗi mùa đều có sắc hoa riêng, đặc trưng, khó nơi nào sánh được với vùng đất này. Miền đá nở hoa là cách mà những người yêu đất và người nơi đây, đam mê xê dịch đặt tên cho nó. Suốt cả một cung đường dài, rộng từ Quản Bạ, qua Yên Minh đến Đồng Văn, Mèo Vạc, hoa nở rực rỡ.


    Mùa xuân có lẽ là mùa đẹp nhất, lộng lẫy nhất của miền đất địa đầu Tổ quốc. Bất chấp cái giá lạnh của địa hình núi cao phía Bắc, đào khoe sắc rực rỡ. Hoa đào trên cao nguyên đá mang nét đẹp riêng, vừa tươi tắn, đậm đà, vừa mạnh mẽ, cứng cáp, vừa hoang dại, đơn sơ. Chính những gốc đào vươn lên nhọc nhằn từ đá, bung nở lung linh khiến nhiều khoảnh khắc ta ngỡ lạc vào thiên đường lãng mạn. Đào như khoác một tấm áo mới lộng lẫy, rực rỡ cho xuân Hà Giang, như bao lễ hội ở đây với vẻ đẹp thanh tân, thuần khiết của những chàng trai, cô gái, em bé trên bản làng xúng xính trong xiêm y thổ cẩm. Đó cũng là sức xuân, tình xuân, hương xuân, như phát tiết một lần trong một năm, để đời biết rằng mảnh đất này không chỉ có đá, để biết rằng trong sự khắc nghiệt của tự nhiên, tạo vật hay con người vẫn kiên gan, chắt chiu để tạo nên biết bao vẻ đẹp lung linh, bao hương sắc tươi tắn, ngào ngạt.

 

Cùng với màu hồng tươi của đào, sắc trắng hoa mận tạo nên vẻ dịu dàng, nên thơ cho xuân miền cực Bắc. Hoa mận trước cổng, bên hiên, trên mái nhà toát lên cái hồn riêng của mùa xuân biên cương. Đó là cảm giác yên bình, trong sáng, tươi tắn nhưng vẫn phảng phất chút hoang vu, heo hút, man dại đặc trưng. Khiêm nhường hơn, bình dị hơn nhưng rực rỡ và nổi bật hơn là hoa cải vàng lung linh trong nắng xuân. Trên miền đất tận cùng của cực Bắc, thiên nhiên khắc nghiệt nên cải là loài rau dễ trồng, có thể phát triển tốt nhất. Nhưng ngoài chức năng làm một món ăn thì những vạt, nương, bãi cải nở hoa tạo nên khung cảnh vô cùng đẹp, gây nhung nhớ cho những du khách tới cực bắc và cao nguyên đá. 


Hoa lê dường như là hoa không mùa vì đi mùa nào ta cũng có thể gặp thấp thoáng những bông hoa trắng, nhỏ xinh, điểm tô trên lá xanh hay những cây cành khẳng khiu. Hoa lê dù khiêm nhương nhưng lại gợi nét tinh tế như duyên ngầm ở miền đá nở hoa. Dĩ nhiên nếu bạn muốn ngắm hoa lê nở thành chùm, bừng lên sức sống và sắc đẹp trên lá non tơ thì thích hợp nhất vẫn là mùa xuân, mùa trăm hoa khoe sắc toả hương. Có thể nói hoa lê chính là “xuân không mùa” trên cao nguyên đá. 

    
    Nhắc đến hoa trên cao nguyên đá, trên miền cực Bắc thì ai cũng nhớ ngay tới tam giác mạch, loài hoa danh tiếng của mảnh đất này. Tam giác mạch có thể trồng quanh năm nhưng đẹp và rực rỡ nhất là cuối thu. Tam giác mạch cũng có thể trồng ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc nhưng không ở đâu có sắc hoa tam giác mạch hồng tươi, thậm chí ngả sang đỏ sẫm, đậm đà, tươi giòn như trên vùng cực Bắc. Từ một loài cây trồng làm thức ăn cho người hoặc gia súc thì tam giác mạch giờ đã có địa vị, danh tiếng khác. Nhiều người tới cao nguyên đá, tới cực Bắc chỉ vì tam giác mạch, mang lời hẹn hò với mùa tam giác mạch thân thương. 


Thu sang cũng là lúc cúc cam, một loài cúc dại nở rộ trên vùng cực Bắc tổ quốc. Không có danh tiếng, được ngưỡng mộ như tam giác mạch, cúc dại nở lặng lẽ ven đường, lẩn khuất bên những vỉa, hòn đá nhấp nhô đâu đó ở núi, ở nương. Song với những người thích cái tĩnh lặng, cái vị trí ngoài lề thì cúc cam mới là hoa thu của vùng đất địa đầu Tổ quốc. Mỗi bông cúc nở ven đường, cạnh những hòn đá, tưởng chừng vô tri mà xốn xang cả một bầu trời kỷ niệm. Linh hồn, cảm xúc của mỗi chuyến lên cao nguyên đá mỗi độ thu về như đọng lại trong những bông cúc dại đẫm sương hay phơi mình lung linh trong nắng chiều hanh hao, vàng khươm.


        Hoa bên người, những cành đào khoe sắc trước hiên, cây đào rung động trong sắc hoa hồng tươi trĩu hoa khi một đứa trẻ tinh nghịch trèo lên cây chơi đùa. Những bóng người thấp thoáng, những mái nhà ngói rêu hay bức tường trình ố màu thời gian thấp thoáng sau chùm hoa mận trắng tinh khôi làm trái tim lữ khách run lên nhè nhẹ, lặng đi trong không gian, không khí bình yên, tĩnh tại, nguyên sơ, tinh khôi. 


        Những đường cày mùa xuân bên đám cải vàng chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới luôn đem đến cảm giác về sức sống, tinh thần lạc quan, về một vẻ đẹp khoẻ khoắn, tươi tắn xuân thì, xuân khí. Biết bao cành hoa tam giác mạch được đám trẻ kết lại khéo léo thành những vòng hoa nhỏ xinh, duyên dáng, e ấp như chính tâm hồn thơ ngây, có chút e dè, mà trong trẻo, thuần khiết, tươi vui của đám trẻ vùng cao. Cái sự chắt chiu, cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo, kiên gan được hình thành từ những điều nhỏ nhặt, từ bản năng, vô thức của những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi khi sống ở một miền sâu, xa, khó khăn, thiếu thốn và vất vả.


          Nhưng biết đâu, với con mắt một khách du lịch, tâm thế và tư duy của người miền xuôi, đô thị thấy đám trẻ kia thiệt thòi nhưng ở hoàn cảnh của chúng, chưa có sự so đó, toan tính, chúng lại là đám trẻ hạnh phúc vì sống vô tư, hồn nhiên, trong sáng, thuần khiết nhất, không phải chịu áp lực hay bất cứ sự so đo, tị hiềm, ẩn ức thiệt thòi gì?!


        Mỗi năm, mỗi mùa hoa vẫn nở trên đá hay nói như nhiều người, miền đá nở hoa. Hoa của mỗi mùa hương sắc khác nhau, mùa rực rỡ, lộng lẫy, mùa nhẹ nhàng, khiêm nhường, lặng lẽ nhưng đều duyên dáng, làm ngẩn ngơ những tâm hồn phiêu du. Sự tương phản giữa vẻ đẹp, hương sắc và sức sống của hoa với miền cao nguyên đá khô cằn, khắc nghiệt đem đến nhiều cảm xúc cho mỗi lữ khách. Dường như mỗi bông hoa, loài hoa, mùa hoa để lại nhung nhớ vì tất cả tinh thần, tình cảm, tâm hồn của người dân bản địa hội tụ trong đó. Hoa cũng là người – người ta là hoa của đất – cần cù, kiên trì, bền bỉ, mạnh mẽ, bất khuất, mộc mạc, hồn hậu, phóng khoáng, mãnh liệt, duyên dáng, lộng lẫy… Liệu chừng ấy tính từ đã đủ để diễn tả vẻ đẹp của hoa, của đất, của người miền địa đầu cực Bắc Hà Giang chưa?



Tôi chỉ biết rằng, sau mỗi lần tới đây, chưa kết thúc đã thấy nhớ nhung, bồi hồi, đã thấy trống trải một nỗi hoang vu trong lòng. Và trái tim của kẻ xê dịch lại muốn được lấp đầy bằng một hành trình quay lại, đôi khi đơn độc, ngẫu hứng, để được ngắm mỗi sắc hoa của miền đá, để được lấp đầy những nhung nhớ, khao khát, để được một phút ngẩn ngơ, u hoài khi bóng chiều buông, hết mình trong hạnh phúc lang thang, tự do đơn độc.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ