“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ



Từ “Mùi đu đủ xanh” tới “Mùa hè chiều thẳng đứng”, rồi giờ là “Muôn vị nhân gian” (tiếng PhápLa Passion de Dodin Bouffanttiếng AnhThe Taste of Things) tôi vẫn nhận ra một Trần Anh Hùng duy mĩ. Phim của Trần Anh Hùng nên dùng từ “đẹp” thay vì từ “hay” định danh mới thật chuẩn xác. Những bộ phim của ông đưa người xem vào một thế giới mà ở đó những cái đẹp rất bình dị có phần hơi cổ điển của con người, nhất là phụ nữ hoà quyện với bối cảnh của gia đình, văn hoá tạo nên màu sắc lãng mạn, an yên, thư thái. Nó là một cái gì đó rất đời, rất thực, ta có thể thấy mình trong đó nhưng vẫn rất sang trọng, chân thành, trang trọng và tao nhã. Những gì đời nhất lại đẹp nhất, đẹp một cách lý tưởng, thơ mộng, để người xem lặng đi trong mơ ước. Một bộ phim thực, đời không hẳn cái gì của đời, nhất là cái thô tục đều ném lên màn ảnh bằng những lời thoại chát chúa, đôi khi thô bỉ. Một phim đẹp đến mức duy mĩ, trong từng tiểu tiết vẫn rất đời bởi cái cảm giác của người xem thấy đời sống của mình, quanh mình trong đó, vượt qua các giới hạn không gian, thời gian, văn hoá, lối sống khác biệt. “Muôn vị nhân gian” của Trần Anh Hùng đã đem đến cho mình đúng cảm xúc, cảm giác ấy.

1. Tình yêu và nghệ thuật ẩm thực thăng hoa trong vẻ đẹp lãng mạn

Truyện phim khai thác một lát cắt cuối cùng trong câu chuyện tình đầy lãng mạn, trong trẻo, quý phái của chuyên gia ẩm thực lừng danh Dodin, người được mệnh danh là một “Napoleon trong ẩm thực” và nữ đầu bếp của ông, Eugénie. Hai người đã đồng hành cùng nhau suốt 20 năm, cùng sống với nhau trong mối quan hệ như vợ chồng, cùng nấu ăn, cùng chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc đời. Nhưng phải tới lúc sang thu, sau nhiều lần Dodin cầu hôn thì Eugénie mới đồng ý lời cầu hôn sau một bữa ăn được Dodin chuẩn bị, phục vụ rất công phu, dành riêng cho nàng, kèm theo chiếc nhẫn cầu hôn. Lễ đính hôn diễn ra giữa mùa hè, rực rỡ, lộng lẫy và dự đính tới mùa thu họ sẽ tổ chức lễ cưới. Nhưng khi lễ cưới chính thức chưa diễn ra thì Eugénie đột ngột qua đời bởi một căn bệnh lạ, dù đã biết trước nhưng không thể chữa trị. Dodin chìm trong nỗi tuyệt vọng, trống trải, không còn tha thiết gì với ẩm thực, không thể tạo ra những món ăn với tất cả mỹ vị của nó bởi không thể tìm được một đầu bếp nào có thể hiện thực hoá ý tưởng của ông. Kết phim là cảnh Dodin cùng cô bé Pailine hớt hải đi đến gặp một đầu bếp sau thời gian dài ông tuyệt vọng, tưởng chừng như không thể tìm được một đầu bếp nào nấu nướng ưng ý thay thế nổi Eugénie, khi một người bạn mang đến mấy món ăn do cô đầu bếp này nấu.

Thời gian của câu chuyện kể trải dài gần một năm, chuyển biến qua cả bốn mùa từ hè, qua thu, sang đông, tới xuân. Không gian cũng không chuyển biến nhiều, chỉ tập trung vào căn bếp, lâu đài, khu vườn, rộng hơn xíu là vài nhà hàng xóm. Bối cảnh phim là nước Pháp cuối thế kỷ 19, ở một vùng nông thôn rất bình yên, nơi mà những nhà quý tộc sống cùng với những nông dân. Xuyên suốt phim không có cao trào, không kịch tính, không có biến cố gì quá lớn lao, mà kể cả biến cố lớn lao nhất là Eugénie qua đời cũng được thể hiện rất nhẹ nhàng. Phim có tiết tấu cực chậm với những cảnh quay dài, tỉ mỉ, ngưng đọng qua hình ảnh, thể hiện những chuyển biến rất đỗi tự nhiên của cuộc sống, tâm hồn, số phận con người qua dòng chảy thời gian vô thường nghiệt ngã. Xem phim, khán giả như được lắng lại, hoà trong không khí bình yên, nên thơ, để cùng trải nghiệm, chiêm nghiệm từng biến cố, hoạt động trong cuộc sống thường nhật, quan sát, thức nhận về muôn vị của cuộc sống nhân gian, hoà trộn trong muôn vị của các món ăn từ bình dân tới quý tộc, sang trọng. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã tạo ra góc nhìn từ chính nhân gian về đời sống, con người theo quy luật muôn thuở.

Khoảng hơn 2 tiếng bộ phim chỉ xoay quanh một vài cảnh nấu ăn, các bữa ăn để nhân vật thưởn thức món ăn, sinh hoạt trong một gia đình ở lâu đài, các mối quan hệ hàng xóm, bạn bè đều liên quan tới ẩm thực, trồng rau, nuôi bò, cảnh đính hôn của hai nhân vật chính. Sự kiện không có gì đáng nói, toàn là những điều nhỏ bé, bình dị hàng ngày. Nhưng chính từ một cốt truyện phim đơn giản đến tối giản như vậy đã làm nổi bật vẻ đẹp của tình yêu và ẩm thực. Hai yếu tố này hoà quyện tạo nên cái đẹp rất đỗi giản dị, như chính cuộc đời nhưng lại rất lãng mạn, thơ mộng, mang tính lý tưởng.

Nếu bạn là người yêu ẩm thực, nhất là yêu thích nấu ăn thì nhất định không thể bỏ qua “Muôn vị nhân gian”. Ở tác phẩm này, ẩm thực được xây dựng thành hình tượng xuyên suốt phim, lồng trong tình yêu của hai nhân vật chính. Đạo diễn đã lột tả được tất cả cái đẹp của ẩm thực trong muôn hương vị và sắc điệu như một nghệ thuật, mà ở đó, người đầu bếp, người đưa ra ý tưởng, lẫn người thưởng thức đều là những nghệ sĩ, là những tri âm, tri kỷ. Tất cả những gì đẹp đẽ, tinh tế nhất của ẩm thực được Trần Anh Hùng đưa lên màn ảnh sống động, gần gũi nhưng cũng sang trọng, cầu kỳ một cách duy mĩ. Điều đó mang lại một góc nhìn đậm chất văn hoá, thẩm mỹ, triết lý và dạt dào cảm xúc. Cái đẹp của ẩm thực được cảm nhận, thể hiện cả một quá trình từ lúc lên ý tưởng một thực đơn, đến việc lựa chọn nguyên liệu, gia vị, rồi quá trình chế biến công phu, tỉ mỉ để hoàn thành từng món; tới lúc thưởng thức phải theo đúng thứ tự, kết hợp các món với từng loại rượu sao cho phù hợp. Điều cốt yếu nhất tạo nên cái đẹp, muôn vị của món ăn chính là tâm hồn, tình cảm, sự sáng tạo của đầu bếp và sự tri âm của thực khách với đầu bếp và chuyên gia ẩm thực. 

        Không phải ngẫu nhiên phim được mở đầu bằng cả cảnh quay dài liên tiếp tới hơn 30 phút thể hiện trọn vẹn quá trình ấy. Từng món ăn được Dodin lên ý tưởng, cùng với Eugénie phối hợp nhịp nhàng, hoàn thành ở mức tuyệt mĩ. Trong sự tri âm, đồng điệu của người sáng tạo cái đẹp và người thưởng thức cái đẹp của ẩm thức, không còn khoảng cách về địa vị, giới tính hay bất cứ một định kiến nào. Cô bé Pauline, cháu của cô hầu gái, lần đầu tới căn bếp do gia đình bận rộn cũng bị cuốn ngay vào các công việc nấu nướng của Dodin và Eugénie. Mỗi việc cô hầu gái Violette hay Pauline làm theo sự chỉ đạo của Dodin và Eugénie đều nhận lại lời cảm ơn trân trọng, hoặc lời nói đầy trang trọng “Cô xin!” của Eugénie (Bản thân mình không biết tiếng Pháp, và trích lại theo bản dịch tiếng Việt). Cả một cảnh chuẩn bị cho bữa ăn thịnh soạn được phối hợp nhịp nhàng, hoà quyện bởi sự thấu hiểu tường tận của bốn con người, nhất là giữa Dodin và Eugénie. Rõ ràng những món ăn trứ danh, kiệt tác ẩm thực được tạo ra không chỉ kỹ thuật, tay nghề mà từ tấm lòng, sự giao cảm đặc biệt, nhất là khả năng thấu hiểu của Eugénie để biến những ý tưởng đôi khi khác thường của Dodin thành một tác phẩm hoàn hảo. 

Không phải ngẫu nhiên những người bạn quý tộc của Dodin sau khi thưởng thức bữa ăn tuyệt vời đã xuống tận bếp cảm ơn Eugénie và nói rất chân thành ao ước của họ là nàng có thể dùng bữa cùng với họ, điều mà theo Eugénie không bao giờ có được. Và chính bản thân Eugénie khẳng định nàng luôn cùng mọi người trong bữa ăn, trong từng món ăn nàng nấu bởi mỗi món ăn là một phần tâm hồn, đời sống của nàng. Hơn thế, nàng cũng nói đã thưởng thức món ăn trước, trọn vẹn hơn cả các thực khách trong quá trình nấu nướng, từ lúc mua cá, chế biến ngắm nhìn màu sắc, ngửi được mùi vị, thấy được cái ngon của từng thớ thịt, rồi tới hương vị khi chế biến kết hợp với các thực phẩm, gia vị khác. Đó mới là sự thưởng thức trọn vẹn trong thái độ trâng trọng, nâng niu từng chút thực phẩm. 

Cái đẹp thăng hoa trong ẩm thực, trong nghệ thuật dưới góc nhìn của Trần Anh Hùng chính là sự tri âm của người thưởng thức với chuyên gia ẩm thực và đầu bếp. Không phải ngẫu nhiên đạo diễn bố trí song song hai bàn ăn với hai đối tượng khác nhau cùng thưởng thức những món ăn giống nhau: một bàn ăn sang trọng ở phòng khách với những quý tộc sành sỏi, uyên thâm; một bàn ăn đơn sơ ở ngay căn bếp với thực khách là cô hầu gái và cháu của cô ấy lần đầu được tham gia và thưởng thức những món ăn tuyệt vời. Đây không phải là sự phân biệt đẳng cấp hay vị thế gì hết. Hai bàn ăn tưởng đối lập mà lại tương đồng, bổ sung cho nhau. Những quý ông lịch thiệp, hào hoa, sành điệu, biết về danh tiếng, biết trọng tài hoa, hương vị của các món ăn là chuyện rất bình thường; nhưng một cô bé mới hơn 10 tuổi, ăn những món lần đầu có thể đọc được mọi nguyên liệu, gia vị thì mới thấy cả sự tri âm gần như tuyệt đối. Dĩ nhiên, bé Pauline được xây dựng như một người có khả năng thiên bẩm về nghệ thuật và ẩm thực, dự báo nối tiếp sự nghiệp của Eugénie. Tuy nhiên, với đầu bếp Eugénie, nàng đặc biệt yêu quý cô bé, coi trọng những cảm nhận lần đầu của cô bé. Món bánh lần đầu cô bé ăn, nói khi ăn muốn khóc vì nó quá ngon, vì xúc động, hay một cảm xúc, cảm giác nào khó định danh đã khiến cho Eugénie thực sự hạnh phúc. Và cũng là dụng ý khi đạo diễn để cô bé này là người đầu tiên phát hiện ra triệu chứng bệnh lạ của nàng khi đang làm bếp. Cái đẹp của tâm hồn, của tình cảm, sự thấu hiểu đến mức tri âm như thế mới tạo nên cảnh giới cao nhất của cái đẹp trong nghệ thuật ẩm thực hay bất cứ một lĩnh vực nào khác. Tới lúc đó, một đầu bếp tài hoa hay chỉ là một người nấu ăn bình thường sẽ thấy cuộc sống của mình đẹp nhất vì sống trong niềm hạnh phúc, trong sự xúc động khi những gì mình tạo ra thực sự có giá trị.

Cái ngon, cái đẹp, giá trị của một món ăn không phải ở cảm giác hay số lượng mà chính là ở sự tinh tế, ở cảm xúc tạo ra với người thưởng thức. Đó là lý do Dodin có cảm giác phải chịu đựng một bữa ăn dài tới 8 tiếng của hoàng tử Á-Âu, mà đồ ăn quá nhiều, tới mức gần như khiến thực khách bội thực. Đề rồi về nhà, ông phải dùng một món thanh lọc do Eugénie nấu. Và ông cũng mạo hiểm khi đưa ra một thực đơn tối giản tới mức không bằng một lượt phục vụ của hoàng tử trong bữa ăn đó vì muốn thết đã món ăn mang cái hồn riêng của ẩm thực Pháp, của nàng Eugénie. Cho nên, các bữa ăn trong phim dù là bữa chính hay bữa sáng, bữa ăn sang trọng hay bữa cơm bình thường thì yếu tố hàng dầu được đạo diễn thể hiện chính là cảm xúc, sự đồng điệu của mọi người. Có một cảnh phim rất ấn tượng là Dodin và những người bạn quý tộc đến nhà một đầu bếp ăn món đùi chim chiên. Do chỉ có cái chảo nhỏ nên đầu bếp chiên một lượt mỗi người được một cái đùi. Họ ăn cái đùi chim như một nghi lễ khi tất cả cúi xuống dĩa, trùm khăn ăn kín đầu, ăn hết món ăn mới ngẩng lên và bỏ khăn ăn ra. Cách ăn này để tận hưởng được trọn vẹn nhất cả vị, cả hương, cả hồn món ăn, để không có gì lọt ra khỏi các giác quan được. Cảnh phim vừa dí dỏm lại vừa tinh tế, sâu sắc, đúng kiểu duy mĩ khi nâng tầm một nhu cầu thiết yếu trong đời sống thành một nghệ thuật đầy nghi thức.

Song hành với cái đẹp lộng lẫy của ẩm thực là một tình yêu đầy lãng mạn, nên thơ giữa chuyên gia ẩm thực Dodin và đầu bếp Eugénie. Tình yêu của họ không rõ nảy nở từ khi nào nhưng họ gần như đồng hành cả cuộc đời với nhau (suốt 20 năm) cùng nghiên cứu các công thức nấu ăn, cùng nhau chế biến, sáng tạo món ăn, cùng chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc đời. Nhưng suốt 20 năm đó, bao lần Dodin cầu hôn nhưng Eugénie đều từ chối. Và chàng Dodin vẫn đợi suốt chừng ấy năm. Lý do nàng Eugénie vẫn muốn tự do, không bị ràng buộc bởi danh phận hay trách nhiệm gì. Vì thực tế thì họ vẫn đồng hành, vẫn có mọi mối quan hệ từ xác thịt tới tâm hồn, nên không nhất thiết phải thay đổi. Điều quan trọng nhất là ở cả hai, nhất là với Eugénie luôn muốn giữ một khoảng cách, hướng tới sự tri âm, giao cảm tuyệt đối của hai tâm hồn, theo cảm xúc. Cái đẹp trong tình yêu ấy là sự tôn trọng và trân trọng của hai người dành cho nhau: Dodin dù là quý ông có cả quyền lực, danh vọng, tiền tại vẫn đợi chờ, vẫn phải ngỏ ý hỏi trước khi qua phòng của Eugénie, vẫn sợ sang bất ngờ nàng khoá trái cửa; còn Eugénie thì có nhiều đêm để cửa không khoá, mong từng giờ Dodin qua nhưng chỉ một vài lần ông hiểu và qua, song không vì thế nàng chạy tới bên ông, nhận lời cầu hôn dễ dàng. Nhưng với nàng, chỉ một vài lần họ giao cảm được bằng tình ý đã là hạnh phúc mãn nguyện trong tình yêu. Nàng bằng lòng với hạnh phúc và tình yêu không trọn vẹn, trong những khoảnh khắc hoàn hảo hiếm có. Tới tuổi sang thu, mà mùa thu cũng là mùa Dodin thích nhất, mùa ẩm thực đẹp hoàn mỹ nhất, Eugénie mới chấp nhận lời cầu hôn bằng chính tấm lòng của ông qua bữa ăn dành riêng cho nàng. Nhưng có thể nàng bằng lòng vì biết được bệnh tình của mình, muốn cả hai được sống trọn vẹn trong hạnh phúc mùa hè, mùa nàng yêu thích nhất, để tình yêu ấy mãi mãi là mùa hè rực rỡ, xanh tươi, thơm ngát hoa cỏ.


Một tình yêu có đủ muôn vị muôn màu đúng nghĩa vừa dịu dàng vừa nồng cháy, vừa có sự hoà quyện tâm hồn vừa có sự đam mê thể xác, vừa có sự trân trọng, tôn vinh lẫn nhau vừa có những hy sinh lặng lẽ; vừa gần gũi, đồng điệu lại vừa có một khoảng cách đủ để mỗi người thấy tự do của chính mình; vừa chân thành nhưng cũng vừa trang trọng. Điều đó thể hiện rõ trong cách cư xử của hai nhân vật, từng lời xưng hô (qua bản dịch tiếng Việt) ngài – em cho đến ánh mắt, cử chỉ, cách họ xuất hiện ở trong gia đình hay trong các mối quan hệ bạn bè, hàng xóm. Và lễ đính hôn chính là thời khắc vẻ đẹp hoàn mĩ, viên mãn nhất của thời gian mùa hè, của nắng, muôn vị món ăn, đến tình cảm bạn bè để tình yêu của hai người thăng hoa nhất. Vớic các nhân vật trong phim, với đạo diễn Trần Anh Hùng hay với nhất nhiều người, trong đó có bản thân mình, tình yêu luôn bắt đầu từ một hương vị hay món ăn nào đó, luôn gắn với sự đồng cảm, giao hoà. Tình yêu không hẳn phải cần một danh xứng gắn kết hành chính hay một vị trí nào đó về xã hội; tìnhyêu là tình cảm chân thật, là sự tri âm, là sự đồng hành qua giao cảm tâm hồn. Khi yêu, mỗi người cũng cần có khoảng cách, để giữ một khoảng trời riêng tự do của chính mình. Không có gì là tuyệt đối và càng không thể có sự chiếm hữu trong tình yêu.

        Với nhiều người hiện đại, có lẽ người ta cho rằng tình yêu trong “Muôn vị nhân gian” thuộc về quá khứ, là của một thuở xa xưa. Đạo diễn cũng rất tinh khi chọn bối cảnh phim ở một xứ lãng mạn bậc nhất thế giới, trong thời đại con người sống với tâm thế lãng mạn. Nhưng với cá nhân mìnhh thì mình lại thấy cho tới ngày nay, ở thời hiện đại này, tình yêu như vậy là rất thực, là chính cuộc đời này. Và chúng ta nên yêu như thế, để luôn có một tình yêu theo đúng nghĩa, để biết trân trọng tình yêu, tôn trọng nhau, nhất là tôn trọng phẩm giá, để sống và cư xử văn minh, lịch lãm, bằng thiện lương, bằng chân tình, cùng nâng đỡ nhau, hướng tới hạnh phúc, hướng tới những giá trị nhân văn muôn thuở. Tới cuối phim, khi Eugénie không còn, trong niềm hoài nhớ của Dodin về cuộc trò chuyện, tâm tình giữa hai người, nàng vẫn khẳng định không phải là vợ của ông, mà là đầu bếp của ông. Tình yêu và ẩm thực hoà quyện trong triết lý nghệ thuật về quy luật sáng tạo: sáng tạo luôn cần khoảng trời tự do, người nghệ sĩ không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, kể cả quan hệ tình cảm, để tạo ra tác phẩm mỹ mãn nhất, để họ luôn tìm thấy cảm xúc mới mẻ, mãnh liệt trong sự thăng hoa của tình yêu.

2. Góc quay, hình ảnh đẹp thuần khiết, trong trẻo từ những gì rất đời

Xem phim của Trần Anh Hùng, bạn luôn thấy xứng đáng với thì giờ của mình vì mãn nhàn với từng khuôn hình, góc quay dù nhỏ nhất. Ngay những hình ảnh mở đầu phim đã khiến mình lặng đi vì đẹp, một vẻ đẹp rất đời, giản dị mà thanh khiết, hồn hậu, trong trẻo, bình an. Đó là những hình ảnh các nhân vật đi thu hoạch rau trong vườn, chuẩn bị cho bữa tiệc. Từng thứ rau củ quả được vuốt ve, nâng niu. Nhật vật ăn luôn củ cà rốt mới thu hoạch ở vườn là một hình ảnh đậm đặc về cuộc sống an yên, trong lành, nhói lên trong lòng người xem ao ước không gian, không khí trong veo, thuần khiết ấy giữa cuộc sống xô bồ, ô nhiễm. Để rồi suốt một cảnh phim dài hơn 30 phút quay thật chậm, tỉ mỉ, cận cảnh không gian căn bếp đẹp đến nao lòng. Nó vừa gợi niềm hoài cổ trong màu sắc nâu vàng, qua hình ảnh các dụng cụ bếp núc, qua trang phục của nhân vật, đặc biệt là ánh sáng buổi sớm rọi từ vườn vào tạo nên những mảng tương phản. Từng món ăn, từng thao tác làm, thái độ, cử chỉ của nhân vật được đặc tả nhịp nhàng, dứt khoát, chỉn chu, điêu luyện. Cả cảnh phim khiến người xem thấy mãn nguyện trước cái đẹp của nấu nướng qua từng thực phẩm, qua món ăn tạo nên hương vị đặc sắc, qua mỗi động tác làm bếp đều mang cả tâm sức, niềm hân hoan, hạnh phúc ngập tràn. Những cú lia máy cận cảnh qua ánh mắt sáng lên trong nắng, cách nhìn say đắm của hai nhân vật chính, những nụ cười mỉm của họ với hai cô bé phục vụ… Tất cả hoà quyện khiến mỗi người xem xốn xang, bâng khuâng trước một cảnh tượng rất đời, rất giản dị, thân thương mà đẹp thơ mông, siêu thực, huyền diệu. 

        Với bất cứ ai yêu ẩm thực, biết nấu ăn, am hiểu món ăn thì đều có thể thấy được cả quy trình công phu, những công thức nấu ăn trong một cảnh phim đầy duy mĩ. Song quan trọng hơn, cái đẹp ở đây, trong cảnh bếp núc chính là sự tri âm, sự thân tình, ấm áp, trân trọng lẫn nhau, xoá bỏ mọi khoảng cách địa vị. Đó là không khí của gia đình, của những nghệ sĩ thực thụ khi họ dành tất cả tài năng, tâm sức làm nên những món ăn tuyệt tác dành cho bạn thân hữu. Hơn hết, ở đây ta thấy niềm hạnh phúc của một người nấu ăn khi các món ăn của mình đem đến cho thực khách nhiều cảm xúc, cảm giác, ấn tượng. Những góc quay cận cảnh món ăn, thao tác nấu ăn cho thấy cái đẹp từ sự nâng niu, trân trọng thực phẩm, trân trọng món ăn, thành nghệ thuật. Cái đẹp, cái ngon, những món ăn thành mĩ vị phải đầy đủ từ thực phẩm, chế biến, tới không gian và những kết hợp đồ uống, nước sốt… khi ăn. Điều quan trọng nhất ở đây là món ăn như một minh chứng, chính là kết quả của tình yêu, sự tri âm trong ẩm thực giữa Dodin và Eugénie.


Những khuôn hình, góc quay của phim đẹp như từ tưởng tượng trong tiểu thuyết lãng mạn được hiện thực hoá thành hình ảnh. Những khung cảnh khu vườn rau, lâu đài, khu vườn ngập nắng, cây xanh và hoa dại mùa hè. Tất cả khiến người xem xốn xang, nghẹn ngào về một không gian, cuộc sống mơ ước – sự bình yên. Phim cứ nhẹ nhàng chuyển qua các cảnh theo dòng thời gian mà không hề có xung đột, mâu thuẫn, cũng chẳng có cái xấu nào len lỏi được vào. Mọi người đều trân trọng, yêu thương, trìu mến nhau. Có thể ai đó nói rằng đời không có gì lý tưởng đến vậy, không thể có cuộc sống, không gian sống như miền cổ tích hồn nhiên đến thế. Song cuộc sống bình thường này, nếu lắng lại chút, nếu con người biết bằng lòng và sống với thực tại, hiểu và trân trọng cái mình có, thì mình nghĩ một đời sống an lành, thanh thản, vô ưu, tươi đẹp như thế vẫn luôn hiện hữu. Trong thế giới ấy, chỉ có cái chết theo quy luật vĩnh hằng của tự nhiên mới tạo nên mất mát, khổ đau.


Khi tạo dựng những khuôn hình đẹp, đạo diễn, quay phim triệt để sử dụng ánh sáng tự nhiên nên xem phim có cảm giác như mình đang sống cùng nhân vật trong không gian, bối cảnh, cảm giác mọi thứ đều rất thật. Tuy nhiên, những góc quay, khuôn hình trong phim không phải chỉ có những cảnh đẹp lung linh, thơ mộng, ngập tràn màu sắc rực rỡ. Đạo diễn chú ý tạo ra những sự tương phản, đối lập trong các khuôn hình, để lại khoảng trống cho người xem suy tưởng. Nhiều cảnh quay tối, các hành lang trong lâu đài, căn phòng của Eugénie, nhất là khi nàng ốm với màu ảm đạm, xám lạnh. Ngay khung cảnh căn bếp lặp lại nhiều lần trong không khí, màu sắc, ánh sáng khác nhau. Ở cảnh chuẩn bị bữa ăn đầu phim là khung cảnh căn bếp đầy ắp đồ đạc, các nguyên liệu, đủ cả bốn nhân vật trong ánh sáng chói loà buổi sớm. Nhưng căn bếp ấy khi mất Eugénie thì trở nên tối tăm, trống trải, không có nguyên liệu, chỉ còn hai con người như không kết nối gì với nhau: Dodin ngồi lặng nhìn ra khuôn cửa, cô hầu gái Violette vẫn làm những việc thường ngày đốt than và cho than vào lò. Tới cuối phim, căn bếp được quay chậm, nhiều lượt, cận cảnh xung quanh từng đồ vật, trong ánh sáng chói loà buổi sớm. Chỉ khác là đó là căn bếp trống trơn, tĩnh mịch, chỉ có các dụng cụ nấu ăn. Những hình ảnh đó tạo nên kết cấu đầu cuối song trùng mà đối lập, gợi một khoảng trống mênh mang, không gì khoả lấp trong lòng Dodin và những người ở lại khi Eugénie không còn nữa. Nhưng khung cảnh ấy cũng bừng lên ánh sáng của hy vọng, của sự nối tiếp, của những khởi đầu mới khi Dodin chấp nhận tìm đầu bếp mới và bắt đầu dạy Pauline các món ăn, dẫu hai người nấu vẫn đủ vị, đúng vị nhưng chỉ như một bản phác thảo chứ chưa đủ đầy hồn cốt, tâm tình trong món ăn như Eugénie nấu.

Có rất nhiều hình ảnh trong phim được lặp lại, nhiều câu chuyện được kể đan xen. Những lần Eugénie bị ngất, ốm bất thình lình. Và ngay lần đầu, khi cô bé Pauline đến chơi phát hiện ra tình trạng đó, nàng đã kể cho cô bé nghe về hành trình trở thành đầu bếp, về ảnh hưởng quyết định của người mẹ đến công việc của mình, và về cái chết của người mẹ. Những ám ảnh về bệnh tật, cái chết bắt đầu khởi sinh cùng với tình yêu, cái đẹp, hy vọng. Để rồi khi Dodin phát hiện Eugénie bị ngất trong vườn, ông lo lắng, mất bình tĩnh, hành động thái quá khiến bản thân nàng phải trấn an ông. Tâm thức hiện sinh ở mỗi nhân vật được bộc lộ dần và ngày càng đậm nét. Không gì có thể thay đổi hay chia cắt tình yêu, tình cảm, cuộc sống của các nhân vật, chỉ có bệnh tật, cái chết, quy luật nghiệt ngã của thời gian gây ra nỗi đau thương. Cho nên, Eugénie yêu mùa hè và không thích cách gọi tuổi của mình là sang thu. Cái chết của nàng cũng là chết giữa mùa hè rực rỡ của cuộc đời, khi chớm có dấu hiệu tàn phai của mùa thu, để lại hình ảnh đẹp đẽ nhất trong lòng những người ở lại. Nàng đã sống hết một đời hiện sinh, chân thành, mãnh liệt, rực rỡ như mặt trời, như hoa cỏ tràn đầy sức sống, sắc màu mùa hè. Mỗi món ăn nàng nấu, sự bộc lộ tình cảm với mọi người, tình yêu dành cho Dodin và cả quyết định đính hôn và cưới cũng là một quyết định rất hiện sinh khi cảm giác về cái chết rõ rệt, thấy rõ sự mong manh, hữu hạn của kiếp sống và đời sống.


Lãng mạn, trang trọng, tràn đầy chất thơ đến huyền diệu nhưng mỗi hình ảnh, góc quay, cảnh quay của “Muôn vị nhân gian” đều như một hình ảnh gợi nhiều cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm. Mỗi hình ảnh gắn với một cuộc sống, tâm hồn mang một vị nhân gian của kiếp sống người, của cuộc đời, mang một góc nhìn, một cảm quan sống khác nhau, tạo nên muôn vị cuộc đời. Đó cũng là lý do tác giả sử dụng các góc quay trung tính, chuyển điểm nhìn từ ngoại cảnh vào tâm hồn, từ bên ngoài vào bên trong, kết hợp những hình ảnh ẩn dụ với những lời thoại của nhân vật tự bộc lộ. Nhiều góc quay cận cảnh với diễn xuất nội tâm xuất sắc của hai diễn viên Juliette Binoche và Benoît Magimel đã tạo nên một bộ phim đẹp thuần khiết mà tinh tế, sâu sắc, để lại dư ảnh, dư vị, dư âm sâu bền về cuộc sống, tình yêu, nghệ thuật và kiếp người.

3. Không nhạc nền để tôn vinh cái đẹp ban sơ, trong trẻo của cuộc sống, con người

Một trong những ý tưởng độc đáo của đạo diễn Trần Anh Hùng trong “Muôn vị nhân gian” là ông không sử dụng nhạc nền xuyên suốt phim. Tất cả các âm thanh trong phim đều gợi lên cảm giác chân thực, vẹn nguyên, sống động nhất của đời sống, sinh hoạt, công việc. Cho nên từng tiếng chim hót, gió thổi, ếch kêu ngoài vườn vang vọng vào lâu đài, vào căn bếp trong những âm thanh của tiếng bước đi, dụng cụ nấu ăn, các động tác nấu nướng như băm, chặt, thái, rửa, khuấy… Điều đó cũng là một phương diện thể hiện sự duy mĩ của đạo diễn, để người xem tới rạp thấy được, nghe được, cảm được cái đẹp hiện hữu ngay trong từng động tác, từng thanh âm nhỏ bé, đời thường, nhiều khi người ta nghĩ nó tầm thường. Các bữa ăn do đó được tô đậm ở âm thanh của tiếng dao, dĩa va chạm vào đĩa, âm thanh của lời nói, hành động nhân vật như cô đặc những mỹ vị mà xem, nghe khán giả cũng tưởng tượng ra đầy đủ hương, vị của từng món ăn.


Việc không sử dụng nhạc nền cũng là cách để các diễn viên thể hiện tài năng diễn xuất tuyệt vời, nhất là hai diễn viên chính. Hai diễn viên phối hợp ăn ý, từng cử chỉ, động tác nấu ăn điêu luyện như đầu bếp thứ thiết. Từng ánh mắt, nụ cười, biểu cảm cơ mặt như có sự giao cảm tuyệt đối. Các diễn viên phụ cũng khá tròn vai, thể hiện được cá tính riêng, gắn với con người xã hội và con người tâm hồn. Hơn nữa, không nhạc nền khiến mỗi câu thoại được chú ý, đọng lại ấn tượng, nhất là những cử chỉ, ánh mắt, tiếng thở, quãng lặng ngưng lại giữa những lời thoại, để lại khoảng trống, giúp người xem có thể cảm nhận được chiều sâu nội tâm, những cảm xúc, tâm tư của mỗi nhân vật. Cho nên, xem phim, dù lời thoại rất thơ, trang trọng đúng kiểu quý tộc nhưng ta lại cảm thấy rất đời, rất gần gũi như được bước vào, ở trong thế giới cuộc sống của phim, để lắng nghe, ngắm nhìn, cảm nhận, chiêm nghiệm.

Nhưng sau tất cả những thanh âm tự nhiên, tự cuộc sống và con người bộc lộ, hình ảnh cuối cùng đọng lại trong ký ức của Dodin về Eugénie trong căn bếp ngập tràn ánh sáng, bản nhạc dương cầm cất lên khép lại bộ phim bằng cái kết mở. Những giai điệu của bản nhạc du dương, nhẹ nhàng, thoáng buồn trong trẻo tạo nên dư âm sâu bền. Người xem muốn lán lại phòng chiếu đến thanh âm cuối cùng, tạo cho mình khoảng lắng để tận hưởng cái đẹp, dù cái đẹp chưa bao giờ trọn vẹn khi cuộc đời vẫn đầy mất mát, buồn đau. Âm nhạc vang lên cuối phim như một bài tình ca đọng lại bằng chính trải nghiệm đời sống mỗi con người. Dịu dàng, tha thiết, lãng mạn, lắng sâu, để mỗi người xem thấy một phần đời sống, tâm hồn, hay ao ước thầm kín qua từng cảnh phim, từng chuyển động, thanh âm, xúc cảm và cảm giác.


Nếu có cần một tác phẩm mang tính chữa lành, cá nhân mình sẽ chọn “Muôn vị nhân sinh”. Dù tối giản, hàm súc nhưng như tên gọi dịch ra tiếng Việt, bộ phim mang đến muôn vị của tâm hồn, của đời sống thông qua muôn vị ẩm thực. Không gian, không khí, từng tính cách, tâm hồn, số phận, từng món ăn, mỗi hình ảnh, ánh sáng của phim đều làm cho mình thấy cuộc sống tươi đẹp, dịu dàng, trong trẻo, thuần khiết, mê say. Dù có mất mát, dù bệnh tật, hay cái chết sẽ chia lìa, cưới đi tất cả thì nó cũng là một tất yếu. Xem phim giúp mình thấy an yên, thanh thản, bình tâm để đối mặt với tất cả, để biết rằng cuộc sống này, trong từng hoạt động tự nhiên, thiết yếu, nhỏ bé, đời thường đều mang vẻ đẹp, đều có giá trị, đều có thể khơi lên những rung động thẩm mĩ. Và niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người chính là tìm thấy một tri âm tri kỷ. Mỗi phút sống là một món quà và bản thân hãy tạo ra mỹ vị cho mình, cho mọi người bởi “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Trịnh Công Sơn). 

Đêm tháng 26 rạng 27/3/2024.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ