Vài ý kiến lạm bàn về cái sự xóa đói giảm nghèo ở ta




          Hơn 1 giờ đêm rồi, thực tình mình cũng mệt và muốn đi ngủ vì sáng mai phải dậy sớm để đi có việc. Nhưng trên face của mình, các bạn trẻ, trong đó có học sinh của mình vẫn hăng hái quá. Đó là nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn làm những gì tốt đẹp cho xã hội này, cho những con người sống bần cùng, đói khổ, nghèo túng kia. Đó cũng là sự va chạm của những quan điểm sống trong giới trẻ hiện nay về một hiện tượng, dù không nóng hổi nhưng lại là dài lâu, khá nhức nhối của đời sống nhân sinh – vấn đề xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Trường hợp ở đây là một gia cảnh vô cùng nghèo khổ của một gia đình dân tộc, dù tuổi không lớn lắm mà có đến 11 người con (Theo lời của các bạn đi tình nguyện  phát quà).
          Những bạn đi tình nguyện thì nói là đáng thương do lạc hậu, không hiểu biết mà nghèo đói, rồi từ nghèo mà lạc hậu, thất học, không thể vươn lên. Bạn khác thì bảo họ không đáng thương vì cố tình đẻ nhiều, cố tình chờ hỗ trợ mà không chịu làm ăn, là chỉ thương cho những đứa trẻ thơ kia. Các em sôi nổi quá khiến mình chạnh lòng nghĩ một chút về cái chính sách xóa đói giảm nghèo, những việc người ta làm để xóa cái đói, giảm cái nghèo.
          Mình không phủ nhận chính sách này rất tốt, giúp xóa được đói, giảm được nghèo trong một chừng mực, phạm vi, trong một thời gian nào đấy. Nhưng nếu mà nhìn một cách lâu dài, tổng thể thì cũng còn quá nhiều vấn đề phải bàn. Dĩ nhiên tôi chả phải nhà xã hội học hay nhà chính trị chính em gì hết. Tôi chỉ nhìn theo cái nhìn của tôi, những gì tôi thấy mà thôi.
          1. Chúng ta chỉ làm việc theo kiểu phong trào, theo một lời kêu gọi nào đấy, để lấy thành tích, để lấy cái ngắn hạn, cái nhìn thấy trước mắt, đo bằng con số. Xóa đói giảm nghèo cũng thế. Nhiều chính sách lưng chừng, không đến nơi đến chốn, chưa làm được tận gốc đã hết chính sách, hết phong trào. Mọi thứ lại dừng ở đó. Nghèo lại hoàn nghèo. Mọi thứ không có gì thay đổi, nhất là chất lượng sống của người dân, là những hạ tầng cơ sở, là những nhận thức và tầm văn hóa, hiểu biết, là phương pháp và cách thức làm ăn, tổ chức cuộc sống, là vốn, là cơ chế hỗ trợ… Cái được là trên những bản báo cáo đã có thành tích xóa được đói, giảm được nghèo bao nhiêu %.
          2. Việc quản lý vốn, những thứ hỗ trợ đã quá lỏng lẻo. Đồ ủng hộ, vốn vay đến người dân, vốn đầu tư, vật tư, công cụ hỗ trợ làm ăn cho họ còn bao nhiêu? Chất lượng ra sao? Trong những năm qua, báo chí phanh phui không ít vụ ăn chặn, ăn bớt, thay đổi chất lượng hàng ủng hộ nhân đạo, thậm chí hàng mang đến chỉ là những thứ như giẻ rách không làm được gì. Những công trình cơ sở hạ tầng thì bị rút ruột, chất lượng kém. Sau vài năm đã chả còn gì, y nguyên như cũ. Vậy họ lấy cái gì để tự xóa đói, giảm nghèo, thay đổi cuộc sống?
          3. Cách hỗ trợ và tài trợ như phát chẩn, chỉ mang tính nhất thời, hớt ngọn. Mọi thứ chúng ta cứ cho sẵn, cho đến miệng như là mang đến bát cơm để ăn mà không cho cái cần câu cơm. Bát cơm đó quý thật nhưng chỉ giải quyết cái đói một lúc. Còn lâu dài thì ai có nhiều cơm cho mãi? Có phải lúc nào cũng có cơm mang cho, mà người có chưa chắc đã mang đến được đúng địa chỉ cần cho. Người đói vẫn cứ đói, người nghèo vẫn nghèo. Chúng ta không giải quyết cái gốc rễ là phương pháp, là nhận thức, là cái học họ cần có để sử dụng vốn, đầu tư, tổ chức sản xuất. Chúng ta cho sẵn nên họ chỉ chờ ăn mà không biết làm thế nào để có ăn.
          4. Là vì nghèo cũng sướng nữa, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi: nào vay vốn ưu đã, nào bảo hiểm không mất tiền, nào con cái đi học được miễn giảm, nào nhận quà lễ tết, nào các khoản hỗ trợ thường xuyên… Cho nên có một hiện tượng là người ta tranh nhau nghèo, giành nhau nhận nghèo. Nên phải bình xét nhà này nghèo, nhà kia cận nghèo mà nhà khác không được nghèo. Có khi gay cấn quá thì chia bôi, lần lượt thay nhau hưởng cái nghèo. Năm nay anh được hộ nghèo thì sang năm dành cho người khác. Cho nên ở làng tôi, có khi gia đình nhà 2, 3 tầng, nhà có ô tô vẫn cứ nhận nghèo và được hộ nghèo. Và một bạn sinh viên nói không phải không có lý của bạn ấy. Nhiều người đã ỉ lại, trông chờ, lười biếng để đợi hỗ trợ, đợi ủng hộ. Cách nghĩ đó rất nguy hiểm và sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài cho những gia đình vốn đã nghèo. Cái cách chúng ta quy định hộ nghèo, cái cách chúng ta làm hiện nay đã dẫn đến tình trạng bi hài như thế. Tình thương là cần, là đúng, là tốt nhưng không thể ban phát tràn lan, không thể là cái vô hạn. Trong khi đó, có rất nhiều hoàn cảnh cơ hàn, rất nhiều người nghèo khổ thực sự thì chả ai biết đến, không được hỗ trợ gì. Chúng ta quen làm ăn quan liêu theo số liệu, theo báo cáo giấy tờ, theo những gì được nghe mà không tìm những gì được thấy, cần phải thấy. Những người vô gia cư, những người lang thang cơ nhỡ, những người không thể có một cái hộ khẩu ở đâu đó thì lấy đâu được chính sách hỗ trợ đây? Làm giáo viên, nhiều lúc mình giật mình khi gia đình em A, em B là hộ nghèo vì nhà cửa và mọi thứ khá khang trang.
          5. Cái cách làm quen thuộc ở ta là phát mà không động. Cứ bảo nông dân trồng cái này, nuôi con kia nhưng không tìm cho họ đầu ra, không có chính sách tiêu thụ sản phẩm. Hàng làm ra ế thừa, đổ đi, không đáng một xu. Thế thì xóa thế nào được đói, giảm thế nào được nghèo? Thêm nữa, không có một cây cầu trực tiếp nào bắc giữa người sản xuất và nơi tiêu thụ, giữa cung và cầu nên sản phẩm toàn bị tư thương ép giá, qua nhiều khâu trung gian. Lãi lời không đáng bao nhiêu. Nông dân sao mà thoát nghèo? Mọi việc làm đều chắp vá, được chăng hay chớ theo kiểu đánh trống bỏ dùi thì làm thay đổi thế nào được bộ mặt nông thôn? Thêm vào đó là bão giá, là lạm phát, là quản lý lỏng lẻo để hàng lậu thẩm thấu vào nước ta vô số bóp chết sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân. Thiên tai, dịch bệnh khiến bao gia đình điêu đứng, tái nghèo. Hoặc giả thu nhập có tăng, những tiêu chí của hộ nghèo được giải quyết, gia đình thoát nghèo nhưng mức sống có khi lại giảm. Mà không cứ hộ nghèo, đa số người dân Việt Nam bây giờ, sống trong thời loạn giá này đều như đang ngày càng bị bần cùng hóa, chất lượng sống giảm từng ngày.
          6. Nhiều người chăm chỉ, cố gắng, nai lưng ra làm vẫn nghèo. Xuất phát điểm thấp quá. Vay thì phải trả. Lãi được bao nhiêu? Người ta còn phải ăn, phải mặc, phải nuôi con cái. Thời đại khủng hoảng, sinh viên ra trường thất nghiệp. Bao tiền đầu tư học hành có thu được về không? Chưa nói đến chuyện động xin đi làm gì cũng phải tiền, phải có ô dù. Cơ hội nào cho sinh viên nghèo? Đã đành là phải giỏi, nhưng liệu có bao nhiêu % người thực sự xuất sắc đến mức vỗ ngực vào mình là không xin được chỗ này tao làm chỗ khác, tao chả cần xin xỏ chạy vạy đứa nào tao vẫn có việc làm ổn, thu nhập tốt? Mình chứng kiến, nghe một số người kể đi xin việc cho con mà thấy sao nhục thế? Sao xót đau thế? Bao nhiêu tiền của, bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả máu, bao nhiêu trí tuệ còn là gì? Đấy còn chưa kể đi làm rồi nhưng đồng lương cũng chỉ đủ sống cầm cự.
          7. Và nữa, những gia đình miền cao, đông con. Họ muốn đẻ nhiều ư? Chắc không nhiều người đến mức thế? Họ không muốn đi học ư? Chả lẽ là tất cả? Họ chỉ ngồi một chỗ chờ đồ tài trợ ư? Thế thì lúc không có họ làm gì để ăn? Đẻ nhiều dẫn đến đẻ dày. Thế thì đứa lớn phải trông đứa bé, thời gian đâu mà đi học. Bố mẹ còn phơi ra đi làm nương, làm ruộng. Học không đến đầu đến đũa thì lấy đâu có sự khai sáng trí tuệ, nhận thức. Thêm nữa, khi sống bằng lòng, sống khép kín ở những vùng xa xôi, địa hình phân cách, có khi bị cô lập thì họ lại sống theo hủ tục, theo tâm lý thông thường. Có gì thay đổi đâu khi cả đời không ra khỏi bản, khi suy nghĩ của họ không có gì cao hơn, khi những lý thuyết giáo điều với họ là xa xỉ, cao siêu. Rồi những đứa trẻ cũng lớn, lấy vợ, lấy chồng. Thêm những gia đình mới, và cũng có thể là nhiều gia đình nghèo mới. Cứ như thế mãi mãi cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Những việc ta làm là quá ít.
          Mệt quá rồi. Mình không đủ sức viết tiếp cũng không muốn nghĩ tiếp. Nếu viết tiếp, nghĩ thêm có thể sẽ sa vào cái tư tưởng lâu nay, nhiều người cho là yếm thế thậm chí cực đoan. Điều mình mong nhất là có một cuộc cách mạng, một cuộc cải tổ thực sự từ trên xuống để xã hội có bước chuyển mình cơ bản. Không chỉ có người nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa cần thay đổi, nâng cao nhận thức, mà cả mấy ngài ở trung tâm thủ đô hoa  lệ, ở vị trí đầu não quốc gia phải là những người đầu tiên thay đổi cách nghĩ, cách nhìn để đưa ra chính sách đúng đắn, thỏa đáng, đưa xã hội, người dân thoát khỏi tình cảnh trì trệ, mòn mỏi hiện nay. Cái này có địa phương làm rồi, làm tốt nhưng lại không được ghi nhận, không được nhân rộng – nói cho văn chương là đã không giữ cho vững lại còn nèn cho đau. Khi cái chóp bu ở thượng tầng mà mờ xám, hỗn mang như thế thì dân đen cũng chớ vội hy vọng hão hay lạc quan tếu. Thôi thì sống chung với nghèo, với khổ thôi, giống như cô Mị của nhà văn Tô Hoài “quen khổ” vậy. Nhưng dẫu sao vẫn có những người, những địa phương dám phá rào, dám làm điều tốt. Và ta vẫn hy vọng, hy vọng…
          PS: Vài ý kiến của cá nhân những gì mình biết và nhận thức được. Không dám nhận là tiếng nói chính thống nọ kia. Nếu mà có gì không đúng hiện thực sâu xa của chính sách tốt đẹp thì cũng xin bạn đọc thông cảm cho cái sự cạn nghĩ, hiểu biết hạn hẹp của chủ blog.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ