Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm
Mỗi khi nghe ca khúc Trịnh Công Sơn
tôi luôn bị ám ảnh về thân phận con người, về sự tồn tại cô đơn và hư vô của
họ. Những ca từ mà tôi trích dẫn làm nhan đề bài viết thỉnh thoảng lại vang lên
trong tâm tưởng tôi bởi một nỗi trống vắng đến rợn ngợp của nó. Giống như nhan
đề của ca khúc – “Ru ta ngậm ngùi” – tôi cảm giác đó chính là định mệnh mà
thượng đế dành cho con người khi Người tạo ra họ.
Bài
hát này cũng giống như nhiều ca khúc khác của Trịnh có ca từ tương đối siêu
thực và tác động mạnh đến người nghe bằng kênh hình ảnh. Mở đầu ca khúc là
những hình ảnh của đầu xanh tuổi trẻ và tình yêu mà sao nghe cứ se sót, não nề
làm sao ấy:
“Môi nào hãy còn thơm
Cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh
Cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên
Ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên”
Một
thời tóc xanh với môi thơm, với môi thơm với tim bình yên. Tất cả đều đẹp một
vẻ đẹp mảnh mai. Nhưng cách dùng ngôn từ độc đáo và sáng tạo lạ lùng của Trịnh
đã mở ra một kênh hình ảnh khác với những liên tưởng khác. Các từ “hãy còn” lặp
lại nhiều lần như dấu hiệu ban đầu của sự phôi pha bởi hôm nay hãy còn nhưng
ngày mai sẽ khó còn, thậm chí không còn. Nó chỉ là “hãy còn” chứ không thể là “mãi còn”. Cách diễn đạt và
kết hợp từ mới mẻ của Trịnh tạo những ám ảnh: phơi cuộc tình”, “rêu rao đời
mình”. Tất cả chỉ tạm thời, rất mong manh. Lời cuối đoạn ca từ là một câu cầu
khiến nghe thật thê thiết và pha màu tuyệt vọng. Cái định danh con người trong
cuộc đời là tên và phải xin người gọi tên bởi con người ở đây quá sợ hãi về một
sự quên lãng. Và sự thật là trong cuộc đời này tình yêu, tuổi trẻ, sự bình yên
hay con tim nhiệt huyết sẽ tan biến như một thoáng phù du, như chính sự phù du
của cõi đời, của sự hiện hữu con người với tất cả những điều ấy. màu tuyệt vọng
đậm hơn, chiếm lĩnh không gian ca từ của ca khúc trong những đoạn sau:
“Khi tình đã vội quên
Tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên
Con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông
Thôi chờ những rạng
đông”
Đây
là một đối cực của những ca từ mở đầu. Song nếu tìm sâu hơn ta thấy thực chất
nó chỉ là sự nối dài của một cảm xúc: nỗi buồn, sự tuyệt vọng, mặc cảm phôi
pha, chia lìa. Mối tình đã bị chôn vùi trong quên lẵng trái tim không còn bình
yên nữa mà nó “lăn trên đường mòn”. Hình ảnh trong đoạn ca từ này tác động mạnh
đến thị giác của người nghe với bao suy tưởng. Những “Tim lăn trên đường mòn”,
“giọt máu cuồng điên”, “Con chim đứng lặng câm”, “tay rong rêu muộn màng” vừa
quen vừa lạ, vừa hữu hình lại vừa vô hình, trừu tượng. Hình ảnh dần tiến tới
siêu thực và đòi hỏi người nghe phải cảm nhận bằng tất cả những giác quan và sự
tư duy, suy tưởng độc đáo của mình. Dường như chúng mang ý nghĩa biểu tượng
nhiều hơn nghĩa sự việc của chính mình. Không hiểu sao khi đọc những ca từ,
hình ảnh này tôi cứ có cảm giác xót đau. Một cái gì như bị phơi phang, băng
hoại. Một cái gì cố gắng sục sôi nhưng lại bị trì níu không thể cuồng điên,
mãnh liệt và một cái gì lặng lẽ cô đơn trong sự tàn tạ, trong sụ trễ muộn. Tất
cả trượt dài, rời bỏ và sự mất mát luôn hiện hình. Song đó mới chỉ là “gần như
niềm tuyệt vọng” mà thôi. Con người vẫn chờ những rạng đông, những bình minh
của cuộc đời, tình yêu và hạnh phúc.
“Xin chờ những rạng đông
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng câm ”
Chờ rạng
đông nhưng rạng đông của cuộc đời đã từ bỏ ta ra đi. Bởi cuộc đời im vắng, lặng
lẽ quá như "đồng lúa gặt xong", như "Rừng núi bỏ hoang".
Tất cả là một sự đìu hiu, quạnh quẽ không niềm vui, hạnh phúc. Những hình ảnh
giàu sức gợi đã biến thành những ám ảnh về cuộc đời hoang vắng, lạnh tê. Con
người buộc phải quay trở về với nỗi cô đơn, hoang vắng cố hữu của mình. Cho nên
nghe bài hát này, với giọng hát da diết, khắc khoải của Khánh Ly thì hình ảnh
"Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm" để lại trong tôi
bao ám ảnh day dứt. Con người đi tìm tình yêu, tìm hạnh phúc, tìm nguồn sống
rạng đông nhưng chỉ gặp toàn những sự khô khan, những nỗi buồn và tuyệt vọng.
Người soi bóng mình giữa tường trắng là trạng thái đớn đau tột cùng của một cái
tôi hoàn toàn cô lẻ. Không chỉ có cuộc đời ngoài kia quay lưng mà bản thể của
con người cũng là một mất mát, hàm chứa những nỗi buồn lo và những bi kịch
không thể tránh được.
Hệ thống những câu hỏi của lời ca từ cũng là một yếu tố tạo nên ám ảnh về con
người và cuộc đời trong ca khúc này. Hỏi đấy nhưng mà không có câu trả lời. Con
người lại phải tìm về với chính bản thân mình, với cái tôi nhỏ bé, lạc loài,
đơn côi của mình.
"Có đường phố nào vui
Cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn không còn ai
Ta trôi trong cuộc đời
Không chờ không chờ
ai"
Hình ảnh con người hiện lên mới tội nghiệp làm sao. Tìm một niềm vui nhỏ nơi
đường phố đông đúc, nơi sợi tóc mơ hồ cũng không có. Tất cả không còn nữa một
mình ta trôi trong cuộc đời vô tận. Cái kiếp người mới nhỏ bé, phù du làm sao.
Không có gì và không còn gì nữa. Cuộc sống lại lặng lẽ trôi mà không có ai để
chờ, để đợi, để trông. Cả một cảm giác hư hao bao trùm cuộc đời. Và khi tình đã
vội quên, đã ra đi thì ta cũng chỉ biết nói lời ta từ, tiễn em về cuộc đời em
với hạnh phúc của em:
Em về hãy về đi
Ta phiêu du một đời
Hương trầm có còn đây
Ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vành nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm
cây"
Không hiểu sao khi nghe những ca từ cuối cùng này mình lại có
một cảm giác thanh nhẹ đến lạ lùng và không chút vướng bận. Em về với cuộc đời
em còn lại ta một mình. Một mình ta phiêu du trong cuộc đời để hưởng niềm hạnh
phúc hồn nhiên, thuần phác ở trần gian. Nhưng đây là sự lựa chọn và là một giải
pháp đầy bi phẫn, kiệt cùng. Dù muốn được ngủ trong vành nôi của giấc mơ hồn
nhiên thuở nhỏ nhưng vẫn phải ru ta ngậm ngùi. Điệu hồn của câu hát
như không nhưng lại gói ghém trong đó bao bi kịch, bao se sót và tuyệt vọng. Tự
ru mình, an ủi mình trong nỗi ngậm ngùi và tìm đến vòm cây để ngủ theo một giấc
mơ Thiền. Câu kết của bài hát khiến tôi liên tưởng tới Lão Tử và Đức Phật. Một
người tìm về thiên nhiên và một người ngồi dưới gốc bồ đề tĩnh tâm thành phật.
Cái tâm thế nhàn và tĩnh, bình an ấy là một khúc ru hay và đẹp nhất trong cuộc
đời mỗi con người. Tính đa thanh và sự ám gợi của hình ảnh, mạch ngầm của những
ẩn ý khiến tôi rất thích ca khúc này. Nó miên man, ám ảnh và mang điệu hồn, nét
tính cách của con người hiện đại và con người muôn thuở.
Binh luân hay quá..Xin cam on !!Thanh Hai
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã đọc và đồng cảm ạ. Mong được chia sẻ nhiều hơn.
Xóa