“Mưa xuân” ướt đẫm bi kịch lỡ làng của mối tình đầu trinh khiết mùa xuân (tiếp theo và hết)




Chờ mãi anh sang anh chẳng sang  để cho… mối tình đầu nhỡ nhàng giữa khoảng trời mịt mờ mưa xuân
          Chờ đợi, hy vọng, ngóng trông nhưng tất cả chỉ nhận lại một nỗi … tuyệt vọng trong mỏi mòn:
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
Xét về mặt nội dung, khổ thơ là sự khởi đầu cho những bi kịch tình yêu, hạnh phúc của cô gái xuân. Còn trên bề mặt cấu trúc, nó là khổ thơ chuyển, là bước khởi đầu cho cấu tứ đối xứng gập đôi của thi phẩm. Nó thắt lại tác phẩm để hình thành hai phần tương xứng, đối lập – nó là trục đối xứng.
          Hẹn hò khép lại, chờ đợi vô vọng, tình yêu cũng theo đó mà tan dần. Cô gái đã bật ra một lời than thở, một tiếng lòng não nuột trong cô đơn, bế tắc: “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”. Câu thơ như đã rạch đôi bài thơ, đã xé vụn những khao khát, hoài vọng của em. Tất cả là nhỡ nhãng, lỡ dở. Mùa xuân nhỡ nhàng, tình yêu chưa kịp nở đã vội phai trong ly tan, bội ước. Cái lần hò hẹn đầu tiên, cái mong ước thầm kín gặp ngay một sự phụ phàng. Để rồi từ đó, em mang nỗi tủi duyên, mang niềm xót phận, mang một vết thương lòng hằn in không thể xóa mờ. Cái tâm thế vội vàng đi, xăm xăm băng lối giờ đã thành nỗi niềm buồn xót, tủi hờn. Nếu phần trên là mùa xuân thắm tươi, là tình yêu kết nụ thì phần này là bông hoa tàn úa, là lạnh lùng riêng lòng. Phần trên là dương bản của ánh sáng mối tình đầu thì phần này là âm bản của bi kịch lỡ làng, ảm đạm, đầy tức tưởi. Cho nên, cái từ “nhỡ nhàng” cuối khổ thơ tưởng nhẹ nhàng, man mác mà thấm thía, buồn lâu, xót sâu như một nỗi ám ảnh khôn nguôi.
          … Và từ đó, mưa xuân phơi phới bay thành mưa ngâu dầm dề tháng bảy của biệt ly, lỡ làng tủi phận
          Lỗi hẹn, tủi duyên cô gái đi về trong đêm vắng, trong lầm lụi, trong tâm trạng cô liêu, lạnh lùng. Cùng giọt mưa xuân nhưng qua lăng kính của hai tâm trạng hình thành hai khung cảnh, hai không gian đối lập. Đó chính là nét đặc thù của cấu trúc đối xứng gập đôi của bài thơ:
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya
Và:
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Ðoài cách có một thôi đê
          Cùng một con người trên cùng một không gian của thôn Đoài, vào cùn thời điểm của một ngày mưa xuân mà sao có sự tương phản đến gay gắt. Cái động thái “vội vàng đi” đến bây giờ thành “lầm lụi trên đường về”. Cái dáng “lầm lụi” của cô gái nghe sao xót xa, tội nghiệp quá. Nó lủi thủi, võ vàng, hoang lạnh, cô đơn đến tận cùng. Từ “mưa bụi không ướt áo” bây giờ đã thành “mưa nặng hạt”. Mưa xuân phơi phới khơi mở sức sống, tình yêu nay đã thành mưa ngâu dầm dề của tan nát, biệt ly trong nỗi lòng cô gái. Và như thế, cái lòng trong trắng của cây lụa tinh khôi kia phải chịu một tỳ vết, một mặc cảm đeo bám suốt đời về sự phụ phàng, dở dang. Vẫn là con đường đê đấy nhưng bây giờ sao quá xa xôi. Cái“Thôn Đoài cách có một thôi đê” – rất gần, rất tiện, em sẽ đến rất nhanh; nhưng đến khi trở về trong tâm trạng cách chia thì là “Có ngắn gì đâu một dải đê” – xa xăm, ngại ngùng, chi cắt. Không gian ở đây được nhìn theo tâm trạng, mang tâm trạng của con người. Đó là không gian tâm lý, không gian của nhữn nỗi lòng nhiều vương vấn, nhiều mối ưu tư. Kiểu không gian này rất quen thuộc trong thơ Nguyễn Bính. Trong bài thơ “Tương tư”, chàng trai quê đã cảm nhận không gian thôn Đoài, thôn Đông thấm đẫm tâm trạng tương tư:
Từ: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” đến: “Hai thôn chung lại một làng”“Nhưng đây cách một đầu đình” - tưởng là xa nhưng lại quá gần. Song trong “Mưa xuân” lại là những cảm nhận ngược lại: gần đấy mà xa xôi quá! Bây giờ, một mình em phải đối diện với canh khuya, với con đê dài dặc. Trước không gian và thời gian, em cô đơn, lạnh lẽo quá! Em tủi quá! Buồn quá! Mưa xuân ướt đẫm và nó như đẫm nước mắt của em. Em sẽ trởi về bên khung cửi quen thuộc nhưng lòng em thì không yên, lòng em đã đầy mặc cảm, tiếc nhớ vời vợi.
          … một nỗi đau ngấm ngầm của bi kịch lỡ dở, của tâm hồn bẽ bàng, của duyên tủi, tình chờ của cô gái trước thời gian xuân qua
          Trong nỗi tủi duyên, cô gái nhìn thời gian qua, nhìn những giọt mưa xuân ngại ngùng đầy tâm trạng. Lòng em không còn như xưa nên nhìn cái động thái của mưa xuân cũng khác xưa nhiều lắm lắm. Ta cứ đối sánh hai khổ thơ sẽ thấy sự đối xứng, tương phản thật rõ rệt:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày"
Và:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Ðoài hát tối nay"
          Mưa xuân đã không còn “phơi phới bay” đầy háo hức, đợi chờ, hy vọng mà thành “mưa xuân đã ngại bay” với bao ngại ngùng, buồn tủi, tẽn tò. Hoa xoan “lớp lớp rung vơi đầy” - đẹp đẽ, rực ngời viên mãn thành “hoa xoan nát dưới chân giày” – tàn tạ, héo úa, tang thương. Mọi thứ đã phôi pha, trượt trôi đi mất. Cô gái không chỉ mất buổi hẹn đầu, tình yêu đầu, mối duyên đầu mà còn mất đi nhiều thứ khác, mất đi cả một phần tâm hồn, phần cuộc đời xuân ngon nhất, đẹp đẽ, xinh tươi nhất. Hình ảnh thơ thấm đẫm nỗi buồn nhưng là nỗi buồn e ấp, sáng trong, không quá thê lương, bi lụy. Nó cũng kín đáo, ý nhị như chính tâm hồn cô gái quê. Hội chèo làng Đặng đã về ngang ngõ rồi. Thời gian trôi đi không bao giờ trở lại. Và lời của mẹ vô tình hay hữu ý đều mang những tâm trạng, những tâm tư của em. Nếu trước khi, khi hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ, mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay” như mách thầm một cơ hội; thì bây giờ, khi “hội chèo làng Đặng về ngang ngõ”, mẹ lại than tiếc “mùa xuân đã cạn ngày” như nuối tiếc một cơ duyên lỡ làng. Tất cả song chiếu, hội hợp để tạo nên những dư vang, nhưng tơ lòng vương vấn trong lòng cô gái, trong lòng thi nhân và trong lòng mỗi độc giả .
          Khép lại bài thơ vẫn là một mong ước trong nỗi buồn tiếc mênh mang của tấm lòng cô gái quê nhân hậu, bao dung:
          Sau cái đêm xuân ấy, sau cái bữa mưa xuân ấy em và anh mãi mãi lìa xa, mãi mãi là một khoảng cách không thể nào gặp gỡ. Một cuộc hẹn không thành, một tình duyên đã vĩnh viễn qua đi. Mối tình đầu đang đâm chồi non trong mưa xuân thì sự vô tình của anh làm nó bị thui chột, héo hon. Một cái gì đã mất đi và vĩnh viễn không thể trở lại. Tấm lụa tình mà em – con thoi yêu – định dệt trong trinh khiết, tinh khôi đã thành lụa tơi tướp, lạnh buốt, lụa lỡ làng. Nhưng em không trách cứ, không giận hờn mà chỉ nhẹ nhàng nhắn nhủ:
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng hát tối nay?
          Mùa xuân đã cạn ngày mất rồi. Tình yêu cũng tàn theo xuân rồi, em cũng không thể gặp anh, cùng anh kết duyên thơ nữa. Những câu hỏi bắt liên tục bắt đầu bằng từ phiếm chỉ thời gian “Bao giờ em mới gặp anh đây?” rồi “Bao giờ hội Đặng về ngang ngõ/ Để mẹ em rằng hát tối nay?”. Những câu hỏi đầy bâng khuâng buông ra bâng quơ có một chút gì hơi tiếc nuối, hơi buồn, hơi thất vọng nhưng nó nhẹ nhàng. Nó như một cái gì đã qua và cô gái không còn quá nặng nề, quá day dứt nữa. Cô gái đã tha thứ tất cả, đã mở lòng ra để không trách cứ, oán hờn. Cái tâm trạng ấy thật dễ thương, đáng trọng nhưng cũng thật đáng thương biết bao! Bởi những cái đã mất đi có bao giờ lấy lại, mà ở đây lại là những cái ban đầu lưu luyến, thanh khiết. Tấm lòng cô gái rộng lương nhưng chút hồn nhiên thuở xưa đâu còn nữa. Câu hỏi dù bâng quơ, dù nhẹ nhàng nhưng nó lại cứ vương vấn một nỗi u hoài, một ám ảnh về bi kịch lỡ làng ướt đẫm mưa xuân. Bởi xuân qua xuân lại lại nhưng em làm sao trở lại như xuân xưa, em làm sao còn là em của xuân xưa đầy háo hức, hồi hộp khao khát đây?
          Bài thơ đã khép lại, tấm lụa mà con thoi yêu dệt không thành nhưng những sợi tơ của nó còn mãi vương mắc, giăng ngập lòng. Nỗi niềm của cô gái phải chăng cũng chính là nỗi niềm của nhà thơ trước mùa xuân cuộc đời, tình xuân của bản thân. “Mưa xuân” khởi đầu cho một mùa xanh, mùa đẹp, mùa yêu. Nó cũng là sự khởi đầu cho mùa thơ của chàng thi sĩ chân quê đi về cùng hương đồng gió nội. Nhưng chính cái khởi sự ban đầu này đã khơi cái mạch nguồn cảm xúc của bi kịch lỡ dở trên cả mười hai bến nước đời thơ Nguyễn Bính sau này. Cho nên những giọt mưa xuân đã ngừng rơi nhưng những chấm lạnh của nó vẫn còn rơi mãi trong lòng người hôm qua, hôm nay và mai sau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ