Tôi đã đến với nhạc Trịnh như một định mệnh



          Từ thuở 12, 13 tuổi, xung quanh nhà tôi, ai ai cũng mở những băng cát xét, băng video nhạc vàng, tôi lại không thể nghe được những ca khúc ấy. Rồi bỗng một hôm, ai đó bỗng mở một cái băng của “Thúy Nga Paris By Night”, giọng hát Khánh Ly vang vọng những ca từ làm lòng tôi xao xuyến, rung động sâu xa:
                             “Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi…”
          Tâm hồn một đứa trẻ 12, 13 tuổi đâu có hiểu được những triết lý sâu xa của luân hồi, của vô thường, của cái kiếp – người – cát bụi. Nhưng giai điệu cùng lời hát ma mị của Khánh Ly đã mê hoặc tôi, mê hoặc bằng một nỗi buồn thấm thía, bằng một cảm giác xa vắng, bằng một sự diết dóng đến khắc khoải mà tôi không biết gọi tên là gì. Tôi đến với nhạc Trịnh như thế, tự nhiên, tình cờ. Và cũng từ đó, những bài hát của ông đã trở thành một phần tâm hồn tôi, theo tôi suốt cuộc đời cùng những thăng trầm, nếm trải, nâng tôi dậy những lúc trái tim rỉ máu và yếu mềm.
           Học vấn, hiểu biết và những trải nghiệm sống đã giúp tôi bắt đầu hiểu hơn về nhạc Trịnh, ca từ nhạc Trinh. Tôi đã thuộc và hát rất nhiều ca khúc, lạc mình trong thế giới của những “Diễm xưa”, “Biển nhớ”, “Một cõi đi về”, của những “Hạ trắng”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Đóa hoa vô thường”… Mỗi lời tình của Trịnh đã khiến tôi thâm thía hơn cái tình ở cuộc đời này, nhất là cái tình chung thủy, khăng khít của “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, của “Áo xưa dù nhầu/ cũng xin bạc đầu/ gọi mãi tên nhau”… Buồn đấy nhưng lại quá nồng nàn, tha thiết. Nó đưa ta về những cung bậc của kẻ yêu và được yêu, yêu và đợi chờ, yêu và khao khát, yêu và sẻ chia, yêu là để nhận và cho… Tôi đã đi cùng nhạc Trịnh để cảm nghiệm về đời mình, để tự thấm những cảm giác rất đời và rất nhân văn trong tình yêu mà Trịnh đã trao đến cho đời của những “Tình xa”, “Tình nhớ”, “Tình sầu”, của những lỡ làng, đứt đoạn đến đứt ruột:
                             “Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu
Để cuộc tình chìm mau, như bóng chim cuối đèo”
          Nhưng dù có như thế, thì Trịnh vẫn “Ru tình”, vẫn “Ru em” và ru đời. Mỗi ca từ của ông đều giúp tôi thức nhận được giá trị sâu sắc của tình yêu, để dám sống, dám yêu, yêu cho ngày quên tháng, yêu đến lúc “nhìn vào mặt người lần cuối trong đời”. Tình yêu đã đánh thức trong mỗi con người niềm tin, hy vọng, đã mang tới niềm vui vô tận để mỗi ngày sống tôi chọn một niềm vui, “chọn những bông hoa và những nụ cười”. Và rồi ta biết sống cho đi, sống bằng cả tấm lòng, dù chỉ “Để gió cuốn đi”.
          Đã bao năm tháng, tôi lặng lẽ “Nhìn những mùa thu đi”, nghe từng ca từ nhạc Trịnh để đồng cảm với ông về thân phận con người. Nỗi ám ảnh lớn nhất trong nhạc Trịnh, xét từ góc độ cuộc đời cá nhân, là nỗi ám ảnh thời gian. Trong đời sống vô thường con người thật nhỏ bé, hữu hạn. Người tình, rồi bạn bè, và ngay cả cuộc sống này rồi cũng ra đi. Một ngày ta giật mình nhận ra “chập chờn lau trắng trong tay”, nhận ra đời người chỉ là một hành trình vô tận của đi và về, rằng con người vốn đi ra từ hư vô lại trở về hư vô. Những bước chân mỏi mòn của con người vẫn đi về trong cái bi kịch lỡ dở muôn đời của kiếp sống nhân sinh: “nhìn vầng trăng mới về nhớ chân giang hồ”, và “trong khi ta về lại nhớ ta đi”…
          Bởi xung quanh đây, còn chiến tranh, còn bom đạn, còn chết chóc. Bạn bè, người thân, đồng bào bị nhấn chìm trong lò lửa của tội ác hủy diệt. Trịnh đã viết nhạc, đã hát, hát cho quê hương, cho đồng bào, hát cho những người mẹ mờ tóc bạc trông con về, cho những “Người già và em bé” trong ghế đá công viên nằm co ro ngủ, hát ca ngợi những người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương, yêu đồng lúa chín, hát cho hòa bình về bằng lời đồng dao mộc mạc…
          Khúc hát của Trịnh vang lên, thấm thía tình quê, tình người, cho tôi thấy giá trị của hòa bình, của hạnh phúc và cả của niềm đau thương, tuyệt vọng. Tôi nhìn thấy quê hương tôi, thấy bạn bè tôi, thấy nhân dân tôi và cả tôi nữa trong những ca từ - vần thơ của ông. Để rồi, có đi đến tận cùng của tuyệt vọng thì vẫn thấy “tuyệt vọng đẹp như một đóa hoa”. Nhạc Trịnh là thế, hồn nhiên như hơ thở cuộc sống nhưng cũng sâu sắc như chính mỗi đời – sống – người. Nghe nhạc Trịnh, dù ta mãi mãi không trả lời được câu hỏi “Ta là ai? Là ai? Là ai?” nhưng lại biết ta sống vì đã “Yêu quá đời này!”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ