TÔI ĐI NGHE NHẠC CỦA “NGƯỜI HÀ NỘI”

          
       
             Con ngõ nhỏ, tối tăm lại đưa tôi trở về căn gác nhỏ. Bước chân về ngõ phố thiếu anh đèn mà lòng náo nức những âm vang từ những giai điệu quen thuộc, đầy xúc động:
          “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
          Nhớ đến một người, để nhớ mọi người”
          Có thể nói, đêm nhạc hôm nay – In The Spotlight “Người Hà Nội” đã để lại những ấn tượng và những cảm xúc mạnh mẽ trong lòng tôi, dù tôi chẳng phải là người Hà Nội. Bởi tôi nhận thấy những cảm xúc thực, những sự thăng hoa trong nghệ thuật, những tâm tình trao gửi trong mỗi lời hát của ca sĩ.
          Không hiểu vì duyên nợ gì mà tôi một đứa rất “nhà quê” lại có tình cảm và gắn bó với đất Hà Thành như thế? Ngẫm một lúc những gì đã qua, với những con người ở nơi đây thì có lẽ là cả hai, cả duyên và nợ. Từ cái ngày đầu tay xách nách mang đồ đạc, sách vở ra Hà Nội với tư cách là một sĩ tử, qua cầu Long Biên trên con tàu tối, tôi thấy nao nao và bâng khuâng một cảm xúc khó tả. Lượn vòng quanh trường Sư phạm, ăn chè ở cái quán bên lề sân vận đông trường Sư Phạm (Bây giờ không còn những quán chè ở đó nữa),  khiến tôi có một ấn tượng là mình thuộc về nơi này, mà kỳ thực đến bây giờ tôi vấn gắn bó và học hành ở đấy.
          Hà Nội với tôi là những ấn tượng như thế, những ấn tượng lần đầu của một đứa trẻ quê ra tỉnh, ở những khao khát và quyết tâm mãnh liệt trong lòng một học trò hồi ấy chỉ biết tự học. Và trước đó, tôi đã biết qua những giai điệu, những ca khúc Hà Nội mà có khi tôi chỉ nghe, thuộc, cũng chưa cảm được nhiều vì chưa sống nơi đây. Cứ tưởng tượng như thế, cứ hình dung một cách như đứa con nít đọc cổ tích để mong một ngày sống ở đó, sống với cái đẹp, cái thơ chứ chưa hề biết rằng đằng sau đó còn nhiều thực tại sần sùi, những mảng tối khác.
          Để rồi tối qua, ngồi hơn 2 tiếng trong khán phòng Nhà hát Lớn, tôi gặp lại chút hồn nhiên, lãng mạn, bay bổng của tâm hồn mình cách đây hơn mười năm. “Người Hà Nội” đã đưa tôi qua những trải nghiệm, nói đúng hơn là những chiêm nghiệm cảm xúc của chính mình bằng âm nhạc, để tôi thấy bao cung bậc phong phú của cảm xúc, muôn mặt đa dạng của cuộc sống, con người đất Thăng Long. Tôi gặp lại mình trong cái háo hức, say mê trong trẻo đầu đời. Tôi gặp lại mình trong những nghĩa tình mộc mạc, trong những kỷ niệm dịu dàng, trong những dư tình vương vấn. Tôi gặp lại mình trong cả những buồn lo, hoang hoải, trong tiếc nuối, se sót. Tôi gặp lại mình trong nỗi cô đơn và khao khát, trong cả cơn đau phụ rẫy hay lìa xa… Tất cả, tất cả những mảnh ghép của tâm hồn, của tình cảm, của một phần đời tôi đã qua ở đây - ở Hà Nội – tưởng chừng to rộng mà rất nhỏ bé này, ở nơi tưởng ít tình mà lại rất ấm áp tình cảm, ở những nơi tưởng chừng chỉ có cái đẹp lãng mạn lại có những cái xấu không ngờ, ở những con người gọi là Hà Nội gốc tưởng chừng chỉ có hào hoa và lịch thiệp nhưng thực tế lại khác xa… Và tất cả, tất cả những điều đó chỉ có thể lay tỉnh, đồng hiện trong lòng bằng âm nhạc, qua âm nhạc, qua những xúc cảm trong lời ca, điệu nhạc.
          Trở lại với chương trình “In The Spotlight – Người Hà Nội”, tôi đã rớt nước mắt ngay từ đầu  khi nghe những giai điệu đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Vẫn đó cái hào hùng, cái tráng lệ nhưng hôm nay tôi còn nghe ra những cái khác, thậm chí là cái bi hùng. Tôi thích cái tên gọi “Tiến quân ca” và từ giờ tôi sẽ gọi như thế chứ không phải cái tên Quốc ca trịnh trọng và trịch thượng. Tôi nghẹn đi không phải vì cái gì thiêng liêng, to rộng như người ta vẫn gán cho ca khúc này, mà vì tôi nghĩ đến những phận người trong đoàn quân Việt Nam đi ấy, nghĩ đến số phận của bài hát gắn với Hà Nội, với Tổ quốc này, vì nghĩ đến những thăng trầm trong cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa – Văn Cao.
          Có lẽ những người tổ chức có những dụng ý của mình khi đưa ca khúc “Tiến quân ca” mở đầu chương trình cũng như việc sắp xếp đan xen những ca khúc về Hà Nội với nhiều cảm xúc, cung bậc, ở nhiều giai đoạn, khắc họa hình ảnh Hà Nội trong nhiều khoảnh khắc khác nhau đan xen. Và như thế, “Người Hà Nội” đã phác họa một bức tranh toàn cảnh về đất và người Hà Nội “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, một thời nghèo khó, mộng mơ, một thời hiện đại, xa hoa, một thời hào hùng quật khởi, một thời bình dị, đời thường lên sân khấu bằng những rung động âm nhạc tinh tế. Bức tranh âm nhạc của “Người Hà Nội” như thế là đa dạng, phong phú mà thống nhất, trọn vẹn. Tiếc là vì một lý do rất tế nhị đã không có sự hiện diện một ca khúc nào của Phú Quang trong chương trình, nhất là “Em ơi, Hà Nội phố”, nếu không quả thực đêm nhạc là một “giấc mơ có thật” như ca sĩ Hồng Nhung đã nói.
          Điểm nhấn của chương trình vẫn không ai khác, không gì khác là giọng hát của chị Hồng Nhung và Mỹ Linh. Tôi phải cảm ơn chị Hồng Nhung vì chị đã đem đến những rung cảm về Hà Nội qua những bài hát trên đài phát thanh, trên ti vi mà tôi đã từng nghe, xem từ hồi nhỏ xíu: “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”, để rồi sau này, tôi có duyên nợ với nơi này, với cả con người Hà Nội nữa. Tối qua, khi những ca từ này vang lên, khán giả vẫn nồng nhiệt vì xúc động. Còn riêng tôi, tôi như nghe lại được tiếng lòng mình của một thời đã xa, xa lắm. Nhưng ấn tượng nhất trong phần biểu diện của chị Nhung tối qua là ca khúc “Ngẫu hứng sông Hồng” của Trần Tiến. Tôi yêu bài hát này trong bản thu của chị hát với ca sĩ Ngọc Tân. Cứ nghĩ thế nên hôm qua đã bị bất ngờ, bất ngờ thực sự với tiếng mõ, với ngôn ngữ biểu diễn hình thể, với cách xứ lý và thể hiện cảm xúc của chị. Có cái gì rất ngẫu hứng, rất phiêu nhưng cũng đầy suy tư, khắc khoải, có cái gì kịch tính nhưng cũng rất xót lòng khi nghe chị hát ca khúc này. Có thể nói, tối qua chị Nhung đã hát như lên đồng, như bị đồng nhập. Tôi đã bật khóc khi nghe đoạn:
          “Chị Hai thương ai ra đứng đầu đình
          Chị Hai nghèo, chị Hai buồn, chị Hai cô đơn, chị Hai khóc
          Chàng Trương Chi đi đâu để lại giọt sầu cho em, bỏ lại dòng sông đầy gió
          Con sáo sang sông bạt gió…”
          Không hiểu sao nghe đến đây, tôi nghĩ đến mẹ, đến chị tôi, những con người nửa đời hy sinh cho gia đình, cho con em mình. Chất thế sự đậm đà, những chiêm nghiệm sâu sắc về phận người phụ nữ, trong cái bi kịch sống, bi kịch tình duyên, trong những khát vọng muôn đời của họ khiến ca khúc này luôn ám ảnh tôi, nhất là sau khi xem chị Hồng Nhung hát. Hình ảnh “con sáo sang sông bạt gió” sẽ ám ảnh tôi lâu dài nữa. Bởi xét đến cùng thì, dù là người Hà Nội hay người ở đâu chăng nữa thì cũng là người Việt Nam, cũng vẫn là những người phụ nữ muôn đời với những âu lo, tần tảo, hy sinh. Và tôi đã gặp rất rất nhiều những hình ảnh mang tính chất như thế ở Hà Nội hay những miền đất tôi đã đến, dù tôi chưa có dịp đi quá nhiều trên cái dải đất hình chữ “S” này.
          Với Mỹ Linh, lúc nào tôi cũng thích nghe giọng hát rất đỉnh với cách xử lý bài rất hay của chị. Trong “Người Hà Nội”, nếu tôi nhớ không nhầm thì Mỹ Linh hát nhiều nhất. Chị đã đưa người nghe vào nhiều hoài niệm, rất gần, rất dung dị về Hà Nội. Từ nỗi lòng của kẻ nhớ về mối tính vụng dại trong ca khúc ít được biết đến của Anh Quân và Huy Tuấn, đến tâm trạng của người trở về “Dòng sông Hồng náo nức mùa hè”. Song ca khúc “Chiều Hà Nội” làm tôi say đắm. Trước tôi cũng nghe ca khúc này nhiều nhưng bản phối và cách xứ lý của chị Linh tối qua thực sự hay, hiện đại và tinh tế. Những cảm xúc da diết trong “Một thoáng Tây Hồ” của chị cũng khiến tôi có những suy nghiệm mới.
          Sự xuất hiện của ca sĩ trẻ Vũ Thắng Lợi – Người mở đầu chương trình cũng khá thành công. Có thể nói bạn này đã hoàn thành khá tốt và để lại ấn tượng đẹp khi thể hiện những ca khúc mang tính truyền thống và rất đỗi hào hùng về Hà Nội. Ban nhạc chơi khá ổn và hiệu ứng ánh sáng cực đẹp. Tất cả hòa vào nhau thành một thế giới như mơ của “Người Hà Nội” nhưng giấc mơ có thực. Cái hay của chương trình, chất lượng và sự xúc động của chương trình này có được là do những người làm nghệ thuật rất nghiêm túc, kỹ lưỡng và nhất là có tình yêu Hà Nội mãnh liệt. Có thể nói đây là đêm nhạc tri âm của những con người có tình yêu tha thiết với Hà Nội, cả nhà tổ chức, nghệ sĩ và khán giả.
          Cho nên, bước về con ngõ nhỏ nhập nhoạng ánh đèn chợt sáng chợt tối, tôi còn nghe những âm vang của đêm nhạc, vẫn mường tượng hình ảnh “con sáo sang sông bạt gió”, vẫn nhẩm thầm lời hát “Đêm nằm mơ phố”. Bởi tôi đang lắng nghe chính tiếng lòng, chính những hoài niệm xôn xao, những tâm sự sâu kín của mình.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ