Mùa thu, nghe “Nhìn những mùa thu đi”, nghe những tàn phai


“Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu”
(Một lá ngô đồng rụng/ Thiên hạ biết đến thu)
Cái mạch thu cảm từ thuở xa xưa của thi ca đã là sự tàn phai, rơi rụng. Phải chăng vì thế mà thu buồn, thu sầu, thu tàn, thu vàng, thu quyến rũ? Song cái mạch cảm xúc buồn phai ấy chẳng qua cũng bắt nguồn từ cái thực tế điệu hồn, từ cái “tạng” riêng của thu mà thôi. Nhìn ngắm nắng tuh và ká thu rơi lòng chợt dâng lên một chút hoài tiếc sẽ sàng. Những mùa thu đã qua và những mùa thu mới lại đến nhưng đâu có mùa thu nào tự lặp lại mình bao giờ. Lòng dâng lên bao nỗi niềm xao xuyến muốn tìm lại một khoảng lắng để “Nhìn những mùa thu đi” cùng Trịnh, để lòng se lại mà nghe những tàn phai.
“Nhìn những mùa thu đi” là một trong những ca khúc trong thời kỳ đầu trong sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn. Hơi thở, không khí lãng mạn của nhạc Tiền Chiến dường như vẫn phảng phất đâu đây trong giai điệu và hiện hữu lên từng ca từ. Song nghe ca khúc, mình vẫn thấy cảm xúc trỗi nhất của nó là một nỗi buồn vương vẫn, chút dư tình tiếc nuối, một mặc cảm chia lìa và những ám ảnh về sự phôi pha, tàn phai của tình yêu, của cái đẹp mong manh:
“Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng”
Vẫn là những cảnh thu, sắc thu và điệu thu bao đời nhưng nghe ca từ Trịnh ta vẫn thấy một thu rất lạ, rất mới. Cái lạ, cái mới ấy không phải ở cảnh thu, sắc thu, điệu thu mà chính ở cách cảm thu, và sự thể hiện cái tình thu ấy của Trịnh. Nhan đề bài hát là “Nhìn những mùa thu đi” và đó cũng là câu mở đầu cho lời ca nhưng “nhìn” không phải là hoạt động chính để nhạc sĩ cảm thu. Cách cảm chủ yếu của nhạc sĩ là nghe thu, nghe tiếng lòng của mình khi nhìn thu đi. Điệp từ “nghe” lặp lại 3 lần trong đoạn ca từ đầu tiên đã làm “lạ hoá” cảm nhận, mở ra nhiều liên tưởng. Từ những gì hữu hình, những gì trôi qua trước mắt, nhạc sĩ đã đem đến cho ta nhiều trải nghiệm về thu - những trải nghiệm về thời gian nhiều hơn là không gian.
Viết về sự trôi chảy của thời gian, những chuyển biến của tạo vật lúc thu về đã có rất nhiều câu thơ tuyệt bút:
“Đậy mùa thu thới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng” (Xuân Diệu)
Và:     “Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khí thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly” (Tản Đà)
Ngày trước ông hoàng Thơ mới Xuân Diệu khoác chiếc áo tang cho rặng liễu báo thu về đã là tân kỳ, mới mẻ nhưng đến Trịnh thì tất cả đã nhoè đi, tất cả thành vô hình. Ngôn từ được kết hợp độc đáo để tạo cảm giác lạ hoá. Cả đoạn ca từ chỉ có một cảm giác cụ thể, hữu hình duy nhất là “Nghe lá rụng ngoài song” còn các cảm xúc, cảm giác khác đều vô hình. Việc “nhìn những mùa thu đi” tưởng rằng cụ thể nhưng hoá ra lại chẳng cụ thể chút nào. Nếu chỉ nhìn những mùa thu thì là rất bình thường để quan sát, cảm nhận cảnh sắc thu nhưng lại là “nhìn những mùa thu đi” - tức là nhìn thấy những bước đi vô hình của thời gian thu. Ngay câu mở đầu đã cho thính giả cái cảm giác buồn trông từng khắc, đong đếm từng giờ, tiếc thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Và cho đến những cảm giác: “nghe sầu lên trong nắng”, “nghe tên mình vào quên lãng”, “nghe tháng ngày chết trong thu vàng” thì đã chạm đến bến bờ siêu thực, đến cõi ảo giác của tiềm thức. Tất cả những cảm xúc ấy ta không thể nghe mà phải cảm nhưng Trịnh Công Sơn lại nghe tất cả. Dù lạ lùng như vậy nhưng người nghe vẫn cảm thấy một nỗi buồn thấm thía, một nỗi tiếc nuối khôn khuây. Nắng thu vàng tươi, hanh nồng, trong vắt hoà vào lá làm nên một mùa thu vàng mơ mộng, đẹp tươi. Nhưng người nhạc sĩ đâu có cảm nhận được niềm vui trong ấy. Bởi hàng ngày nhìn thấy cái đẹp là từng ngày nhìn thấy nó tàn phai. Cho nên nắng lên đồng nghĩa với sầu lên. Và thu cứ bước đi song hành nhịp bước thời gian để con người ngậm ngùi, cảm thương cho chính mình - một nỗi cảm thương hoài vọng về sự mong manh, phù du của cái đẹp, của tuổi hoa niên đẹp, của cuộc đời đẹp. Và càng nhìn rõ thu đi người ta càng thấy tháng ngày đang dần chết trong thu vàng, tuổi đời đang héo đần cùng lá trong nắng vàng hanh. Thu trong nhạc cảm của Trịnh không còn là cảnh sắc, là không gian mà là cảm giác, cảm quan của con người trước thu, trước thời gian vô định, vô lượng. Những cảm xúc và nỗi niềm ấy được thể hiện rõ hơn, sâu hơn, diết dóng hơn khi nhìn vào “những lần thu đi”:
“Nhìn những lần thu đi
Tay trơn buồn ôm nuối tiếc
Nghe gió lạnh về đêm
Hai mươi sầu dâng mắt biếc
Thương cho người rồi lạnh lùng riêng”
Không dừng lại ở chỗ “nhìn mùa thu đi” mà tác giả còn “nhìn những lần thu đi”, tức là đong đếm, là kể lể, là rất nhiều lần nhìn thu đi qua. Và nỗi buồn, nỗi sầu đã hiện hình trên khó mắt, trong tâm tư. Ở đây có một miền tiếc và một miền nhớ đan xen. Thu khiến người nhớ thu trước, nhớ người xưa để rồi tiếc, rồi sầu. Cảm giác đậm đặc kết tụ trong đoạn ca từ không phải là buồn mà là lạnh, chính xác hơn phải là hoang lạnh. Gió lạnh, lòng người lạnh lùng. Gió lạnh lmà lòng người lạnh hay chính cái sầu, cái lạnh trong lòng người khiến cảm giác gió đêm thu càng lạnh lùng, tê buốt hơn? Có lẽ tất cả những cái lạnh hoà với nhau, đổ bộ ào ạt vào lòng người khiến sầu dâng lên mắt biếc. Cái số lần “hai mươi sầu dâng mắt biếc” khiến mình băn khoăn, xót xa. Bao nhiêu tuổi hoa niên là bấy nhiêu sầu, bấy nhiêu lạnh. Càng thương người càng thấy lạnh giá hoang liêu cho mình. Dường như ở đây có một cảm giác thường trực về nỗi cô đơn, hoang vắng trong lòng người trẻ. Cái con người đang nhìn mùa thu đi, đang nghe sầu lên, đang lạnh lùng riêng cho mình như mang một bản thể cô đơn, mất mát từ trong tiền kiếp. Cái hình ảnh “tay trơn buồn ôm nuối tiếc” cứ mãi ám ảnh khiến mình mường tượng một con người đang bó gối, thu mình, ôm mình trong nỗi cô đơn xanh xao, trong sự lạnh lùng run rẩy.
Từ cái lạnh trong hồn, từ thu trong cảm xúc, ca từ và giai điệu bỗng vút lên một sự chuyển biến bất ngờ - chuyển biến theo dòng mạch không gian:
“Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi”
Đây là đoạn điệp khúc của bài hát ngân vang, lan toả. Nó tạo một tiết tấu nhanh cũng như mùa thu chợt đến rồi vụt đi. Có lẽ ở đây, Trịnh Công Sơn đã sử dụng thủ pháp đặc trưng của các nhà hội hoạ cổ - nảy hồn cho bức tranh không gian, tạo vật bằng vài nét chấm phá. Gió heo may về làm chiều tím loang vỉa hè, loang khắp thành phố. Gió hôn làn tóc thề thướt tha trên phố. Gió cuốn mùa thu bay đi. Nếu liên kết mạch ca từ theo hướng đó thì chủ thể là gió thu, cũng là tác nhân gây ra bao mất mát, phôi pha, cuốn phăng bao vẻ đẹp của đời. Tất cả lướt nhanh trong khoảnh khắc.Và ta bắt gặp một so sánh ngầm ẩn trong những ca từ này: Thời gian giống như cơn gió heo may vừa đến tô điểm cho cái đẹp của mùa thu, chiều thu, tóc thu – mang đến cho đời chút ơn; nhưng chính nó cuốn thu đi mất, chính nó làm phai nhạt, hư hao mọi vẻ đẹp. Để rồi tất cả hiện ra chỉ là khoảnh khắc như một ảo ảnh, như một ánh sao băng soẹt qua trời. Và tình yêu rồi cũng phai theo mùa, theo cảnh. Cái tình ấy cũng đến và đi, cũng phai tàn theo cơn gió heo may. Nhưng cái dư âm của tình yêu thì đâu dễ tàn. Dư tình bao giờ cũng vọng, cũng vang, cũng hằn sâu vượt thời gian. Sau này, nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng có một tứ thơ tương tự trong cảm xúc về mùa thu, về thời gian:
“Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em” (“Thơ tình cuối mùa thu”)
Cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cả nữ sĩ Xuân Quỳnh đều đồng vọng một tiếng lòng khắc khoải trước thời gian, trước sự mong manh của cái đẹp, của tình yêu và hạnh phúc. Nên Trịnh đã hoài cảm, nhớ thương:
“Trong nắng vàng chiều nay
Anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ”
Cảm nhận nắng vàng chiều nay để nhớ nắng thu xưa, để thấm nỗi buồn về mối tình xưa. Ngôn từ của đoạn này có vẻ như xác nhận một khoảng thời gian cụ thể nhưng thực tế lại là thời gian tạm, khó xác định bởi nó chỉ mang tính quy ước. Chiều nay là chiều nào? Trên ấy là nơi đâu? Cảm giác đơn côi khiến bàn tay quên lối ấy là xưa hay nay? Là thực hay ký ức? Tất cả như đang chìm lấp trong màn mây nhuộm đầy. Chỉ còn một cảm giác rõ rệt về cảnh về tình. Một vạt nắng vàng cuối chiều nhè nhẹ, bầu trời thu đầy mây trong bóng tịch dương; và nỗi buồn thấm thía vẫn len lỏi vào hồn, nỗi đơn côi vẫn theo anh suốt hành trình đưa em về, theo suốt hành trình tình yêu và hành trình sự sống của đời. Nền nhạc nhẹ nhàng, đều đều khiến từng giọt buồn cứ rơi rớt, thấm vào hồn người nghe nhạc. Những phai tàn, ly biệt, đơn côi càng đậm đà, dày dặn lên. Và tất cả đã trôi đi cùng thời gian, cùng mùa thu:
Đã mấy lần thu sang
Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai”
Thu sang là thu nhớ, thu kỷ niệm, thu tình yêu, thu cùng cố nhân. Thu gắn với tình xưa, người xưa, góc công viên xưa và ước mộng xưa. Tất cả giờ đã là kỷ niệm chôn sâu thẳm trong miền nhớ. Anh ghi tất cả bằng nhiều thu vắng. Hình ảnh “thu vắng” rất hay, rất gợi cảm, gợi tình. Thu vắng lặng và thu vắng em, thu vắng bóng người trong nỗi lòng trống vắng, thu vắng tình yêu và vắng vẻ đẹp xưa, thu vắng vì đơn côi, tiếc, nhớ, buồn, sầu… thu vắng vì độ phai tàn sắp sửa, vì nỗi mòn mỏi trong lòng… Và thu phai theo chiếc lá để ước mộng cũng nhạt phai, cũng rơi rụng, lìa cành. Một nỗi ám ảnh tàn phai, chia ly, mất mát ngợp ca từ. Cái bi kịch của con người là từng ngày vẫn nhìn những mùa thu đi, vẫn thấy những phôi pha, mất mát ấy mà không sao níu lại, không sao giữ được, mà phải ngậm ngùi nhìn nó xa dần tầm tay. Và rồi con người chỉ biết buồn, tiếc, thương một cái gì quý giá nhất trong đời sống lạt phai.
Mình rất thích nghe Khánh Ly hát bài này. Giọng hát chậm, thê thiết, ngân vang như kéo dài những sự tàn phai của thu, của đời diễu qua trước mắt. Từng tiếng cứ lảnh lót vang ra rõ ràng, chuẩn xác như từng giọt buồn rơi theo từng chiếc lá vàng rơi. Để rổi, khi ca sĩ ngừng lời, những dư âm còn vang vọng mãi trong khoảng không im lặng như bao nỗi buồn vương của lòng người lan toả trong nắng vàng nhè nhẹ cuối chiều thu. Chút dư âm cuối cùng của thu vắng, thu buồn vẫn còn lắng đọng trong chút dư tình nhạt nhoè, hư hao, trong ước mộng tàn phai của cõi lòng “Hai mươi sầu dâng mắt biếc”. Trong một khoảng lặng của đêm thu, tôi đã nghe “Nhìn những mùa thu đi” để cảm thu, tiễn thu cùng Trịnh, để nghe tiếng lòng và nghe những tàn phai của chính đời sống mình.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ