Cuối năm xáo xác...



        Mấy hôm nay, mẹ và chị phải dậy rất sớm đi chợ. Mà không riêng gì mấy hôm nay, không riêng gì mẹ và chị mình, hàng xóm cũng vợ gánh, chồng xe kĩu kịt đi chợ sớm, để có chỗ, bán rau củ quả hay những thứ nông sản vụ đông. Trong cái giá rét cắt da cắt thịt, bao người vẫn phải hành xác, chường mặt ra giữa chợ hàng/ chợ đời, tất tả lo cho gia đình, lo để có một cái Tết đủ món cổ truyền. Có hôm mình chợt tỉnh vì biết mẹ mở cổng đi, cũng có hôm thì vẫn ngủ li bì. Vài tiếng sau mới trở dậy mà vẫn co ro vì lạnh, vì buốt. Bao năm nay, mẹ, chị và bao người làng mình vẫn hành xác như thế, vẫn tất ta tất tưởi như thế, để có một chút gì cho thế hệ mai này. Và có những hôm đến 12h trưa mẹ, chị mới về, mọi người mới về. Bụng lép kẹp vì chả dám ăn quà. Bởi một lẽ đơn giản rau rẻ, hàng ế, một chút tiền thu về bù lại vốn liếng, bù lại công sức, chi chút, nhặt nhạnh cho có một món lớn hơn, làm cái lớn hơn. Bấm bụng chịu đựng. Rã rời trong mỏi mệt, ngao ngán nhìn công sức mấy tháng trời bán rẻ như cho.
          Nhưng chả lẽ ngồi chơi? Mà ngồi chơi thì lấy gì mà sống. Nếu chỉ vì cái Tết hay một vài sinh hoạt nào đó thì có lẽ mình cũng lo được cho gia đình. Nhưng công sức, vốn liếng, bao vất vả chăm sóc mấy tháng trời trong nắng đốt, sương giá. Chả ai đành lòng bỏ công, bỏ của, dù chỉ là một li một lai. Đó là mồ hôi, là nước mắt, là sức lực. Cho nên, một lần nữa vất vả, long đong lê lết trên cái nền chợ quê đìu hiu, nhộn nhạo, trong nỗi lo muôn đời được mùa/ chả được mùa nhưng vẫn rớt giá.
          Bữa cơm hôm trước, mẹ nói chuyện một bà cụ ở chợ mà thất xót đau. Bà cụ hơn 70 tuổi, cố mang 15kg đỗ đi bán, được 12 ngàn đồng. Không biết bao giờ những người nông dân mới hết khổ nhỉ? Cả cuộc đời tần tảo, lam làm mà cũng chẳng mấy phút thảnh thơi. Họ cần kiệm, nhặt nhạnh, chi chút từng đồng tiền lẻ, tính toán chi li mọi thứ để dành dụm, hy sinh cho những thứ họ cho là quan trọng hơn. Suốt đời gần như sống cho người khác, hết con rồi đến cháu, có bao ngày họ được sống cho mình? Từ cái ăn đến cái mặc, từ mắm muối dưa cà đến đồng quà tấm bánh, từ xây cất ngôi nhà đến chuyện học hành của con cái, tất cả đều từ những ruộng lúa vườn rau, từ những gánh hàng kĩu kịt, từ những chiếc xe oằn oại vai kéo giữa ngày hè đổ lửa hay ngày đông giá buốt. Ta và bao người lớn lên từ đó, ra đi từ đó, được trưởng thành nên hình nên vóc từ đó, từ những giọt mồ hôi, từ nước mắt, từ sự hy sinh và chịu đựng của người thân, từ bùn đất và bụi bặm chợ nghèo. Mỗi lần dừng lại lâu một chút ở chợ quê, ở những phiên vắng vẻo, ế ẩm lòng ta lại héo hắt. Đôi khi mua một cái gì đó cũng không nỡ mặc cả vì nó đã quá rẻ so với sức mà người nông dân bỏ ra.
          Và không chỉ bữa cơm hôm trước, những câu chuyện mẹ và mọi người hay nói nhất dạo này là mọi thứ nông sản rẻ mạt, ế ẩm. Từ rau, củ, quả đến những loại hạt giống, từ thóc gạo đến vật nuôi như con gà, con lợn. Nghe đâu do đóng cửa khẩu nên không xuất được hàng đi. Cũng có thể là do tư thương ép giá. Đủ mọi lý do nhưng cái đọng lại nhức nhối là sự khó khăn, chật vật, và không khí héo hắt của làng xóm. Đi trên đường nhìn những ruộng rau xanh mướt, những ruộng cải vàng trổ hoa, ta thấy bùi ngùi. Công sức của con người có thể chiến thắng cả thời tiết khắc nghiệt nhưng không có thị trường. Giá trị họ làm ra có thể nhiều nhưng cái họ thu về quá ít ỏi. Công sức bỏ ra gần như công dã tràng. Than thở ư? Cũng có nhưng rồi than thở thì ích gì. Mùa sau vẫn phải cấy, phải trồng và tính theo hướng khác. Được mùa rớt giá thì đương nhiên nhưng năm nay, thời tiết khắc nghiệt và có gì được nhiều đâu mà nông sản vẫn rớt giá thảm hại? Trong khi đó, những thứ thiết yếu khác, nhất là những thứ do các ông lớn độc quyền tăng giá liên miên. Chẳng thể làm gì khác ngoài than thở, mà không chỉ người nông dân, cả cái xã hội này than thở nhưng có được gì? Thôi thì, vẫn phải sống, cố sống, và sống ngoi ngói, sống mòn mỏi qua ngày bằng cách tiết kiệm hơn, thắt lưng buộc bụng hơn nữa.
          Thời tiết, không khí thiên nhiên có vẻ rực rỡ, có vẻ rất Tết nhưng không khí làng tôi không có chút Tết nào. Mọi thứ lặng lẽ, ảm đạm, hiu hắt và xáo xác. Người dân quê tôi vẫn lầm lũi thu hoạch, gieo trồng, lầm lũi gánh cả gió sương và chấp nhận cái giá rẻ mạt cho mình, để sống, để nuôi tiếp hy vọng. Tôi cũng không biết tình thế này còn kéo dài đến bao giờ, nhưng trông ai cũng cứ như mờ mờ nhân ảnh, và cả tôi nữa. Suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, và đi đến cái đích cuối cùng là vùi trong đất. Nhìn ngắm quang cảnh làng xóm, tôi không  khỏi chạnh lòng nhớ tới lời thơ của cụ Nguyễn Khuyến:
                             Hàng quán người về nghe xáo xác
                             Nợ nần năm hết hỏi lung tung
                                                                   (“Chợ Đồng”)
          Dĩ nhiên đến đầu thế kỷ 21 rồi, cũng chẳng còn mấy nhà phải chạy vạy nợ nần gần tết, nhưng cái nghèo, cái lam lũ, khốn khó vẫn bủa vây cuộc sống làng quê. Cái không khí xáo xác, mòn mỏi, quạnh quẽ, đìu hiu vẫn là nét đặc trưng của những phiên chợ nghèo cuối năm. Mọi thứ vẫn cứ tù đọng, ứ đầy như thế.
          Chiều nay lên trường, nhìn khuôn mặt thất thần của một chị, một em đồng nghiệp mà thất xót xa. Ai nói chúng tôi vì thành tích cũng phải chịu chứ biết cãi sao được, dù cái thành tích ấy cũng chả to hơn móng tay là mấy. Nhưng chúng tôi cũng có khác nào người nông dân kia, bao nhiêu tâm sức, bao nhiêu tháng ngày thày trò quần quật ôn luyện, kết cục về tay không. Tôi đã nhiều năm phải động viên ngược học trò khi bản thân các em thấy ngại vì đã không mang thành tích về, đã phụ lòng thầy. Ừ! Với thầy cũng chẳng đáng gì. Nhưng ít nhất có một kết quả để ghi nhận, ít nhất cái công của mình không phải là công dã tràng. Vẫn biết cuộc đời còn dài, còn nhiều tiêu chí khác để đánh giá một ông thầy, một bà cô hay một đứa trò, nhưng nghĩ đến chặng được đã qua, khi ta phải gồng lên để vượt mà chẳng thu về cái gì thì cũng tiếc, cũng xót, cũng chua chát lắm chứ.
          Thực tình mình cũng không biết nói gì với chị, với em trong chiều nay cả. Chỉ biết là mình làm thực thì sẽ có trò ghi nhận. Đời của một ông/ bà giáo cũng bạc lắm. Hôm nay lên trường, tất cả mang một màu ảm đạm xám xịt, một kiểu xáo xác khác nữa. Cuộc đời như thế cũng khác gì đang chết mòn. Và nhìn rộng ra, cứ quy vào những tiêu chí đánh giá, cứ thi thố như thế này thì chúng ta mãi nằm trong vũng ao tù. Và nghĩ nhiều lại thấy nản vì cứ đi loanh quanh mãi, dù biết là đi loanh quanh thế chỉ làm cho đời mỏi mệt mà thôi.
          Nhiều lúc tôi không dám nhìn lâu, nhìm sâu vào mắt mẹ, vào mặt chị. Vẻ khắc khổ của họ làm tôi nhói đau. Tôi cũng không dám nhìn lâu và sâu khi đối mặt với những đồng nghiệp đã lớn tuổi, mà có người là thầy/ cô của tôi. Bởi trên gương mặt họ có quá nhiều mệt mỏi, buồn chán vì những sức ép, vì cái công việc có thay thang thì chẳng bao giờ đổi thuốc, vì cái cuộc sống nhàm muôn đời như thế, vì bao điều vô lý vây quanh mà họ không thể tránh/ chống lại. Tôi dám không nhìn lâu và sâu vào những phiên chợ vắng vì tôi sợ gặp hồn tôi một ngày nào đã/ sẽ như thế. Tôi cũng không dám đăm đăm ngắm quá nhiều khung cảnh ngày giáp Tết trên chính quê mình để trốn chạy cái xáo xác của lòng.
          Ngậm ngùi một thưở, se sót mã rồi, và nhiều khi chợt lặng đi, tự mình ườn ra để chấp nhận, để hòa mình và đánh mất mình trong môi trường. Có chạy trốn được không khi ta không tự cởi trói cho chính lòng mình được? Thôi thì ta tự dìm đời mình trong cái tĩnh lặng, im lìm và đìu hiu như bao người, như chính ông bà cha mẹ đã gắng gượng/ đã cố chấp nhận và lấy cái đời sống lắt lay làm một hy vọng cho những mầm sống sau này. Để một lúc nào đó, chợt quan sát đời người và đời mình, thấy xáo xác, trống huếch trống hoác một chiều cuối năm. Để rồi miệng lẩm bẩm câu thơ của tiền nhân:
                                      Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
                                      Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng
                                                               (“Chợ Đồng” – Nguyễn Khuyến)
          Nhưng bao giờ mới có tiếng pháo nổ đánh đùng? Và khi pháo đã nổ, mọi thứ tan tác thì còn lại gì? Hay chỉ là những xáo xác của những mảnh tàn vương sót?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ