Bơ vơ chiều hội Lim
Tôi đến
với hội Lim trong một chiều xuân lồng lộng gió đông bắc để tìm về câu hát xưa,
tìm về miền quan họ mộng mơ như những lời hát. Có lẽ do quá đông người từ bốn
phương tám hướng về trẩy hội nên cảnh sát đã phải cấm đường từ xa nên các
phương tiện cơ giới, nhất là ô tô không thể vào sâu bên trong. Nhưng từ xa,
tiếng ca vắt vẻo đã len vào trong gió lạnh buốt, làm lòng tôi xốn xang. Dường
như tôi đang đến gần với câu hát của người quan họ, với cái không gian và không
khí văn hóa bao năm tôi vẫn ao ước một lần được tắm mình trong đó.
Bước trên những con đường vào hội, người
đi kẻ về như mắc cửi, tấp nập, náo nhiệt đúng tính chất của một ngày hội. Nhưng
tôi thì lại thấy se lòng bùi ngùi vì trước mắt tôi là cái không khí ngày hội
hiện đại như mọi lễ hội khác, đã bị biến tướng so với cái không khí cổ truyền
vốn có của nó. Con đường vào hội Lim không còn chút dấu vết truyền thống nào,
của những quán hàng xưa, hay con đường thơ mộng của người quan họ. Khắp nơi là
hàng ăn uống, bán đồ ăn vặt, đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền, rồi trò phi tiêu bóng
bay. Không một trò chơi cổ truyền, một món hàng cổ truyền. Ngay cả cái cổng
chào cũng vô cùng hiện đại, theo hình thức của tấm vải cao su được bơm căn và
in chữ lên đó. Tôi đang có cảm giác mình đi vào một hội chợ hay kiểu festival
hiện đại, dù những câu hát đang quan họ vang vọng tới, mỗi lúc một gần và
nhiều.
Khu chính của hội Lim toàn người và
người. Đúng là “đông như hội”. Hàng nghìn người từ khắp nơi đến khiến cho sân
vận động chân đồi Lim mịt mù những bụi. Tìm đến sân khấu chính biểu diễn quan
họ, tôi gặp đám hát đối đáp theo lề lối cổ của những nghệ nhân lớn tuổi. Tất cả
các nghệ nhân biểu diễn ở đây đều có tuổi đời ở vào cái tuổi thất thập cổ lai
hy, hay trẻ nhất ít ra cũng ngót lục tuần. Cái cảm giác trỗi nhất của tôi khi
xem các cụ biểu diễn là một sự đìu hiu, quạnh quẽ, mòn mỏi đến tái tê, xót xa.
Các cụ làm tôi vô cùng xúc động vì tình yêu quan họ, cái tâm thành say mê giữ
vốn cổ của quê hương, của dân tộc. Tiếng hát vẫn vang, sáng, lảnh lót trong
chiều đông giá buốt tái tê. Nhưng có lẽ chính vì nó vang, vọng, ngân nga xa như
thế lại càng khiến cho người ta liên tưởng đến cái tương lai xế bóng của quan
họ cổ, của quan họ gốc theo lề lối. Bởi nó chỉ tồn tại lay lắt, mong manh, như
chính những chủ nhân của nó, những con người ở vào cái tuổi hiếm đang cố gìn
giữ.
Cảm
giác đó khiến tôi có cảm giác trong lòng mình là một khoảng trống lớn, lạnh
buốt, nhức nhối. Có mấy người xem và lắng lại nghe, tìm hiểu câu hát, bài hát
đâu. Ai qua xem cũng phát ra một câu xanh rờn “Toàn người già”, “Người trẻ hát
ở đâu nhỉ?”. Họ đến sân khấu chính chỉ là để chụp bức ảnh kỷ niệm xác nhận là
tôi đã đến hội Lim để lấy thành tích, để báo cho bầy đàn của mình biết cái sự
hiện hữu của họ cũng giống với tất cả. Tôi suýt rớt nước mắt khi các cụ hát
xong, chỉ có vài người còn lại vỗ tay. Họ hát trong gió bắc ào ào, trong cái
rét cắt da, tái mặt, dường như chỉ chỉ để xác nhận sự hiện hữu của họ, của một
nét văn hóa trong quan họ. Những lời ca như nỗ lực mong manh, và quá sức với các
nghệ nhân lớn tuổi này để giữ lề lối quan họ cổ truyền.
Tìm
lên đồi Lim, không gian thơ mộng, lãng mạn mà thơ ca, nghệ thuật vẫn thánh thót
những lời có cánh, tôi chỉ thấy một sự hỗn tạp của lộn xộn. Các nán quan họ đua
nhau dùng những chiếc loa công suất lớn, hát càng to càng tốt. Nhạc lên lừng
phừng, tấp tưng, lời hát đua chen kiểu trăm nhà đua tiếng. Người xem nườm nượp,
chen lấn và chẳng biết làn điệu nào với làn điệu nào. Các liền anh, liền chị má
phân môi son nhòe nhoẹt, cố gắng biểu diễn cho người xem thấy một loại quan họ
rất “hợp với thị trường”, với cái đám đông lúc nhúc. Nhiều lán tổ chức cho hát
giao lưu với khán giả. Âu cũng là cách làm hay nếu như khuyến khích được nhiều
người yêu và hát quan họ. Nhưng than ôi, tôi chỉ nghe thấy những thảm họa âm
nhạc. Không trách được họ vì họ đâu phải nghệ sĩ hay nghệ nhân, và cũng không
thể trách được có những khán giả trẻ chả biết là giai hay gái (cách ăn mặc và
đầu tóc khiến tôi không phân biệt được giai gái nhưng giọng là giai) đứng hùng
dũng giữa sân khấu lán quan họ hát một bài nhạc vàng sến sẩm với cái giọng nam
uốn éo cho nó mềm oặt kiểu thái giám theo một Idol nào đó của anh/ chị ta.
Tôi
chạnh lòng đứng ngây ra giữa hội. Tôi cũng không thể tự trả lời câu hỏi là
những lán quan họ này lập ra đây để giới thiệu, tôn vinh quan họ hay là để tổ
chức hát giao lưu của quần chúng thập phương? Những lán quan họ ấy để người
phương xa đến thưởng thức quan họ hay để thỏa mãn nhu cầu hát karaoke miễn phí
của họ với những giai điệu, ca từ không một chút quan họ? Tôi thấy mình bơ vơ
giữ đồi Lim, giữa buổi chiều héo hắt gió lạnh để tìm một câu hát xưa, để tìm
bóng dáng của liền anh áo the khăn xếp, liền chị áo năm thân, đội nón quai thao
hát giao duyên, thể hiện cái tình e ấp người quan họ. Nhưng trước mắt tôi là đoàn
người đông như nêm, là bụi mịt mù, là hàng quán lô nhô, là những âm thanh đủ
loại cùng phát lên theo kiểu đối thoại/ đối chọi. Có lẽ không ở đâu sự minh họa
cho cái ý niệm “đa thanh” lại rõ như ở đây.
Lên
chùa tìm câu hát cửa đình lại một lần thấy u buồn, nhớ tiếc, hoài cảm. Chùa mới
khang trang, cũng có thể nói là khá hoành tráng. Nhưng chính cái mới ấy làm mất
đi cái hồn, cái khí vị của chùa Lim, theo tưởng tượng, cảm nhận của cá nhân
tôi, bằng những gì tôi thường đọc, nghe, xem được. Tất cả mới quá, long lanh
quá, pha nhiều nét hiện đại quá. Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều
ngôi chùa ở các vùng quê, và của hàng trăm ngôi chùa tự dưng mới được mọc lên
làm du lịch. Điều lạ là, cả một đám đông lại thích thú, cổ súy cho cái lối đập
hết chùa cổ đi, phá tan kiến trúc gỗ truyền thống, xây những chùa bê tông,
tượng đá kỳ vĩ, cao ngất trời. Họ cho thế mới là đẹp, thế là thể hiện cái
thiêng liêng, tôn quý của đức Phật, của ngôi chùa. Than ôi! Tìm được một ngôi
chùa Việt, với kiến trúc Việt, mang cái hồn dân gian của người Việt trên chính
cái dải đất hình chữ “S” này sao mà khó thế? Dường như đám con cháu, hậu duệ
bây giờ muốn phá hết, không để lại dấu tích nào của tiền nhân, khẳng định cái
thẩm mĩ xô bồ, thấp kém của mình mới cho là phát triển, là văn minh.
Từ
chùa đi ra, nghe giọng hát quen thuộc, tôi chen vào đám đông để xem và nghe cô
Thúy Hường hát quan họ trước cửa chùa. Lời bài hát vào chùa thánh thót vang lên
làm tôi rung động. Người quan họ yêu quan họ, tự hào về vốn quý của mình, hát
rất hay nhưng sao lại tổ chức một lễ hội lớn nhất để tôn vinh giá trị quan họ
như thế này? Gọi là chiếu quan họ cửa chùa vì nó diễn ra ở khuôn viên chùa chứ
nào có được hát ở cửa chùa. Sân khấu chỉ được một khoảng bé xíu, một góc nhỏ
bên cửa tam quan của ngôi chùa mà người xem phải chen lấn, xúm xít, thậm chí
còn phải xem qua màn hình điện thoại, máy ảnh giơ lên cao, quay, chụp mới thấy.
Chén lấn rồi bị bật ra, tôi đành đứng xa xa nghe và thấy thấm thía những lời ca
quan họ. Có lẽ đi hội Lim, nghe quan họ thì cứ đứng ở xa xa thế, thi thoảng sẽ
nghe được vài lời quan họ ngấm vào hồn. Còn cái việc tìm hiểu, chứng kiến, hay
trải nghiệm văn hóa, phong tục của người quan họ chỉ là một điều không tưởng/
một lý tưởng lãng mạn.
Tôi
không phủ nhận rằng ở các lán quan họ vẫn có cách bài trí nhiều hiện vật, đồ
đạc theo đúng kiểu quan họ. Bàn ghế, ấm trà, hay cơi trầu cánh phượng. Nhưng
văn hóa nghệ thuật dân gian nó phải được tồn tại trong môi trường diễn xướng,
nó phải được thể hiện một cách tự nhiên như chính cuộc sống là thế chứ không
phải là việc trưng bầy trong triển lãm/ bảo tàng. Vẫn người quan họ, vẫn có
những câu ca quan họ, vẫn đồ đạc, dụng cụ nhưng nó chỉ là một cái xác không
hồn, nó không được thổi một sự sống, một tâm hồn trong đó. Những kiểu lều lán,
những hình thức biểu diễn phô trương cùng nhạc nhẽo tưng bừng không thích hợp
với quan họ, với những lời ca mang cái tình sâu thẳm, mang điệu hồn mênh mang
của đất và người. Những cái e, những chút buồn vương, tiếc nhớ, những dùng
dằng, hay nói gọn lại cái duyên, cái tình, cái nghĩa của quan họ không còn
vương bóng ở hội Lim hiện đại nữa. Có lẽ, tôi sẽ phải tìm về lễ hội khác, tìm
một dịp đến làng quan họ cổ, tìm đến tận nhà các nghệ nhân để được một lần hòa
vào cuộc sống, để cảm hiểu văn hóa quan họ cũng như tình người quan họ. Tôi
đứng chơ vơ, đơn côi giữa chiều hội Lim như thế, trong nỗi u hoài, tiếc nhớ
giữa đám đông hàng nghìn người náo nức những nỗi niềm riêng, trong tiếng hát và
nhạc tấp tưng nhảy múa từ các lán quan họ trên đồi Lim huyền thoại. (Hết phần
1)
Nhận xét
Đăng nhận xét