NHỮNG ĐỨA TRẺ BÁN HÀNG Ở RONG SA PA


         Tối đầu tiên ở Sa Pa, sau khi thăm nhà thờ, chúng tôi thấy một người đàn ông đang hỏi một cậu bé người dân tộc điều gì đó. Đến gần, nhìn hình ảnh một cậu bé có đôi mắt trong veo, ngồi chơ vơ giữa một khu mua bán đông đúc, địu đứa em nhỏ xíu sau lưng bán mấy thứ đồ lặt vặt làm tôi nao lòng xót thương. Tối Sa Pa lạnh dần, mưa lất phất càng làm người ta cảm thấy tái tê cho những thân phận chường mặt ra phơi phang trong cuộc mưu sinh giữa dòng người ùn ùn mà lạnh lẽo vô tình. Hình ảnh đứa bé 8, 9 tuổi và em nhỏ vài tháng tuổi sau lưng nó như một đối nghịch giữa một thị trấn du lịch tươi đẹp, sầm uất, khiến cho bất cứ ai cũng  chạnh lòng, ngậm ngùi.
          Nhưng những nhận định và cảm xúc ban đầu của tôi đã bị lộn nhào, vụn vỡ khi chúng tôi ở lại lâu hơn, đi nhiều hơn khắp các nẻo đường Sapa. Cái thấy hôm trước với cái thấy hôm sau là cả một đối nghịch nghiệt ngã. Hóa ra đứa trẻ ngồi địu em bơ vơ bán hàng trong đêm lạnh không phải là chỉ là một cá thể của hoàn cảnh đáng thương. Có vô số những đứa trẻ khác, ở khắp nơi trong cái thị trấn du lịch này, mặt mũi lem luốc, tóc tai bù xù, đôi mắt ngây thơ đến tội nghiệp địu đứa trẻ nhỏ xíu sau lưng đi bán hàng rong. Đã xuất hiện bao nhiêu phiên bản, bao nhiêu biến thể khác của cậu bé đó, ở hàng chục, hàng trăm dạng thức khác nhau. Những đứa trẻ bị ném ra đường, đi bán hàng, chường mặt ra với đủ loại chúng sinh du khách ở Sapa này là hiện tượng phổ biến, thậm chí là một đặc trưng, chứ chẳng phải cá biệt.
          Khi nhìn những đứa trẻ chân đất, nheo nhóc lang thang, địu một đứa bé xíu khác, tay cầm vài món đồ chẳng mấy giá trị, chào mời trong vô vọng, bất cứ một ai cũng sẽ thấy động lòng. Song đó chỉ là cái thấy ở phút ban đầu. Chỉ một phút sau thì không thiếu những đứa trẻ chào mời, đeo bám, mặc cả với khách, và đến khi không bán được hàng thì rất nhiều trong số đó quay đi với thái độ, gương mặt có vẻ bất cần, khinh khỉnh, thậm chí là hơi xấc một chút. Dường như mỗi đứa trẻ dân tộc đi bán hàng ở Sapa đều sống bằng nhiều gương mặt khác nhau thì phải? Với những cách hành xử như thế, thay vì thương cảm nhiều người sẽ rất khó chịu, có cảm giác thấy mình bị lừa, lòng thương bị lợi dụng, và rồi sẽ trở nên lãnh cảm, có khi là vô cảm trước những hoàn cảnh đáng thương thực sự. Dĩ nhiên bản thân tôi có thể hiểu được lý do những đứa trẻ này bị ném ra mọi nẻo đường của thị trấn du lịch nổi tiếng này, chường mặt với đời để kiếm sống cũng chỉ vì cái đói, cái nghèo, vì những cơ hội tốt hơn ở nhà mà ngành công nghiệp không khói mang lại. Nhưng để mưu sinh, để kiếm chút ít cho cuộc sống có cần phải ném những đứa trẻ ngây thơ, vô tội kia, trong đó có những đứa trẻ được địu trên lưng hoàn toàn vô thức.
          Hai năm trở lại đây, tôi có dịp đi nhiều lên miền núi Tây Bắc, đã đến các bản làng dân tộc, được sống, ăn, ngủ ở nhà người dân tộc thiểu số. Dĩ nhiên cuộc sống của họ giờ đã khá lên nhiều, những nhu cầu của cuộc sống cũng được đảm bảo hơn nhưng đời sống thì vẫn rất khó khăn do đặc thù địa lý, khí hậu, giao thông, canh tác. Những đứa trẻ tôi gặp cũng thiếu thốn, nheo nhếch, bẩn thỉu khiến ai nhìn cũng xót, cũng thấy tội. Chúng e dè, sợ sệt, khép mình song lại vô cùng đẹp ở sự hồn nhiên, trong sáng, vô ưu, dù có phải trông em, đi làm nương cùng cha mẹ. Chúng là những đứa trẻ được sống hết mình với tuổi thơ đặc thù ở vùng cao, xa, cách trở như một tất yếu vì có ai chọn được cho mình bố mẹ, hay nơi mình sinh ra đâu. Còn những đứa trẻ ở Sapa kia, cũng chỉ dăm bẩy đến hơn chục tuổi một chút, đã phải sống với những cái mặt nạ, phải diễn những vai diễn bất đắc dĩ quá sớm do người lớn sắp đặt, mong vụ lợi chút ít từ lòng thương hại của những kẻ xa lạ, đôi khi nhiều kẻ rất tàn nhẫn, có thể trêu trọc, xúc phạm các chúng. Tôi không thể hình dung và cũng không dám nghĩ đến những khả năng đang chờ đợi những đứa trẻ này trong tương lai.
          Một người bạn của mình đi lên Sapa về viết trên facebook bày tỏ rõ thái độ rất khó chịu và bức xúc vì trẻ em bán hàng rong đeo bám khách. Nó làm xấu hẳn hình ảnh của cái thị trấn du lịch này, nhưng với mình, cái hình ảnh đó còn khiến mình xót xa nhiều hơn cho những phận người nhỏ bé trong cuộc sống nghiệt ngã, khốc liệt này. Chúng không có lỗi gì cả. Lỗi ở những người bứt lìa chúng khỏi trường học, gia đình, khỏi cái nôi sinh dưỡng an toàn cho một đứa trẻ, phơi phang giữa đường phố khô khắc lạnh lùng của thị phi, khiến chúng phải sống trong bi kịch của trẻ em đường phố lang thang, phiêu bạt, bơ vơ, thậm chí liều lĩnh. Khi chúng tôi đến thành phố Lào Cai, một người bạn của bạn đi cùng nói rằng không phải đứa bé nào cũng được bán hàng ở thị trấn này. Chúng được tổ chức, có một ông trùm đỡ lưng, bảo kê và sẽ phải nộp lại phần trăm – một dạng tô, thuế. Rồi khi về nhà, một em học sinh kể là bạn em ấy đã chứng kiến những đứa trẻ được khách thương hại cho tiền, rồi chạy lại đưa cho bố mẹ lấp sau những hốc cây… Tôi lặng đi và không biết nói gì nữa. Tôi chỉ biết buồn và xót cho một xã hội, cho những thân phận, nhìn chính xác theo nhân quyền thì họ phải hứng chịu bi kịch và nỗi đau cực lớn. Từ bao giờ, con người ta, để có một chút tiền, để sống với một số vật chất nhiều hơn, lại tự làm cho mình nhỏ bé và rẻ rúng thế? Những người lớn nghĩ gì khi không tiếc tay vứt bỏ cả cuộc đời, số phận con em mình vì cái lợi trước mắt như thế. Tuổi thơ – cái phần đời đẹp nhất, cái nền để hình thành một nhân cách, một giá trị sẽ còn gì khi đứa trẻ phải diễn nhiều vai, phải đồng lõa với sự giả dối mà sống? Đằng sau những du khách bóng loáng kia, sang diện kia, những mặt hoa da phấn kia ai biết sẽ là những gì và những đứa trẻ này sẽ gặp quá nhiều bất trắc, hiểm nguy cho một món lợi quá nhỏ. Bởi nhiều khi vì cái trước mắt người ta sẵn sàng chấp nhận trả giá, mà họ đâu biết rằng cái giá ấy quá đắt.
          Thông thường, khi nói đến những đứa trẻ đường phố hoặc người ta nghĩ đến những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, phải sống cù bất cù bơ; hai là những đứa trẻ hư, là những đứa “ma cà bông”, bỏ nhà đi hoang, thích sống giang hồ, anh chị. Nhưng ở Sapa, những đứa trẻ đường phố lại là những đứa con của gia đình, có gia đình mà không được sống cuộc đời của một đứa trẻ trong gia đình. Đó là một bi kịch. Và còn rất nhiều bi kịch khác đang chồng chất lên vai chúng, đè lên cuộc đời chúng và ghì chúng xuống một kiếp sống mòn ngay khi còn thơ ấu. Đó còn là cái cảm giác của con người bị ruồng bỏ, là thân phận cô đơn, bơ vơ, là tuổi thơ bị đánh cắp, là tương lai mịt mờ, là cuộc đời mòn mỏi… Những đứa trẻ ấy phải sống cuộc đời vong thân ngay khi chúng chưa ý thức được điều đó, ngay khi theo cả cái nhìn của đạo đức và pháp luật, chúng có đầy đủ những lực lượng che chở, bảo vệ. Cho nên, hình ảnh cậu bé ở  trước nhà thơ với đôi mắt ngây thơ, trong veo cứ ám ảnh tôi. Nhìn lại những bức ảnh của cậu bé thì thấy đôi mắt ấy cứ thế thôi, nhìn xa xăm vào khoảng không bất định, vô hồn và chứa một cái khoảng trống hoang hoác, bao la, thăm thẳm như chính vực đời đang chờ đợi.
          Những chuyến đi luôn cho tôi ấn tượng tốt và vô cùng đẹp về những người dân tộc thiểu số, mà ở những người hiện đại tôi ít thấy. Cái mộc mạc, chân thành, cái sự chất phác, hồn hậu, cái sự e dè, ngượng ngùng… đã cho tôi có cảm giác về với thuần hậu sơ khai, để tôi tìm được khoảnh khắc của tâm hồn trinh khiết. Nhưng đến Sapa, nhất là tiếp xúc, quan sát với những đứa trẻ bán hàng thì lòng tôi lại nhói lên những cảm giác, cảm xúc khác. Nó nặng trĩu bởi buồn, lo, xót xa xen với ấm ức, u uất, bức xúc. Cứ như thế này thì cũng chẳng thể trách được sự vô tình, vô cảm của người đời. Những du khách đến đây, có rất nhiều người có tâm, có lòng nhân hậu sẽ nghĩ gì khi họ bị lừa gạt lòng thương. Mọi thứ tưởng đơn giản nhưng lại quá phức tạp, hỗn độn, theo kiểu vàng thau lẫn lộn ở một nơi tưởng yên bình, thơ mộng, xinh đẹp này. Kết cục, dù theo cách nào đi chăng nữa thì những đứa trẻ, những người dân kia sẽ phải chịu thiệt thòi, mất mát, đau thương lớn nhất, đặc biệt là những hoàn cảnh đáng thương thực sự, cần giúp đỡ thực sự sẽ chẳn bao giờ nhận được sự giúp đỡ.
          Khách đến rồi đi. Có người trở lại nhưng có rất nhiều người không một lần quay lại. Những đứa trẻ kia vẫn cứ chơ vơ, lang bạt khắp các nẻo đường trong cái thị trấn du lịch nổi tiếng này trong nắng mưa, khói bụi, trong rét buốt, trong mọi thị phi, mọi phản ứng bất thường của một cái xã hội hỗn tạp, xô bồ. Rồi chúng sẽ tiếp bước cha mẹ, những người lớn, những người cứ ngồi vêu ở ven đường bán nông sản, đặc sản thật giả, vàng thau, tốt xấu lẫn lộn. Chúng mãi mãi là cộng đồng thiểu số ở một góc nhỏ, đi bên lề sự xa hoa, thơ mộng, tươi đẹp của Sapa, mà đúng ra chúng hoàn toàn có thể là chủ thể. Chúng là một mảng tương phản, để người ta thấy được mặt trái, hậu quả của ngành du lịch không khói, của một sự phát triển phồn vinh là như thế nào. Khi những giá trị người bị hủy hoại, khi cái đời sống nhân sinh thiêng liêng của những đứa trẻ bị đánh cắp thì mọi thứ xa hoa, mọi sự giàu sang vật chất sẽ có ý nghĩa gì?
          Sapa rất đẹp, nhất là một thiên nhiên hùng vì và những cộng đồng dân tộc thiểu số với bản sắc độc đáo, cùng những sản vật phong phú mà không phải nơi nào cũng có được. Nhưng Sapa cũng là một hình ảnh thu nhỏ của xã hội này đang tồn tại bao đối cực nghiệt ngã, khi những chủ thể tạo tác nên những giá trị đang bị tha hóa dần, bị đẩy lùi thành những kẻ ngoài lề, thành một thiểu số đáng thương, bị lợi dụng, bị chà đạp,  phải trả giá để tồn tại và mưu sinh. Sự hỗn độn, ô tạp của hàng hóa, của con người khiến du khách mất dần đi lòng tin và không mấy người bỏ tiền ra để mua sản vật nơi đây nữa. Những đứa trẻ trơ trọi trên mặt đường với những món hàng ế buộc phài chèo kéo, nài nỉ; những người lớn vẫn ngồi vêu đấy, khô khắc, tuyệt vọng vì có khi đặc sản thật mà bán rẻ như cho, mà ế thừa đến hỏng. Và những trân giá trị, bản sắc cũng như tâm hồn người đang mai một, tàn lụi dần, có nguy cơ mất đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Vậy thì khách sạn, resort hạng sang, những khu du lịch, những đồi hoa… lung linh kia có cứu vãn được một thi trấn đang chết dần về bản sắc và những cuộc đời, những thân phận người dân tộc thiểu số đang chết mòn ngay khi họ sống trên quê hương của mình hay không? Đến Sapa, về được gần một tuần rồi tôi cứ lặng lẽ nghĩ về những đứa trẻ kia, về cái thế giới với những đối cực tồn tại hiển nhiên hoặc kín đáo ngay trong lòng cái hình thức, phù hiệu thiêng liêng bản sắc dân tộc nguyên vẹn, phong phú người ta đang lăng xê lên như một trò lố bịch. Lặng lẽ thôi mà khắc khía, day dứt và đầy bất an. Tự nhiên cái câu nói của một anh bạn làm quay phim, đã đi rất nhiều lại vọng lên trong tôi đại ý là: Ở Việt Nam mình, cứ nơi nào trở thành khu du lịch sẽ mất đi vĩnh viễn vẻ đẹp ban sơ, thuẩn khiết. Vậy thì, đến một vài chục năm nữa, con cháu chúng ta còn gì? Và để sống với một cái mức vật chất tốt lên vài phần có cần thiết phải trả giá bằng chính bản thể tâm hồn, văn hóa và những cuộc đời, số phận người như thế hay không?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ