ĐƯỜNG CHIỀU BIÊN GIỚI

Chiều biên giới em ơi 
Có nơi nào đẹp hơn 
Khi mùa hoa đào nở 
Khi mùa sở ra cây 
Lúa lượn bậc thang mây 
Mùi toả ngát hương bay.  (Thơ Lò Ngân Sủn)
                                        
(Hoa đào biên giới, Đồng Văn - Hà Giang)

            Chúng tôi quay lại Lũng Cú trong một chiều xuân lạnh tái tê. Nhưng trên những cung đường núi quanh co, hùng vĩ, cải trổ hoa vàng rực, đào cũng đang thắm hồng sắc xuân. Cậu em lần đầu đến Hà Giang, đi Lũng Cú không ngớt trầm trồ trước vẻ đẹp hùng vĩ, những cung đường gấp khúc, cheo leo, uốn lượn tạo hình trên sườn núi đá. Còn tôi, dù lần thứ hai đến vùng cực Bắc của Tổ quốc, không nhớ rõ lần thứ bao nhiêu đi đến vùng biên cương ở phía Bắc vẫn rung lên trong lòng xúc cảm đặc biệt, cảm giác về sự thiêng liêng, về một không khí hoang sơ, cổ điển, hiu hắt của miền biên ải.
            Cung đường biên giới, nơi địa đầu của Tổ quốc mở ra như một bức tranh hùng vĩ, đa sắc màu, đẹp tựa lời bài hát mang âm hưởng lãng mạn và tràn đầy không khí lạc quan kia. Song đó là cái ta ngắm nhìn, chiêm ngưỡng từ thiên nhiên. Cuộc sống luôn ẩn đằng sau bao góc khuất, bao vỉa tầng của thân phận và lịch sử riêng. Chuyến đi này, chúng tôi quyết định ở lại trong bản Lô Lô, dù đây không còn là bản nguyên sơ, thuần phác như một số bản Mông tôi đã ở lại trong những chuyến đi của mình. Câu chuyện trong tiệc rượu, bên bếp lửa của chàng trai Lô Lô học sư phạm không thể xin nổi việc, cũng chẳng thể nào thực hiện được ước mơ về phục vụ bản làng, dạy học ở miền sơn cước xa xôi, hẻo lánh. Cơ chế quan liêu và những tiêu cực đẩy ước mơ, nghị lực và nỗ lực của một chàng trai dân tộc thiểu số suốt mười mấy năm, không biết đã đi bao nhiêu chặng đường để học hết cao đẳng, thành con số 0 tròn trĩnh. Đi miền núi nhiều, tôi càng thêm trân trọng và cảm phục nghị lực của những người quyết đi học hành, theo chữ nghĩa trong cuộc sống gieo neo, cơ cực. Càng nghĩ tôi càng thấy xót tiếc, nghẹn ngào về không chỉ một mà rất rất nhiều những người/ cộng đồng thiểu số đã phải hứng chịu những thiệt thòi, mất mát, bị đẩy đến mức mai một bản sắc, mất đi cả nền tảng văn hóa và kể sinh nhai trong sự xâm lấn của một số người trong cộng đồng đa số, nhân danh phát triển, văn minh gây ra.

(Bản Lô Lô mùa xuân, Lũng Cú - Hà Giang)


             Dọc đường biên, xuyên rừng hay lên núi, dưới những nếp nhà hun hút trong thung lũng, tỏa khói lam chiều khiến kẻ xê dịch hay lữ khách chạnh lòng tương tư, rung lên những hoài cảm, vương vấn tơ tình rất lãng mạn là những phận người thiểu số, những góc khuất và cả một lịch sử phức tạp, có khi đi cả đời tôi không biết và hiểu được. Cái đẹp bên ngoài, cái lạ so với cuộc sống hiện đại, tiện nghi đôi khi che lấp đi nhiều cay đắng, mất mát và thiệt thòi. Bạn thấy cảnh cầy ruộng trên cao nguyên đá đẹp lung linh sau những luống cải vàng rực nhưng quan sát kỹ hơn bạn sẽ thấy nhiều đoạn mình gặp cả những đứa trẻ cầy ruộng rất thạo, mà lẽ ra giờ đó, tuổi đó các em đang ngồi trong một lớp học hay trên giảng đường. Bạn yêu mến cao nguyên đá hay những mùa hoa rực rỡ nhưng bạn đâu biết rằng ở cái xứ người dân “sống trên đá chết vùi trong đá” này có lúc không có gạo, ăn trừ mèn mén cả tháng. Bạn sửng sốt trước nét đẹp thiên thần, hồn nhiên của những ánh mắt trong veo, sự hồn nhiên đến thô tháp của những đứa trẻ vùng cao nhưng bạn đâu biết nhiều đứa nhà thiếu ăn, thiếu mặc, và đặc biệt ở nhiều nơi, chúng đã và đang bị mất đi vẻ đẹp thánh thiện ấy vì sự ban phát, bố thí, làm hư chúng, có khi là tha hóa vì những cái kẹo hay mấy đồng tiền lẻ qua đường. Buổi chiều, rong ruổi trên vùng biên cương, nhìn trẻ con cưỡi trâu, người lớn vội vã với chiếc gùi cùng mọi thứ có thể trở về nhà thật thanh bình. Tiếng mõ của đàn trâu, bò trở về nhà lắc cắc vẫn còn vang vọng đem đến những cảm xúc và cảm giác thật đặc biệt. Mọi thứ đều trong, tĩnh, vắng và lành đến nao lòng. Song ở nơi thuần hậu, trong trẻo và yên bình ấy, nhìn ở góc khác, cả người lớn, trẻ con, qua bao thế hệ rồi phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, đảm bảo các điều kiện sống ở mức bình thường cho sự phát triển của thể chất và tinh thần.
            Ngay cái không khí thanh bình, yên ả ở những vùng biên ải này cũng chỉ là cảm giác nhất thời, có khi là cái vỏ bên ngoài. Ở đâu đó trên những vùng núi cheo leo, những bản làng heo hút này vừa mới hôm qua hay chỉ vài ngày nữa sẽ là những xung đột, tranh chấp, thậm chí súng nổ và người ngã xuống. Hôm nay, 17/2/2017, khi viết những dòng này, nhiều báo chí, cả chính thống và bạn tôi đang tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Cuộc chiến không kéo dài, không liên tục nhưng thương vong, mức độ tàn khốc thì chẳng kém cuộc chiến nào trong lịch sử. Sự kiện đó nhắc tôi đến những cung đường đã đi, rất nhiều là đường biên và cũng là nơi trọng yếu, đã diễn ra những cuộc giao tranh cách đây 38 năm ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Sinh mệnh của người lính, của người dân đã vùi lẫn trong đất, hồn còn ở trong cỏ cây, trong mỗi ngọn gió hay không khí vùng biên. Và đâu chỉ có cuộc chiến tranh biên giới những năm 79, 80 mà trước đó, suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, biết bao lớp người đã ra đi, mãi mãi không về, hồn hòa vào cỏ cây, thân xác trộn trong đất đá ở nơi này. Giặc phương Bắc đã bao giờ thôi tham vọng thâu tóm, đồng hóa dân tộc này? Linh hồn vất vưởng của những lớp người nằm lại biên cương, giữ từng tấc đất sẽ không thể siêu thoát khi người ta cố tình làm lẫn, nhập nhòe thù bạn, ném những nỗi đau lịch sử vào lãng quên, biến sự hy sinh của họ thành hư vô.
(Cột mốc 999, Tràng Định - Lạng Sơn)
            Và ngày hôm nay, chẳng cần viên đạn hay tiếng súng, giặc vẫn tràn sang, bằng mọi cách, qua những bàn tay mở cửa, dắt chúng vào, dưới những mĩ từ lộng lẫy của đầu tư, hợp tác, tình hữu nghị anh em. Giặc phương Bắc đang âm thầm, từng ngày từng giờ xâm lấn đất nước này,  đe dọa cuộc sống của mỗi chúng ta, không phải bằng tội ác man rợ, súng ống, hay xe tăng, tàu chiến, mà bằng những hương thơm tỏa ngát của du lịch, đầu tư, của giao lưu văn hóa đủ kiểu loại chứa vô số thứ độc hại và âm mưu bành chướng sẵn có. Những thảm đỏ vẫn đang trải ra để đón về biết bao hàng hóa, thực phẩm chứa nhiều chất độc, giết dần giết mòn dân ta trong bệnh tật. Đó là nước thải gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại sự sống, tài nguyên , tương lai của cả một vùng rộng lớn của bao thế hệ bằng các dự án thép hay bô xít. Cá đã chết, biển đã chết và người dân đã không được bảo vệ, thậm chí còn bị đàn áp khi đi đòi cái quyền cơ bản nhất cho mình – quyền được sống ở trên quê hương với môi trường trong lành. Dự án treo, thất thoát, đội vốn và nợ công đè lên 90 triệu con dân xứ An Nam, khiến mỗi đứa trẻ mới sinh ra đã è cổ gánh một món nợ giống như một thứ tội nợ tổ tông. Những văn hóa phẩm len lỏi, đang từng giây từng phút tước đoạt, làm biến dạng bản sắc, tâm hồn người Việt. Rồi đất đai, sông hồ, biển đảo chẳng còn là của con dân Việt mà nằm trong tay của người phương Bắc, ngoại bang. Sẽ đến một ngày, trên lý thuyết, về hình thức vẫn là nước Việt Nam đấy nhưng con dân Việt Nam sống lạc loài như trên đất khách. Sẽ đến một ngày, những người Việt bị tước đoạt cơ hội mưu sinh và cả môi sinh trở thành "nô lệ da vàng" cho những kẻ dàng vàng hung hãn khác. Dường như bi kịch tha nhân và tha hương của người Việt ngay trên cố quốc là một khả năng không phải là không thể xảy ra trong tương lai gần. Ai cũng biết lịch sử rồi sẽ phát xét công tội, sẽ chỉ ra rõ những nguyên nhân và thủ phạm gây ra đau thương, tang tóc, mất mát nhưng đợi đến lúc đó thì sẽ có bao nhiêu bi kịch, thương vong, những mất mát có khi còn lớn hơn những gì đã xảy ra trong quá khứ có thể ập đến.
            Đi trên những cung đường biên giới, dẫu không phải là người thích và ham “check mốc” nhưng những cột mốc biên giới luôn khiến tôi có cảm xúc đặc biệt. Tôi không nhớ đã đứng trước bao lần và bao nhiêu cột mốc nữa nhưng lần nào cũng vậy, luôn là cảm giác thiêng liêng, xúc động và cả tự hào. Bởi vị trí cột mốc ngày hôm nay đã qua bao lần đổi dời, dịch chuyển. Cột mốc, do đó không chỉ là vật xác định chủ quyền mà còn chứa trong nó máu, xương, một phần cơ thể, một phần đời của lớp lớp người bảo vệ mảnh đất này. Đằng sau mỗi cột mốc là bao cuộc đời, số phận, là những câu chuyện ẩn sâu có khi chưa một lần cất lên thành tiếng, là cả một lịch sử đầy máu và nước mắt. Nhiều khi, mải ngắm, mải nghĩ mà tôi quên cả “check in” tại những cột mốc, có khi đi cả trăm cây số lên, kết cục về vẫn không có ảnh nào nguyên vẹn cái mốc ấy như đợt đến Ka Lăng, tìm vào mốc 18 vừa rồi. Bởi khi ngắm dòng sông Đà ở điểm đầu tiên chảy vào Việt Nam tôi nghĩ về những biến đổi của dòng sông bị chặn dòng làm thủy điện, những biến thiên của lịch sử, xã hội và dân tộc, nhanh đến chóng mặt trong những năm gần đây, từ sự can thiệp thô bạo và lạm dụng kỹ thuật hiện đại. Ba lần tới Lũng Pô, điểm vẫn được biết với biệt danh “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, thì lần nào tôi cũng dành thời gian ngồi bên bờ sông, lặng nhìn ngã ba con sông Hồng, điểm khởi đầu chảy vào Việt Nam, với hai màu nước, ngắm những bông lau phơ phất ven bờ. Nhìn sang họ, nhìn về phía mình ở hai bên sông bạn sẽ thấy sự tương phản gay gắt bên dòng sông "thao thiết chảy", chạnh lòng cho thực tại nước nhà. Con sông Hồng mùa khô nước cạn, có thể lội bên này qua bên kia và ngược lại; rồi có những chỗ khoảng cách trên đường biên của hai bên chỉ là cây cầu nhỏ xíu, dài tầm một mét, cách con suối nhỏ, hoặc có khi liền luôn, không gì ngăn trở. Ở những nơi đó, tôi chợt nghĩ những khi xảy ra chiến tranh, xung đột, quân giặc ào ạt tràn sang, mọi thứ sẽ ra sao? Tôi không dám tưởng tượng tiếp vì điều đó đã xảy ra và vẫn có thể tiếp tục xảy ra - những cuộc tàn sát và thảm sát đẫm máu.
(Hoàng hôn trên đồn biên phòng Ka Lăng, Mường Tè - Lai Châu)
            Sẽ là một tội lỗi lớn nếu một ngày kia những cột mốc vẫn còn đấy nhưng chỉ là một vật trang trí, không có ý nghĩa xác thực mảnh đất của người Việt. Tôi lo lắng đến một lúc máu xương của người nằm xuống cho biên cương, cho đất nước này bị biến thành nước lã, thành bụi đất, thành một thứ để bán rao, đổi chác vì mục đích tư lợi hay quyền lực của cá nhân, nhóm người. Tôi sợ lịch sử và quá khứ bị dìm trong quên lãng của sự phản bội, đầu hàng, thỏa hiệp để trục lợi dưới hình thức đánh tráo khái niệm như hữu nghị, bạn,  anh em, là những "tốt", những "vàng". Đừng ảo tưởng về một kẻ thù không chỉ bất thình lình gây ra cuộc chiến tàn khốc, mà xung đột còn kéo dai dẳng đến 10 năm với bao thương tích. Hai nghìn năm qua, bao xương trắng phơi ở miền biên ải xuất phát từ một kẻ thù duy nhất. Tôi là người rất sợ hận thù, càng sợ chiến tranh, dẫu thương tích nó để lại tôi chỉ đọc, nghe, xem, chỉ được nhìn từ những mảnh đời, thận phận hiu hắt, chênh chao đi ra từ cuộc chiến vẫn lay lắt mưu sinh cho cuộc sống thường nhật ngày hôm nay. Nhưng lịch sử và sự thật, nhất là sự phức tạp và tính chất của những cuộc chiến cần phải được tôn trọng, người sau cần được biết tất cả. Sự phán xét là do thế hệ họ, cái nhìn của họ từ những gì tái hiện lại gần nhất như cái vốn có, đã diễn ra, chứ không phải là sự áp đặt có chủ đích, cố tình giấu giếm, đẩy vào quên lãng vì những mục đích quyền lực, lợi ích của cá nhân hay nhóm người. Thế hệ sau của Việt Nam cần phải biết những sự thật về vùng biên, cuộc chiến tranh ở biên giới qua nhiều thời đại, cái giá mà ta đã phải trả để có những cung đường hôm nay đi, để ít nhất, chúng ý thức được tuy không có kẻ thù vĩnh viễn nhưng chẳng phải kẻ thù nào cũng có thể thành bạn, thành anh em, để chúng biết nghĩ và hành động tự bảo vệ chính mình, đất nước mình, sao không cho một bi kịch tương tự như An Dương Vương xảy ra với đất nước mình một lần nữa, dẫu biết rằng lịch sử hoàn toàn có thể lặp lại.
            Gần 40 năm kể tử ngày cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ (17/2/1979) và chỉ gần 30 năm tiếng súng ngừng im hoàn toàn trên các miền biên giới, cuộc sống của người dân và điều kiện sống, sinh hoạt của người chiến sĩ biên phòng ở những nơi xa xôi, heo hút cũng đã tốt hơn nhiều. Song dù thế nào, có những chế độ đãi ngộ nhưng thực tế tôi đi, quan sát và trải nghiệm thì không thể nói là không có khó khăn, thiệt thòi. Vào mốc 17, 18, nơi sông Đà bắt đầu chảy vào Việt Nam, chỉ có duy nhất trạm biên phòng trong rừng, gần sông, không bản làng, nhà dân và gần như tách biệt với bên ngoài, hoặc bị cô lập nếu trời mưa, đường sạt lở. Nhớ đêm ở trạm biên phòng Nậm Lằn cùng các chiến sĩ và hôm nay đọc tin về cuộc chiến tranh biên giới, tôi mường tượng ra cuộc sống, sinh hoạt, những hy sinh, thiếu thốn của người lính mấy chục năm về trước. Hai ngày nay, rất nhiều bài báo viết về họ, những ký ức về họ, về không khí của ngày tòng quân, những thương vong và biết bao người đã nằm lại nơi chiến địa thành “mồ viễn xứ” rải rác khắp biên cương. Có người lính thư gửi cho người yêu chưa kịp đến nhà thì đã hy sinh. Nhìn những bức ảnh của một anh bạn chụp nghĩa trang Vị Xuyên trên facebook với hàng loạt ngôi mộ không tên khiến lòng tôi xót đau, tái tê. Thế mà ngày 17/2/2017, những người tưởng niệm họ, tưởng niệm một nỗi đau để nhắc nhớ bị ngăn cản, thậm chí là bị bắt bớ ở Hà Nội và Sài Gòn. Có đoàn người đến viếng liệt sĩ hy sinh ở Lạng Sơn bị chặn lại ở cổng nghĩa trang, không được vào. Còn gì đau và xót hơn?
(Cột mốc 465, Mèo Vạc - Hà Giang)
           Bản thân tôi cũng quá vô tâm khi đến Hà Giang hai lần mà chưa một lần đặt chân tới Vị Xuyên, chưa một lần thắp một nén hương hay đơn giản tưởng niệm cho những người đã khuất mà tên tuổi lẫn hình hài đã thành cát bụi. Nơi ấy đã diễn ra những trận đánh khốc liệt của năm 1979 và nhất là 1984. Tôi mải chạy theo những sắc hoa đào, hoa cải, hoa tam giác mạch, mải đi tìm vẻ đẹp trên đôi má hồng thiếu nữ dân tộc hay đôi mắt trong biếc của trẻ em, mải mê theo cảm giác về những cung đường gập ghềnh, quanh co hùng vĩ mà quên đi quá khứ, quên đi những hằn in của đau thương trên mỗi tấc đất vùng cao nguyên đá. 17/2 nhắc cho tôi không quên và không được phản bội với lịch sử, với những phận người đã gửi lại cả cuộc đời và thân xác mình thành những nấm mộ hương lạnh khói tàn giữa trùng điệp núi non hoang vu. Và như thế lãng quên cũng là tội ác, như giết họ đến lần thứ hai.
            Quá khứ đã khép lại, cũng không ai muốn nói mãi đến đau thương để khía sâu vết thương và mất mát không bao giờ lành. Không ai muốn chiến tranh và sống trong hận thù. Bản thân tôi càng không phải là người tự hào vô lý về cái gọi là chiến tích vẻ vang để vỗ ngực với thiên hạ tôi là người Việt Nam, thành tích chỉ biết đánh đấm mà chẳng có mấy đóng góp dựng xây, phát minh, phát kiến. Song tôi nghĩ ngày 17/2 cũng phải được nhắc đến như mọi mốc lịch sử khác, để chúng ta hôm nay biết, hiểu về quá khứ, về dân tộc và chính bản thân mình. Lịch sử không thể bị lãng quên mà cần được minh bạch, được thể hiện với tất cả sự thật phức tạp, gần nhất với những gì đã diễn ra, khách quan. Điều đó là quan trọng cho một tương lai không bao giờ lặp lại sai lầm của An Dương Vương, không phải khóc ròng, rên xiết trong nỗi đau nô lệ hàng ngàn năm hay chết dần chết mòn từ sự đầu độc của cuộc chiến nhung lụa bằng những mĩ từ theo kiểu đánh tráo khái niệm vì hòa bình, phát triển, phồn vinh mà người ta cố tuyên truyên, nhồi nhét, mị dân.
(Cột mốc 92, Lũng Pô - Bát Xát - Lào Cai)
            Đi trong chiều bên giới, trên những cung đường cao chót vót, hiu quạnh đến hoang liêu, tôi luôn có cảm giác mình trở về một quá vãng xa xôi, đang ở nơi biên ải lạnh lẽo, vắng lặng, rờn rợn và u ám trong thế giới của những vần thơ biên tái. Tôi vẫn nhớ như in cái tiếng gió gào thét kinh hoàng, gió mạnh như muốn thổi bay cả người, cả xe trong buổi tối trên đường biên A Mú Sung năm trước. Cái quạnh quẽ, hoang vu, lạnh ngăt ngắt, đìu hiu tịch mịch chất chứa bao hiểm họa rình rập. Tiếng súng đã ngừng im nhưng đâu đã phải hết những hy sinh để bảo vệ từng tấc đất hay vị trí của mỗi cột mốc. Và chính hồn đất, hồn người, hồn cây cỏ vùng biên đang thì thầm nói, đang hiện hữu trên mỗi đoạn đường tạo cho tôi cảm xúc đặt biệt thiêng liêng, xúc động nhưng hơi hoang mang, sợ hãi, buồn bã, thê lương mỗi buổi chiều đi trên đường biên giới, dẫu đó là mùa xuân rực rỡ sắc hoa lá cỏ cây. Tôi vẫn sẽ trở lại vùng biên giới, đi trên những lối mòn hiu hắt gió xám lạnh chiều đông khi còn có thể đi, và tiếp tục đi đến nhiều điểm hơn trên các vành đai biên giới khác nhau ở khắp mọi miền. Tôi mong sẽ được nhìn thấy vẻ đẹp trọn vẹn trong niềm vui, trong cảm giác yên tâm và yên ổn. Đó có thể là được gặp lại chàng thanh niên dân tộc Lô Lô ở Lũng Cú kia với câu chuyện trên bục giảng. Đó là những đổi thay thực sự, cuộc sống tốt lên, đầy đủ hơn của người dân tộc mà vẫn giữ vẻ đẹp hồn nhiên, chân chất của bản sắc và tâm hồn. Đặc biệt, đến một lúc, ngày 17/2 này cũng được nhắc đến như tất cả những ngày lễ khác để kỷ niệm và tưởng niệm như 30/4, 7/5 hay 2/9. Hy vọng của tôi mong manh, khó thành dẫu vùng biên cương đào vẫn khoe sắc mỗi xuân, hoa cải vẫn vàng, hoa sim tím ngát và lau muôn đời còn phất phơ theo gió.
            Nhưng bây giờ đang mùa xuân, có nơi nào đẹp hơn vùng biên giới mà ta lại tự cắt mất đi những hy vọng tốt đẹp của mình?!
                                                                                                                             17/02/17


            

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ