“THƯA MẸ CON ĐI” ĐẸP NHƯ CHÍNH CUỘC ĐỜI


                                                                          Có lựa chọn nào không đớn đau?
                                                                       Có bình yên nào không xót xa?

            “Thưa mẹ con đi” – tiêu đề bộ phim đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh – cũng là câu chào mà Văn dành cho mẹ trước khi lên máy bay trở về Mỹ - một lời chào cất chứa trong đó sự lựa chọn trong đau đớn, giằng xé, đầy xót xa, day dứt, đầy khoắc khoải, buồn phiền, để được sống thực là mình, với tình yêu của mình – tình yêu khác, của nhóm người thiểu số - tình yêu đồng tính. Dòng nước mắt lăn chảy và Văn gục lên vai Ian ở sân bay khi đằng sau là cơn mưa mịt mù là phân cảnh đầy ám ảnh của bộ phim. Dù đã lựa chọn, dù tìm được nơi về nương náu cho trái tim để quên những cay đắng, những tháng ngày tiêu điều nhưng hai người họ có hạnh phúc trọn vẹn, có thanh thản hoàn toàn? Bởi gục đầu trên vai người yêu Văn lại nhớ về bờ vai mẹ như một ám ảnh – ám ảnh của đứa con bất hiếu, ám ảnh vì mình đã không thể làm gì cho mẹ hạnh phúc sau cả quãng đời cay cực, mà lại thêm lo phiền, đau đớn khi về già bệnh tật.


            Đề tài đồng tính trong phim Việt Nam không hề mới mẻ những đến “Thưa mẹ đi con” thì điện ảnh Việt mới có một bộ phim thực sự tử tế lấy câu chuyện tình yếu của người đồng tính, lấy vấn đề người đồng tính sống thật với mình, công khai là mình trong cuộc đời (come out) là câu chuyện trung tâm, xuyên suốt. Nó gây xúc động, lấy đi nước mắt của không ít người, và kéo người xem đến rạp vì đó là câu chuyện đời, câu chuyện của những số phận thuộc về thiểu số đang phải đối mặt, lựa chọn, nó thật như chính một góc cuộc sống, tâm hồn của những người đồng tính ở Việt Nam hiện tại. Để come out, được sống với tình yêu, hạnh phúc trọn vẹn, công khai thì họ phải qua một quá trình đấu tranh dai dẳng, cam go, không ít nước mắt và đau thương, để quyết định lựa chọn. Vấn đề không phải là cái nhìn bên ngoài, là xã hội, là những người xung quanh không liên quan, vì như Văn, Ian, như một số bạn mình biết, họ thừa điều kiện và khả năng vượt qua tất cả. Bức tường cao, khó, khắc nghiệt và nhiều đớn đau, xót xa  nhất chính là gia đình, người thân, là tình yêu thương đã thành một trở ngại để họ sống là mình, cho mình, trọn vẹn với bản thể, với phần người sâu thẳm của mình.
            Khác với xã hội phương Tây, con người sống với ý thức cá nhân, xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng cả nghìn năm và đến bây giờ chưa dứt của tư tưởng Nho giáo, biến nó thành những chuẩn mực, ràng buộc con người trong biết bao trách nhiệm, nhất là gia đình. Và trong quan niệm ấy, đã là con trai, nhất là trai trưởng, con một, đích tôn phải lấy vợ, phải yên bề gia thất, gánh vác việc gia đình, dòng tộc, báo hiếu mẹ cha, vì danh dự của cả họ hàng trước xóm làng và xã hội. Đây chính là khó khăn lớn nhất để Văn không thể dễ dàng công khai, dù với người thân yêu nhất là mẹ về tình yêu của mình với Ian. Và đến khi sự việc tình cờ bộc lộ, cậu cũng đầy mâu thuẫn, phải quyết định lựa chọn trong day dứt,  nghẹn ngào, đau khổ. Ngay cả Ian đến gần cuối phim, trước những biến cố của gia đình Văn, cậu vẫn đành lòng khuyên Văn ở lại. Vì mẹ. Vì gia đình. Vì sự hy sinh, những tình thương và cho đi quá nhiều của mẹ. Trở về nơi nương náu gần nhất, giàu tình cảm nhất kết cục lại thành trở lực, bức tường khó đạp đổ nhất. Thành kiến xã hội, những chuẩn mực bất thành văn khiến con người luôn áp đặt cái nhìn, tư tưởng, ý thức hệ và cảm xúc của đa số, của đám đông cho một thiểu số, một nhóm người khác, lạ, từ bẩm sinh họ. Những tín điều tưởng chừng thiêng liêng, cao quý, những thứ mà đám đông kia luôn coi là đạo lý lại thành một lực cản, đem đến những cách hành xử, cái nhìn phi nhân. Để rồi, chẳng có bình yên nào không xót xa, chẳng có lựa chọn nào không mang những giọt nước mắt khổ đau, cay đắng.
            Đến bao giờ người Việt mới hết những tín điều áp đặt lên mọi người như nhau? Đến bao giờ con người hết hy vọng vào cá thể, buông bỏ để họ sống tự do bằng bản thể của họ? Đến bao giờ con người mới tôn trọng cái nhân bản sâu xa nhất từ bên trong sự khác biệt của các cá thể? Sự bao dung, tình thương, lòng trắc ẩn, thấu hiểu và sẻ chia nhiều lúc cũng dẫn đến day dứt, bi thương. Mình đã thấy, nghe những câu chuyện như thế, khi bạn come out thì lại mặc cảm, thấy ân hận với tình yêu của gia đình, của bố, mẹ dành cho mình. Và nhiều người đã không dũng cảm/ ích kỷ/ đủ sự quyết liệt vượt qua, để lựa chọn theo quán tính cộng đồng, theo những gì mặc nhiên là đạo lý giả tạo trói buộc kia. Kết cụ là những bi kịch liên tiếp, không phải với một người, một gia đình. Viết đến đây, tự nhiên mình nhớ tới nhân vật Ân trong tiểu thuyết “Sông” của Nguyễn Ngọc Tư và sự lựa chọn kết thúc trong cô đơn, tuyệt vọng, trong nỗi đau chơi vơi của số phận người đồng tính lạc loài. Mình rất mong tiểu thuyết này sẽ sớm được chuyển thể, để chúng ta thấy một bi kịch nữa, đời hơn, đau đớn và ám ảnh hơn trong phim này: những thân phận của cá thể thiểu số cô đơn, lạc loài, thấy đời sống hư vô trước những chuẩn mực, đạo lý của xã hội trưởng giả. Bởi thực tế, không phải ai cũng có điều kiện, học thức và tìm được người mình yêu như Văn và Ian, nuốt nỗi đau và nghẹn ngào lại, chào một câu “Thưa mẹ con đi” – đi tới chân trời của chính đời sống mình.


            Có thể ý đồ của đạo diễn là ca ngợi tình yêu, nhất là sức mạnh của tình yêu chân thành, không phân biệt giới tính, có thể vượt qua, chiến thắng mọi định kiến, cảm hóa lòng người. Song hành với tình yêu ấy là tình thương, lòng bao dung, sự đồng cảm sẻ chia vô bờ của người thân yêu, như một điểm tựa, một chốn về vững chắc. Dẫu thế nào bà, mẹ vẫn chào đón con về bằng tất cả sự hân hoan, niềm tự hào. Nhưng cá nhân mình xem và cảm thì thấy điều đó không rõ lắm, ít nhất là khía cạnh tình yêu đồng giới kia. Dẫu những thước phim khá đẹp, chân thật mà vẫn bay bổng, lãng mạn lấy bối cảnh một ngôi nhà cổ (có vẻ phim đóng ở nhà cổ Bình Thủy – Cần Thơ?), không gian miền Tây khá bình yên, trữ tình. Diễn xuất của hai diễn viên chính cũng tự nhiên, dễ thương, có nội tâm dù chưa hẳn xuất sắc, mà bản thân mình rất thích nhân vật Ian. Tuy nhiên, mình vẫn thấy mọi thứ trượt trôi, không lắng đọng, dù phim xúc động, gây được cảm tình lớn. Có thể do từ biên kịch đến đạo diễn hơi non tay, đặc biệt các góc quay hầu hết đều không đặc sắc hoặc hỏng. Xuyên suốt phim gần hai tiếng, hầu như không có lời thoại nà đắt, cất chứa được chiều sâu suy tư, những trăn trở, khái quát vấn đề nhân sinh đặt ra. Câu thoại nổi bật lại thuộc về người mẹ, nói về thân phận đàn bà làm dâu cả đời chứ không được làm vợ, mà không phải câu thoại về tình yêu đồng giới, về sự tôn trọng cá thể trong sự khác biệt, hay việc sống hạnh phúc với cái thật nhất của bản thân mình. Phim không có những cảnh quay gây ấn tượng, hay ám ảnh, điểm nhấn để người xem phải day dứt. Các góc quay hầu như ít thể hiện được ý tưởng của đạo diễn, nhất là những góc cận cảnh, quay từ phía sau, từ gáy hoặc qua vai, song song hai nhân vật. Hoặc góc này bị cắt quá nhiều một nhân vật phụ, hoặc làm mờ quá vì xóa font kinh hoàng, nên không có hiệu quả là sự biểu lộ song song vừa đồng điệu, vừa tương phản. Trong khi đó, góc quay này mang hiệu quả cực tốt, gây ấn tượng đặc biệt với mình khi xem phim “Moonlight” – một phim cùng chủ đề với “Thưa mẹ con đi”.
            Trong phim này, tuyến nhân vật nữ lại gây ấn tượng mạnh hơn. Để lại ấn tượng mạnh nhất là diễn xuất của nữ diễn viên Hồng Đào trong vai người mẹ. Dường như cả số phận, cuộc đời, mọi vui buồn, lo âu, xót thương, hy vọng được thể hiện rất trọn vẹn. Hình ảnh cuối cùng của phim là người mẹ tập lái xe, để tự lập, tự lo có lẽ là một tín hiệu thay đổi, thay đổi trong quan niệm sống, quan niệm đạo đức của đám đông, của lớp người trước, để các con có hạnh phúc trọn vẹn, lựa chọn mà không đau đớn, an nhiên mà  không day dứt, xót xa. Song cá nhân mình lại thích nhất nhân vật người bà bị lẫn. Có lẽ đó là dụng ý của đạo diễn chăng khi ngay từ đầu, lần gặp đầu bà đã nhầm Ian là Cu Nâu (tức Văn – gọi bằng tên thân mật khi nhỏ). Cho đến cuối phim bà vẫn cứ nhầm thế, ôm văn nhưng chào Cu Nâu là Ian. Xây dựng nhân vật như vậy tạo ra một góc nhìn khác về tình yêu của Ian và Văn, nhất là về hoàn cảnh, tâm trạng, nỗi lòng của kẻ mang trong mình sự khác biệt với đa số, đi ngược lại đám đông. Đây là cái nhìn từ phía Ian, hiểu được những thử thách mà cậu sẽ phải đối mặt, vượt qua:  lần đầu về nhà người yêu – cũng là nhà lạ, toàn người lạ, ở một xứ lạ với nếp sống, phong tục, ý thức hệ, tư tưởng hoàn toàn khác. Tình yêu tự nhiên, sự gắn kết rất sâu nặng của một người mất trí nhớ phải chăng là biểu tượng của tình yêu lớn, vượt lên trên mọi ranh giới, chân thật, cởi mở và cao thượng nhất. Vì thế người bà có nhiều lời thoại dí dỏm, kiểu không lấy nó thì đàn ông thiếu gì… Tiếc là ý tưởng này không được thực hiện trọn vẹn vì các cảnh quay không được nhấn mạnh, khắc sâu, nhân vật cũng không có lời thoại nào sắc lẹm, như một tuyên ngôn tư tưởng, dù có cảnh bà giật mic nói. Thực tế trong văn học có nhiều nhân vật như vậy và nói lời say mà tình, điên mà nhớ, dại mà không, lẫn nhưng thông minh, vượt lên cả thời đại.
            Dẫu chưa có thể thành tác phẩm trọn vẹn về nghệ thuật như “Song Lang” nhưng “Thưa mẹ con đi” là một phim đáng xem vì sự tử tế và tinh thần nhân văn của nó. Đi xem phim để thấy cuộc đời, để hiểu con người, để mình sống đời và người hơn. Đây không phải phim giáo huấn hay một kiểu khai trí nhưng chính cái giản dị, chính cái điều nó thật như đời để mỗi người, dù đồng tính hay dị tính, dù thuộc về đa số hay thiểu số hãy một lần tự cất cho mình và cho người khác những gánh nặng ràng buộc, để chúng ta sống trong hạnh phúc mà không day dứt, bình yên mà không xót xa, để mỗi lựa chọn sống là một bước đi cần thiết chứ không phải đi qua nỗi đau và sự khắc khoải ưu phiền.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ