“Như cánh vạc bay” và mỹ cảm về vẻ đẹp hư hao



          Nhiều lần ngồi lặng nghe, lặng đọc tình khúc Trịnh Công Sơn tôi chợt nhận thấy một cảm quan thẩm mỹ rất đặc biệt của Trịnh: Cảm nhận về cái đẹp mong manh, mơ hồ và hư hao, dù đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc đời hay là vẻ đẹp của con người. Gắn với mỗi cuộc tình là bóng hình của một nhân vật em mảnh mai, hao gầy như một nét vẽ ấn tượng. Những ấn tượng ấy ngời lên trên mỗi ca từ, nốt nhạc của “Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Nắng thủy tinh”… Song có một ca khúc mà cái hư ảnh của mỹ cảm hư hao ấy hằn sâu hơn trong cảm xúc của tôi là “Như cánh vạc bay”. Ngay ở cái nhan đề bài hát đã là một ấn tượng - ấn tượng hình ảnh – “cánh vạc”. Và cái ấn tượng đầu tiên ấy như một sợi dây vô hình xâu chuỗi lại toàn bộ những rung cảm thẩm mỹ của bài hát – tất cả đều đẹp một vẻ đẹp theo lối ấn tượng, một vẻ đẹp của hình sắc mảnh mai, hao gầy, thanh thoát, vẻ đẹp của “cánh vạc bay”.
          Bài hát được bắt đầu bằng những giai điệu nhẹ nhàng, trầm và bằng những hình ảnh so sánh sắc, gợi, miên man, bồng bềnh của liên tưởng:
                             “Nắng có hồng bằng đôi môi em
                   Mưa có buồn bằng đôi mắt em
                   Tóc em từng sợi nhỏ
                   Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”
          Những ca từ và hình ảnh đầu tiên của bài hát đem đến cho người nghe một dáng hình của hồng nhan – “em”. Cách so sánh lạ hóa của Trịnh đem đến nhiều suy tưởng và rung cảm mới mẻ, đa chiều. Nếu xưa kia, trong phong trào Thơ Mới, Xuân Diệu viết “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” đã quá tân kỳ, đã bị coi là “rất Tây” thì nay Trịnh còn mở rộng đến tận cùng trường liên tưởng bằng những so sánh sáng tạo. Vẫn là lối so sánh theo công thức thông thường, chuẩn mực nhưng mọi thứ dường như được làm mới, được mờ hóa chỉ còn đọng lại một vài ấn tượng đằm sâu: “Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em”. Hai nét vẽ nhưng nảy lên hồn của cái đẹp, nhan sắc của em, của một mối tình xưa. Ở đây, ca từ sử dụng cách so sánh không bằng nhấn mạnh nét đẹp của đôi mắt, của đôi môi. Và cách viết lời theo hình thức câu hỏi tạo ra những dư vang riêng, nét tinh vi riêng cho lời. Phải chăng tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên phải nhường cho nét đẹp của em. Nắng không hồng bằng đôi môi em, mưa cũng không buồn bằng ánh mắt em. Đôi mắt ấy mang chiều sâu của một tâm hồn đa cảm, một cuộc đời đa đoan, nhiều sầu lụy của kiếp hồng nhan chăng? Sức gợi của hình ảnh đã nói lên được bao điều sâu xa không có trong ngôn từ.

          Để rồi cái hương sắc hồng nhan ấy được bổ khuyết bằng nét vẽ cuối, nhưng không thể thiếu: “Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”. Thực ra, khi nhắc đến “Tóc mây một món dao vàng” để tả dung nhan của người phụ nữ yêu kiều, tha thướt rất quen thuộc, đã mang tính cổ điển (Ví dụ: “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” ,“Truyện Kiều” – Nguyễn Du). Và quả thực ở khổ ca từ đầu này, Trịnh cũng sử dụng bút pháp ước lệ hóa, thủ pháp gợi, “lấy điểm tả diện” của thơ ca cổ điển. Nhưng trước sau Trịnh vẫn là người hiện đại, mang cảm quan hiện đại nên nhìn mái tóc mây mềm mại ấy mới liên tưởng đến sóng lênh đênh. Con sóng ấy là sóng tóc, cũng là sóng lòng, sóng tình đang trào dâng trong lòng, đang ngời lên trong ánh mắt, thôi thúc nhịp con tim đập vội vàng, giục giã đời biết yêu, cần yêu:
      “Gió sẽ mừng vì tóc em bay
      Cho mây hờn ngủ quên trên vai
      Vai em gầy guộc nhỏ
      Như cánh vạc về chốn xa xôi”
          Vâng! Mọi vẻ đẹp chỉ được cất cánh, ngời tỏa khi có sự giao hòa, tương tác. Em sẽ càng rạng ngời, tươi xinh trong cuộc đời, làm đẹp cho đời. “Gió sẽ mừng vì tóc em bay” bởi khi nhìn tóc em bay người ta biết sự hiện hữu của gió. Để rồi từ đó mây ngủ quên trên vai – ngừng trôi, để vẻ đẹp mãi mãi tươi trong cuộc đời. Trên nền của vẻ đẹp thiên nhiên ấy, là nét mảnh mai, quyến rũ, gầy guộc của em. Trong bài “Hạ trắng”, chúng ta đã một lần được rung động bởi bờ vai hao gầy, mong manh ấy: “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay…”. Và trong tình khúc này, ta lại hạnh ngộ cùng “vai em gầy guộc nhỏ”. Song hạnh ngộ để ta phát hiện, để cảm thấu bao vẻ đẹp mới. Cách so sánh “Vai em gầy guộc nhỏ/ Như cánh vạc về chốn xa xôi” trong lối thơ vắt dòng đã cụ thể hóa, ấn tượng hóa vẻ đẹp ấy. Dường như đằng sau hình ảnh ấy không chỉ là chút hư hao của một đời hồng phai nhan sắc. Nó còn gợi liên tưởng đến cuộc đời lênh đênh, nhọc nhằn và phù du của bao kiếp đời lặn lội, của bao phụ nữ bình dị mà số phận đầy xót xa trong ca dao thân thuộc như những thân cò, thân vạc:
-         “Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”.
-         “Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”


          Tuy nhiên, hơn ở đâu hết, trong những dòng ca từ này cái đẹp tỏa rạng. Một sắc đẹp rất truyền thống, rất xưa, rất đằm sâu mà cũng rất nhỏ nhoi, hư ảo. Cái đẹp ấy như chứa mầm phôi pha, là những tinh túy của cuộc đời nhưng cũng là nạn nhân, là chứng nhân cho những phai tàn, pha phôi. Đồng hành cùng cảm hứng thẩm mỹ hư hao, thanh mảnh ấy là một nỗi buồn thấm thía mang theo chút dư tình mây khói. Dù chưa hiện hữu trực tiếp những những nỗi buồn man mác, thấm sâu của một mối tơ vương hoài cố nhân đã rơi rắc khắp nền nhạc, lời ca. Song buồn mà không sầu, ly biệt mà không đổ vỡ, tuyệt vọng. Tất cả vẫn toát lên một vẻ đẹp rất trần thế, rất tinh khiết, trong ngần:
                                       “Nắng có còn hờn ghen môi em
                             Mưa có còn buồn trong mắt trong
                             Từ lúc đưa em về
                             Là biết xa nghìn trùng”
          Ngày xưa khi nói về thân phận hồng nhan bạc mệnh của nàng Kiều cụ Nguyễn Tiên Điền đã viết “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Thế mới sinh ra chuyện “Tài mệnh tương đố”, “hồng nhan đa truân”, “Quân tử đa cùng”… Cho nên, sắc môi hồng đào, mái tóc mây mềm, khóe mắt trong sâu thẳm buồn vương như đã mang trước mệnh của kẻ tài hoa, của tình ly biệt, của giấc phù du. Hơn ai hết, “anh” cảm nhận. thấu suốt những điều đó. Đưa em về là biết xa cách nghìn trùng, là biệt ly mãi mãi. Tình này thành tình xưa, tình nhân nay sẽ thành cố nhân. Biết bao nỗi lòng, bao cảm xúc, bao tình không nói nên lời trong buổi phân ly ấy. Tất cả đều đẹp nhưng mỏng, mảnh quá, ngắn ngủi, dễ vỡ quá, mơ hồ quá. Tất cả chỉ là những lung linh màu sắc của cầu vồng ảo như bọt nước trong veo tan biến trong khoảnh khắc. Để rồi, sau ngành biệt ly ấy là nỗi sầu tê tái. Là cõi lòng hoang lạnh, trống tênh:
                                       “Suối đón từng bàn chân em qua
                             Lá hát từ bàn tay thơm tho
                             Lá khô vì đợi chờ
                             Cũng như đời người mãi âm u”
          Đưa em sang sông về bến và mong những điều tốt đẹp nhất cho em. Tất cả tình cảm, tất cả những biểu hiện đều gượng nhẹ, đều khẽ khàng, nâng niu: “Suối đón từng bàn chân em qua/ Lá hát từ bàn tay thơm tho”. Xa cách, ly tan nhưng tất cả vẫn còn đó. Những dư tình hoài niệm vẫn thanh khiết, nhẹ nhàng, vẫn thơm tho như một hương thơm của nỗi u hoài. Nó vướng vít lòng kẻ si tình, nặng tình như một sợi tơ giăng mắc. Để rồi đợi chò mòn mỏi, rồi mong ngóng khắc khoải, rồi hy vọng xót xa. Chờ, đợi, mong, nhớ, khao khát, cô đơn, võ vàng thân xác như chiếc lá khô lìa cành. Một hình ảnh gợi mà nhói lên trong tim ta cái cảm giác đau buốt, tê tái như chốn u tịch, xám ngắt của đông giá. Và trong nỗi niềm nhớ tiếc ấy, nét đẹp của tình yêu, của tấm lòng “anh” vẫn vút bay, cất cánh như cánh vạc cùng nốt nhạc:
                                       “Nơi em về ngày vui không em
                             Nơi em về trời xanh không em
                             Ta nghe nghìn giọt lệ
                             Rớt xuống thành hồ nước long lanh”


          Dù tận cùng cô đơn, tuyệt vọng, đau xót bởi tình lỡ nhưng anh vẫn cầu chúc những điều hạnh phúc nhất cho em. Hình thức những lời ca từ là câu hỏi nhưng thực chất nó là niềm mong ước, lời chúc phúc cho em. Người tình xa đang mong từng ngày em về là từng ngày vui, nơi em về là bầu trời xanh thẳm để tóc em bay, để môi em hồng, để mắt em buồn, để bao trái tim rung động. Mong ước ở nơi xa với chân trời bình yên, niềm vui và hạnh phúc; còn nơi đây ta nghe chính tim mình đang nhỏ lệ. Nước mắt đang tuôn rơi khóc người em về. Nghìn giọt lệ chảy từ mắt, từ trái tim, từ cõi lòng. Tất cả hòa tan thành hồ nước long lanh, thành biển kính vô hình của vũ trụ. Cái long lanh của hồ nước kia vẫn ngời chói cái long lanh của nhan sắc, của vẻ đẹp, của tình xưa, của lòng ta. Và nó mãi mãi là cái long lanh của một thuở trong lòng những kẻ tình nhân. Bởi cuộc tình đẹp nhất là tình dang dở. Trong lòng những kẻ tình xa giờ đây không chỉ có mối tình sầu, tình phai, tình xót xa vừa mà còn cất chứa chất trinh nguyên của cái đẹp. Họ mãi hoài mong về nhau với những ấn tượng đẹp nhất của thời hoa niên, của mùa nhan sắc, của tình thắm…
          Khi người ca sĩ dừng lời ca cuối cùng, những tiếng ghi ta vẫn vang lên chầm chậm, nhỏ dần và kết thúc. Khoảng lặng đang dần xâm chiếm mà thanh âm vẫn cứ vang vọng. Tất cả âm nhạc, lời ca cứ lãng đãng trôi như cánh vạc bay về chốn xa xôi. Nét gầy guộc, mảnh dẻ, hư hao, hồng phai của em, chút tình xưa còn vấn vít, lòng anh vẫn gửi câu chời theo gió… Ngôn từ, âm nhạc cùng cảm xúc quyện lại thành hình tượng, biểu tượng của cái đẹp, cái tình như cánh vạc bay.
                                                                                                                                        24/11/2010

Nhận xét

  1. Tập truyện của tác giả rất hay, đọc rất tâm trạng, mời các bạn tham khảo các thông tin sau >> Xem bệnh Thoái hóa niêm mạc là bệnh như thế nào ?

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ