“TIẾNG GỌI NƠI HOANG DÔ – TIẾNG GỌI TRỞ VỀ BẢN THỂ CUỘC SỐNG
1.
Hành trình trở về “nhà”
Bộ phim điện ảnh “Tiếng gọi nơi hoang
dã” (The call of the wild) của đạo diễn Chris Sanders dựa theo tiểu thuyết trứ
danh cùng tên của nhà văn Jack London, dẫu không phải là phiên bản điện ảnh đầu
tiên, nhưng vẫn để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng đẹp về chú chó Buck, về tình cảm
của con người trong mối quan hệ với động vật, với thiên nhiên, về một cuộc hành
trình trở về “nhà” theo tiếng gọi nơi hoang dã của Buck, cũng là của John
Thornton. Cốt truyện phim có một số tình tiết thay đổi, kể cả về các nhân vật
song về cơ bản hành trình của Buck tìm về ngôi nhà thiên nhiên, sống với bản thể
hoang dã giống loài tổ tiên, tinh thần của tác phẩm gốc vẫn được giữ nguyên vẹn.
Cuộc hành trình ấy là trải nghiệm của một chú chó nhưng cũng chính là những
chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống và con người.
Hành trình trở về ngôi nhà thiên nhiên
vĩnh hằng của chú chó Buck đầy gian nan, nguy hiểm, thử thách. Từ một chú chó của
thẩm phán Miller ở vùng Canifornia, miền Nam, được cưng chiều như vua, chú chó
to lớn bị bắt cóc đem tới vùng Alaska xa xôi, lạnh lẽo, làm việc kéo xe nặng nhọc,
sống theo quy luật của dùi cui và răng nanh. Buck trải qua rất nhiều sự thay đổi
mà bài học đầu tiên chú nhận được là bài học của chiếc dùi cui. Chú cho to lớn
không gục ngã nhưng buộc phải quy phục, thích ứng. Kéo xe đưa thư, giành vị trí
đầu đàn, kiệt sức vì bị đối xử tệ bạc bởi những kẻ đi tìm vàng tham lam, đến
khi gặp John, Buck không còn bị coi là vật sở hữu mà giống như một người bạn, một
người cùng đồng hành với ông già đang lẩn trốn những đau thương. Hành trình ấy
đã đánh thức hoàn toàn bản năng tổ tiên xa xưa của chó săn trong Buck, khiến cậu
vĩnh viễn không thể trở lại sống cùng thế giới văn minh loài người nữa, như lời
John nhận xét cuối phim. Và Buck đã tìm về nhà, sống cùng đồng loại của mình giữa
núi rừng bao la vùng Alaska hùng vĩ. Hành trình trở về theo tiếng gọi nơi hoang
dã là hành trình Buck tìm lại tiếng nói của mình, không chỉ hiểu tiếng người mà
còn hiểu tiếng của giống loài, sống đúng bản thể, tự do, mạnh mẽ, hoang dại,
kiêu hùng.
Ngoài hành trình trở về ngôi nhà thiên
nhiên theo tiếng gọi nơi hoang dã của Buck, phim còn khắc họa hành trình trở về
nhà của John Thornton. Nhân vật này đã được thay đổi nhiều so với nguyên tác
nhưng chính sự thay đổi đó đem lại nhiều cảm xúc, suy tư sâu sắc về cuộc đời, lẽ sống. Lần đầu tiên gặp Buck trước khi ông
lên tàu, chú chó lượm chiếc khèn trả lại ông. Rồi duyên phận đưa họ đến với nhau
khi Buck gặp lại John ở nơi xa xôi, chính cậu dừng lại khi thấy John để nhận lá
thư cuối cùng vì John ra trễ. Để rồi sau đó, chính John đã cứu Buck khi cậu bị
vắt kiệt sức trên đường kéo xe của một nhóm đi tìm vàng hung hãn, tham lam,
không hiểu cuộc sống vùng Bắc cực khắc nghiệt. Chính Buck đã khiến John hạn chế
uống rượu, đối mặt với hiện thực, những nỗi đau, mất mát của mình. Cả hai bước
vào một hành trình mới, đầy phiêu lưu đến nơi xa xôi của khu rừng, nơi mà cậu
con trai đã mất của John ao ước một lần tới. Cuộc hành trình đẹp và cái kết là
họ đã tới miền cổ tích, để Buck về nhà thiên nhiên, và John nghĩ tới về nhà
mình, hàn gắn những đổ vỡ, đau thương. Đau thương, mất mát, nỗi ám ảnh trong
quá khứ dần được xoa dịu để John trở về bởi như ông khẳng định từ đầu, ông đến
Alaska không phải vì vàng, ông đi tìm quên lãng, trốn tránh thực tại và chính bản
thân mình.
Hai hai hành trình trở về “nhà” chính
là hành trình đi tìm bản thể cuộc sống hồn nhiên, sống với chính bản thân, ban
sơ, thuần phác. Đó cũng là hành trình tìm đến sự giải thoát, cứu rỗi, để mỗi
sinh linh trong đời sống được tự do, vui vẻ, hạnh phúc. Những hình ảnh của
John, Buck sống trong ngôi nhà ven suối, đi bắt cá, săn chim, đãi vàng, rồi sau
chính John cũng vứt trả lại suối gần như hết số vàng đó, khiến mỗi người xem
không khỏi trầm trồ vì cái đẹp trong trẻo, bình yên, vô tư. Thứ hạnh phúc vĩnh
hằng mà con người tìm thấy trong thiên nhiên, trong cuộc đời thuận hậu, chỉ vừa
đủ, như một điểm tựa vững chãi để có thể đương đầu, vượt qua mọi mất mát, đau
thương, để sống dũng cảm hơn, nhân hậu và an yên hơn.
2.
Cuộc sống là quá trình cộng sinh
Buck khác những chú chó kéo xe khác vì
cậu đã từng ở cùng con người trong thế giới văn minh, hiện đại, có thể hiểu được
tiếng nói, cảm xúc của con người. Và Buck luôn thân thiện, gắn bó với chủ của
mình dù hoàn cảnh sống khắc nghiệt, dù phải sinh tồn bằng bản năng sức mạnh của
nanh vuốt. Trừ những kẻ khát vàng tra tấn đàn chó và Buck, còn với bất cứ ai cậu
gắn bó đều sống rất tình cảm. Mối quan hệ giữa Buck với con người, với đồng loại
cho người xem thấy rõ bản chất của sự sống chính là sự cộng sinh, tương tác,
hài hòa, tôn trọng lẫn nhau. Đây là điểm khác mà chú chó Buck được nhấn mạnh
trong phiên bản điện ảnh, có phần nhân hóa hơi quá khiến đọc một số bài viết có
nhiều ý kiến coi đây là nhược điểm của phim, nhất là so với nguyên tác và bản
tính loài chó, nhất.
Dẫu là nhược điểm song Buck được xây dựng
là một “con chó ngoan” theo lời của John, sống rất tình cảm và luôn hỗ trợ những
sinh vật xung quanh. Bài học đầu tiên mà người đưa thư dạy cho Buck chính là ý
thức sống cộng sinh, tinh thần đồng đội ấy. Lần đầu kéo xe, Buck không theo kịp,
chưa quen với việc nặng, thậm chí ỷ lại khiến xe thư bị đổ, mất thời gian kéo
lên, rồi đi khá chậm. Sau lần đó và lời nói của Perrault – người đưa thư – Buck
đã gắn kết hơn, chia sẻ hơn. Những chi tiết được khắc sâu về sự chia sẻ, yêu
thương, cứu đỡ của Buck khiến phim mang tinh thần nhân văn và rất cảm động. Đó
là việc nhường phần ăn của mình cho một chú chó bị bắt nạt bởi con đầu đàn Spitz;
là Buck bất chấp tính mạng cứu vợ của người đưa thư; là việc phá băng để các
con trong đoàn chó kéo xe uống, không phải sợ Spitz; là việc Buck cứu chó sói
trong rừng, cứu John khỏi kẻ đào vàng… Với con người hay đồng loại, ta luôn thấy
Buck vô cùng tình cảm, sẵn sàng nhận nguy hiểm, nặng nhọc trước khó khăn. Đó là
phẩm chất của con đầu đàn, của một leader.
Chính vì thế Buck thay đổi dần John, gắn
bó với ông, khiến ông dần trở về thực tại, đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống,
tìm sự giải thoát, tìm lại niềm yêu đời, vui sống. Với John, Buck không phải
chó của mình. Ông cứu cậu, nói rất rõ có thể ở, đi, rất tự do, không cần ở lại
với ông. Rồi hành trình đi tới nơi con trai John từng mơ ước đã khiến họ thành
bạn đồng hành, thành tri kỷ, hiểu nơi thực sự có ý nghĩa, để tìm về, để sống một
cuộc đời đích thực. Với John chính là gia đình, là người vợ ông bỏ lại khi tình
cảm rạn nứt sau cái chết của cậu con trai; với Buck là rừng xanh, là bầy sói
xám, là Alaska. “Tiếng gọi nơi hoang dã”, do đó, là tiếng gọi từ sâu thẳm tâm
can, từ bản thể tự nhiên để mỗi sinh linh thấy mình từ sự tương tác với kẻ
khác, từ sự trân trọng và tình yêu thương cái khác mình.
Hành trình về nơi hoang dã của Buck,
phiêu lưu cùng John thể hiện thông điệp sống mang chiều sâu triết lý: con người
cần sống yêu thương, tôn trọng các sinh vật khác, hài hòa với thiên nhiên. Cuộc
sống luôn có một quy luật bí ẩn mà chúng ta phải tôn trọng. Phá vỡ nó mọi thứ sẽ
bị hủy diệt. Buck, ngay cả đàn sói, và con người luôn có thể cùng chung sống
hòa bình, cùng hạnh phúc, vui vẻ khi biết thế nào là đủ, biết tôn trọng nhau và
không xâm phạm lãnh địa sống của nhau. Chuyến thư thành công ngoài mong đợi,
Buck cứu chủ khỏi cái chết trong gang tấc sau trận lở tuyết khiến ai cũng cảm
phục. Nhìn những người nhận thư trong niềm hân hoan, người chủ nói với Buck rằng:
những chuyến đi không chỉ là đưa thư, mà nó là mạng sống, là hy vọng, là tình
yêu. Ở đời không chỉ con người, sinh linh nào cũng có đời sống, linh hồn, cũng
tạo ra một giá trị, ý nghĩa tinh thần nào đó. Từ giọt nước mắt của chàng trai
đưa thư khi Buck bị cuốn đi vì cứu vợ mình, đến sự tin cậy của cô vợ, và sau
này John coi Buck như tri kỷ, tâm giao cho ta thấy rằng: đời sống nào cũng đáng
quý, con người đừng cao ngạo về mình, đôi khi những bài học đáng giá nhất chúng
ta có được từ một chú chó.
3.
Cuộc phiêu lưu đầy ly kỳ, xúc động bằng hình ảnh
“Tiếng gọi nơi
hoang dã” là phim cực hấp dẫn với những bạn thích xê dịch, du lịch khám phá, muốn
trải nghiệm cảm giác mạnh, ngắm nhìn những khung cảnh lung linh, huyền ảo của
thiên nhiên. Từng khuôn hình, góc máy, từng cảnh quay đều đẹp đến ngỡ ngàng,
đem đến một thế giới Bắc cực Alaska vừa hoang sơ, kỳ vĩ, vừa tráng lệ rực rỡ, vừa
thơ mộng, hư huyền. Đích thực hành trình của John và Buck đi tới khu rừng, đến
nơi mơ ước của cậu con trai John là mộc cuộc phiêu lưu. Họ đã đi dọc sông, trải
qua bao thác ghềnh, những khu rừng rậm, tuyết trắng, đến một nơi như cổ tích,
thời gian ngưng đọng trong thiên nhiên tươi đẹp, giàu có, hiền hòa, hoang dã,
man dại.
Bản thân hành trình của Buck cũng là
cuộc phiêu lưu đầy ngẫu nhiên, ly kỳ bắt đầu từ lúc Buck kéo bung dây xích, chạy
lên boong tàu, thấy một thế giới hoàn toàn khác. Cuộc phiêu lưu bắt đầu, cuộc
chiến sinh tồn khởi phát. Theo hành trình ấy, người xem từng bước ngỡ ngàng trước
vẻ đẹp của hình ảnh phim, về một nơi mà ngoài cơn sốt vàng thời điểm đó, còn ẩn
chứa những điều kỳ diệu. Khung cảnh được chuyển biến theo thời gian của nhiều
mùa, nhiều địa điểm, tạo nên một thế giới toàn vẹn, mênh mông, bát ngát cả
thiên nhiên và cuộc sống con người. Chiếc xe đưa thư lướt đi cùng đàn chó là những
khung cảnh tuyệt mĩ mở ra: sông băng, rừng tuyết trắng, bình minh trên núi tuyết,
hang băng, hoàng hôn, Bắc cực quang, cả Milkyway, những đàn tuần lộc lướ qua, rồi
con thuyền trôi trên sông, qua những khu rừng, gấu, đàn sói, ánh nắng xuyên rừng
những ray sáng trên hoa cỏ mùa xuân… Những hình ảnh dù trôi đi nhanh theo tiết
tấu dồn dập của phim nhưng để lại ấn tượng mạnh. Xem phim, nhiều người sẽ muốn ấn
nút pause để được ngắm nhìn tường tận, lâu hơn mỗi khuôn hình, khung cảnh. Những
góc quay rộng, hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt, triệt để khai thác những mảng tương
phản về ánh sáng tạo cảm giác hình ảnh chân thực, sống động, cùng cảm xúc mãnh
liệt.
Ngoài những khuôn hình thiên nhiên
hoang sơ, man dại, kỳ thú, thơ mộng, bối cảnh cuộc sống, dù chỉ là một vài chi
tiết nhưng cũng khá đặc sắc. Những con phố nhỏ, bar, ngôi nhà của John. Đặc biệt
những đoàn người nối dài chờ thư, rồi tán dương mạnh mẽ khi Buck cùng chủ nhân
đã đưa thư về đúng giờ gây nên niềm xúc động mạnh. Những góc quay cận cảnh, dù
ít nhưng lại đặc biệt được chú ý làm nổi bật các nhân vật. Khác với các góc rộng
quay thiên nhiên gắn với tiết tấu nhanh, lướt đi như một cuộc phiêu lưu thì các
góc cận cảnh đọng lại trong tiết tấu rất chậm, tập trung vào ánh mắt, khuôn mặt,
cử chỉ của Buck, John, hai vợ chồng người đưa thư, những con sói… Khung cảnh và
sinh hoạt trong ngôi nhà của John ở thị trấn và trong rừng được khắc họa chi tiết,
thường gắn với cuộc sống, sự gắn bó của ông và Buck. Chính điều đó đã thể hiện
tốt chiều sâu nội tâm nhân vật với những bi kịch đang ngấm ngầm diễn ra trong
lòng, làm nổi bật tình cảm đặc biệt của John và Buck. Đó là những khoảng lắng tạo
nên một thế giới hình ảnh, một chiều kích khác về Alaska, về Buck và những con
người xung quanh nó.
Với việc dùng kỹ xảo CGI để tạo hình
Buck và những con vật trong phim, sẽ có nhiều cảnh Buck hiện lên không thật tự
nhiên hoặc bị nhân cách hóa hơi quá. Song nhìn từ một góc khác, nếu bạn có nuôi
chó hay thú cưng, thì nhiều khoảnh khắc ta luôn thấy những con vật như có đời sống
tâm hồn riêng của chúng chứ không hoàn toàn là bản năng. Và cuộc sống này chỉ
tươi đẹp, vững bền khi con người hãy nhìn và đối xử bình đẳng, yêu thương, tôn
trọng với thiên nhiên và muôn loài. Phiên bản điện ảnh 2020 của “Tiếng gọi nơi
hoang dã” có thể không xuất sắc nhưng thực sự đáng xem vì đẹp trong tính nhân
văn và thế giới nghệ thuật nó tạo ra bằng ngôn ngữ điện ảnh. Đây là một cách hiểu,
thể hiện tinh thần của tiểu thuyết trứ danh mà Jack London viết hơn một thế kỷ
qua theo cách riêng, độc đáo, làm phong phú hơn trí tưởng tượng và những suy tư
trong tâm hồn người xem, kể cả đã đọc nguyên tác văn học.
22.02.20
Nhận xét
Đăng nhận xét