“ÔNG ĐỒ” CỦA VŨ ĐÌNH LIÊN – NỖI HOÀI NHỚ BI AI VỀ "MUÔN NĂM CŨ"
Thế là mấy ngày Tết đã qua trong chút ít cảm xúc khuấy loãng của mình. Bắt đầu giai đoạn “lão hóa” mất rồi và không rung động mạnh mẽ, mãnh liệt đặc biệt với bất cứ điều gì nữa. Không tìm đâu trái tim phập phồng để giao cảm nữa. Tiễn Tết, đón việc cứ như một lẽ tất yếu, không bàn cãi gì. Thời gian bào mòn ít nhiều lượng quặng trong hồn người mất rồi. Đọc những thứ dài bắt đầu thấy ngại. Lật mở mấy trang “Thi nhân Việt Nam” và xúc động trước một điệu hồn Tết Việt trong “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ. Và như sực nhớ một khiếm khuyết, tiễn Tết nhưng mình lại ngồi đọc “Ông đồ” của Vũ Đình Liên trong sự hoài cổ, hoài vọng diết dóng.
Tết, một từ quen thuộc đến sáo mòn với mỗi người Việt mà vẫn cất chứa trong mình bao vẻ đẹp, nét duyên tiềm tàng. Người ta ăn Tết, chơi Tết, ngắm Tết qua. Người ta thưởng Tết bằng những thói quen, những thú chơi tao nhã, văn hóa. Thú chơi câu đối ngày Tết là một loại hình văn hóa đặc thù, đẹp đẽ, đáng trân trọng biết. Thời cuộc thay đổi, nhiều hệ giá trị cũng thay đổi, nhiều quan niệm của con người bị đem ra xem xét lại, nhưng cũng có nhiều giá trị tinh thần vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, giá trị tự thân của nó. Ngày nay, khi Tết đến, nhiều người vẫn qua Phố Ông Đồ xin chữ đầu năm như một nhu cầu thưởng thức tinh thần thi vị. Và hình ảnh ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên lại ngời lên trong cảm xúc nhọ nhạt, hiếm hoi về tết của mình.
Bài thơ được mở đầu giản dị bằng những
câu thơ viết theo bút pháp tự sự:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Ông đồ
xuất hiện bên phố, vào mỗi dịp tết như một lẽ bình thường tất yếu của Tết. Sự
xuất hiện ấy cũng giống như đã Tết là có hoa đào vậy. Nhịp thời gian luân
chuyển, nhịp sống tuần hoàn và hình ảnh ông đồ đã trở nên quen thuộc đến thân
thuộc, thành một đặc trưng của ngày Tết. Theo cái chu trình bất biến của tự
nhiên, hoa đào nở và lại “nở ra” ông đồ với mực tàu, giấy đỏ. Dường như đằng
sau sự thân thuộc đến quen nhàm ấy, ta vẫn thấy cảm giác ngóng vọng, đợi chờ
của mỗi người về một ông đồ gầ gũi nơi phố Tết. Không gian nghệ thuật của bài
thơ mở ra với bao mỹ cảm văn hóa rất tinh tế, rực rỡ: hoa đào đỏ, ông đồ với áo the khăn xếp, giấy đỏ, mực tàu đen. Sự
tương phản màu sắc đỏ/ đen thật tự
nhiên làm bừng sáng cả không gian Tết đẹp, Tết tinh thần. Từ “mỗi năm” là một
từ phiếm chỉ thời gian để nói lên cái vô cùng, vô tận. Không ai biết ông đồ
xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng mỗi năm hoa đào nở thì thấy ông đồ già. Cái
sắc trắng của mái tóc đặt cạnh bên sắc tươi thắm của hoa đào là một nghịch cảnh
oái oăm. Một cái gì tươi mới khai mở để tiễn một cái cũ xưa, già úa. Nhưng đằng
sau cái vẻ xưa xăm kia của ông đồ là cả một quá khứ vàng son, cả một truyền
thống, là hồn riêng Tết dân tộc.
Song cái nét đẹp của văn
hiến Tết cổ truyền ấy lại đặt trong cảm quan tương tranh với nhịp sống mới,
hoàn cảnh xã hội mới: Ông đồ nho/ nhịp
sống phố phường. Đó là sự tương tranh giữa mới/ cũ; nếp sống nông nghiệp cộng đồng/ nhịp sống đô thị xô bồ, văn
hóa phương Đông/ văn hóa phương Tây… được nhà thơ gửi gắm kín đáo. Và chính
những điều tương tranh, tương khắc ấy như báo hiệu trước sự ra đi của một lớp
người xưa, sự tàn tạ của nếp sống xưa, sự pha phôi của nét văn hóa cũ… và kéo
theo sự mất mát rất nhiều trong hồn người. Đọc mấy câu đầu tưởng đẹp tươi, rực
rỡ, hân hoan nhưng không phải. Ngược lại, cái nhịp điệu nhẩn nha, chậm rãi (dù
bài thơ được làm theo thể năm chữ rất ngắn) của bài thơ ngấm ngầm báo hiệu một
điệu buồn tuy không ảo não mà thê lương, tuy ngấm ngầm mà sắc buốt, tuy nhẹ
nhàng mà thấm thía, mà xé cào những tâm tư.
Theo sự biến cải của xã hội, ông đồ cũng thích
nghi dần, cố hòa vào trong cái vòng xoáy ấy. Hành động “Bày mực tàu giấy đỏ/
Bên phố đông người qua” của ông đồ là một việc bất đắc dĩ, thương mại hóa cái
việc vẫn được coi là cao cả, một thú chơi tao nhã của lớp chân nho thời xưa.
Bởi việc viết chữ, chơi chữ là một thú, một nét đẹp rất văn hóa, rất lịch lãm
của bậc trí thức, danh nho. Chơi chữ - chơi thư pháp không chỉ vì chữ đẹp, văn
hay mà còn vì cái tâm, cái tình, phẩm cách cao cả của người cho chữ. Trong
truyện “Chữ người tử tù”, Nguyễn
Tuân cũng đã xây dựng thành công một “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có” – cảnh
Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong đề lao tối tăm trước ngày ra pháp trường
– mà theo Nguyễn chỉ còn là “vang bóng một thởi”. Có đặt việc ông đồ bán chữ
nơi phố đông người qua trong một bối cảnh văn hóa như thế ta mới thấy hết cái
thất thế, sa cơ của ông đồ nho trong cái xã hội đang “Âu hóa”, đang vặn mình
theo văn minh cơ giới, khước từ những gì là “lạc hậu”, “lỗi thời”. Thế nhưng, ở buổi đầu giao thời ấy, dù phải
mang chữ nghĩa, văn chương bán phố phường, ông đồ vẫn còn được một vài phút đắc
ý, vẫn được ngó ngàng, vẫn chưa hoàn toàn bị thất sủng. Nhìn cái cảnh:
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
thì ai cũng thấy phấn chấn, cũng thấy hân hoan, nhẹ
nhành, bay bổng. Bao nhiêu người du xuân, chơi Tết phải dừng lại ngắm nghía,
trầm trồ tài nghệ của ông đồ. Dầu là cách cho chữ, bán chữ theo hướng chẳng lấy
già làm trang trọng, thiêng liêng nhưng ông đồ vẫn có những phút giây hạnh
phúc, vui vầy. Cách người “tấm tắc ngợi khen tài” chất chứa bao thán phục, bao
sự ngưỡng vọng không ghìm nén mà thốt ra thành lời trầm trồ. Cái tài của ông đồ
được bừng dậy, tỏa rạng, được đẩy lên đỉnh cao trong nghệ thuật thư pháp. Cái
tâm thế, tâm trạng ấy cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao với ông đồ và với bao
trí thức chân chính. Khi con người biết trầm trồ trước nét chữ “phượng múa rồng
bay” cũng là lúc người ta vẫn còn trọng đạo học, vẫn biết mến tài, yêu đẹp, quý
thiên lương. “Nét chữ là nết người” – các cụ nhà ta đã nói vậy cho nên trọng
chữ, mến tài cũng là thước đo để ta thẩm cái tâm của bao người trong xã hội ấy
– một cái tâm vẫn còn ít nhiều lành vững, vẫn chưa hoàn toàn xu thời, nhấn chìm
mình trong thời cuộc xoay vần.
Và
trong những nét chữ ấy, ông đồ đâu chỉ là một thày dạy học, một đồ nho thất
thế, lạc thời mà ông thực sự là một nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp. Hình ảnh “hoa
tay” mang đậm nét thẩm mỹ, mang trong mình cái đẹp hồng tươi như hoa, như gấm.
“Hoa tay” là bàn tay hội tụ những tài hoa, bàn tay sáng tạo ra hoa – cái đẹp. Ở
đây có sự hô ứng, cộng hưởng của hoa tay và hoa đào, tài năng và cái đẹp, nghệ
thuật và tâm hồn. Những nét bút như “phượng múa rồng bay” không chỉ là nét bút
vờn vẽ uyển chuyển, tươi tắn, phiêu du của ông đồ trên giấy điều đỏ. Nó còn là
tâm hồn, là cốt cách của một nhân cách, của một người nghệ sĩ lớn vừa có Tâm,
vừa có Tài. Cái náo nhiệt, xô bồ của xã hội tư sản thành thị những năm đầu thế
kỷ XX đã không thể tác động, làm lay
chuyển được tâm hồn, cốt cách như mai, như cúc của ông đồ. Phải hăng ông đồ và
những câu đối đỏ đã vượt ra ngoài sự băng hoại của thời gian, của sự biến thiên
dâu bể?
Nhưng
không! Ông đồ vẫn là một người thường, vẫn phải chịu tác động của những quy
luật vận động nghiệt ngã. Theo thời gian, theo những đổi thay của xã hội, ông
đồ trở thành chứng nhân của những phôi pha, những lụi tàn, mất mát và băng hoại
của thời gian nước phủ, của dâu bể đa đoan trong đời:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
Thời
thế xoay vần. Đạo nho tàn lụi. Người ta đua nhau đi học chữ Tây làm ông phán,
ông ký. Có ai thiết tha gì cái chữ nho nữa đâu! Có ai thèm ngó ngàng sách thánh
hiền để biết mặt cụ Khổng, cụ Mạnh nữa đâu! Sự chuyển giao thời thế ấy đã được
Tú Xương viết rất ấn tượng, đầy chua chát:
“Nào có ra gì cái chữ nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co”. Cho nên người
ta chán cái đạo học xưa cũ “Một người đi
học chín người thôi”, để “cô hàng bán
sách lim dim ngủ”. Nho sĩ đã mất hết nho phong sĩ khí, đắt “vứt bút lông đi gọt bút chì”. Vì thế
hàng ông đồ là hàng ế. Ông ngồi lại trơ trọi nơi phố phường đông đúc. Giọng thơ trở nên trầm lắng, buồn bã vô cùng.
Cái giọng ấy cất chứa một sự vắng lặng đến tịch mịch. Bao hoài mong, bao trông
ngóng của ông đồ nay chỉ còn lại tiếng thở dài não nuột. Không ai biết đến ông,
không ai ngó ngàng đến ông. Trơ vơ, buồn tủi, trống vắng, ông đồ đi bên lề cuộc
sống đông vui kia như một hồn vất vưởng của sự lạc điệu. Cách sử dụng nghệ
thuật nhân hóa tài tình của Vũ Đình Liên đã lột tả sâu sắc chiều sâu nội tâm
của ông đồ (“Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực
đọng trong nghiên sầu”). Nguyễn Du từng viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Câu đó quả thực rất hợp tình,
hợp lẽ với tâm trạng của ông đồ già thất thế, lạc thời kia. Bao nỗi buồn, bao
tâm tư, bao nuối tiếc, bao xót xa như đọng trong màu mực, như phơi trên sắc
giấy. Giấy vẫn thế thôi, mực tàu có gì đổi đâu, có chăng là sự đổi dời của thời
cuộc in hằn trên màu giấy, trên nghiên mực. Màu của giấy không còn thắm tươi,
mực đọng lại và khô két đánh dấu sự mất mát, sự ra đi của một lớp người, một
giá trị văn hóa, một thời vàng son. Cái điệu hồn buồn ấy như có sự giao hòa,
kết đọng của giấy mực, của ông đồ và của nỗi lòng tác giả. Đọc những câu thơ
này ai mà không hoài cổ, không hoài vọng về một thời, về những gì đã và đang
mòn mỏi, phai nhạt dần theo sự biến đổi, theo những vận động tất yếu của thiên
nhiên và cuộc sống. Giọng thơ đâu chỉ trầm buồn sâu lắng mà còn nhiều se sót,
nhiều vấn vương, nhiều thương cảm, bùi ngùi. Để rồi, những cảm xúc ấy cứ lan
tràn, đổ ngập, dâng đầy tứ thơ:
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay”
Khổ
thơ đã đẩy nỗi buồn, sự thất vọng, thất thế, lỗi thời của ông đồ lên một mức
mới. Nếu ở khổ trước chỉ là vắng khánh, lẻ bóng, không tri âm; ông đồ vẫn bên
mực tàu, giấy đỏ thì đến khổ này, ông như bị xếp vào một xó lãng quên, vào miền
quá vãng. Ông rơi vào thế giới của lá vàng, của mưa bụi. Lịch sử đã biến ông đồ
thành “đồ cổ” của quá khứ xa xăm. Ông vẫn ngồi đó trơ gan cùng tuế nguyệt, trơ
ra cùng nước non, trơ vơ cùng mọi người. Tất cả cứ náo động, cứ xoay vần còn
ông đồ vẫn ngồi đấy như một bức tượng câm nín trong sự ghẻ lạnh, thờ ơ của thời
đại. Sự đồng điệu, cộng hưởng của những hình ảnh thơ: ông đồ - lá vàng – mưa bụi làm nhói lên bao nỗi sầu khắc khoải. Ông
đồ tàn tạ, héo úa như lá vàng, hư hao như mưa bụi, mong manh như giấy điều
trước gió đông. Hình ảnh và ngôn từ thơ bện quyện gợi lên cả một không gian,
không khí buồn thảm, ảm đạm, sầu vương. Ở đây có cái vắng vẻ, lạnh lẽo đến héo
hắt. Tất cả như đã hoàn thiện một quá trình phôi pha nên giấy hết đỏ, lòng đã
tê dại trong tình cảnh vô hồn. Tất cả đẩy bi kịch phôi pha, lụi tàn lên đỉnh điểm, biến ông đồ thành vô hình trong mắt đồng loại. Cái rét cuối đông của trời mưa bụi đã nói được
rất nhiều điều sâu kín của lòng sau mỗi ngôn từ.
Lẩn
khuất dần sau làn mưa bụi, tàn phai dần theo lá vàng rơi, ông đồ đã hoàn toàn
vắng bóng, hoàn toàn thành một hạt bụi của quá khứ trong cảm giác ngơ ngẩn lòng
của người hoài cảm, nhớ thương:
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Hoa vẫn nở, trời vẫn xuân mà ông đồ đã xa nơi nao?
Câu hỏi như nhói lòng người nỗi niềm thương cảm. Đọc câu thơ của Vũ Đình Liên
ta như gặp lại ý thơ của Trần Tử Ngang:
“Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.”
Dịch là:
Trước chẳng thấy người xưa
Sau chẳng thấy ai cả
Ngẫm trời đất vô cùng,
Một mình lệ lã chã
Và ta cũng bắt gặp điệu hồn tương tư, ngơ ngẩn của
chàng Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy vắng bóng hình cố nhân trong “Truyện Kiều”
của Nguyễn Du:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
Cách
dùng từ ngữ của nhà thơ rất tinh tế từ “Ông đồ già” (ở đầu bài thơ) sang “Ông
đồ xưa” ở cuối bài. “Già” để chỉ tuổi tác còn “xưa” mang ý chỉ thời gian. “Ông
đồ già” nay đã thành “ông đồ xưa” – đó là cả một quá tình hoàn tất biến đổi.
Bao thời gian đã qua, bao thăng trầm đã diễn ra để ông thanh thiên cổ, ông về
nơi cuối trời cùng cát bụi. Song sự tinh tế còn ở chỗ “ông đồ xưa” hô ứng với “những
người muôn năm cũ”. Ông đồ khuất bóng nơi phố phường, ngườ tri âm của ông cũng
chẳng còn. Tất cả ông đồ, giấy đỏ, mực tàu, người tấm tắc ngợi khen tài – kẻ
liên tài đều thuộc về quá vãng, về một thế giới mịt mù, xa xăm, xa lạ, đã bặt
tin, mất vết. Giọng điệu ngậm ngùi, tiếc thương, hoài cổ pha hoài cảm đến đây
vút cao thành một nỗi ám ảnh. Ông đồ xưa, người muôn năm cũ không còn, cái đẹp
và giá trị văn hóa tinh thần của thú chơi câu đối, thưởng chữ, rèn tâm cũng
theo chiều gió cuốn bay đi mất, chỉ còn trơ lại hoa đào, còn cái cõi vắng bây
giờ trơ trọi, tang thương. Câu hỏi lơ lửng cuối bài thơ để lại lại bao khoảng
trống vô hình, bao khoảng lặng suy tư và nỗi buồn mênh mang, niềm tiếc nuối xa
thẳm. Cái sự đối lập năm cũ và bây giờ để lại một cảm giác mất mát, buồn tênh
mà vấn vít của bài thơ. Đó là sự cách biệt, sự ra đi của cái đẹp một thời, của
những giá trị không bao giờ quay lại như xưa. Câu hỏi ấy tác giả hỏi mình, hỏi
thời đại và hỏi mỗi người đọc hôm qua và hôm nay để đối thoại, để kiếm tìm lời
hồi đáp. Nó thức tỉnh tâm hồn dân tộc sâu xa, những rung động và nỗi niềm đồng
điệu trong mỗi con người với giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, với cái
Đẹp, với số phận con người cá nhân trước dâu bể cuộc đời.
Bài
thơ “Ông
đồ” đã khép lại trong tâm trạng xót xa, đắng nghẹn, trong nỗi buồn lâu,
buồn sâu. Dư vang của nó đã làm rung lên những cảm xúc rất đặc trưng của tâm
hồn Việt trong mỗi con người Việt khi tết đến xuân về. Nỗi niềm hoài cổ về ông
đồ xưa, về những người muôn năm cũ cho ta một cái nhìn sâu sắc hơn, tinh tế
hơn, người hơn trong nhịp sống hiện đại. Và khi Tết đến, hoa đào nở, ta lại nhớ
ông đồ, lại ngắm nhìn câu đối đỏ, lại ngâm nga những câu thơ của Vũ Đình Liên
trong nhã thú hoài thương, quyện nhớ “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già…”
Nhận xét
Đăng nhận xét