DẤU ẤN THANH XUÂN CÙNG NGƯỜI THẦY TẬN TÂM

       Kính tặng thầy Trần Ngọc Hiếu, người thầy tận tâm, luôn hết lòng vì văn chương, vì sinh viên và khoa học.

    Tưởng nhớ tuổi thanh xuân của tôi tại khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội, những tháng ngày đẹp đẽ nhất, chúng tôi sống hế mình cho đam mê.


Thầy Trần Ngọc Hiếu trong một buổi toạ đàm văn học

        Tháng năm tới. Nắng hè rực rỡ. Phượng nở chói chang. Cây muồng hoàng yến trước cửa khoa bắt đầu nở những chùm hoa đầu tiên. Những sinh viên năm cuối khoá của khoa Ngữ văn tất tả, trong những âu lo, phấp phỏng trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Những đôi mắt thâm quầng ngủ nhưng sàng rực đam mê, nhiệt huyết và nỗ lực hết mình cho sản phẩm khoa học cuối cùng đời sinh viên – khoá luận tốt nghiệp. Đó là dấu ấn cả một quá trình học mang trong mình tình yêu trong sáng, niềm say mê học hành, văn chương của trò cùng biết bao tâm huyết, cả tấm lòng của thầy hướng dẫn. Mỗi lần nắng hè bắt đầu chói chang, bất ngờ nhìn lên cây muồng của nhà khoe sắc, tôi nhớ tới thầy tôi – Thầy Trần Ngọc Hiếu và những ngàng tháng làm khoá luận mệt nhoài, nhọc nhằn mà ý nghĩa, đẹp đẽ nhất thời sinh viên.


Thầy ở Đà Lạt

     Tôi được làm khoá luận tốt nghiệp với Thầy hoàn toàn “tình cờ” theo sự chủ động của bản thân. Hồi ấy, Thầy mới ở lại khoa dạy nên chưa chắc được hướng dẫn tốt nghiệp sinh viên. Tôi chưa có sự chuẩn bị cho khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận văn học. Bởi tôi đăng ký nguyện vọng 1 là môn Văn học Phương Tây còn môn Lý luận văn học chỉ là nguyện vọng 2. Mà tôi lại thích và đọc chủ yếu chất liệu văn học phương Tây. Nhìn lại tất cả các thầy, cô uy tín, uyên bác thì đã nhận khá nhiều sinh viên, cơ hội cho tôi gần như không có. Lúc ấy, tôi nhớ tới thầy Hiếu, nhớ những tiết thầy dạy các trào lưu văn học hiện đại ở lớp tôi, nên tìm, xin số điện thoại gọi cho thầy. Là một trong hai nam sinh hiếm của khoá 52 được làm khoá luận tốt nghiệp, cá nhân tôi khá mạnh dạn và chủ động với công việc của mình, nhất là trước đó tôi đã làm các đề tài nhỏ nghiên cứu khoa học sinh viên. Điều bất ngờ đầu tiên của tôi là sự chân thành khi nghe điện thầy nói: “Mình không chắc được hướn dẫn đâu nhưng nếu được mình sẽ hướng dẫn Hải”. Tôi mừng tới ứa nước mắt vì thầy có thể hướng dẫn, gợi ý tôi làm nhữngg thứ mới đã nhận lời. Đây cũng là cơ duyên, may mắn để suốt đời học tập,  nghiên cứu của tôi đều đi theo Lý luận văn học.


Thầy Trần Ngọc Hiếu trong lớp học Mùa hạ của viện iSEE

Đến nay, dù hơn 15 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in mấy điều thầy nói trong quá trình hoàn thành khoá luận: 1/ Em lấy ở đâu, của ai, dù chỉ một vài chữ hay một ý cũng cần có trích dẫn, nêu nguồn xuất xứ, hoặc cho thành một cái thư mục; 2/ Em hãy làm cái em thích, em muốn chứ không phải cái mình sở trường nhưng sẽ khó cho em hơn; 3/ Khoá luận của em khá chênh vênh vì khảo sát văn bản tác phẩm trên mạng internet, có thể sẽ không được 10 đâu, đừng buồn nhé… Năm ấy, tôi cùng thầy làm đề tài “Truyện cực ngắn mang phong cách ngụ ngôn” – một đề tài thiên về lý thuyết, khá mới mẻ, rất ít tư liệu và hầu như các tác phẩm khảo sát đều trên trang tienve.org. Việc lựa chọn đề tài cũng là hoàn toàn do tôi ương bướng khi Thầy là người chuyên nghiên cứu mảng thơ đương đại nhưng cá nhân tôi lại chỉ thích, muốn làm về tự sự. Rất nhiều gợi ý thầy đưa ra như làm về Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương, chất điện ảnh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp… tôi đều gạt đi, hoặc bất khả thi do khó khăn quá về việc tiếp cận tư liệu. Thậm chí thầy còn bảo nếu mượn được tập truyện ngắn trong lòng bàn tay của nhà văn Y.Kawabata bản tiếng Anh thầy còn dịch giúp để tôi làm. Tình cờ thầy đưa tôi tập truyện cực ngắn Trong thời đại của chúng ta của E. Hemingway, tôi thấy lôi cuốn, quyết định chọn đề tài lý thuyết truyện cực ngắn mang phong cách ngụ ngôn. Việc lựa chọn đề tài chính là ý niệm đầu tiên của tôi để xác định làm một vấn đề khoa học nghiêm túc với tinh thần nghiên cứu thực sự, và hơn nữa là cách làm việc tri thức, khoa học với một người khác là cần tôn trọng sự tự do lựa chọn, khuyến khích niềm đam mê, thế mạnh của người học. Đây là bài học đáng quý để sau này tôi đi làm nghề, tôn trọng học sinh, phát huy tiềm năng của các em trên mọi lĩnh vực. 

Một bản khoá luận hoàn thành nghiên cứu một khía cạnh nhỏ của vấn đề, dung lượng gọn gàng chỉ vài chục trang in song cũng là cả một hành trình trải nghiệm và thể nghiệm. Hành trình ấy bắt đầu từ khi thầy và trò gặp gỡ, làm quen để hiểu nhau, cùng trao đổi, lắng nghe, đối thoại, xác định đề tài, hướng nghiên cứu, cho tới những việc cần làm trong một thời gian nhất định để hoàn thành đúng tiến độ. Sau đó là những ngày miệt mài trên thư viện, hiệu sách, tìm tư liệu, xử lý các dữ liệu liên quan, ăn ngủ cùng với đề tài. Tiếp đến là đề cương, thao thức viết, rồi sửa, có khi phải viết lại từ đầu khi đã được một phần khá dài. Khó khăn lớn nhất là quá trình làm khoá luận trùng với thời gian thực tập nên sinh viên không thể làm được gì nhiều thêm, có khi tạm gác lại. Bởi đa số các bạn đi thực tập ngoại tỉnh, việc thực tập cũng rất nhiều, thời gian và tư liệu dành cho khoá luận gần như không còn. Kết thúc thực tập là giai đoạn nước rút, hoàn thành khoá luận trong khoảng thời gian rất ngắn. Cho nên, khóa luận gắn với nhiều đêm thức trắng cùng cà phê, nước chè đặc, một số bạn nam còn hút thuốc lá, rồi cái nóng như nung những ngày hè của Hà Nội. Những lúc như vậy, có khi bạn sẽ suy nghĩ buông xuôi, bỏ cuộc, hoặc làm ẩu cho xong… Chỉ có ý chí, tinh thần, nỗ lực, quyết tâm dành đến 200% sức lực và tinh thần mới hoàn thành trọn vẹn như ý của thầy và trò. Dĩ nhiên cũng có những bạn đã có sự chuẩn bị từ trước, học xuất sắc, hoặc làm các đề tài an toàn thì cũng nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn tâm sức hơn nhiều. Song sinh viên, đa số là tới lúc nước rút, thời gian còn hạn hẹp mới chạy deadline nên việc ngày đêm, ăn ngủ, dành tất cả cho khoá luận khá phổ biến. Sau thực tập tôi cũng lâm vào tình cảnh tương tự, chưa có một cái gì cụ thể nhưng chỉ còn đúng 7 tuần để hoàn thành khoá luận. Hai Thầy trò làm việc hết công suất, có khi quên ăn ngủ, vắt kiệt sức sống với khoá luận. Các bạn ở cùng bảo sao lại vất vả thế, khoá luận thôi mà. Nhưng đúng là sau khi bảo vệ xong tôi còn nguyên nỗi ám ảnh về thế giới trong truyện của Franz Kafka đầy phi lý mà con người có thể bị kết án bất cứ lúc nào.


 Khoá luận của tác giả với đề tài “Truyện cực ngắn hiện đại mang phong cách ngụ ngôn”

Hoàn thành một khoá luận tốt nghiệp về một vấn đề mới, chưa có tiền lệ, lại là vấn đề lý thuyết và tác phẩm khảo sát chủ yếu trên mạng không đơn giản. Quá trình này dĩ nhiên là tự tôi phải nỗ lực, tự bơi trong bể lớn nhưng thầy luôn là người đồng hành theo đúng nghĩa. Đúng như thầy nói hồi ấy và cả sau này: Khi các bạn làm việc với mình thì mình cũng phải cùng đọc, cùng nghĩ với các bạn. Nên Thầy có nguyên tắc là dù chúng tôi làm cái tôi thích, muốn, tự lựa chọn nhưng thầy chỉ đồng hành, hỗ trợ với những vấn đề thầy có mối quan tâm, có hiểu biết rõ, thực sự về chúng. Trước khi thực tập, tôi vẫn mơ hồ, chưa hiểu mình phải làm cụ thể gì, chỉ đi ra quán Internet công cộng tải tài liệu về, in ra để đọc. Rồi những gì có thể mua được thì sẵn sàng chi số tiền tiết kiệm đi gia sư để mua. Nhiều tư liệu quý, hiếm thầy cho mượn luôn, thứ gì không cho mượn lâu thì thầy bảo đi photo. Thư viện trường rất ít sách, báo về truyện cực ngắn, nhất là cuộc thi viết truyện cực ngắn trên báo “Thế giới mới” năm 1994, tôi phải xin giấy giới thiệu, lặn lội lên thư viện Quốc gia ở phố Tràng Thi đọc, photo. Nguyên tắc làm việc của Thầy, cũng như sau này tôi làm việc với Thầy La Khắc Hoà hướng dẫn luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến Sĩ là chỉ cho công cụ, định hướng đường đi chứ không làm hộ. Chính điều này giúp tôi trưởng thành rất nhiều trong mọi việc: phải thật tập trung làm việc, nghĩ thực sự, hiểu bản chất cái mình đang làm; chủ động tìm tư liệu, thời gian hoàn thành; phân loại, sắp xếp các tư liệu; định hình tư duy vấn đề đi tư bản chất, tới lý giải; cách hành văn khoa học, diễn đạt khúc chiết, chuẩn xác; và cả tinh thần dấn thân, sẵn sàng theo đến cùng một thứ có thể rất khác, không được hiểu, đánh giá đúng, hơi lãng mạn viển vông kiểu như anh chàng Don Quixote trong tiểu thuyết của nhà văn Phục hưng Tây Ban Nha Muiguel de Cervantes. Song hơn tất cả, tôi thấy mình được rất nhiều, mà điều lớn nhất là qua việc hiểu văn chương, lý giải vấn đề lý thuyết văn học, tự mình sẽ hiểu chính bản thân, biết được giới hạn, thế mạnh của mình, và ở một mức độ, phạm vi nào đó, khẳng định con người, cá tính của bản thân, xác lập một diễn ngôn cá nhân.

Hành trình hoàn thành khoá luận tốt nghiệp không dài nhưng với tôi thực sự vất vả, phải nỗ lực vượt bậc, hơn nhiều lần khả năng, sức lực của mình thời điểm ấy. Bởi dẫu là sinh viên nam khá nhất khoá, đã tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa, nhưng làm một đề tài mới, nhiều lý thuyết, đòi hỏi tư duy sắc bén, hiểu vấn đề chính xác thì thực sự không đơn giản. Chưa kể bốn năm đại học ở khoa văn dù tôi học được rất nhiều, có thể nói nhiều nhất trong quá trình học hành của tôi sau này từ mái trường, thầy cô, nhưng cũng chưa thấm vào đâu với biển kiến thức vô bờ của lý thuyết thể loại văn học. Một lý do nữa là xuất phát điểm của tôi khá thấp, là học sinh ở huyện lẻ, trường cấp 3 mới được thành lập, không có ý niệm gì về lý luận văn học, tác phẩm văn học nước ngoài, các trào lưu, trường phái văn học cho tới khi vào học chuyên ngành ở đại học. Thầy Hiếu vừa động viên, vừa quản lý nghiêm khắc quá trình làm, vừa hướng dẫn tôi tự tìm, tự đọc, hiểu lý thuyết, vừa giảng giải, cung cấp cho nhiều kiến thức mới. Mỗi lúc khó, không hiểu tôi lại nhắn tin hỏi Thầy. Cho mượn sách Thầy luôn hướng dẫn cụ thể phải đọc gì, đọc thế nào. Nhiều tài liệu mới thầy dịch từ tiếng Anh cũng cung cấp cho. Mỗi tiêu đề, tiểu mục, chương, phần thầy đều hướng dẫn tỷ mỉ đặt như thế nào cho hợp lý. Ngay một việc tưởng chừng đơn giản nhất là sắp xếp thư mục, đánh dấu các chú thích cũng cần có thao tác cụ thể, khoa học. Rất nhiều ý tưởng nảy sinh trong quá trình Thầy trò trao đổi, chia sẻ, nhất là ách hiểu và cảm về một tác phẩm súc tích đến cực hạn. Làm xong khoá luận tốt nghiệp, chỉ riêng kiến thức lý luận văn học, nhất là các trường phái, trào lưu, thể loại văn học hiện đại, kiến thức về các hệ tư tưởng, triết học, tôi được nhiều hơn cả mấy năm đại học cộng lại. Đặc biệt, có ý nghĩa nhất là thầy dạy tôi phương pháp tự đọc, tự học, tự làm việc, hiểu bản chất vấn đề, đi truy vấn, lý giải tường minh, rõ rệt, súc tích. Đây là điều mà sau này, dù có đi học tiếp hay không thì mỗi sinh viên ra đời, sẽ tiếp tục học suốt đời, từ những trang sách mình chọn, đọc, sống với nó. Có lúc tôi thầm nghĩ, nếu gặp thầy từ năm nhất, năm hai, được hướng dẫn làm một công trình tương tự, chắc việc học đại học của tôi sẽ nhẹ nhàng hơn, thu được nhiều kiến thức hữu ích, kết quả sẽ cao hơn rất nhiều.


Thầy Hiếu chụp cùng tác giả và các bạn lớp đại học B-K25 Khoa Ngữ văn trong lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ của tác giả tháng 2 năm 2019 tại Học viện Khoa học Xã hội


Thầy Hiếu chụp cùng Hội đồng bảo vệ luận văn Thạc sĩ của tác giả tháng 10 năm 2013 tại Đại học Sư phạm Hà Nội.

Một trong những lý do khiến ký ức về Khoa Ngữ văn, về trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cả thế giới Hà Nội nữa luôn sống động, đẹp đẽ, vẹn nguyên là những ngày tháng tôi làm khoá luận. Một mình rong ruổi đạp xe từ những ngày lạnh lẽo mưa phùn gió bấc tới những ngày hè chói chang, đổ lửa trên mặt đường nhựa đi tìm sách ở các hiệu sách cũ trên đường Láng, đi thư viện Quốc Gia ở phố Tràng Thi, qua phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí tìm sách mới. Rồi phòng tư liệu Khoa, thư viện trường, nhất là mấy chiếc ghế dành cho khách chờ ở khoa, nơi thầy, trò nhiều khi gặp để trao đổi một vấn đề nào đó tranh thủ lúc thầy đi dạy. Đề tài khó nên thầy trò phải trao đổi nhiều, chủ yếu do tôi hỏi thầy, thắc mắc từ lý thuyết đến các hiện tượng khảo sát. Tới hôm nay, hơn 15 năm, tôi vẫn không quên giọng của chị gái thầy khi tôi gọi điện vì thầy hồi đó, rồi mãi sau này không dùng di động. Bởi tôi gọi cho thầy rất nhiều, hỏi han nhiều nhưng chưa một lần Thầy cáu gắt, luôn cởi mở, nhiệt tình, chi tiết, mạch lạc nếu những thắc mắc chính đáng. Vấn đề nào Thầy chưa thực sự trả lời rõ ràng, mạch lạc thì luôn nói rõ ràng là mình chưa đọc, chưa đọc kỹ, phải đọc lại, xem lại, nghĩ thêm mới trả lời được. Tinh thần đó thấm sâu trong tôi sau này khi học lên nữa, phải thành thực với chính mình, càng học nhiều càng thấy mình thiếu, chưa biết, càng khiêm nhường, lịch lãm.

Căn gác nơi thầy làm việc trong ngôi nhà ở khu tập thể Giảng Võ cũng quen thân – Một không gian hơi u tối, tĩnh lặng, bình yên, bao phủ là sách, một chiếc ban công có mấy cây hoa không rực rỡ, tươi tốt lắm. Sau này, nhà thầy đã cải tạo, sửa chữa nhưng không khí bình yên, tĩnh tại, hơi u tịch trên căn gác tôi vẫn cảm thấy nguyên vẹn. Có lần bất ngờ đi tới đầu cầu thang, tôi nghe thấy từ căn gác ấy vang lên một bản nhạc của Mozart, tôi đứng lặng để nghe. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái hay của nhạc giao hưởng, thấy rung động từ bản nhạc ấy, những âm thanh, giai điệu vang vọng từ căn gác nhỏ, tĩnh vắng, an yên và hơi u tịch vào buổi chiều đầu hè. Và trên căn gác nhỏ ấy, tôi cảm nhận được sự tận tâm, lòng bao dung lớn lao của Thầy. Tôi vốn là sinh viên nghèo, xuất thân từ gia đình nông dân nên đi học đại học làm gia sư suốt từ năm 2 tới hết năm cuối. Lúc tôi làm khoá luận, dù có nguy cơ bị trễ nhưng tôi vẫn dạy tới 5, 6 ca một tuần, dạy cả học sinh tận bên Long Biên. Vì vậy, nhiều lần hẹn gặp thầy tại nhà chữa bài phải gặp buổi trưa, làm mất giấc ngủ của thầy, để khoảng 2 giờ chiều hơn tôi bắt xe bus sang Long Biên dạy. Một người bạn thân hay đưa tôi tới nhà thầy nhưng thực chất bạn ấy muốn đi để hỏi thầy về khoá luận của mình, khoá luận về thơ đương đại, lĩnh vực mà thầy như một chuyên gia, có nhiều tư liệu cũng như tri thức uyên bác. Không chỉ tôi là người được thầy hướng dẫn, bạn tôi thầy cũng chỉ bảo, cung cấp cho nhiều tư liệu, gợi ý cho nhiều vấn đề hay. Sau này đi dạy, nếu có thể, không cứ học sinh của mình, mà bất cứ ai hỏi gì, các vấn đề chính đáng chuyên môn, tôi đều cố gắng trả lời sớm nhất, có thể hỗ trợ được gì thì luôn sẵn sàng. Tôi cho đó là một cách chia sẻ trong cuộc sống mà tôi học từ thầy, sống tận tình, thực tâm, nhiệt huyết, cho những người xứng đáng, cần tới.

Hình ảnh Thầy dạy online 

Thầy đọc sách trên giảng đường

Khoá luận tốt nghiệp không chỉ mình tôi nếm trải theo đúng nghĩa của việc vật lộn với chữ nghĩa mà cả Thầy cũng phải vật lộn với vấn đề của đề tài và cả của cá nhân tôi. Thầy luôn làm việc theo tinh thần mà thầy nói từ hồi đó cho tới giờ: hướng dẫn sinh viên, học viên, đi dạy thì luôn phải đọc, đem cái gì mới, có ý nghĩa tới người học. Với đề tài của tôi, thầy nghĩ cùng, làm việc cùng rất nhiều: dịch từ tiếng Anh một số lý thuyết tự sự hiện đại, trăn trở cắt nghĩa nội hàm một khái niệm lý thuyết sang tiếng Việt, nghĩa cách phân tích một truyện chỉ có vài dòng sao cho sáng ý, rõ các bài học, thông điệp ngụ trong đó. Rồi cả những lỗi hành văn, diễn đạt, chính tả rất sơ đẳng của tôi, dù là sinh viên năm cuối, dù kết quả khá, nhưng chưa ai chỉ, ai sửa nên vẫn mắc như thường. Cho tới khi khoá luận hoàn thành về cơ bản, một khó khăn khiến cả Thầy và trò đều trăn trở là quy định mới của khoa chỉ cho tối đa dung lượng 50 trang chính văn với khoá luận tốt nghiệp. Hai Thầy trò lại phải đau đầu, căng mắt đọc lại xem cắt cái gì, chỗ nào để không phí công sức mấy tháng miệt mài, vật lộn. Khi phần lý thuyết không thể cắt thêm thì còn mỗi chương ứng dụng phân tích truyện cực ngắn mang phong cách ngụ ngôn của nhà văn Franz Kafka, Thầy bảo giờ thì em phải tự định đoạt lấy, thầy không biết cắt gì hơn vì chương đó em viết tốt nhất. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất không cắt mà chuyển một số phần sang thành phụ lục, còn lại sẽ căn chỉnh cỡ chữ, dãn dòng, trình bày làm sao đúng, đủ 50 trang. Tới lúc bảo vệ xong, một số bạn đọc mới biết và bảo tôi “ăn gian” dung lượng. Thầy phản biện cũng nhận ra nhưng là người hiểu, trân trọng công sức của cả Thầy lẫn trò khi làm một vấn đề lý thuyết khá xương, mới lạ như thế nên cũng châm chước, bỏ qua quy định về dung lượng khi đánh giá.

Niềm vui của Thầy khi gặp được những cuốn sách hay

Thầy đọc sách trên bờ biển ở đảo Phú Quý hè 2017

Một ngày đẹp trời năm 2012, khi đó tôi đang học cao học, Thầy gửi tin nhắn inbox trên Facebook cho tôi, bằng một giọng khá nghiêm trọng: Hải ơi, Hải biết gì không? Tôi sợ có gì cấp bách nên hỏi lại thì được thầy cho biết có một học viên cao học, làm luận văn đã đạo toàn bộ phần lý thuyết phong cách ngụ ngôn trong khoá luận tốt nghiệp năm 2006 của tôi. Đến lúc đó, tôi càng thêm xúc động vì thầy hướng dẫn tôi với tất cả trí tuệ, tâm huyết, tấm lòng, và coi vấn đề của tôi như vấn đề của mình. Bây giờ và mãi mãi sau này, tôi vẫn khâm phục tài năng, kiến thức uyên bác, tư duy sắc bén của Thầy, một con người trí lự, tâm huyết với văn chương, với công việc nghiên cứu. Thầy luôn đề cao tính trung thực, ý thức về bản thân và lòng tự tôn của một người làm khoa học. Đã làm khoa học thì điều quan trọng là không được phép đạo văn, dù chỉ là những thứ rất nhỏ. Dẫu chỉ là nghiên cứu nhưng đã liên quan tới văn chương thì luôn cần cái mới, cần sự khám phá, những suy nghĩ riêng, độc đáo của cá nhân. Từ ý thức ấy, người làm nghiên cứu mới có thể đóng góp gì đó cho khoa học, giáo dục và cuộc sống.


Niềm vui bất tận từ những giờ học cùng trò

Hồi năm 2006, tôi chưa hề có điện thoại di động, Thầy thì không dùng, mọi liên lạc vẫn dùng qua email, rồi chat trên Yahoo. Tôi vẫn nhớ mãi cuộc nói chuyện của tôi và Thầy trước ngày bảo vệ. Thầy vẫn băn khoăn là khoá luận có thể không được 10 điểm vì nó chênh vênh, lý thuyết mới và hầu hết văn bản tác phẩm khảo sát trên trang mạng tienve.org. Nhưng tới lúc đó với tôi, 10 hay không 10 không phải vấn đề vì có được 10 tôi không thay đổi được “màu bằng” từ khá sang giỏi. Điều quan trọng nhất tôi đã làm được là vượt qua giới hạn của bạn thân, chủ động, tự tin với những gì mình có; thấy được khả năng của mình tới đâu. Quan trọng nhất tôi đã để lại một cái gì đó có giá trị sau bốn năm gắn bó với Khoa Ngữ văn ở trường đại học hàng đầu, không phụ lòng của các thầy, cô, cha mẹ, cũng như niềm đam mê của bản thân, mà ban đầu chỉ lựa chọn vô tình thi do cay cú trượt giải thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Kết quả là trái ngọt khi khoá luận được cả hội đánh giá cao và đạt điểm 10, đặc biệt nhất là thầy phản biện khen nhiều hơn cả thầy hướng dẫn. Từ Thầy, từ khoá luận, tôi tự tạo nên bước ngoặt cho cuộc sống của mình, luôn muốn thách thức bản thân, sẵn sàng đi vào những vùng mới, hoặc nhạy cảm, có khi là các hiện tượng thuộc ngoại biên, ở bên lề dòng văn học chính, trung tâm, chủ lưu. Tôi không dám nói mình là người tiên phong, hay dấn thân gì, nhưng tôi luôn tâm niệm với tinh thần làm việc của thầy là đi làm nghề văn phải đọc, phải mang đến một cái gì đó cho người học, luôn cần một sự liều lĩnh nhất định để khám phá, không chỉ là văn chương mà cả cuộc sống, bản thân. Những hành trình trải nghiệm sau này của tôi, có cội nguồn sâu xa từ những biến đổi sau khi làm khoá luận tốt nghiệp, dù thầy chưa bao giờ đi phượt, đi du lịch kiểu khám phá, cho tới khi tôi đã lập nên kỳ tích là kéo thầy ra khỏi căn gác nhỏ, ra khỏi Hà Nội, để tới những miền đất, có khi rất xa trên bản đồ Tổ Quốc. Có lần thầy đã nói nếu không có Hải chẳng bao giờ mình có thể tới được Cà Mau, hay những hòn đảo xa xôi, hoang sơ như Phú Quý, Nam Du. Nhưng với tôi, thực sự chính thầy là người truyền cảm hứng để tôi đi, bắt đầu từ việc thầy đưa tôi tới những miền xa lạ, những nơi hoang sơ và thuần khiết của văn chương.

 

Thầy làm diễn giả tại thư viện “Ơ kìa Hà Nội” số về nhạc sĩ Văn Cao



Ảnh chụp Thầy tại Mũi Cà Mau trong chuyến đi hè 2018

    Tôi nghĩ không chỉ với cá nhân mình mà bất cứ bạn sinh viên nào làm khoá luận thực sự, với những đề tài có vấn đề và được chỉ dẫn tận tâm cũng sẽ được rất nhiều, và tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời mình, kết thúc bằng một dấu ấn riêng, ít nhất là cho chính mình. Từ trải nghiệm của cá nhân làm khoá luận cùng Thầy Trần Ngọc Hiếu, tôi xin đúc kết mấy điều tạo ra bước ngoặt sau khi làm khoá luận nói riêng hay những nghiên cứu khoa học sinh viên ngành văn nói chung:

Thứ nhất: Đạo đức nghề nghiệp thể hiện ở tính nghiêm cẩn, tính trung thực trong nghiên cứu, là ý thức tự thân và không chấp nhận đạo, nhái trong văn chương.

Thứ hai: Tinh thần làm việc cầu thị, nghiêm túc, chỉn chu, luôn nỗ lực hết mình, tự lập, tự tin, không đầu hàng, không bỏ dở, hay vì thời gian gấp mà làm cẩu thả. Sự cầu thị. và cầu toàn trong bất cứ lĩnh vực gì cũng cần thiết để tạo ra những giá trị tốt đẹp.

Thứ ba: Khả năng tư duy vấn đề khoa học, mạch lạc, hiểu bản chất vấn đề, nhìn các vấn đề văn chương và cuộc sống theo quy luật, bằng cái nhìn khách quan, bao quát, toàn diện nhất trên những căn cứ, khảo sát rõ ràng, cụ thể.

Thứ tư: Kỹ năng làm nghiên cứu, dù chỉ là một bài tập nhỏ cũng cần rất nhiều thao tác, công đoạn theo quy trình chuẩn mực, chỉn chu.

Thứ năm: Quan niệm làm nghề dạy học như một sự trao đổi, chia sẻ tri thức, cần sự lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia rất nhiều. Điều này sau tôi vẫn may mắn được hưởng thầy La Khắc Hoà (Lã Nguyên) trong suốt quá trình hướng dẫn luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ. Mỗi lần tới nhà thầy hướng dẫn là một cuộc trò chuyện, toạ đàm về văn chương và về chính cuộc sống đời thường.

Thứ sáu, điều quan trọng nhất là tình cảm thầy trò rất sâu sắc. Thứ tình cảm quý giá này tôi luôn khắc ghi không chỉ từ các thầy hướng dẫn khoá luận, luận văn, luận án mà từ tất cả các thầy, cô trong khoa Văn. Nhưng với thầy hướng dẫn, sự gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu để đẩy tình cảm ấy lên một mức cao hơn: vừa là thầy – trò vừa là tình cảm của những người trong gia đình, quan tâm và yêu thương. 

Thứ bẩy: Ý thức về bản thân, năng lực, giá trị, những nguồn sức mạnh, khả năng tiềm ẩn trong mỗi người. Từ đó, bạn có thể làm được những việc vượt xa hình dung của chính mình cả trong học thuật lẫn cuộc sống từ việc tự thử thách chính mình.

Thứ Tám: Bản thân thấy rõ cuộc sống là những lựa chọn dấn thân, chấp nhận mạo hiểm hay an toàn, nhạt nhoà, sống với đam mê, cháy hết mình hay tìm sự yên ổn, hoà trong đám đông… Mỗi lựa chọn sẽ đưa cuộc đời ta tới một bến bờ khác, mang tới những thứ được và mất riêng. Không có lựa chọn nào hoàn hảo. Mỗi cá nhân muốn sống trọn vẹn cho một điều gì đó đẹp đẽ của mình đề phải chấp nhận trả một cái giá nào đó. Hạnh phúc, thành công, niềm hoan lạc, thậm chí cả cái đẹp lý tưởng nằm trong cảm xúc, cảm giác của mỗi chúng ta.

Thứ chín: Học là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ, cả kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ lẫn những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống. Trải nghiệm trên trang sách hay cuộc đời đều quan trọng, bổ sung cho nhau.

 

Ảnh hai Thầy trò trong chuyến đi Đà Lạt hè 2018

Bốn năm đại học không dài nhưng là khoảng thời gian quý nhất để bạn học được nhiều điều, tích luỹ được nhiều tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ nhất. Các thầy, cô luôn là kho tri thức vô tận, mỗi hoạt động học tập, nghiên cứu, trải nghiệm đều đem đến nguồn “tri thức hân hoan”. Hạnh phúc, kỷ niệm ngọt ngào của sinh viên văn khoa, cá nhân tôi cho rằng không thể thiếu những nụ cười, giọt nước mắt, lo âu, hồi hộp, háo hức trong quá trình khám phá, sáng tạo, thể hiện bản thân bằng một diễn ngôn riêng, dù chênh vênh, non nớt nhưng đầy nhiệt huyết, đam mê từ những trải nghiệm, thể nghiệm cá nhân. Khép lại quãng đời thanh xuân tươi đẹp bằng khoá luận tốt nghiệp thể hiện được một phần con người, xu hướng của mình đã là một dấu ấn rồi. Mà đời sinh viên có thêm một người Thầy luôn tận tâm, chia sẻ, đồng hành cả quá trình làm việc lẫn cuộc sống thì còn gì quý giá hơn?!

Khoá luận hoàn thành, thời sinh viên kết thúc, chúng tôi bước vào đời với bao toan lo bộn bề của cuộc sống. Nhưng kỷ niệm về mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, về khoa Ngữ văn, nhất là về các thầy, cô sẽ mãi mãi không nhạt phai. Tôi nhớ về Thầy Hiếu với vẻ đẹp thuần khiết của đam mê văn chương và khoa học, của một người Thầy không mẫu mực theo quan niệm chung mặc định của cộng đồng nhưng lại khơi gợi cho sinh viên, học viên quá nhiều năng lượng, cảm hứng để làm việc tử tế, cầu thị. Theo dõi facebook của Thầy, những hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, dịch thuật, những dự án lớp học theo các chủ đề, các hội thảo, toạ đàm Thầy tham gia hoặc làm diễn giả tôi thấy mình nhỏ bé, cần phải học hỏi nhiều nữa. Chính nỗ lực không mệt mỏi của Thầy trong công việc, dù thầy luôn than thở vì cả nể nên quanh năm bị deadline vùi lấp khỏi cuộc sống vui tươi, khiến tôi thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn, tiếp tục làm mới mình bằng vốn đọc, nghĩ, quan sát, trải nghiệm, để mang một cái gì đó đến cho học sinh trong mỗi bài giảng. Một người tưởng chừng hay nhìn mọi sự hơi yếm thế nhưng sâu xa tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng, nhất là trách nhiệm và tự trọng với cuộc sống, công việc của mình.  

Sách dịch của Thầy – một trong những cuốn sách hay và được đánh giá cao


Ảnh Thầy chụp cùng các bạn học sinh ở TP Hồ Chí Minh tình cờ gặp trong chuyến đi Đà Lạt hè 2018

Thầy ở đồi cát Bàu Trắng, Bình Thuận hè 2018

        Hơn mười lăm năm đã qua, nhưng mỗi lần qua thăm Thầy, ngồi trên căn gác quen thuộc, tôi vẫn cảm giác như lần đầu. Chỉ khác một điều là, giờ gọi điện tới nhà, ai nghe điện cũng nhận ra Hải, hỏi han như người thân trong gia đình. Chỉ có điều tôi như một người thân quanh năm xa lắc trên những hành trình ghé qua vội vã sum vầy. Cứ mỗi lần như thế, tôi thường muốn ngồi thật lâu để nghe những chia sẻ chân thành tới mức có lúc tôi thấy mình hời hợt, hay chí ít không nhiều tâm huyết và nhiệt tình với văn, với nghề như thầy. Chính những chia sẻ thật lòng đó làm tôi thêm tin yêu, thấy những hạnh phúc đơn sơ, bình dị của nghề dạy học. Đó là hạnh phúc của quá trình tương tác nhân văn cùng nhau lắng nghe, đối thoại và sẻ chia, nhất là dạy văn. Đôi khi, chỉ cần đủ tĩnh tâm, kiên nhẫn để nghe một điều gì đó cũng có thể tạo nên kỳ tích. Một công trình nghiên cứu nhỏ sẽ là sự chuẩn bị cho những thứ lớn lao hơn, văn chương cũng là cuộc đời, để mỗi chúng ta biết sống cho hiện tại và tương lai từ những gì đã có trong quá khứ, để ta sống một cuộc đời cùng giá trị tồn tại chứ không hoàn toàn với giá trị thời đại. Kỷ niệm sẽ đọng mãi những dư âm, dư ảnh, dư tình từ những tâm hồn, tấm lòng thành thực, trong sáng, thuần khiết, luôn biết cách lắng nghe và sẻ chia.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ