“TRO TÀN RỰC RỠ” – TRO ĐÃ TÀN MÀ CHƯA RỰC RỠ
Từ “Cánh đồng bất tận”, văn của Nguyễn Ngọc Tư luôn hiện hữu trong đời sống đọc của Mị. Yêu văn chị Tư, mua và đọc hầu hết truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, thơ của chị. Cái giọng văn buồn mênh mang, tê tái, se thắt khi nói tới những phận người bằng lối trần thuật có vẻ dửng dưng nhưng luôn day dứt, ám ảnh, trì đọng đau thương, cay đắng. Vì thế, mỗi bộ phim dựng từ tác phẩm của chị, Mị đều háo hức đợi chờ. Nhưng có vẻ lần nào sự đợi chờ, kỳ vọng cũng ra một kết quả hụt hẫng khi “cánh đồng bất tận” được photoshop quá đà, không còn là “Cánh đồng ngoa ngoắt” của những kẻ bên lề, bị lãng quên, sống gây đau thương và chịu đau thương. Rồi tới “Tro tàn rực rỡ” khi biết chính tác giả văn học sửa thoại, cố vấn lại hy vọng, nhưng sau 2 tiếng xem phim thì thấy tro đã tàn mà chưa thật rực rỡ với những tác phẩm có thể dựng thành phim rực rỡ đúng nghĩa.
Nhìn tổng thể thì đây không phải là một phim dở, thậm chí là ở mức độ khá song không phải xuất sắc, đẹp, hay nhưng mấy lời khen cảm tính tràn lan trên báo hay facebook những ngày qua. Truyện phim ít nhiều vẫn gây xúc động, có khi làm nhói lên niềm cảm thương, day dứt về thân phận con người. Bối cảnh phim dựng thành công một khung cảnh miền Tây, xứ sông nước rất gần gũi, đặc trưng và đẹp một cách chân thật, không phải kiểu mĩ lệ hoá, photoshop hoá. Một số hình ảnh, cảnh phim ấn tượng, chi tiết gợi nhiều liên tưởng, suy tư, đọng lại một cái gì đó trong lòng người xem. Song tất cả chỉ dừng lại ở đó, ở cái mức đánh động, hoặc vừa chạm tới cảm xúc, vừa để người ta bắt đầu thấy hay chứ chưa đẩy mọi thứ lên đỉnh, rực rỡ. Mọi thứ ở trạng thái lơ lửng, bằng phẳng, không đọng lâu, sâu, hay khốc liệt tới ám ảnh một điều gì như bản thân tác phẩm văn học gốc của Nguyễn Ngọc Tư tạo ra. Những câu chuyện thân phận, sự kiện, chi tiết trong tác phẩm rất hay, tinh, sâu nhưng khi dựng lên phim thì không để lại gì nhiều xúc cảm, kể cả những cảnh đọc truyện có thể hình dung ngay hình ảnh như lúc Tam đốt nhà, Tam nhìn đám cháy, Nhàn nhìn Tam đắm đuối, không ai quan tâm tới mất mát của ngôi nhà cháy thì trong phim không dựng được cảnh tượng nào ấn tượng thế, đám lửa vẫn cháy nhưng không rực rỡ, chỉ còn tàn tro. Cá nhân Mị thấy phim này tư duy văn học về truyện phim tốt hơn tư duy điện ảnh về dựng phim, sử dụng những ngôn ngữ là thế mạnh vốn có của điện ảnh, tạo nên tác phẩm có thể làm rung động lòng người. Cho nên, đi xem tại rạp, nhất là kiểu gần như một mình bao rạp thế này, nhiều phim Mị khóc, rưng rưng về phận người, tình cảnh éo le, bi đát thì phim này Mị không hề có cảm xúc đó, dù lẽ ra đáng phải có với một câu chuyện như “Củi mục quay về” và “Tàn tro rực rỡ”.
Dưới đây, Mị xin khảo một vài khía cạnh cơ bản của phim, bằng cảm nhận và phân tích chủ quan khi đọc truyện, xem phim, tập trung hết mức, để bắt từng chi tiết, hình ảnh, lời thoại do xem một mình.
Cốt truyện phim
Cốt truyện phim “Tro tàn rực rỡ” được xây dựng từ hai truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư in trong tập “Đảo” (2014) là “Củi mục quay về” và “Tro tàn rực rỡ” – hai truyện cuối cùng của tập truyện. Điểm cộng cho cốt truyện là khá trung thành với nguyên tác văn học, về cơ bản tư tưởng vẫn được giữ nguyên, có khi từng chi tiết nhỏ, thoại của nhân vật vẫn được giữ lại trọn vẹn, đặc biệt là tuyến truyện “Củi mục quay về”. Trước khi đi xem phim, Mị vẫn hồ nghi về sự kết nối hai câu chuyện khác nhau thành một mạch truyện phim bởi có khi đạo diễn không hiểu tư tưởng xuyên suốt, điểm chung của hai tác phẩm là nói về những người phụ nữ không được nhìn thấy từ người đàn ông họ yêu, thương; và họ sẵn sàng làm mọi việc để một lần được nhìn thấy. Nhưng cái điều lo lắng hoá ra thừa vì kịch bản làm khá nhuyễn, tạo nên một câu chuyện thống nhất từ ba mảnh ghép của ba người phụ nữ với những người đàn ông họ yêu thương, khao khát: Hậu – Dương; Nhàn – Tam; Loan (Khùng) – Khang. Có thể do được chính tác giả văn học cố vấn, sửa chữa nên mạch văn học – truyện phim khá ổn như vậy chăng? Và cũng từ sự nối kết ấy, cả một thế giới của những phận người bị bỏ quên, chìm trong nỗi đau, bất hạnh, day dứt được thể hiện sống động, đặt ra những vấn đề mang tính thời sự, vấn đề nhân sinh muôn thuở. Và khi phim kết thúc, người xem vẫn không khỏi bận lòng, trăn trở về những phận người có thể không nhiều nhưng vẫn tồn tại chính xung quanh cuộc sống chúng ta – những người không bao giờ được nhìn thấy mặt, thấy sự hiện hữu, bị biến thành vô hình vì vô vàn lý do của cuộc sống, nhất là những người phụ nữ ở thôn quê, vùng xa xôi hẻo lánh.
Tuy khá trung thành với câu chuyện trong tác phẩm văn học nhưng cốt truyện phim có một số thay đổi về nhân vật, sự kiện, chi tiết. Có thể đó là dụng ý của đạo diễn, mang tới thông điệp khác song cá nhân Mị, khi đọc tác phẩm văn học và xem phim lại thấy đó là những điểm trừ, khiến tác phẩm điện ảnh gây hụt hẫng vì chưa tới, chưa xứng tầm với tác phẩm văn học có thể đem đến cho.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa Hậu, Dương và Nhàn. Trong tác phẩm văn học, các nhân vật Hậu, Dương vốn không có tên, mà được gọi bằng các đại từ nhân xưng: “Em”, “Chồng”. Đây là lối trần thuật đặc sắc trong các truyện của Nguyễn Ngọc Tư, khi chuyển điểm nhìn vào nhân vật, để nhân vật kể chuyện nhưng lại dùng ngôn ngữ ngôi thứ 2 tạo cảm giác câu chuyện diễn ra khách quan. Song vấn đề không phải việc nhân vật có tên hay không tên mà là tính chất mối quan hệ của họ. Phim để ba nhân vật này gắn kết một cách rõ ràng, bằng những ân oán và cả thương yêu. Hậu biết Dương từng yêu Nhàn vì khi đè cô xuống chiếc xuồng khi hai người ra về sau khi ăn cưới Nhàn Dương vô thức gọi “Nhàn ơi” trong cơn say. Cho nên, khi Hậu được Dương cưới về, bỏ mặc cô đem lòng căm thù Nhàn, dạy con vẹt nói “Nhàn ơi”, rồi chửi thề như để trêu ngươi, để chồng chú ý, để trả thù. Còn Dương thì mỗi lần đi biển về lại ra ngõ gọi Nhàn. Dụng ý của đạo diễn là tạo nên quá trình chuyển biến từ ghét, căm thù, Hậu hiểu, yêu thương, sẻ chia với Nhàn. Tính cách, tâm hồn các nhân vật tưởng được làm rõ ràng, mang tình cảm phổ biến của con người nhưng thực tế phim làm cho họ xấu xí, tầm thường, thậm chí có khi gây ra hiểu lầm Hậu là thủ phạm đốt nhà Nhàn, như một người bạn của Mị xem xong phim bảo vậy.
Và do đó, Hậu tham gia vào nhiều sự kiện trong đời sống của gia đình Nhàn, nhất là dọn dẹp, dựng lại nhà sau mấy lần Tam đốt. Sự thay đổi đó rất xa với truyện. Cá nhân Mị thấy nó làm hỏng một câu chuyện và tính cách nhân vật vốn được nhà văn xây dựng tinh tế, gián tiếp, ẩn tầng tầng lớp lớp nội tâm không bộc lộ. “Em” trong tác phẩm văn học chỉ là người đứng ngoài cuộc đời Nhàn, say sưa nhìn đám cháy, như một nhu cầu của cuộc sống “đến đám cháy như một người coi hát”, để có chuyện kể cho chồng, mong một lần được chồng nhìn thấy, hoặc để thoả mãn cảm xúc, cảm giác nhìn mọi thứ rực rỡ rồi thành đống tro tàn. Một lần duy nhất hai người trực tiếp gặp gỡ là khi nhà Nhàn bị đốt, cô qua nhà “em” mua lá dừa thì được “em” cho, còn bảo chặt luôn mấy cây gỗ mang về dựng lại nhà. Còn chồng em thì chỉ một lần vô thức duy nhất gọi tên Nhàn trong vô vọng khi đè em xuống đống rơm, một lần duy nhất nhìn thấy mặt em rực rỡ qua cây đuốc. Sau đó, dẫu có quan tâm tới Nhàn, có thờ ơ với vợ thì cũng giấu kín, chỉ thể hiện qua hành động, cử chỉ, không quan tâm đến những gì “em” kể, nằm riêng ở cái võng mà nhìn đi hướng khác. Như thế một cốt truyện về mối quan hệ phức tạp của các nhân vật trong nội tâm, suy nghĩ, tạo ra những mảnh ghép độc lập. Nếu giữ đúng cốt đó thì khi ghép mảnh Loan – Khang (các nhân vật này trong “Củi mục quay về” cũng không có tên cụ thể) sẽ logic, hài hoà hơn. Còn như cốt truyện phim thì dù có thể cùng một chủ đề, số phận, cho Loan có mối quan hệ khăng khít với Nhàn thì cái tuyến truyện về Loan – Khang vẫn như một sự lắp ghép gượng ép, rời rạc, rồi mất hút trong hai câu chuyện của Hậu – Dương, Nhàn – Tam.
Bản thân truyện của Nguyễn Ngọc Tư tạo ra một cái kết mở, lơ lửng, gợi nhiều suy tư, chiêm nghiệm. Cá nhân mình cho rằng phim cứ dừng ở cái kết đó, khi “em” (Hậu) nói với chồng (Dương) là Tam sẽ không đốt nhà nữa. Bởi Nhàn không chạy ra khỏi đám cháy có lẽ do quá mệt mỏi, cũng có thể do chỉ trong đám cháy Nhàn mới được Tam nhìn thấy. Phản ứng của Dương có thể sẽ nhìn Hậu, một lần nữa sau cái đêm năm xưa, để ít nhất một lần những nỗ lực của cô thành công; hoặc như mọi lần trước Hậu kể về đám cháy, Dương không quan tâm/ tỏ ra không quan tâm – nghĩa là Hậu thất bại hoàn toàn, cả đời chỉ được một lần nhìn thấy. Nhưng phim thì cho thêm vài chi tiết khác, rồi cho Dương hỏi Hậu một câu ngỡ ngàng “Đám cháy có mùi gì?” khiến Hậu không thể trả lời. Ánh mắt, biểu cảm đầy dữ dằn, bạo liệt của Dương trong cảnh ấy, rồi sau đó, anh ta ra đi, tay băng, mặt ám khói không khỏi khiến nhiều người xem nghĩ anh ta là thủ phạm đốt nhà Nhàn lần cuối cùng, lần Nhàn không chạy ra khỏi đám cháy. Chính việc tạo thêm các chi tiết trong mối quan hệ giữa các nhân vật ấy làm cho câu chuyện tưởng rõ mà mù mờ, khiến người xem hiểu sai về thủ phạm cũng như việc Tam đốt nhà. Mặt khác những cảnh Tam đốt nhà như đã nói ở trên, không được dựng đúng như trong tác phẩm, mà việc này làm được dễ dàng làm giảm đi ấn tượng, khiến phim không có một cảnh tượng nào đem lại hiệu hứng cảm xúc mạnh mẽ, tạo điểm nhấn, để người đọc thấy rõ bi kịch của các nhân vật: Tam nhìn đám cháy không cần biết Nhàn hiện hữu, Nhàn đăm đám nhìn Tam mong một lần được chồng thấy mình, hàng xóm thì nản lòng, “thôi kệ cha cái tụi mắc đằng dưới, nghèo mạt rệp không lo, lại đốt nhà coi chơi”. Một ngọn lửa bùng lên, 3 lớp nhân vật, 3 góc nhìn, chung một bi kịch không được ai thấy, không thấy được nhau. Phim không một lần cháy nào dựng được cảnh tượng cháy đúng nghĩa là tro tàn rực rỡ nên xem phim chỉ thấy tro tàn, không ánh sáng rực rỡ.
Một chi tiết nữa phim thay đổi làm hỏng luôn tư tưởng tác phẩm là cái đêm Hậu và Dương về cùng nhau, xảy ra cuộc làm tình chớp nhoáng của hai người, để sau họ rơi vào bi kịch. Trong truyện, Nguyễn Ngọc Tư để họ đi đường bộ, cầm đuốc, rồi Dương vùi Hậu trong đống rơm. Sau cái nhìn ngây ngất bừng cháy của anh ta với cô, anh vứt cây đuốc xuống sông. Đó là lần duy nhất người chồng nhìn thấy vợ, trong cơn say, vẫn vô thức gọi tên Nhàn. Trong khi đó phim để mọi việc diễn ra ở xuồng, Hậu tự tay giật chiếc đèn pin trên trán Dương vứt xuống sông. Có người khen chi tiết này nói rằng ngay cái giây phút ấy, hành động của Hậu tự đánh mất khả năng của Dương nhìn thấy mình. Nếu hiểu vậy thì phim làm hỏng tác phẩm văn học, thay đổi người phụ nữ từ nạn nhân của sự lãnh cảm, thờ ơ từ đàn ông thành người ngu muội, tự đánh mất cơ hội được nhìn thấy của mình. Sự thay đổi từ người đàn ông vứt ngọn đuốc sang người phụ nữ giằng và vứt chiếc đèn pin là thay đổi toàn bộ ý nghĩa của chi tiết, cũng như một phần tư tưởng tác phẩm.
Hình ảnh, cảnh quay, dựng bối cảnh
Bối cảnh phim có lẽ là yếu tố thành công nhất, gây ấn tượng như trên Mị đã nhận định khái quát khi những khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống, con người miền Tây được thể hiện chân thực, sống động, không quá thơ mộng kiểu tô hồng, nhưng cũng không tiêu điều, hiu hắt tới mức khốn khổ. Những bối cảnh hẹp của ngôi chùa Thổ Sầu, nhà Nhàn, nhà Hậu… được dựng khá trung thành với nguyên mẫu văn học. Những chi tiết về đồ đạc, sinh hoạt, công việc, cùng làn điệu cải lương, đờn ca tài tử được đan xen tạo một không khí của miền Tây đương đại. Những khuôn hình phim cũng có một số gây ấn tượng mạnh về cảm xúc, suy tư, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo trong việc chuyển thể từ tác phẩm văn học sang điện ảnh, thiên về nội tâm. Hình ảnh Hậu ép chuối khô mở đầu phim, lặp lại xuyên suốt nói lên số phận, cảnh ngộ nhân vật trong tác phẩm gốc được thể hiện khá tốt. Đọng nhất, gây ám ảnh xót xa với Mị là hình ảnh người mẹ chồng đưa Hậu đi sinh con trên chiếc thuyền qua nhiều đoạn sông, phải qua cả cái cầu tạm có ròng rọc, ngay sau đó là hình ảnh của Dương trên cái chòi cô đơn, chơi vơi giữa biển, nằm một mình, co quắp, trần truồng. Bi kịch không chỉ với những người phụ nữ mà còn cả với người đàn ông. Hình ảnh cái chòi nhỏ nhoi trên những cái dây thừng chênh vênh được quay từ góc rộng, trong gió rung, giữa biển mênh mang cũng là một hình ảnh để lại cảm giác cô đơn đến nhói buốt, những nỗi đau thầm lặng mà dai dẳng, nhức nhối, làm thay đổi tất cả tính cách, tâm hồn, cuộc đời con người. Một số hình ảnh, góc quay về các nhân vật Hậu, Nhàn, Loan sau đám cháy, lúc trời mưa… cũng làm người xem thấy xót xa về thân phận của người phụ nữ không được nhìn thấy, “suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà”.
Tuy nhiên, khi những cái tên như Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Ngọc Tư gắn với phim, cá nhân Mị chờ đợi cái gì đó đặc sắc hơn, nổi bật, rực rỡ hơn, nhất là ngay từ tác phẩm góc đã hiển hiện biết bao hình ảnh, gắn với góc nhìn như có thể thấy trước mắt. Điểm yếu lớn nhất về hiệu ứng hình ảnh chính là dựng các đám cháy nó không rực rỡ, không gây ám ảnh, không tạo được ấn tượng mạnh, làm cho người xem có thể nhầm lẫn, hiểu không thật trúng tư tưởng, thông điệp của tác phẩm. 5 lần cháy thì phim dựng 3, và cũng không đủ các lớp, các tầng của điểm nhìn đám cháy: Tam đốt và nhìn ngọn lửa như một nhu cầu để thoả mãn những cơn khát thèm, xua đi những đớn đau, tủi nhục, cay đắng bằng ánh mắt vừa dữ dằn, man dại, vừa hân hoan, say sưa, vừa đau đớn, vật vã; Nhàn nhìn Tam mà hầu như chẳng cần quan tâm tới gì, thản nhiên với đám cháy, mong một lần chồng nhìn lại, thấy mình, vừa hy vọng vừa tuyệt vọng, vừa buồn tủi nhưng cũng vừa cam chịu, chấp nhận; Hậu (em) nhìn đám cháy như một người đi coi hát, như một nhu cầu thay đổi để biết cuộc sống mòn mỏi, cô đơn, buồn tẻ còn có chuyện để kể cho chồng nghe mỗi lần anh ta về, cũng là nuôi hy vọng một lần nữa được chồng thấy mình. Dù không tham gia, chỉ là khán giả đứng xem nhưng Hậu đã quan sát, cảm nhận bằng mọi giác quan, để cả tâm trí trong đó để phân biệt sự khác biệt mỗi lần nhà Nhàn cháy từ hình ảnh, âm thanh, tới mùi vị. Rồi tiếp đó là những người dân Thơm Rơm nhìn và phản ứng với đám cháy, từ lần đầu coi như một sự kiện lớn tới lúc thấy nó bình thường, chẳng cần quan tâm… Sự lặp lại, thay đổi, nối tiếp đến kết thúc của 5 lần Tam đốt nhà chính là những hình ảnh đóng đinh trong tâm hồn của Hậu, của tác phẩm, kết nối các nhân vật, thể hiện chiều sâu ý nghĩa nhưng phim làm chưa tới, nhất là lần cháy cuối, Nhà không chạy ra khỏi đám cháy. Cái sự xót đau, khốc liệt, bạo tàn, cay cực ở quyết định đó, ở ngọn lửa thiêu rụi tất cả, ở người đốt nhà, ở người xem, ở sự thờ ơ của người xung quanh… làm nên thế giới của đời sống thì phim không dựng được. Cảnh quay này thiếu vắng Nhàn, Tam, chỉ có nhà cháy và Hậu nhìn, rồi quay cận cảnh một số đồ đạc bị cháy khiến giá trị của sự kiện bị giảm nhiều so với truyện. Rõ ràng, cái lần cuối cùng, cháy lâu nhất, êm nhất nhưng cũng rực rỡ nhất, đớn đau nhất vì Nhàn tự ném mình vào lửa như một sự giải thoát hoặc như một lần duy nhất được Tam nhìn thấy. Cái cảnh tượng này Mị rất chờ đợi những góc quay cận cảnh ánh mắt, gương mặt của Tam, của Hậu nhìn đám cháy, khi phát hiện Nhàn không chạy ra, nhưng kết cục chẳng có gì, chỉ thấy nhà cháy, Hậu nhìn rồi lao xuống dòng nước nổi lơ lửng một cách khó hiểu. Nó hụt hẫng, nhạt nhoà, khiến phim không đọng ấn tượng gì đặc biệt về hình ảnh rực rỡ.
Đọc nhiều review thì Mị thấy báo, nhà phê bình phim các kiểu viết rằng phim này quay bằng một ống kính (lens) duy nhất, trên một dải tiêu cự chủ yếu góc rộng, vừa. Mị không hiểu ý tưởng khi chỉ sử dụng một lens quay phim để làm gì khi mà phụ kiện, phương tiện hỗ trợ càng nhiều. Nhiều bạn viết quay vậy, xa xa, để tạo cái nhìn khách quan, rồi để người xem tự cảm nhận về nhân vật, sự kiện, tình tiết… Song với cá nhân Mị, một người có biết chút ít về chụp hình, về hiệu ứng hình ảnh thì cách làm đó là yếu tố làm phim nhạt, bàng bạc, gây thất vọng cho người xem. Ngay trong truyện của chị Tư, có rất nhiều chi tiết miêu tả cận cảnh, miêu tả gương mặt, nhất là ánh mắt của nhân vật. Và tính chất của tác phẩm là dòng độc thoại, là thế giới nội tâm mà không quay bất cứ góc cận cảnh nào về nhân vật thì không hiểu chiều sâu nội tâm thể hiện bằng cách nào trong ngôn ngữ điện ảnh? Và xuyên suốt 2 tiếng xem phim, các khuôn hình cứ hiện lên same same nhau không chỉ gây nhàm chán mà còn mệt mỏi, trong nhịp phim vốn dĩ đã chậm.
Mà mặc dù phim chọn làm theo nhịp chậm nhưng có nhiều cảnh, hình ảnh cần đọng, dừng lâu thì bị lướt quá nhanh, không đọng gì. Ví dụ như đoạn gần cuối, có hình ảnh của Loan ngồi bên cổng chùa, nhìn ra sông, bơ vơ chờ Khang về lướt đi cực nhanh mà lẽ ra cần phải dừng lại, để đọng thêm một số phận, một dạng thức nữa của người phụ nữ không được nhìn thấy. Ba số phận của ba người phụ nữ, nhưng với cách dựng, kể bằng hình ảnh, tình tiết thì tuyến của Loan (khùng) gây ấn tượng như thêm vào cho có, rồi mất hút trong những câu chuyện của Hậu, Nhàn. Nhiều hình ảnh không liên quan gì đến mạch phim khiến cảm giác phim bị loãng, mọi thứ dư thừa. Ví dụ như cảnh chiếu trên Tv ngay cảnh mở đầu, phát bài hát “Xin mặt trời ngủ yên” quay quá lâu người hát, khiến Mị nghĩ người hát đó cũng có liên quan gì đến câu chuyện của phim. Nhưng thực tế nó chỉ là một yếu tố nhỏ trong phối cảnh. Mà yếu tố trong phối cảnh thì có khi chỉ cần tiếng hát, không cần quay hình ai hát, chứ chưa nói đến việc dừng lại lâu tới vậy. Những đối thoại của nhân vật, thực ra phần lớn là độc thoại, nhất là của Hậu và Dương thì tạo góc quay, hình ảnh cũng kém. Nó rời rạc, quay riêng từng người khiến người xem cảm tưởng họ không liên quan gì tới nhau. Mấy cảnh tượng đó trong tổng thể chủ đề tác phẩm cần cảnh quay song song, họ vẫn gần gũi về khoảng cách vật lý, vẫn nói với nhau nhưng mỗi người theo một hướng, mỗi người chẳng cần biết người kia nói gì, nhất là tuyến Hậu – Dương mỗi khi Dương về, nằm thu mình như cái kén trên võng, mặc Hậu kể về Nhàn, về những đám cháy.
Màu phim tương đối ổn, phù hợp với bối cảnh, cốt truyện, không khí, nhân vật, tư tưởng và những thông điệp mà phim muốn nhắn gửi. Tuy nhiên bản thân mình đọc từ truyện tới xem phim thì có cảm giác màu phim u ám, ảm đạm, mờ xám hơn mức cần thiết. Việc thay đổi màu phim qua những cảnh khác nhau cũng là một cố gắng để tạo ấn tượng cho phim song do từ góc quay, hình ảnh, dựng cảnh, diễn xuất nên những sự thay đổi đó đã không đạt được thành công như mong đợi. Nói chung màu tro tàn nhiều mà màu rực rỡ thì không có nổi. Mị thấy nhận xét của anh bạn xem trước có lý: phim đi quá vào tiểu tiết thành ra vụn vặt, dựng phim tạo cảm giác sơ sài, không có điểm nhấn hay một cảnh tượng nào đặc biệt, xứng tầm với những gì mà bản thân truyện gốc miêu tả khá cụ thể, sống động về “Tro tàn rực rỡ”. Phim không kịch tính, cũng không đem đến nhiều dữ kiện, lại tạo cảm giác lơ lửng, hụt hẫng, nhàn nhạt, lê thê, nhàm chán về cuối.
Diễn xuất và lời thoại
Diễn xuất của các diễn viên trong phim không dở tới mức như anh bạn mình nói là ra chợ nhặt đại vài người vào diễn nhưng thực tế thì đây chính là điểm trừ lớn nhất. Hầu hết các diễn viên diễn đều tưng tửng, một màu, một kiểu biểu cảm ánh mắt, nét mặt. Diễn viên trong vai Hậu mặt mang kiểu nét hơn hớn, rất khó hợp với những đoạn thiên về nội tâm, thể hiện qua độc thoại. Hầu như không có vai diễn nào để lại ấn tượng diễn xuất mang chiều sâu, nét riêng, lột tả những xung đột, đớn đau trong lòng của nhân vật. Nên các vai chính bị mờ nhạt, trượt trôi, đặc biệt vai Tam. Trong truyện Tam là nhân vật chính, là người sinh sự, tạo biến cố, từ đó các nhân vật khác bộc lộ qua cái nhìn, những cảm xúc từ đám cháy, qua mỗi lần anh ta đốt nhà. Song cách dựng phim còn khiến người xem khó biết anh ta đốt nhà lần nào, nếu các nhân vật khác không nói ra. Vai Dương tròn trịa nhất nhưng cũng không quá sắc nét, một nhân vật trong truyện là vai phụ, gần như chỉ là đối tượng để Hậu (em) khao khát nhưng vào phim lại là nhân vật đọng lại ít nhiều ấn tượng.
Dĩ nhiên ở một số cảnh, tình tiết, trường đoạn có thể diễn xuất này của các diễn viên đem lại cảm giác chân thực, kiểu cuộc sống, con người vốn thế. Song các nhân vật trong tác phẩm này, đằng sau vẻ ngoài bình lặng, thản nhiên là cuồn cuộn nội tâm, xúc cảm mãnh liệt của đau thương, dằn vặt, khao khát, uất hận… mà lúc nào cũng tưng tửng thì không khỏi khiến người xem thấy khó chịu, hời hợt. Cũng có thể chọn quay bằng một lens duy nhất nên rất hiếm khuôn hình, góc quay cận mặt để các diễn viên thể hiện diễn xuất qua biểu cảm trên gương mặt, ánh mắt. Một phần khác do nhiều tình tiết phim thêm vào, thay đổi cũng khiến cho tính cách nhân vật thay đổi và diễn xuất chưa tới gây nên cảm giác bức bối, rời rạc, nhợt nhạt.
Một trong cách xử lý của phim khá hay là để Hậu độc thoại, kể cả những lần cô kể đám cháy nhà Nhàn cho chồng nghe. Khai thác độc thoại này để khơi sâu nỗi cô đơn, bi kịch của một người phụ nữ dù cố gắng tới mấy, làm gì, nói gì, thể hiện gì, dù chồng ở bên cũng không được một lần nhìn thấy. Song với một tác phẩm điện ảnh, việc để độc thoại triền miên, nhất là những cuộc đối thoại với chồng cũng gần như không dựng hình ảnh cả hai người khiến cho phim mất chất điện ảnh. Độc thoại vốn là ngôn ngữ đặc trưng của văn học, nghệ thuật ngôn từ, chứ không phải ngôn ngữ của điện ảnh. Nội tâm nhân vật có khi chỉ cần một ánh mặt, cử chỉ, hành động cũng đủ làm người ta phải run rẩy. Diễn xuất đuối và lạm dụng độc thoại, cùng cách dựng phim vụn cảnh nên nhiều lúc cảm giác nhân vật đang đọc truyện chứ không phải đang thấy một con người giãi bày nỗi niềm trong cảnh ngộ bi ai.
Mặt khác, đài từ của diễn viên trong vai hậu không ra được giọng Nam Bộ, phát âm theo kiểu Việt Kiều cũng gây ra cảm giác sống sượng, mất đi không khí miền Tây của phim. Chưa kể các câu thoại, kể cả độc thoại quá dài, chuẩn chỉnh, thậm chí nhiều lời thoại lấy nguyên câu văn gốc trong truyện khiến nó giống như đọc hơn là những lời nói mang tính chất đời thường, trong sinh hoạt, cuộc sống. Ngôn ngữ truyện sắc sảo nhưng vì lời thoại không được cô đặc, lê thê, lại phát âm không thật rõ khiến cả phim không có một câu nói nào để khán giả nhớ, thấm thía chủ đề, nội dung, tư tưởng hay thông điệp nhắn gửi. Vì thế nhiều chỗ của phim khá kịch, hoặc như đọc để trả bài trong hoạt động đọc sách nhập vai.
Âm nhạc
Nhạc phim nói chung không tệ, hợp với việc dẫn dắt câu chuyện bi kịch, chậm rãi, không khí u buồn, ảm đạm. Một số đoạn đưa đờn ca tài tử vào tạo nên chất miền Tây sông nước. Ngay cảnh đầu phim dùng ca khúc “Xin mặt trời ngủ yên” của Trịnh Công Sơn để nói về thân phận cũng khá ấn tượng. Song thực tế thì dân miền Tây, nhất là dân lao động mấy người nghe nhạc Trịnh kiểu hát như gã du ca? Ca khúc hợp với nội dung phim nhưng có vẻ lại trật với bối cảnh, không khí, văn hoá, cuộc sống của con người trong phim. Trong một đoạn ăn cơm ở gia đình Hậu khi Dương về, tivi phát một đoạn hát xẩm của cụ Hà Thị Cầu. Mị cố nghe nhưng không ra bài xẩm nào nhưng cũng có thể là một bài xẩm trách chồng vô tình, vô trách nhiệm với gia đình. Nhưng dù là bài xẩm đó hay không thì nó cũng lạc quẻ, là một hạt sạn rất lớn về văn hoá vùng miền. Dân miền Tây, nhất là dân lao động, những kiểu người lầm lũi chả ai biết tới xẩm, các kênh truyền hình cũng không chiếu xẩm. Mà bối cảnh phim khi đó cho bài xẩm càng dở ở gia đình Nam Bộ. Nói thực trong cái không khí đặc quánh bởi những ẩn ức, ấm ức, khao khát của người phụ nữ trong sự vô tình, hờ hững của ông chồng lênh đênh bỏ nhà đi biển thì không gì hay hơn vang lên một khúc điệu “Dạ cổ hoài lang”. Có lẽ căn tính Bắc của đạo diễn, dù cố mấy, cũng chưa nhập được vào văn hoá, tâm hồn của người Nam là vậy.
Vài lời kết
So với mặt bằng phim Việt trong 2 năm trở lại đây thì “Tro tàn rực rỡ” cũng là một phim khá. Nhìn vào từng mặt thì còn rất nhiều sạn, thể hiện tư duy điện ảnh và kỹ thuật khá non nhưng tổng thể vẫn để lại một số ấn tượng nhất định, truyền đạt ở mức độ nào đó tư tưởng, những vấn đề mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trăn trở, day dứt đặt ra trong tác phẩm của mình được chuyển thể. Đây là phim đi xem cũng được một cái gì đó, không đến nỗi phí thời gian và tiền bạc nhưng dứt khoát nó không phải kiểu phim xuất sắc, có ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ, độc đáo, hay cách thể hiện tinh tế, đặc biệt, ấn tượng. Nó không phải kiểu phim không đi xem thì tiếc nuối, hoặc đọng lại nhiều dư âm, dư ảnh, khiến người ta phải lặng đi, có thể khóc nghẹn ngào cho thân phận của các nhân vật, điều đáng phim phải làm được đến mức đó.
Thứ nữa là so với tác phẩm văn học gốc mà phim chuyển thể thì thực sự phim làm chưa tới. Tác phẩm văn học ở một tầm cao nghệ thuật còn phim như một người tập chuyển thể sao cho giống nhất cái vỏ bề ngoài của cốt truyện, chi tiết, còn hồn bên trong thì không nắm bắt được, hoặc nắm bắt được mà không dùng ngôn ngữ điện ảnh chuyển tải được, dù việc này hoàn toàn có thể làm dễ dàng. Bở cái cảnh then chốt, hay, ấn tượng, ám ảnh người đọc, để họ phải “day đi dứt lại” là đám cháy, nhất là lần cuối cùng, trong tác phẩm văn học miêu tả rất điện ảnh, người đọc có cảm giác như nhìn thấy ngay trước mặt thì phim lại dựng thoáng qua, hời hợt, thiếu hẳn những nhân tố quan trọng nhất là Tam nhìn đám cháy, Nhàn trong lửa, Hậu nhìn đám cháy trong sự tiếc nuối, xót xa… Điều này giống như kiểu làm được cái hình sắc, thể xác bề ngoài mà hồn bên trong thì thiếu, nên lửa bùng lên, mọi thứ thành tro tàn mà phim không thể có gì rực rỡ, người xem không thấy gì rực rỡ trong phim.
Với một tác phẩm hay, nhiều đất để dựng như truyện “Tro tàn rực rỡ” nhưng phim chỉ được vậy thì có thể coi là một thất bại, nhất lại là phim đi theo hướng nghệ thuật. Tư duy, xử lý ngôn ngữ điện ảnh quá tầm thường với một đạo diễn đã thành danh, với một ê-kip làm phim có sự tham gia trực tiếp của tác giả viết truyện được chuyển thể. Mọi thứ đều bằng phẳng, không có phút nào thăng hoa, để tác phẩm thành một ngọn lửa rực rỡ như nhân vật của truyện đã dám sống, dám tự biến mình thành một đống tro tàn để một phút rực rỡ.
Nhận xét
Đăng nhận xét